Quốc hội VN bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo

14 Tháng Mười Một, 2014 | Tin Việt Nam

 


 


 








Hình thức bỏ phiếu tín nhiệm đã được sử dụng từ trước. photo Courtesy: Tuổi Trẻ

 


Các đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu tín nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt ngày 15.11 tuy chưa rõ báo chí đưa tin thế nào.


 


Sáng 14.11 có tin lãnh đạo Quốc hội yêu cầu báo chí không đưa tin về việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.


 


Thông cáo từ Trung tâm báo chí Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã nêu yêu cầu này theo “ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội”.


 


Các nhà báo cũng được đề nghị không tham dự một số sự kiện. Tuy nhiên sau đó, lại có tin báo chí sẽ được tham dự và đưa tin. Theo lịch trình, sáng thứ Sáu 14.11 Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với các vị trí lãnh đạo cao cấp nhất.


 


Trong số 50 vị trí được mang ra lấy phiếu tín nhiệm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.


 


Sáng thứ Bảy 15/11 Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và kết quả kiểm phiếu được công bố buổi chiều.


 


Trong khi đó truyền thông ngoài nước khi nói về việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, đã bình luận rằng sẽ không có thay đổi gì đột biến, nhất là khi không có phương án “bất tín nhiệm” đối với các vị lãnh đạo.


 


Các lá phiếu của các đại biểu Quốc hội được chia làm ba loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, mức độ tín nhiệm cao hay thấp cũng cho thấy phần nào uy tín và sự đánh giá của dư luận đối với các nhân vật trên thượng tầng chính trị của đất nước.


 


Đồng thời, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ dẫn đến các đồn đoán về đấu tranh nội bộ, nhất là khi còn hơn một năm nữa là tới Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng Sáu năm ngoái, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội với 47 vị trí lãnh đạo được ca ngợi là “thành công”.


 


Toàn bộ 47 vị được bầu quá bán, trong đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhất.


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội, người lúc đó vừa được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, đạt số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là 372 phiếu. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được 210 đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm cao, 122 phiếu tín nhiệm và 160 phiếu tín nhiệm thấp.


 


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được 330 phiếu tín nhiệm cao, 133 phiếu tín nhiệm và 28 phiếu tín nhiệm thấp trong tổng số 492 đại biểu có mặt. Các kết quả nói trên được một số đại biểu cho là có “tác dụng cảnh báo”.


 


Theo BBC Tiếng Việt