Chặn TC bành trướng ở Biển Đông trước khi trễ

20 Tháng Sáu, 2018 | Bình Luận
Trung Quốc xây cất một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Photo Courtesy: Reuters

Lần đầu tiên mới nghe ông tổng thống nổi tiếng tàn sát tội phạm ma túy nói một câu mạnh mẽ với nước láng giềng đã chiếm bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân năm 2012. Tuần qua, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano tuyên bố Tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh báo rằng chiến tranh giữa hai nước sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh vượt quá một số lằn ranh đỏ trong vấn để tranh chấp ở Biển Đông:  Không được xây dựng bất kỳ công trình nào  trên bãi cạn Scarbourogh và không được khai thác nguồn tài nguyên ở đó. Bất kỳ nước nào lấy nguồn tài nguyên ở nơi này, ông “sẽ phát động chiến tranh”.

Thái độ diều hâu này khác với sự mềm mỏng với Bắc Kinh khi ông qua thăm Trung Cộng và được Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ viện trợ cho Phi Luật Tân và hai nước sẽ cùng nhau khai thác tài nguyên trên Biển Đông để duy trì nền hòa bình trong vùng. Mặc dù Phi đã được Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague cho thắng kiện trong vụ kiện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Cộng, nhưng khi lên cầm quyền Tổng thống Duterte đã không sử dụng lợi thế này để cùng các nước trong vùng chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

Tại sao ông Duterte lại thay đổi thái độ và đường lối? Chẳng qua vì Bắc Kinh đã có những hoạt động xem ra sắp vượt qua lằn ranh đỏ mà ông đề ra: Trung Cộng đã mang các dàn hỏa tiễn chống tàu và hỏa tiễn địa không đặt ở các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa và cũng đã cho oanh tạc cơ chiến lược H-6K đáp xuống một hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Trang bị hỏa tiễn hành trình tầm xa và có tầm hoạt động  tới 3,600km oanh tạc cơ này có thể   từ căn cứ Hoàng Sa tấn công bất cứ  mục tiêu nào của các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển, ngay cả miền bắc của nước Úc.

Việc vị tổng thống dám tiêu diệt cả 5,000 tội phạm ma túy bất chấp quan ngại của Tây phương và lên án của Liên hiệp quốc bây giờ cảnh báo Trung Cộng về một cuộc chiến do tranh chấp hải đảo và vùng biển đặc quyền cho thấy đã có sự chuyển hướng nhận thức bởi những nước láng giềng. Ngoài Phi Luật Tân, Việt Nam là nước có tranh chấp nhiều nhất với Trung Cộng, nhưng Hà Nội đã bỏ lỡ cơ hội khi không cùng Phi kiện Trung Cộng trước tòa án quốc tế.

Thời đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì ngắm nghé cái ghế  tổng bí thư nên đã nói với các phóng viên quốc tế tại Phi: “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”.

Câu nói “đầy khí phách” này xảy ra 3 tuần lễ sau khi Trung Cộng đưa giàn khoan Hải Dương 891 vào vùng biển Việt Nam. Nhưng sau đó Nguyễn Tấn Dũng im re như mọi lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam khác. Đã mất Hoàng Sa năm 1974, vài hòn đảo ở Trường Sa năm 1988 thì nay sá gì ba chuyện thăm dò lẻ tẻ. Đất nước là của chung, lợi ích là của riêng đảng và lãnh tụ, nên cứ duy trì 4 tốt và16 chữ vàng với các đồng chí anh em phương bắc. Cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao phản đối qua loa là đủ rồi. Đó là nước đi bán nước của Hà Nội.

Hoa Kỳ dù ở xa và không có tranh chấp biển đảo nhưng vì lợi ích chiến lược và kinh tế, nơi có hàng hóa đi qua trị giá tới 5 ngàn tỉ đô la, quyết định phải có thái độ. Hoa Thịnh Đốn đã điều tàu chiến tới gần các hòn đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của họ. Tuần qua, phát biểu tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói rằng đưa tàu chiến đi qua Biển Đông là hoạt động bình thường của Mỹ và Mỹ sẽ duy trì hoạt động đó, bởi chỉ có ai đó đi ngược lại với luật pháp quốc tế, làm trái với các phán quyết của các cơ quan trọng tài quốc tế mới la ầm lên. Ông Mattis ám chỉ Bắc Kinh phản đối hoạt động của tàu chiến Mỹ.

Khẳng định Biển Đông không phải là của riêng ai và Bắc Kinh đã đi quá xa trong việc quân sự hóa vùng này, Mỹ đã rút lui lời mời Trung Cộng tham gia tập trận RimPac. Đây là một cái tát vào mặt họ Tập. Phải như vậy trước khi quá muộn!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1680 phát hành ngày 06.06.2018)