Hỏi và giải đáp 372: “Giặc bên Ngô…”

10 Tháng Tư, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em X, một người gặp rắc rối triền miên trong quan hệ với em gái của chồng. Để tránh sự nhận diện, TL sẽ chỉ rất tóm tắm, và thay đổi một phần hoàn cảnh của X:

X và chồng (Y) sống rất hòa hợp hạnh phúc, “problem” duy nhất là quan hệ với gia đình chồng, mà chủ chốt không phải mẹ chồng mà là cô em chồng (A). A đã lập gia đình nhưng rất có uy với gia đình, và luôn kình chống các bà chị dâu, nhất là X, có lẽ vì X “không chịu thua một cách dễ dàng”. Gia đình Y lại là một gia đình có truyền thống xum họp quây quần cho nên cứ phải đụng độ nhau…

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

Nói về mặt tiêu cực trong quan hệ giữa nàng dâu và gia đình chồng, thì sau “mẹ chồng – nàng dâu” phải là “chị dâu – em chồng”; dĩ nhiên là em gái. Vì thế, người Việt Nam mình có câu “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” (giặc Ngô là quân Tàu đô hộ nước ta vào thời Bà Triệu khởi nghĩa).

Dĩ nhiên, những gì đã được ông bà đưa vào ca dao tục ngữ thì không sai. Mà chẳng phải chỉ có người Việt, mà bất cứ dân tộc nào cũng vậy, “cô” cũng không được cảm tình bằng “dì”. Cứ xem phim ảnh, đọc truyện tây phương thì thấy rõ. Tuy nhiên, như cô đã viết nhiều lần trong các vụ “mẹ chồng – nàng dâu”, nếu chúng ta có cái “tâm” và sự khôn khéo thì kể cả trong trường hợp tệ hại nhất, cũng có thể chung sống hòa bình.

Thế nhưng chữ “tâm” nghe thì đơn giản nhưng không phải ai cũng đạt được. Viết một cách rõ ràng hơn là đa số chúng ta thường nghĩ tới bản thân mình, luôn cho mình là đúng, sẵn sàng ăn thua đủ để bảo vệ quyền lợi, lập trường… Hai con người như thế mà “đụng” nhau thì đương nhiên có sự xung đột, kình chống. Và, vì người nào cũng cho rằng mình đúng, cho nên nếu một trong hai không lùi, thì sẽ “kẻ u đầu người sứt trán”!

Vì thế, trong bất cứ trường hợp xung đột nào, TL cũng chủ trương giải quyết một cách ôn hòa, bằng thiện chí của đôi bên. Và nếu chúng ta thực sự sống bằng cái “tâm”, thì không cần đợi đối phương tỏ thiện chí trước; bởi nếu cả đôi bên cứ… đợi nhau thì biết tới bao giờ?!

Đi vào trường hợp của em, cô cũng chẳng có lời khuyên nào mới lạ hơn là những gì đã đã khuyên các em, các cháu trong các vụ mẹ chồng – nàng dâu:

– Thứ nhất, dù A đối xử với mình như thế nào, em cũng phải sử sự với cung cách một người chị. Tuổi tác không thành vấn đề, đã lấy “anh” là trở thành “chị”. Làm “chị” nói riêng, “anh chị” nói chung, có bổn phận và quyền lợi; nhưng nếu là người có thiện chí, chúng ta phải chu toàn bổn phận trước, còn quyền lợi có được hưởng hay không, hạ hồi phân giải!… Chính vì thế, thái độ lý tưởng nhất của những người làm anh làm chị là không chấp nhất với em út.

– Thứ nhì, tìm hiểu tính tình, con người, sở thích của A để tìm cách gây thiện cảm. Người Việt có câu “ngọt mật chết ruồi”, tùy trường hợp được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Trong chuyện của em, là “lấy điểm” cô em chồng bằng “lời nói không mất tiền mua”, bằng những hành động không tốn kém.  Chẳng hạn nếu A là là người thích trưng diện, giữ gìn thân hình, thì em tìm một ưu điểm nào đó của A để khen “một cách quá lời” (nhưng không nên giả dối, A tinh ý sẽ biết). Hoặc tỏ ra đặc biệt âu yếm, quan tâm tới một đứa con nào đó của A…

– Thứ ba, cho dù A lạnh lùng, thậm chí kình chống mình, em hãy tỏ ra độ lượng, không chấp nhất, không “khai trừ” A. Thí dụ: tiệc tùng, party sinh nhật các cháu phải mời “cô”, hoặc trong các album hình, hay khung trưng hình của gia đình, nên có một vài tấm của A, chắc chắn “bà cô bên chồng” sẽ cảm động!

– Cuối cùng, nên xem chồng như một cầu nối giữa em và A. Tuyệt đối không nên càm ràm, gây gổ với chồng về những điều không phải, không đúng của A. Bởi vì nếu chồng em không dám đụng tới A, sẽ bực bội trong lòng; trường hợp chồng em “mắng vốn” A, thì “căng thẳng ngoại giao” giữa em và cô em chồng càng thêm căng thẳng!

Tóm lại, trong truờng hợp của em, được lòng cô em chồng này chính là được lòng cả gia đình chồng. A thích làm sếp thì cứ để cho A làm sếp. Bởi vì, kinh nghiệm hơn nửa đời người đã khiến cô nhận ra một chân lý: ai thích làm sếp, người đó cực!

Thanh Lan