Từ Iran tới Bắc Hàn: ván bài lớn của Trump

30 Tháng Năm, 2018 | Bình Luận
Tổng thống Donald Trump. Photo Courtesy: Reuters

Tuần qua sau khi tuyên bố Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận nguyên tử với Iran, Tổng thống Donald Trump đã cho biết hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12 tháng 6 tới đây. Quyết định rút ra không những gặp sự chống đối của các nước đồng minh ký kết thỏa thuận nguyên tử như Anh, Pháp và Đức mà ngay cả Úc cũng tỏ quan ngại vì những bất ổn sẽ bùng lên ở Trung Đông.

Sau một thời gian bị cấm vận, Iran đã đồng ý ngưng chương trình  triển khai việc làm giàu uranium cho mục đích năng lượng mà Tây phương tin là cho mục đích làm vũ khí nguyên tử. Thỏa thuận có tên Kế hoạch Hành động Chung (JCPOA) được ký kết vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama với sự tham dự của 5  thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức.

Tuy nhiên trong thời gian tranh cử, ông Trump hứa nếu cầm quyền ông sẽ rút ra bởi thỏa thuận này có nhiều lầm lỗi. Và sau hơn một năm cầm quyền, chê bai thỏa thuận mà người tiền nhiệm đã ký, hôm Thứ Ba tuần trước, Tổng thống Trump đã đọc một bài diễn văn nói với quốc dân tại sao ông quyết định rút ra khỏi thỏa thuận JCPOA.

Ông cho rằng thỏa thuận đầy lầm lỗi này đã không ngăn cản Iran từ bỏ mộng sở hữu vũ khí nguyên tử của một nước  có quyết tâm xóa tên nước Do Thái trên bản đồ thế giới. Tổng thống Trump nói Iran là nước bảo trợ khủng bố trên thế giới; gây chiến tranh ở Syria, Yemen; đánh bom các sứ quán và cơ sở quân sự Mỹ. Và vì thỏa thuận thật ra đã không cho Mỹ có quyền thanh tra những địa điểm nghi ngờ nên điều quan trọng là Mỹ phải rút ra khỏi thỏa thuận và tiếp tục các biện pháp chế tài cho đến khi làm lại thỏa thuận mới.

Iran phản ứng bằng cách tuyên bố sẽ khởi sự làm giàu chất uranium cho các hoạt động  năng lượng cũng như vũ khí nguyên tử, tuy nhiên cũng nói thêm là sẽ vẫn còn ở trong thỏa thuận chừng nào các nước Âu Châu tôn trọng những  điều họ đã cam kết vào năm 2015.

Phải nói ngoại trừ Do Thái, chưa có lãnh tụ đồng minh nào ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump bởi chính nước của họ sẽ trở thành “nạn nhân” khi Mỹ áp đặt biện pháp chế tài lên các công ty làm ăn với Iran. Nước hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Trung Quốc  và Nga bởi họ có ký thỏa thuận và vì vậy sẽ điền vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại.

Nhưng nguy cơ lớn nhất là Bắc Hàn sẽ nhìn vào Iran để thấy rằng liệu Hoa Kỳ sẽ có tôn trọng những điều đã ký kết không. Một thỏa thuận được Liên hiệp quốc bảo trợ mà Hoa Kỳ còn hủy bỏ thì liệu một hiệp ước riêng rẽ với Bắc Hàn có được ông Trump hay các chính phủ về sau tôn trọng không. Cho nên, người ta không lấy làm lạ sau 6 năm lạnh nhạt với Bắc Kinh từ khi lên cầm quyền, chỉ trong vòng 6 tuần lễ Kim Jong-un đã hai lần sang Trung  Quốc để hội kiến Tập Cận Bình.

Cũng như biện pháp chế tài kinh tế đã buộc Iran phải chấp thuận ngưng phát triển nguyên tử để đổi lấy giao dịch thương mại hầu nâng cao đời sống của người dân càng ngày càng bất mãn đời sống khó khăn, cuộc cấm vận Bắc Hàn được Liên hiệp quốc chuẩn thuận với sự  tuân thủ của Trung Quốc đã buộc Kim Jong-un vào bàn hội nghị mà không đòi điều kiện tiên quyết như bấy lâu, bởi nền kinh tế của Bắc Hàn đã quá kiệt quệ mà lại không còn được đàn anh Trung Quốc bao bọc như trước do áp lực và sự vận động của Tổng thống Trump.

Không ai có thể ngờ rằng hai nhà lãnh dạo cách đây chừng nửa năm đã dùng những lời lẽ thậm tệ nhất để bôi nhọ nhau mà bây giờ có thể ngồi để nói chuyện. Trump có sức mạnh kinh tế nhưng Kim cũng có vũ khí nguyên tử để có thể nói chuyện ngang hàng. Cho nên, Kim chỉ có thể chấp nhận giải trừ vũ khí nguyên tử nếu Trump chứng tỏ Hoa Kỳ sẽ không phản bội những gì đã cam kết, và nhất là phải có sự cam kết bảo vệ của Tập Cận bình.

Trump rút khỏi thỏa thuận với Iran bởi kẹt với Do Thái và  cũng hy vọng đời sống khó khăn sẽ làm dân chúng Iran đứng lên lật đổ chế độ của những giáo sĩ độc tài. Và một khi được bảo đảm không bị lật đổ thì Kim có thể không cần vũ khí nguyên tử nữa. Biết đâu Trump thành công với cả hai ván cờ?

­­­

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1677 phát hành ngày 16.05.2018)