Hỏi và giải đáp 377: Người mẹ có con hư!

22 Tháng Tư, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Như đã viết trong Hỏi và giải đáp số 375, TL sẽ đăng lá thư góp ý của một nam độc giả về bài “Đổ vỡ đáng tiếc” (Hỏi và giải đáp 373), tuy nhiên, thiết nghĩ lá thư TL mới nhận được của em X, một người mẹ tự nhận “có con hư”, cần được ưu tiên hơn, nên TL đành phải cáo lỗi cùng vị nam độc giả nói trên.

Sau đây xin đăng nguyên văn lá thư của em X:

…Em có một đứa con trai năm nay 16 tuổi. Từ nhỏ cháu là một đứa bé lanh lợi, thông minh học giỏi, nhưng vào năm 13 tuổi, chị cũng biết, cháu bước vào tuổi teen là cái tuổi mà ai cũng nói là khó mà dạy được thì cháu thay đổi rất nhiều, bắt đầu mê chơi, có bạn gái, trốn học…, thôi thì không có điều gì xấu mà cháu không làm. Cháu thay đổi từ hình dáng, để tóc, đeo bông tai… cho đến tính tình, hễ mở miệng ra là chửi thề và rất dễ nổi nóng.

Hai vợ chồng em quan tâm đến cháu rất nhiều, đưa rước đi học và về học mỗi ngày, kiếm thày dạy kèm, trò truyện hỏi han, tổ chức những sự kiện nhỏ trong gia đình thành những buổi họp mặt có cô, chú… để cháu thấy gia đình là quan trọng. Tất cả những gì vợ chồng em có thể hy sinh cho con đều đã làm, vậy mà cháu không thay đổi chị ạ, cháu chơi với toàn bạn xấu mà cấm cháu không được, rồi tập tành hút thuốc và thử cả cần sa, gia đình biết được khuyên lơn dữ lắm, cháu có hứa sẽ bỏ nhưng em sợ rồi cháu lại làm tiếp tục.

Em rất khổ tâm, khóc lóc với cháu rất nhiều lần, luôn cho cháu thấy tình yêu thương của bố mẹ dành cho cháu, nhưng em cảm thấy bất lực khi nhìn thấy sức học của cháu mỗi ngày mỗi tệ đi, đi học về là bám lấy cái computer chơi game hoặc chat với bạn cho đến 2, 3 giờ khuya vẫn không chịu đi ngủ, cuối tuần thì không bao giờ ở nhà, đi chơi về trễ, có khi ngủ luôn ở nhà bạn mà không báo cho cha mẹ biết, mặc dù em đã có nhắc nhở cháu nhiều lần.

Em mất ngủ rất nhiều đêm, suy nghĩ làm cách nào để giúp con, chỉ biết cầu nguyện mỗi ngày, thật là đau khổ khi làm mẹ mà có con hư chị ạ. Em rất mong có được những lời khuyên của chị và của các bậc phụ huynh khác.

Kính thư,

Người mẹ có con hu!

X.

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

Trong việc dạy con, nhất là ở xã hội Úc này, không ai có thể nói hay được. Bởi vì có những gia đình TL biết cả cha mẹ đều có trình độ, đạo đức, tư cách, nhưng con hư vẫn hư. Nếu tìm hiểu sâu xa, chúng ta sẽ thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau: đứa trẻ khó dạy, cha mẹ con cái xung khắc, hoặc cha mẹ không nom dòm tới con, hoặc nuông chiều một cách vô lý, cho con được hoàn toàn tự do ngay từ nhỏ, v.v…

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cũng có một số nguyên tắc căn bản, chẳng hạn “dạy con từ thuở còn thơ”, nghĩa là ngay từ lúc có trí khôn đã cho vào khuôn khổ, ngay từ lần sai phạm đầu tiên đã có biện pháp, thì có nhiều hy vọng con sẽ không hư.

TL viết “có nhiều hy vọng” chứ không viết “chắc chắn”, bởi vì chính ông bà mình đã phải nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, gặp những cháu khó dạy thì mình đành chịu thua. Thế nhưng một đứa trẻ “khó dạy” chưa chắc đã “hư”. Và ngay cả chữ “hư”, như thế nào thì bị  xem là hư, cũng còn tuỳ quan niệm của mỗi người, và đôi khi còn phải chờ tương lai, xem đường đời của nó ra sao…

Vì thế, mặc dù con trai của em (tạm gọi là cháu A) hiện đang làm vợ chồng em thất vọng, đau khổ, chúng ta cũng chưa nên khẳng định cháu đã “hư”. Đồng thời, TL cũng xin miễn bàn về những chuyện đã qua, tức là mổ xẻ phân tích nguyên nhân, mà chỉ bàn về hiện tại.

