Hỏi và giải đáp 413: Người mẹ “không con”!

15 Tháng Bảy, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Chắc chắn mọi người sẽ phải thắc mắc khi đọc tựa đề hôm này, nhưng trên thực tế đó chính là tâm trạng tuyệt vọng của em A, mà đọc lá thư em viết dưới đây, chúng ta sẽ hiểu.

* * *

Cô Thanh Lan kính mến,

Em có tâm sự rất buồn, mong được giãi bày cùng Cô, và có thể Cô cho em lời khuyên hay ý kiến.

Em năm nay đã trên dưới 40, lấy chồng được hơn 5 năm. Chồng em (B) là một người đàn ông lý tưởng về cả mặt thể chất và tinh thần. Hai chúng em rất hòa hợp, trình độ học vấn, sở thích giải trí, thời trang, ăn uống…, tóm lại không có bất cứ lãnh vực nào không hợp nhau. Trừ trục trặc duy nhất: B không muốn có con.

Theo em, một người vợ mà không làm mẹ thì cũng chẳng khác nào tình nhân (em không nói tới những chị em có lý do chính đáng). Nếu em biết trước, em đã không lấy B. Nhưng em không biết, em cũng không ngờ là có những người đàn ông kết hôn nhưng không muốn có con, nên trước khi chính thức với nhau em đâu có hỏi, tới khi biết thì ván đã đóng thuyền.

Những năm đầu em còn hy vọng B sẽ đổi ý, nhưng càng nuôi hy vọng thì lại càng bị thất vọng. B đã mang lại cho em tất cả những gì mà mọi người vợ trên đời này mong ước, chỉ thiếu một đứa con.

Em đọc trong truyện và quan sát ở ngoài đời, thấy những người không có con họ tìm nguồn an ủi nơi thú vật, em thử bắt chước nhưng không kết quả một chút nào. Con chó con mèo, chúng nó dễ thương, khôn ngoan, quấn quýt mình cách mấy thì cũng chỉ là  những con vật, không thể so sánh với con người. Em cũng quên nói với cô rằng đề nghị nhận con nuôi B cũng không chịu, nhưng lại rất vui thích khi được nhờ làm “godfather”, nói chung là B không ghét con nít, trái lại là khác! Em không thể hiểu nổi B.

Thời gian khoảng nửa năm qua, em bắt đầu bị khủng hoảng tinh thần vì nỗi buồn của một người vợ không con. B nhận ra điều đó nên tìm đủ mọi cách cho em vui, tổ chức ăn uống, họp mặt với bạn thân, giải trí, du ngoạn cuối tuần, mua nữ trang, sắm quần áo, đề nghị đưa em về VN thăm gia đình (trong khi chính B chưa bao giờ về thăm gia đình mình)…

Nhưng B càng cố gắng thì càng khiến em thêm đau khổ tuyệt vọng, bởi vì biết rằng so với những người vợ khác, mình thua thiệt nên chồng mới cố gắng đền bù…

Cuối cùng không thể không nói tới dư luận. Bạn bè thân thiết biết rõ B thì không sao nhưng với những người quen biết mà không thân thì họ bàn tán, bình phẩm sau lưng mình, người thì nói lỗi nơi chồng, kẻ bảo lỗi vợ, và tất nhiên không tránh khỏi những kết luận đầy ác ý…

Hiện nay, em dự tính sẽ tham gia sinh hoạt với một tổ chức từ thiện quốc tế, nhưng chỉ sợ B ngăn cản vì xưa nay anh ấy chủ trương góp của chứ không góp công, viện lý do cuộc sống vốn đã sẵn bận rộn, không nên ôm đồm thêm trách nhiệm…

Ý kiến của Thanh Lan:

Em A thân mến,

Đọc thư của em, không chỉ một mình TL mà có lẽ hầu hết độc giả đều phải mủi lòng, xót xa. Chính vì thế, TL không muốn đụng tới vết thương lòng của em, mà chỉ nhắc lại tựa đề một truyện ngụ ngôn của Lafontaine: “Mỗi người một số phận”.

Bởi vì chỉ có câu nói ấy mới giải thích được tại sao cùng làm người, mà có kẻ quá may mắn, có kẻ quá bất hạnh. Không cần nhìn đâu xa vời mà chỉ nói về các cụ Việt Nam; xưa nay các cụ thường nói: “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, nhưng trên thực tế có những người giàu có hoặc nghèo khổ cả chục đời chứ không chỉ ba họ ba đời! Hoặc có những kẻ sống ác nhân ác đức nhưng con cháu vẫn phất, và có những gia đình thật hiền lương, đạo hạnh nhưng con cháu vẫn không ngóc đầu lên nổi!

Không ai trong chúng ta có thể giải thích được, cho nên cuối cùng đành phải chấp nhận cách giải thích của Lafontaine: “Mỗi người một số phận”.

Vì vậy, trước hoàn cảnh hiện nay, em không nên tiếp tục than thân trách phận, cũng đừng oán trách chồng, bởi vì rất có thể kiếp sau em sẽ có hàng chục đứa con với một người chồng cỡ ông Tú Xương!

Cách giải quyết tốt đẹp nhất là em vừa tiến hành việc tham gia hoạt động từ thiện, vừa tiếp tục cuộc sống vợ chồng bình thường như đã diễn ra từ trước tới nay. Nghĩa là tham gia hoạt động từ thiện để giúp đời, cứu người chứ không phải với tâm trạng “tu là cội phúc, tình là dây oan”. Và nếu em tiếp tục cuộc sống vợ chồng bình thường, thì B sẽ không có lý do gì để ngăn cản.

Điều lo ngại lớn nhất của TL trong chuyện của em là tới lúc sắp về già, vợ chồng cần nhau hơn bao giờ hết, thì lại quay ra bất đồng, bất hòa, và có thể đi tới đổ vỡ đáng tiếc.

Thanh Lan