Johnson & Johnson bị yêu cầu bồi thường mức kỷ lục vì phấn rôm gây ung thư

13 Tháng Bảy, 2018 | Tin thế giới
Sản phẩm phấn rôm Baby Powder được cáo buộc có chứa chất gây ung thư cho người sử dụng. Photo Courtesy: Reuters

Một tòa án ở bang Missouri, Mỹ, vừa tuyên phạt hãng dược phẩm và hàng tiêu dùng Johnson & Johnson (J&J) số tiền kỷ lục 4,69 tỉ Mỹ kim vì “phấn trẻ em gây ung thư”. Đây là vụ kiện mới nhất trong hàng nghìn vụ mà J&J đang phải đối mặt.

Theo Reuters ngày 12.7 đưa tin, bồi thẩm đoàn trong vụ kiện liên quan tới Johnson & Johnson xác định các sản phẩm làm từ bột talc của công ty này, trong đó có phấn trẻ em nổi tiếng J&J Baby Powder, có chứa chất amiăng, khiến cho 22 phụ nữ bị ung thư buồng trứng.

Vì vậy, bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết yêu cầu hãng Johnson & Johnson bồi thường 4.69 ti Mỹ kim, trong đó 550 triệu Mỹ kim bồi thường thiệt hại và 4.14 tỉ Mỹ kim trừng phạt, sẽ được chia cho nguyên đơn gồm 22 phụ nữ. Họ tố cáo các sản phẩm có chứa hoạt thạch của J&J khiến họ bị ung thư vòm họng.

Cáo buộc dựa trên cơ sở rằng hoạt thạch – một loại đất khoáng – thường được tìm thấy trong thiên nhiên cùng với quặng amiăng, mà quặng này lại chứa nguy cơ gây ung thư.

J&J phản biện rằng không có chất amiăng nào trong phấn em bé và các sản phẩm chứa hoạt thạch khác của họ. Một khảo sát của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) năm 2009-2010 cũng ủng hộ luận điểm này.

Tuy nhiên, công tố viên trong vụ án cho rằng các xét nghiệm của J&J và FDA “còn thiếu sót”. Ngoài ra, hãng J&J cũng đang phải đối mặt với khoảng 9,000 vụ kiện kiểu này.

Hãng J&J tuyên bố sẽ kháng cáo, cho rằng phán quyết lần này “là sản phẩm của một quá trình tố tụng không công bằng”.

“Các phán quyết chống lại Johnson & Johnson trước tòa án này từng qua kháng cáo đều bị lật ngược lại. Các sai sót trong vụ án lần này còn tệ hơn các vụ lần trước” – J&J bình luận. Cổ phiếu của J&J giảm 1.9% sau phán quyết bắt bồi thường 4.69 tỉ Mỹ kim.

Trong khi đó, luật sư Mark Lanier đại diện bên nguyên đơn cho rằng J&J nên rút hết các sản phẩm chứa hoạt thạch của họ xuống khỏi kệ, hoặc dán nhãn cảnh báo người tiêu dùng.

Tổng hợp