Hiện tại, cháu A là một người con trai 16 tuổi, với những tật xấu lây từ chúng bạn, với việc học hành ngày càng đi xuống; suy ra, tương lai của cháu không mấy sáng sủa. Mặc dù trong bao năm qua, vợ chồng em đã cố gắng hết mình, nhưng không nên vì thế mà đổ lỗi cho cháu. Ở đời, ai mà chẳng muốn có một tương ai tốt đẹp. Cháu A cũng thế thôi, nhưng vì đầu óc non trẻ, tuổi teen ham chơi, bồng bột, cháu đã không hề, hoặc chưa biết nghĩ tới tương lai. Buồn thì buồn, nhưng em cũng không nên trách cháu, mà có trách là trách xã hội chúng ta đang sống, một xã hội tự nhận là văn minh nhưng có quá nhiều nguy cơ hư hỏng cho trẻ con, mà cha mẹ lại bị tước quyền kiểm soát, kỷ luật.

Cho nên, X càng có nguy cơ hư, thì vợ chồng em càng phải thương cháu. Hiện nay, cháu chưa trưởng thành, chưa có quyền bỏ phiếu, chưa được phép lái xe, nhưng với sự trợ giúp, can thiệp của xã hội, cháu có thể “bung” luôn. Vì thế, trước hết, bằng mọi giá, đừng để cháu rời bỏ mái ấm gia đình. Muốn cháu đừng rời bỏ thì đừng tạo cho cháu mặc cảm “con cừu đen” – black sheep of the family!… Việc X để tóc, đeo bông tai…, em không nên xem là một “big deal”, bởi vì trong khi có thể khiến em ngứa mắt, thì với nhiều người, đây chỉ là một hình thức thể hiện quyền tự do. Cách đây mấy năm, tại xứ đạo của người Úc nơi TL sinh sống, có một Đức Ông (Monsignor) từ Hoa Kỳ sang thuyết giảng, và Ngài đã hãnh diện vì mình “có lẽ là Đức Ông đầu tiên của giáo hội đeo bông tai”. Gần gũi với chúng ta hơn là cựu Lãnh tụ Tự Do Brendan Nelson, mỗi khi chạy xe mô-tô, ông cũng đeo một cái bông tai cho đúng điệu!

Về việc học hành, đồng ý rằng X đang khiến vợ chồng em phải thất vọng, nhưng đừng bao giờ bày tỏ ra, bởi chẳng những không ích gì mà còn khiến cháu mang mặc cảm “con cừu đen” như đã nhắc tới ở trên.

Em cho rằng tất cả mọi cố gắng của vợ chồng em trong việc để X thấy gia đình là quan trọng, đều vô ích (bởi vì X vẫn “hư”) là một suy nghĩ thiếu đúng đắn. Bởi vì nếu không có những có gắng ấy, giờ này không biết X đã “hư” tới mức nào rồi!

TL không viết để an ủi em, mà thực tế là nếu em nhìn xuống,  sẽ thấy mình còn may mắn hơn những gia đình có con cùng tuổi với cháu X mà nay đã nghiện ngập, bụi đời, thậm chí bị đưa vào trại cải huấn.

Hơn nữa, qua tuổi teen, thường thường các cháu trai sẽ nghĩ lại. Và trong khi chờ đợi ngày X sẽ nghĩ lại, vợ chồng em nên tiếp tục bày tỏ tình thương, và đừng bao giờ bày tỏ sự thất vọng về cháu. Điều quan trọng là X đừng hư luôn (nghiện ngập, bụi đời, tù tội…), còn tương lai có thành đạt hay không, là chuyện phụ. Ở một nước tây phương như xứ Úc chúng ta đang sống, chỉ cần có một cái nghề và chí thú làm ăn, là cũng có thể đầy đủ, sung túc, không nhất thiết phải làm ông nọ, bà kia.

TL không cầu mong em sẽ lạc quan, chỉ cần bớt tuyệt vọng, buồn khổ, dần dần sẽ nguôi ngoai.

Thanh Lan