Hỏi và giải đáp 433: Đừng để bất đồng trở thành bất hòa

30 Tháng Tám, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời một lá thư lời lẽ rất “trẻ con” nhưng xét kỹ thì toàn là những vấn đề của “người lớn”, cần phải quan tâm lưu ý các cặp vợ chồng trẻ.

Người viết thư là cháu A, một cô gái “yêu một cái là lấy nhau ngay”, có chồng là B, cả hai mới trên dưới 25. Trước khi lấy nhau, A và B đều quan niệm sống là phải hưởng thụ thoải mái (party, casino…) nhưng sau khi sinh con, A đã có những suy nghĩ khác, muốn dành dụm tiền bạc để mua nhà, hoặc đầu tư cách nào đó để tương lai được bảo đảm. B trả lời rằng đợi tới khi 30 tuổi hãy bắt đầu là vừa, còn hiện nay phải lo hưởng thụ, vì đời người chỉ sống một lần!

Từ đó, bất đồng xảy ra hàng ngày, có khi hai người giận nhau, B đi làm rồi viện lý do có bạn rủ, đi chơi luôn tới khuya mới về…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu A thân mến,

Cháu không cần nhờ cô làm “trọng tài” để phân xử, thì tự cháu cũng thấy cháu đúng 100%, còn B sai 100%. Nhưng bởi vì cháu và B không phải là đối thủ ngoài đời mà là vợ chồng, cho nên  vấn đề (problem) chúng ta phải đặt ra ở đây, không phải là ai đúng ai sai, mà là làm sao để giải quyết một cách tốt đẹp.

Xưa nay, đàn ông con trai ham vui như B là việc rất thường tình, nhưng chia ra hai thành phần rõ rệt: một thành phần ham vui chỉ vì trẻ người non dạ, tới một cái tuổi nào đó thì nghĩ lại và tu tỉnh, hoặc ít ra cũng giảm bớt; thành phần kia thì ham vui suốt đời!

Theo nhận xét cũng như kinh nghiệm sống của cô, thì đa số đàn ông con trai thuộc thành phần thứ nhất, tức là sẽ giảm bớt hoặc thay đổi hẳn.

So tới tiêu chuẩn của người tây phương, một người chồng trên dưới 25 tuổi như B là còn quá trẻ. Ngày xưa ở Việt Nam, người ta lập gia đình sớm mà không mấy khi gặp “trouble” là vì nhiều nguyên nhân, chẳng hạn không biết ăn chơi là gì, hoặc không có thì giờ và cơ hội để ăn chơi; và có cha mẹ đôi bên gần gũi nâng đỡ…

Nhưng ở Úc nói riêng, ở các xã hội tây phương nói chung, một khi đã lập gia đình là hoàn toàn “tự lập tự quyết”, thì một người chồng hai mươi mấy tuổi, e rằng chưa đủ chín chắn, hoặc nếu có thì cũng rất hiếm.

Cô cũng muốn phân biệt giữa “chín chắn” và “khôn ngoan”. Khôn ngoan là bản chất trời sinh, còn chín chắn là do kinh nghiệm bản thân hoặc những gì xảy ra trước mắt đem lại cho mình. Vì thế, nếu hiện nay dù đã có con, B vẫn còn ham vui thì tuy không đáng khen cũng không hoàn toàn đáng trách. Cháu không nên nhìn lên, bởi vì nếu nhìn lên, chính cô cũng thấy có những người con trai mới ngoài 20 đã chỉ biết lo làm ra tiền, không phải chỉ có người Á đông mình mà cả dân gốc Ý, gốc Hy-lạp cũng thế.

Khởi đầu của hôn nhân là một sự lựa chọn. Nhiều người cho rằng hạnh phúc hay không hạnh phúc, bền lâu hay sớm tan vỡ là do sự lựa chọn ấy. Nhưng theo quan sát và kinh nghiệm của những người đã sống quá nửa đời người như cô thì chỉ có một tỷ lệ nhỏ tan vỡ vì lựa chọn sai lầm, còn lại đa số tan vỡ vì thiếu thiện chí xây dựng (devotion) và thiếu thông cảm hiểu biết (understanding).

Vì thế, thái độ tốt nhất của cháu hiện nay là thông cảm, và giải pháp tốt nhất hiện nay là từng bước thay đổi cách sống của B. đây chính là trường hợp mà ông bà mình đã khuyên “dục tốc bất đạt”, có nghĩa là hấp tấp, vội vã quá thì không thể thành công!

Cháu không nên nặng lời đả kích B, cũng không nên “đối đầu” (confront) bởi một khi đối đầu thì bắt buộc phải có người thắng kẻ bại – mà tiếng Việt bình dân gọi là “từ chết tới bị thương”. Cháu cũng không nên than phiền B xài tiền quá mức trong khi cháu và con bị thiếu thốn. Cách “phản đối” tốt nhất là đưa ra các nhu cầu của cháu và của con để hy vọng dần dần B sẽ nhận ra là mình đã phung phí tiền bạc một cách vô lý, và thiếu lương tâm, tàn nhẫn.

Cô không hiểu cháu và B giận nhau tới mức nào, nhưng một khi B đi làm rồi đi chơi luôn tới khuya mới về, là tình trạng đã tới mức nguy hiểm, dứt khoát không thể để tái diễn!

Cô không hề bênh vực những người chồng có tật ăn chơi, nhưng riêng với những người chồng còn quá trẻ như B thì nên cho họ một thời gian để nghĩ lại.

Tựa đề tuần này “Đừng để bất đồng trở thành bất hòa” là cô học lóm được từ bài diễn văn của một nhà lãnh đạo hội đoàn chính trị, nhưng thiết nghĩ áp dụng vào cuộc chung sống giữa vợ chồng cũng rất thiết thực: bất đồng thì phải lo giải quyết ổn thỏa, chứ đừng đợi nó biến thành bất hòa, sớm muộn cũng đổ vỡ, bằng không thì cũng giống như sống trong một “địa ngục gia đình”.

Thân mến,
Thanh Lan