Cấm túi ni-lông sử dụng một lần: Lợi bất cập hại

18 Tháng Bảy, 2018 | Bình Luận
Photo Courtesy: Reuters

Các chuỗi khổng lồ siêu thị Woolworths và Coles trong tuần qua đã lần lượt loại bỏ hoàn toàn túi ni-lông ‘dùng một lần’ tại các quầy thanh toán. Đây được coi là ‘chiến dịch xanh’ nhằm hướng tới bảo vệ môi trường và đặc biệt là giảm chất thải ra biển. Tuy nhiên, tác động thực tế thì có thể nói là chẳng đáng là bao, mà thậm chí là lợi bất cập hại.

Woolworths và Coles đã giới thiệu những túi nhựa mới dày hơn, nặng hơn được gọi là ‘túi xanh’ (green bags) với giá 15cents cho một túi. Woolworths thì một tuần sau đó thì đã phải cung cấp miễn phí túi này cho người mua vì vấp phải phản đối mạnh từ người tiêu dùng. Không nói đến việc miễn phí hay không, những cái gọi là ‘túi xanh’ này, nếu như được người tiêu dùng sử dụng nhiều như là những túi ni-lông nhẹ thông thường, thì còn ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đến môi trường. 

Một nghiên cứu của Viện Môi trường Anh năm 2006 cho thấy, những túi nhựa nặng cần phải được tái sử dụng ít nhất bốn lần thì mới có thể bù đắp được cho lượng khí thải nhà kính tạo ra trong quá trình sản xuất các túi này, so với các túi ni-lông nhẹ ‘dùng một lần’. Những túi nhựa nặng này thậm chí là mất nhiều thời gian hơn để tiêu hủy, mặc dù cả hai loại đều nguy hại như nhau nếu như nó được đổ ra biển.

Chưa kể, trên các túi nhựa ‘xanh’ của Woolworths còn được in rõ ràng “Do not wash”, có nghĩa là: không được giặt rửa. Điều này tiềm tàng những mối nguy hiểm đối với sức khỏe, bởi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo từ các thực phẩm đặc biệt là các loại thịt, đồ tươi sống. 

Nghiên cứu công bố năm 2012 của các giáo sư trường Đại học Pennsylvania và trường Đại học George Mason chỉ ra rằng, bệnh viện San Francisco đã ghi nhận một kỷ lục số lượng ca cấp cứu do nhiễm khuẩn E. coli bốn tháng sau khi luật cấm túi ni-lông được đưa vào hiệu lực năm 2007. Nhiễm khuẩn E. coli thường được gây ra do ăn phải đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, mức độ nhiễm khuẩn có thể dẫn đến nhiều triệu chứng bệnh từ nhẹ đến nặng.

Thực ra mà nói thì  việc gọi những túi ni-lông nhẹ cũ là ‘dùng một lần’ cũng không hẳn chính xác. Bởi hầu hết mọi người dùng nó để phục vụ các việc khác nữa, như đựng rác, dọn phân chó,… Năm 2012, một bài xem xét về luật cấm túi ni-lông tại Nam Úc cho thấy, trước khi luật cấm được ban hành, chỉ có 15 phần trăm người tiêu dùng mua túi đựng rác, so với 80% mua túi rác sau khi luật được ban hành. 

Xét cho cùng thì nước Úc cũng chỉ đóng góp một phần rất rất nhỏ trong việc đổ rác nhựa ra biển, trong khi đó 60% lượng chất thải nhựa đổ ra biển mỗi năm đến từ năm nước châu Á gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tại những nước này, chỉ có khoảng 40% rác thải được xử lý, còn lại thường là tấp vào những bãi rác địa phương, để rồi những phần rải rác được gió cuốn đưa ra biển.

Ở Việt Nam, mới đây một nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công một loại túi nilon có thể tự phân hủy, với hai nguyên liệu chính là bột sắn (35-40%) và nhựa sinh học tự hủy. Hiện tại giá thành của các túi này cao hơn 1.5 – 2 lần túi ni-lông thông thường. 

Bắt đầu từ tháng 7, một số siêu thị lớn tại tiểu bang Nam Úc cũng chạy thử nghiệm một loại túi ni-lông mới có thể phân hủy. Túi này được sản xuất tại Nhật Bản với 100% nguyên liệu hữu cơ, trong đó 98% là bột ngô. Hiện tại giá thành đang là một rào cản lớn đối với sản phẩm này, bởi chi phí sản xuất một túi ni-lông cao hơn gấp 10 lần so với sản xuất một túi ni-lông thông thường. 

Thiết nghĩ, để có một tác động lâu dài và bền vững đối với môi trường, giải pháp loại bỏ túi ni-lông hiện tại chỉ là biện pháp giải quyết trước mắt. Trong siêu thị, thực phẩm vẫn được gói trong các túi bóng, hoa quả đựng trong các hộp nhựa, các quầy vẫn đầy những hộp nhựa. Chính phủ đã có những bước đi nhằm hướng đến bảo vệ môi trường, phải chăng đã đến lượt người tiêu dùng cân nhắc trong các lựa chọn và thói quen mua sắm của mình?

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1684 phát hành ngày 04.07.2018)