Khúc quanh lịch sử VN: yêu nước hay đảng?

08 Tháng Tám, 2018 | Bình Luận
Thiếu tướng Lê Mã Lương – người chủ biên cuốn sách chia sẻ quá trình cuốn sách ra đời. Photo courtesy: baomoi.com

Người ta thường cho rằng khi một nước đã rơi vào tay cộng sản thì đất nước đó sẽ mãi nằm dưới sự cai trị của họ. Chuyện này chỉ đúng một phần. Có điều là lâu hay mau. Chậm thì như ở Liên Sô, kéo dài đến 74 năm. Nhanh cũng phải gần nửa thế kỷ như ở các nước Đông Âu. Thế giới hiện chỉ còn bốn nước cộng sản trong đó Tàu Cộng kéo dài 69 năm và Việt Cộng cũng được 64 năm, nhưng hai ông anh em sinh đôi này đã diễn biến từ bần cố nông vô sản quá độ lên tư bản đỏ, chỉ còn duy trì tính độc tài chuyên chế. Mà Tàu Cộng còn mạnh thì Việt Cộng vẫn tồn tại kiểu ăn theo, dù phải bán hay nhượng một phần đất và biển đảo.

Người ta, nhất là người Việt Nam, thường cho rằng quân đội không bao giờ đứng lên lật đổ chính quyền cộng sản vì niềm tin và quyền lợi của họ. Thật vậy, người cộng sản tin vào chủ nghĩa cộng sản và lãnh tụ như người ta tin vào tôn giáo và thần thánh Nhưng hơn niềm tin, quyền lợi là chất keo ràng buộc các đảng viên trung thành với đảng.

Tuy nhiên, hiện nay niềm tin hay lý tưởng cộng sản bị xói mòn qua một trăm năm trải nghiệm với bao nhiêu xương máu chồng chất trên quê hương Cách mạng Tháng mười. Quyền lợi chia không đồng đều cũng gây ra bất mãn, nhất là kinh tế suy sụp, dân khốn khổ thì một nhà nước chuyên chính tiên phong như Liên Xô đã phải sụp đổ vào năm 1991.

Liên Xô sụp đổ vì tình hình đã chín mùi do sự bất mãn lên đến cực điểm. Nhưng sẽ không thành công nếu không có quân đội hậu thuẫn. Hồng quân của nhà nước sắt máu đứng về phía nhân dân đòi hỏi tự do, xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản, loại trừ quyền lãnh đạo duy nhất của cộng sản là chuyện có thật chứ không phải giấc mơ. Cho nên hiện nay người dân Việt Nam đang ấp ủ giấc mơ đó.

Có người cho rằng các tướng lãnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam là những đảng viên cao cấp trong trung ương đảng và cả bộ chính trị, thì làm sao họ có thể thay đổi chế độ hay lật đổ chính họ?

Trong bất cứ quốc gia nào, công an và quân đội là những lực lượng bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh thổ. Công an cộng sản giữ gìn trật tự, bảo vệ an ninh cho dân nhưng cũng là thành phần sách nhiễu, đàn áp và bóc lộc dân nhiều nhất. Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, do đó không trực tiếp hà hiếp dân như  công an, mặc dù gần đây cũng bị mang tiếng trong những vụ mua bán đất quốc phòng, khiến họ không còn được kính nể như trước đây. Điều này không có nghĩa  không có những vị tướng đáng kính trọng trong quân đội.

Bỏ qua quá khứ chiến tranh mà người quân nhân phải làm nhiệm vụ được giao phó hay bị bắt buộc phải làm, các sĩ quan cao cấp và tướng lãnh Quân đội Nhân dân VN cũng có những vị có khả năng, tư cách và tấm lòng. Dù tuổi đảng cao nhưng giữa đảng và đất nước, họ đã chọn đất nước và dân tộc trong đó có những vị phê bình đảng gay gắt hoặc trả lại thẻ đảng.

Có những vị tướng quân đội đã tạo những ấn tượng tốt đối với nhân dân khi họ dám công khai lên tiếng trước sự ngông cuồng của Trung Cộng, chiếm đất đai biển đảo của Việt Nam và sự đớn hèn của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt qua vụ đảo Gạc Ma. Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ tại Trung Cộng, là một. Ông đã gọi Đại tướng  Lê Đức Anh là một tên phản quốc. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm gọi vụ Gạc Ma là cuộc thảm sát của những sĩ quan Tàu khát máu chứ không phải là một cuộc hải chiến vì bộ đội Việt  Nam bị trói tay bởi lệnh không nổ súng.

Nhưng đáng nói nhất là việc Thiếu tướng Lê Mã Lương đã đứng đầu ê-kíp thực hiện cuốn sách “Gạc Ma- Vòng Tròn Bất Tử”, phát hành cuốn sách vinh danh 64 bộ đội đã hy sinh ở Trường  Sa năm 1988 và đã bán bản quyền phát hành bằng Anh ngữ khắp thế giới dù sinh mạng chính trị và bản thân ông bị đe dọa.

Hành động của các vị tướng vừa kể cho thấy họ yêu nước hơn yêu đảng. Vì vậy quân đội sẽ đứng về phía dân một khi thời cơ đến không là ảo tưởng. Vấn đề là người dân phải đứng dậy, xuống đường đòi hỏi nhà cầm quyền giải thể thì quân đội mới có chỗ để cùng đứng chung. Tự do cũng có cái giá của nó!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1687 phát hành ngày 25.07.2018)