Hỏi và giải đáp 426: Tình đầu khó quên (2)

14 Tháng Tám, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Sau khi TL trả lời thư ông X (một người chồng luôn yêu vợ thương con nhưng vẫn không quên được người yêu đầu tiên…), với tựa đề “Tình đầu khó quên”, một nữ độc giả là bà Y đã viết thư góp ý kiến, trong đó có một vài điểm bất đồng với ý kiến của TL. Xin chân thành cảm ơn bà Y, và giới thiệu những đoạn chính tới độc giả:

……

Ngay khi vào đề, cô TL đã xác định rằng: thông thường thì cứ 10 bà vợ, sẽ có đủ 10 bà phản đối việc chồng mình duy trì liên lạc với người yêu cũ. Nhưng những gì cô viết sau đó vô tình đã “vẽ đường cho hươu chạy”.

Tôi và có thể mọi người khác cũng đồng ý rằng “không quên được không phải là một cái tội”, nhưng làm sao chúng ta có thể quy định ranh giới giữa hai sự việc “không quên được” và “cố tình nhớ”?!

Theo tôi, “không cố tình tìm gặp lại, hoặc liên lạc trở lại với tư cách người yêu” như cô TL đã viết là chưa đủ, mà người đàn ông còn phải phấn đấu với nội tâm để gạt bỏ ngay mỗi khi vô tình nhớ tới người yêu cũ.

Tôi biết có một bà bạn nọ, hai vợ chồng chia tay nhau rồi cả hai đều có người mới, hạnh phúc mới (có con cái đàng hoàng), nhưng về sau lại dính với  nhau trở lại, dở khóc dở cười, chẳng biết giải quyết ra sao cả. Nguyên nhân theo suy nghĩ của tôi chỉ vì hai người không chịu dứt khoát gạt bỏ hình ảnh, cũng như tình cảm với người cũ.

Mặc dù trường hợp của ông X  là “một người chồng không quên được người yêu đầu tiên”, khác với “một người chồng không quên được người vợ đầu tiên”, nhưng theo tôi cả hai trường hợp ấy cùng có một mẫu số chung, đó là chữ “đầu tiên”, mà trong lãnh vực tình cảm thì chữ “đầu tiên” ấy không chỉ là “first” mà là “first choice”, còn người tới sau chỉ là “second best” (dĩ nhiên tôi không đề cập tới mấy ông bỏ vợ già để cưới vợ trẻ!)!

Như vậy, dù người đàn ông không cố tình, ông ấy cũng sẽ có sự so sánh giữa người vợ mới và người vợ cũ, xem người mới có “bằng” người cũ hay không, chứ không mấy quan tâm tới những gì người mới “hơn” người cũ! Bên cạnh đó, theo những gì tôi đọc được thì có tới 10% vợ chồng đã chia tay nhau sau đó châu về hiệp phố gương vỡ lại lành!

Trong phần góp ý kiến của mình, cô TL đã phân biệt rõ giữa

việc vợ chồng chia tay nhau, không ai mắc nợ ai và mối tình đầu không thành của ông X với một món nợ. Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua yếu tố “tình xưa nghĩa cũ” giữa vợ chồng, chưa kể còn “nhớ mùi hương”, thì dù không mắc nợ, cũng có khuynh  hướng dễ ráp lại.

Một số người tin rằng vợ chồng đã tới mức phải chia tay có nghĩa là tận cùng bằng số thì tình yêu đã biến thành thù hận, nhưng trên thực tế, đây là một thứ “thù hận” khác thường: có thể tới mức thù tận xương tủy suốt một đời, nhưng cũng có thể khi có điều kiện thuận lợi thì lại hòa nhau ngay!

Cho nên theo ý kiến của tôi, một khi đã biết được xu hướng ấy, và sự yếu đuối của con người thì sau khi chia tay, không nên nuôi hận thù đã đành nhưng cũng chẳng nên duy trì một tình bạn nếu mình đã có một hạnh phúc khác, bởi vì những cơ may có thể xảy ra như tôi đã viết ở trên.

Suy ra, trường hợp của ông X cũng thế, mặc dù người yêu cũ cách xa một đại dương, nhưng vẫn có thể “gần trong lòng”, thành thử dù ông không áy náy, mặc cảm tội lỗi với vợ khi duy trì liên lạc với A, tôi cho rằng cũng là việc không nên. Nếu quan niệm tình đầu muôn thuở thì cứ để nó muôn thuở một cách tự nhiên, khi nào quá khứ hiện về thì mình trân trọng, chứ không nên khuyến khích hỗ trợ bằng cách duy trì liên lạc.

Nếu ông tiếp tục duy trì liên lạc, tôi không quy trách ông vào tội lừa dối vợ, nhưng việc này sẽ khiến chính bản thân ông phải khổ sở, vì ông là một người chồng, người cha gương mẫu.

Sau cùng, nếu những ý kiến tôi hơi chỏi với ý kiến của cô TL, xin thông cảm. Thực ra trong lòng tôi cũng thương cảm cho A, nhưng ở đời này không có cái gì trọn vẹn, nếu chúng ta cố làm cho cái này trọn vẹn thì lại gây tai hại cho cái khác!

Y