Những công ty cung cấp thiết bị 5G tại Úc có liên kết với Đảng Cộng Sản Trung Quốc

13 Tháng Tám, 2018 | Tin nước Úc
Một cửa tiệm của công ty Huawei tại Tây Gia Ba. Photo Courtesy: Reuters

Trong lúc các thành viên của Quốc hội Liên Bang đang ra sức vận động chính phủ Turnbull ban hành lệnh cấm công ty Huawei can dự nào vào hệ thống mạng 5G tại Úc, chẳng mấy ai thực sự để ý đến 2 công ty cung cấp thiết bị cho dự án phát triển hệ thống 5G của Úc cũng có liên quan tới Trung Quốc là Nokia và Ericsson.

Cả 3 nhà cung cấp thiết bị cho hệ thống mạng 5G tương lai của Úc đều dính dáng đến Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Huawei thuộc sở hữu trực tiếp bởi Trung Quốc nên không khó để các chính trị gia nhìn ra vấn đề, thế nhưng không dễ dàng trong trường hợp của Nokia và Ericsson. Mặc dù cả hai công ty này có trụ sở chính nằm ở Scandinavia, và đã kí hợp đồng hẳn hoi với Chính phủ Úc, hầu hết các thiết bị của họ đều được sản xuất bởi các nhà máy đóng tại Trung Quốc. Dĩ nhiên là các nhà máy sản xuất này thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Trung Quốc theo hình thức liên doanh dưới luật của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Chính từ điều này mà cả Nokia và Ericsson đều có khả năng trở thành tâm điểm mà các dân biểu sẽ nhắm đến và làm áp lực, tương tự như trường hợp của công ty Huawei, bởi tính rủi ro cao trong việc bảo mật thông tin cho hệ thống 5G.

Các liên kết của Đảng Cộng sản thông qua Công ty liên doanh của Nokia là Công ty Nokia Shanghai Bell, thậm chí được hiển thị rất rõ ràng trên trang web của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch của Nokia Shanghai Bell, Yuan Xin, cũng là thư ký của chi nhánh công ty thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản.

Hội đồng quản trị công ty liên doanh Trung Quốc của Ericsson, Nanjing Panda Electronics, có một số thành viên cũng nắm giữ các chức vụ trong Đảng Cộng sản. Nanjing Panda cũng chính là nhà cung cấp thiết bị truyền thông cho quân đội Trung Quốc.

Các nhà phê bình của Úc về Huawei đã đề cập đến hệ thống tình báo và luật an ninh mạng của Trung Quốc. Trong đó, các luật này yêu cầu tất cả các công ty và công dân phải hỗ trợ chính phủ Bắc Kinh trong công việc tình báo và báo cáo các lỗ hổng trong hệ thống viễn thông.

Huawei, được thành lập bởi cựu kỹ sư Quân đội Giải phóng Nhân dân Ren Zhengfei, cung cấp thiết bị cho các nhà cung cấp mạng 4G của Úc là Optus và Vodafone. Nhưng hiện tại Huawei đã bị cấm bởi chính phủ liên bang, ngăn chặn công ty này tham gia vào NBN (National Broadband Network) tức là mạng lưới băng thông rộng của quốc gia.

Chính phủ Turnbull dự kiến sẽ sớm thông báo liệu Huawei có bị chặn không được phép tham gia vào dự án nâng cấp mạng 5G của Úc. Hệ thống mạng 5G này sẽ hỗ trợ các công nghệ mới nổi bao gồm trí tuệ nhân tạo, xe hơi không người lái và robot.

Thành viên Quốc hội Đảng Lao động, ông Michael Danby và Andrew Byrne, cũng như Đảng Tự do Andrew Hastie, đã bày tỏ sự lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, nếu chính phủ cho phép công ty Huawei và những công ty công nghệ Trung Quốc ZTE tham gia vào dự án nâng cấp mạng 5G này.

Giáo sư Mark Gregory của trường Đại học RMIT đã cho biết, rất dễ dàng để điểm mặt một công ty nào đó thuộc sở hữu của Trung Quốc, nhưng cũng rất dễ để chúng ta bị qua mặt bởi những công ty Châu Âu vốn có liên kết với Đảng Cộng Sản Trung Quốc theo diện công ty liên doanh.

Giáo Sư Gregory đã đệ đơn cho Thủ tướng chính phủ Malcolm Turnbull vào tháng trước, để vận động chạy thử nghiệm Trung tâm Bảo hiểm Viễn Thông (Telecommunications Secutiry Assurance Centre) tại Melbourne để kiểm tra và giám sát tất cả các thiết bị có nguồn gốc từ ngước ngoài, được đưa vào sử dụng trong các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng như NBN và 5G.

Cho đến nay, giáo Sư Gregory vẫn chưa nhận được hồi đáp nào. Ông cho biết Canada, Anh, Ấn Độ và New Zealand là những nước phát triển và có chuyên môn cao trong việc kiểm tra và giám sát các thiết bị viễn thông có nguồn gốc từ nước ngoài.

Fairfax Media đặt một loạt câu hỏi cho chính phủ liên bang hỏi liệu họ có chế độ thử nghiệm thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài hay không và liệu có bất kỳ mối quan ngại nào về mối quan hệ của Đảng Cộng sản với các nhà cung cấp như Nokia và Ericsson hay không.

Bộ Nội vụ từ chối trả lời cụ thể các câu hỏi trên cơ sở bảo mật an ninh quốc gia và thương mại.

Một phát ngôn viên của Nokia cho biết Nokia Shanghai Bell – công ty liên doanh Trung Quốc đã được yêu cầu tuân thủ tất cả các luật và quy định tại Trung Quốc. Nokia vẫn là cổ đông lớn của liên doanh Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của Ericsson cho biết công ty liên doanh Trung Quốc của họ không phải báo cáo với một chi nhánh nào của Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, liên doanh phải tuân thủ luật pháp trong nước của Trung Quốc.

Theo SBS Tiếng Việt