Từ Quảng Trị đến Melbourne: Khai mạc Đại hội Thánh mẫu La Vang kỳ 3

05 Tháng Năm, 2018 | Tin nước Úc
Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long (với Đức cha Hải Phòng Vũ Văn Thiên đứng bên cạnh) trong nghi thức khởi đầu buổi rước kiệu Đức Mẹ đến địa điểm hành lễ. Hình: TVTS

Đại hội Thánh mẫu La Vang kỳ 3 với chủ đề “Về bên Mẹ La Vang, trở về cội nguồn Việt” đã diễn ra  sáng nay, Thứ Bảy 5.5.2018 tại Trung tâm Công giáo Hoan Thiện ở vùng Keysborough, đông nam Melbourne.

Đại hội  Thánh mẫu La vang 3 cũng là lúc Đức giám mục Vincent Nguyễn Văn Long, cựu Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne và nay là Giám mục Giáo phận Paramatta (tây Sydney) chính thức công bố Trung tâm Hoan Thiện nay trở thành Trung tâm Thánh mẫu La Vang, đã được Đức Tổng Giám mục  Denis Hart TGP Melbourne chấp thuận từ giữa tháng 4 vừa qua.

Thế là từ nay, cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Melbourne nói riêng và ở nước Úc nói chung có một trung tâm gọi là Trung tâm Thánh mẫu La Vang.

Linh mục Vũ Ngọc Tuyển, tuyên úy của cộng đoàn Toma Thiện trong bài diễn văn chào mừng  quan khách cũng đã cho biết Tòa Tổng Giám mục Melbourne đã cho phép xây Trung tâm Thánh mẫu La Vang với chi phí dự trù khoảng $6.5 triệu đô la và sẽ khởi công trong nay mai. Cũng có người trong ban đại diện cộng đoàn Toma Thiện nói với TVTS việc khởi công xây cất trung tâm sẽ bắt  đầu vào ngày 13.5.2018 nếu mọi việc diễn ra như dự tính.

Đức cha Vincent Long sau đó đã làm phép đặt viên đá đầu tiên trước sự hiện diện của cộng đoàn.

Đại hội Thánh mẫu La Vang diễn ra lần đầu tiên vào năm 2013, cũng là năm đánh dấu 25 năm 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam được Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô II nâng lên hàng hiển thánh vào ngày 19.6.1988.

Đại hội Thánh mẫu La Vang kỳ 2 diễn ra vào năm 2015. Đại hội năm nay đánh dấu 220 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Rước kiệu Đức Mẹ đến địa điểm hành lễ trong ngày khai mạc. Hình: TVTS

Lịch sử La Vang

Theo truyền thuyết,  Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1798.

Năm đó,  vua Cảnh Thịnh  Nguyễn Quang Toản ra chiếu chỉ cấm đạo, người Công giáo bị bách hại nên họ phải trốn vào vùng đồi núi hẻo lánh ở Quảng Trị nay gọi là La Vang, nơi rừng thiêng nước độc.

Cũng theo truyền thuyết, La Vang có nghĩa là la vang lên, một cách các tín hữu báo hiệu cho nhau khi có thú dữ đến.

La Vang cũng có thể  biến hóa từ chữ Lá Vằng, một loại cây có lá mà người ta dùng để nấu nước uống và trị một số bệnh. Người miền Trung phát âm hai chữ Lá Vằng thành La Vang.

Theo truyền khẩu, năm đó Đức Mẹ hiện ra ở một cây đa hay cây cổ thụ nơi các tín hữu đang trú ẩn, đọc kinh cầu nguyện.  Đức Mẹ an ủi họ và hứa:  “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ rày về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn mẹ ở chốn này, mẹ sẽ nhận lời theo ý nguyện”.

Vì vậy, có những người hành hương La Vang  hái lá của cây Lá Vằng gần đài Đức Mẹ mang về nhà nấu nước uống với hy vọng chữa khỏi bệnh.

Do được giáo dân sùng kính, nên La Vang trở thành nơi hành hương và đến năm 1901  Đại hội Thánh mẫu đầu tiên diễn ra dưới thời Đức cha Caspar Lộc.  Sau đó, cứ  khoảng mỗi ba năm diễn ra một lần với hàng chục ngàn giáo dân tham dự.

Năm 1958 đại hội La Vang kỳ thứ 14 kỷ niệm 160 năm Đức Mẹ hiện ra dưới thời Đức cha người Pháp Urrutia Thi làm giám mục giáo phận Huế. Đức Giáo hoàng Gioan 23 đã cử Đức hồng y Agagianian, tổng trưởng Bộ truyền giáo đến dự. Có khoảng 50,000 người hành hương trong đó có người viết bài này.

