Mỹ-Trung: Cuộc đối đầu lịch sử, ai sẽ thắng?

01 Tháng Tám, 2018 | Bình Luận
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Mỹ Trump. Photo Courtesy: Reuters

Chúng ta đang chứng kiến một sự kiện lịch sử khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong một cuộc chiến tranh thương mại chưa từng thấy. Hôm 6/7, Mỹ đã nổ phát súng đầu tiên khi bắt đầu áp dụng mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa từ Trung Quốc tổng trị giá 34 tỷ đô la. Mức thuế này dự trù sau vài tuần sẽ được mở rộng thêm đối với một lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ đô nữa. Ngay trong chiều cùng ngày, chính phủ Tập Cận Bình tức tối đặt mức thuế mới lên các hàng hóa Mỹ với giá trị tương đương là 50 tỷ đô la.

Bốn ngày sau đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố mức thuế quan mới 10% đánh vào một danh sách mới các hàng hóa Trung Quốc với tổng giá trị 200 tỷ đô la. Đáp trả lại, chính phủ Trung Quốc thề sẽ đưa ra các biện pháp “cứng rắn và mạnh mẽ”. Hai bên cho đến nay vẫn chưa cho thấy ai chịu nhường ai.

Nguyên nhân mà chính quyền Donald Trump đưa ra cho việc áp mức thuế quan này, đó là nhằm chống lại chính sách thương mại bất công của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc nước này ăn cắp công nghệ của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Theo Trump, các tổng thống tiền nhiệm đã ký những thỏa thuận thương mại bất lợi cho nước Mỹ, khiến Trung Quốc giành phần thắng và hưởng lợi nhiều từ nước Mỹ. Trong khi Trung Quốc đạt mức thặng dư thương mại là 165 tỷ đô la trong năm ngoái thì Mỹ chịu mức thâm hụt thương mại lên tới 800 tỷ đô la, trong đó thâm hụt so với Trung Quốc là lớn nhất với 375 tỷ đô.

Đặc biệt, việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ thì không chỉ có Mỹ lên tiếng, mà các nước châu Âu cũng đã từng bày tỏ quan ngại về vấn đề sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Theo chính sách của Trung Quốc, những công ty nước ngoài muốn hoạt động tại nước này phải đồng ý làm việc với một đối tác Trung Quốc theo một phương thức mà họ sẽ dễ bị mất quyền kiểm soát công nghệ của mình.

Không chỉ vậy, chính sách của Trump nhằm mục đích ngăn cản bước đi của Bắc Kinh trong chiến lược nâng cao vị thế của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm các sản phẩm y dược, tàu bay và chế tạo rô-bốt. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang tiến hành kế hoạch “nắm giữ vị thế thống trị trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến của thế giới”. Với việc nâng cao mức thuế quan khiến hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có giá cao, các công ty Mỹ cũng như các nước khác sẽ ngần ngại đầu tư trực tiếp và chuyển giao công nghệ vào Trung Quốc.

Điều này cũng có ý nghĩa trong việc kéo các hoạt động sản xuất ở nước ngoài quay trở về nước Mỹ, tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ. Trước đó Trump đã đưa ra một mức giảm thuế doanh nghiệp rất lớn, từ 35% xuống chỉ còn 21%. Có vẻ như Trump đang thực hiện lời hứa mà ông đã nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc tranh cử  2016, rằng “sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng” về thương mại, và các chính sách sẽ được ưu tiên phục vụ người Mỹ trước tiên.

Ai sẽ thắng và hệ lụy?

Thực tế là trong các cuộc chiến tranh thương mại, thường thì cả hai bên sẽ đều mất mát, và những kẻ ngoài cuộc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên trong trường hợp này, Mỹ có thể thắng lớn, nếu như Trung Quốc nhanh chóng hạ các hàng rào thương mại và thuế quan, điều mà Trump mong muốn từ việc khơi mào cuộc đối đầu này. Tổng thống Mỹ dường như đang đặt cược vào việc Trung Quốc sẽ xuống nước do phụ thuộc vào thị trường đầu ra tại Mỹ nhiều hơn là chiều ngược lại.

Về mặt lý thuyết thì Trung Quốc có vẻ sẽ dễ bị tổn hại hơn bởi khoản thặng dư thương mại 375 tỷ đô la có được từ thị trường Mỹ. Nhưng trên thực tế, các cuộc chiến thương mại thường đưa lại những kết quả bất ngờ. Có thể, đến một lúc nào đó, các công ty Mỹ không nhìn thấy một kết quả cuối cùng từ cuộc chiến này, sẽ tổ chức lại chuỗi cung ứng và đặt các nhà máy sản xuất với chi phí thấp tại các quốc gia khác trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia. Cũng không loại trừ khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới suy sụp, kéo theo một sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Hiện giờ chưa thể nói trước điều gì, hãy cùng chờ xem ông Trump và Tập sẽ làm gì tiếp theo!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1686 phát hành ngày 18.07.2018)