Liệu pháp miễn dịch – triển vọng mới trong điều trị ung thư

06 Tháng Bảy, 2018 | Y học - Khoa học
Hình minh họa. Photo Courtesy: Reuters

Một bệnh nhân ung thư phổi ở Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) được cứu sống nhờ điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, bước tiến mới giúp tránh sự đau đớn từ biện pháp hóa trị và xạ trị.

Cựu chuyên gia hạt nhân của quân đội Mỹ, ông John Ryan, sẽ ăn mừng sinh nhật lần thứ 74 trong tháng này, và cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của ông cho thấy triển vọng trong liệu pháp miễn dịch. Đây là liệu pháp mà ngành y học thế giới đang theo đuổi, theo AFP.

Ông Ryan đã tham dự lễ tốt nghiệp đại học của tất cả ba đứa con và sẽ tham dự đám cưới của con gái vào mùa hè năm nay, mặc dù các bác sĩ hồi tháng 6.2013 dự đoán người cha này chỉ còn sống được khoảng 18 tháng.

“Tôi biết không có nhiều bệnh nhân ung thư may mắn như tôi. Trong vòng 5 năm qua, tôi chứng kiến nhiều người ra đi vì căn bệnh quái ác này”, ông Ryan nói với AFP.

Liệu pháp miễn dịch là một trong số hai phương thức điều trị dùng thuốc chống lại ung thư. Biện pháp phổ biến trong nhiều thập niên qua là hóa trị. Tuy nhiên, trong hóa trị, hóa chất triệt khối u quá độc hại, nó tấn công cả tế bào khỏe mạnh dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng là cơ thể yếu ớt, đau đớn, tiêu chảy, buồn nôn, rụng tóc và sụt cân.

Ông Ryan đã trải qua mọi đau đớn vì hóa trị trong năm 2013, nhưng khối u trong phổi trái vẫn tồn tại.

Quá mệt mỏi và đau đớn vì hóa trị, ông Ryan định bỏ cuộc, nhưng rồi ông quyết định thử lần cuối cùng với liệu pháp miễn dịch, đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng thuốc nivolumab (thương hiệu Opdivo) vào cuối năm 2013.

Loại thuốc này được truyền qua tĩnh mạch của ông tại Khoa Điều trị ung thư của Bệnh viện Johns Hopkins, ban đầu 2 tuần một lần, sau đó mỗi tháng một lần.

Khối u trong phổi trái dần biến mất sau 104 đợt truyền và tác dụng phụ là ngứa ngáy trong người. “Chất lượng cuộc sống của tôi được cải thiện hơn nhờ liệu pháp miễn dịch. Trước đó, tôi chỉ muốn chết vì không thể chịu đựng nổi hóa trị”, ông Ryan nói.

Liệu pháp miễn dịch giúp tế bào miễn dịch còn được gọi là tế bào T phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư.

Một số chuyên gia vẫn còn thất vọng vì tỉ lệ thành công của liệu pháp miễn dịch chỉ dừng lại ở một số ít bệnh nhân như ông Ryan nên liệu pháp hóa trị và xạ trị vẫn còn thống lĩnh.

Dù vậy, ngành y học thế giới vẫn tiếp tục đầu tư, nghiên cứu phát triển theo hướng này để giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân ung thư.

Hiện có trên 30 loại thuốc liệu pháp miễn dịch được phát triển và 800 cuộc thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, theo chuyên gia Otis Brawley thuộc Hiệp hội phòng chống ung thư Mỹ.

Bác sĩ Julie Brahmer điều trị cho ông Ryan lưu ý bà đang bắt đầu dùng liệu pháp miễn dịch đối với 1/3 bệnh nhân ung thư khác, thay vì hóa trị.

Bà Brahmer kỳ vọng trong tương lai liệu pháp miễn dịch có thể giúp trị ung thư như “những căn bệnh mạn tính, chứ không phải là án tử hình”.

Dù vậy, sau khi khối u biến mất khỏi phổi trái, gần đây các bác sĩ gần đây phát hiện khối u bất thường xuất hiện trong phổi phải và buộc ông Ryan quyết định dùng liệu pháp xạ trị.

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, giết chết 1,7 triệu người mỗi năm.

Theo TNO