Nhưng Đại hội Thánh mẫu La Vang kỳ thứ 15 năm 1961 mới được coi là lớn nhất với khoảng 300,000 người tham dự dưới sự chủ tọa của Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Dù giáo hội không chính thức nhìn nhận La Vang như Fatima hay Lộ Đức, nhưng  Đức giáo hoàng Gioan 23 đã ưu ái Giáo hội Việt Nam sùng kính Đức Mạ La Vang bằng cách nâng nhà thờ La Vang lên cấp Vương Cung Thánh Đường.  Và cũng từ đó, La Vang được Hội đồng Giám mục VN đặt cho danh hiệu Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc.

Xơ Nguyễn Thị Hồng Quế từ Việt Nam sang dự đại hội với những bài thuyết giảng cho cộng đoàn trong hai ngày đại hội. Hình: TVTS

Sau năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cấm các tu sĩ và giáo dân hành hương La Vang bằng cách chận đường hay bắt bớ, nhưng  giáo dân vẫn đi chui để hành hương với con số khoảng 10,000 mỗi đại hội.

Đến khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài,  việc ngăn cấm không còn. Tuy nhiên Tòa thánh vẫn không  thể cử đại diện đức giáo hoàng sang La Vang dự lễ.

Đại hội Thánh mẫu La Vang lần thứ 24 vào năm 1998 kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra, vì vậy, Đức giáo hoàng Gioan Phao Lô II đã cử  Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng  của TGP Hà Nội đến dự với tư cách đặc sứ của đức giáo hoàng. Có khoảng 200,000 giáo dân tham dự dự.

Nhưng Đại hội Thánh mẫu La vang lần thứ 29 vào năm 2010 là  dịp bế mạc năm thánh được coi là một bước ngoặt. Nhà nước Việt Nam lúc này không những chấp nhận đặc sứ Tòa thánh từ Vatican đến dự mà còn phái viên chức cao cấp của chính phủ đến dự là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ngồi chung với hồng y đặc sứ.

Thánh lễ do Đức Hồng y Ivan Dias – Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Benedict 16, chủ tế cùng với 35 giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, 7 giám mục thuộc các Hội đồng Giám mục anh em và khoảng 1200 linh mục.

Hơn 500,000 tu sĩ và giáo dân khắp nơi trong nước và ngoài nước đã tham dự Thánh lễ đặc biệt long trọng này.

Đại hội lần thứ 31 diễn ra vào năm 2017 do TGM Giáo phận Huế Nguyễn Chí Linh chủ tế. Có hơn 50,000 tham dự trong ngày đầu.

Vậy,  từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã có 31 đại hội thánh mẫu. Do hoàn cảnh khách quan và chiến tranh, nên tính trung bình hơn  mỗi bốn năm có một đại hội.

Tại Hoa Kỳ, trong khoảng 40 năm qua, mỗi năm đều có đại hội mang tên Đại hội Thánh Mẫu ở thành phố Carthage,  Missouri do Dòng Đồng Công tổ chức, có hành chục ngàn giáo dân khắp nơi đến dự.

Tại Úc, đại hội thánh mẫu đầu tiên với danh xưng Đại hội Thánh Mẫu La Vang đã được Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long tổ chức vào năm 2013. Đây là một sự kiện lớn của người Cộng giáo Việt Nam tại thành phố Melbourne.

Năm nay, với sự hiệp thông cùng dân chúa ở Melbourne, có những giáo sĩ và tu sĩ từ hải ngoại đến dự như Đức Cha Vũ Văn Thiên, giám mục Giáo phận Hải Phòng;  Linh mục Vũ Hải Đăng từ Hoa Kỳ và Xơ Dòng Đa Minh Nguyễn Thị Hồng Quế từ Việt Nam. Hai vị sau, hôm nay sau thánh lễ khai mạc vào buổi sáng, đã  hướng dẫn sinh hoạt chung  cho cộng đoàn (Cha Hải Đăng)  và thuyết giảng (Xơ Hồng Quế).

Được biết đây là lần đầu tiên Xơ Hồng Quế đến Úc. Tối nay, sẽ có chương trình văn nghệ do anh Châu Xuân Hùng đảm trách.

Đại hội Thánh mẫu La Vang sẽ tiếp tục vào ngày mai, Chủ Nhật 6.5 và sẽ chấm dứt vào 5.30pm với màn thả bong bóng như trong lễ khai mạc sáng nay.

Đức cha Vũ Văn Thiên sẽ chủ tế và Đức cha Vincent Long sẽ giảng lễ.

Mời quý vị xem video phóng sự buổi lễ khai mạc và phóng vấn Đức cha Long, các linh mục, tu sĩ và ban tổ chức Đại hội Thánh mẫu La Vang kỳ 3 trên mạng tvtsonline.com.au từ tối nay (Thứ Bảy 5.5) và trong chương trình Thời sự Trong Tuần vào tuần tới.

Tin tức về đại hội cũng được tường thuật trên báo giấy TVTS phát hành vào Thứ Tư 9.5.2018

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 5.5.2018