Hỏi và giải đáp 411: Hạnh phúc phòng the

10 Tháng Bảy, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL mời LNĐ trả lời lá thư hỏi về một đề tài khá tế nhị, phức tạp nhưng lại rất thiết thực, đó là hạnh phúc phòng the.

* * *

Trước hết, LNĐ xin tóm tắt thư hỏi:

Cô X, tuổi khoảng 40-50, có chồng là ông A, hơn cô gần 10 tuổi. Từ khoảng hơn 1 năm qua, ông A trở nên rất yếu kém và hết hứng thú trong phòng the, dần dần đưa tới tình trạng hiện nay mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương gọi là “một tháng đôi lần có như không”!

Cô X viết trong thư:

“Em sợ rằng nói anh ấy đi bác sĩ gia đình thì anh ấy sẽ tự ái, hoặc mắc cở, trong khi em nghe một chị bạn kể rằng chồng chị ấy order các loại thuốc trực tiếp trên Internet; em không hiểu có an toàn không? Em tính nhờ anh chị ấy giúp nhưng lại lo ngại những phản ứng phụ có thể xảy ra…”

Trả lời của LNĐ:

Cô X thân mến,

Đúng là chồng cô đang “có vấn đề”. Tuổi tác chỉ là một trong nhiều nguyên nhân – sinh lý và tâm lý. Muốn biết nguyên nhân sinh lý thì bắt buộc phải đi bác sĩ, còn nguyên tâm lý, nếu là người tây phương, họ có thể đi các chuyên gia chữa trị tình dục (sex therapist), nhưng người Á đông vào lớp tuổi của ông A thì có lẽ chẳng ai muốn đi.

Thực ra, người Á đông mình cũng ít khi “có vấn đề” về tâm lý, mà nếu có thì cũng phía mấy bà nhiều hơn, chẳng hạn xưa nay vốn đã không đặt nặng chuyện phòng the, thì tới một cái tuổi nào đó muốn “nghỉ sớm”, chứ còn mấy ông một khi còn yêu thương vợ, không có thú đi tìm “của lạ” mà lại “có vấn đề” thì gần như chắc chắn do nguyên nhân sinh lý.

Đây không phải là trường hợp hiếm hoi đối với đàn ông Á đông. Trước năm 1975, mức dinh dưỡng của người VN, kể cả ở miền Nam, cũng không được đầy đủ cho lắm so với tiêu chuẩn chung của thế giới, trong khi lại phải lao tâm lao lực nhiều hơn người dân các nước khác, chưa kể còn có những người lâm cảnh bắt bớ, tù đày… Đồng thời, kể cả những người có điều kiện dinh dưỡng cũng không có ý thức gìn giữ, bảo vệ sức khỏe, không biết giá trị của việc vận động, luyện tập cơ thể, v.v…, cho nên nay mới sớm “sức tàn lực kiệt”!

Nhưng dù sao chăng nữa, vào tuổi của vợ chồng cô hiện nay, tình trạng “một tháng đôi lần có như không” là hiếm có, là không bình thường. Và chỉ có một phương hướng giải quyết duy nhất là nhờ tới khoa học, nói trắng ra là chồng cô phải đi khám bác sĩ để nhờ các vị này tìm ra phương cách chữa trị an toàn và hữu hiệu nhất.

Việc nhờ vợ chồng người bạn “order” các loại thuốc trực tiếp trên Internet là không nên, bởi vì người ta chỉ bán thuốc qua Internet chứ không có ai khám bệnh qua Internet cả (trừ những người tin nhảm). Cho nên, nếu muốn mua trực tiếp trên Internet vì giá rẻ hơn, thì cũng phải có sự cố vấn của bác sĩ, cũng như theo dõi sức khỏe, phản ứng của cơ thể…

Tóm lại, muốn điều trị cho chồng thì trước tiên cô phải tìm cách khuyên anh ấy đi khám bác sĩ. Dĩ nhiên, đàn ông ai cũng có tự ái, nhưng vợ chồng chung sống đã hơn 20 năm, tôi cho rằng nếu cô khôn khéo, vừa âu yếm vỗ về, tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của chồng, và cũng không  quên “khiếu nại”, A sẽ phải nhìn nhận thực tế và chấp nhận giải quyết vấn đề một cách thực tế.

Câu hỏi cuối cùng của cô: nếu A không chịu đi bác sĩ, cũng không muốn nhờ vợ chồng người bạn, thì có nên tìm lối thoát bằng cách thử những phương pháp đang được quảng cáo rầm rộ hay không, LNĐ xin trả lời một cách vừa dè dặt vừa dứt khoát như sau:

LNĐ không có quyền bài bác bất cứ những gì được phép quảng cáo, tuy nhiên riêng trong việc chẩn bệnh gián tiếp – qua internet, điện thoại, hay bất cứ phưong tiện viễn thông nào khác, LNĐ có quyền không tin.

Lão Ngoan Đồng