Bùi Tín – Tô Hải: những kẻ đi giữa hai lằn đạn

05 Tháng Chín, 2018 | Bình Luận
Nhạc sĩ Tô Hải (1927-2018) (trái) và nhà báo Bùi Tín (1927-2018) là hai nhà bất đồng chính kiến cao niên có ảnh hưởng của Việt Nam. (Photo courtesy: BBC Tiếng Việt)

Năm 1990 trong một chuyến sang Pháp dự hội nghị hàng năm của báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, Đại tá Bùi Tín, Phó Tổng biên tập báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định ở lại Pháp và sau đó xin tị nạn chính trị. Việc ông Bùi Tín đào tị cũng tạo cơn sốc không thua gì vụ Hoàng Văn Hoan, ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam (phe thân Tàu) nhân đi chữa bệnh ở Đông Đức, đã trốn sang Tàu  lên án Lê Duẩn (phe thân Liên Xô) đối xử tàn bạo với người Hoa rồi sống lưu vong và chết  ở Bắc Kinh, được Trung Cộng tổ chức tang lễ cấp nhà nước.

Nhưng khác với Hoàng Văn Hoan bị coi là một Trần Ích Tắc thời nay vì tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng, Đại tá Bùi Tín xin tị nạn ở Pháp với lý do bất đồng chính kiến, muốn đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền. Nhà nước cộng sản qua hệ thống báo chí đảng và các báo ngoại vi đã có một thời gian dài viết bài lên án ông là kẻ “phản bội tổ quốc”, phản  đảng và dùng các văn nô bịa chuyện để nhục mạ ông, bác bỏ vai trò của ông trong ngày “tiếp thu” chính quyền Dương Văn Minh đã được truyền hình Pháp ghi lại khi ông còn là đại tá phó tổng biên tập tờ Nhân Dân.

Ngược lại, một số người trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã căn cứ vào các bài viết của ông hay cái mặt có vẻ tự đắc của ông trong quân hàm đại tá trả lời phóng viên truyền hình, gọi lá cờ trên nóc Dinh Độc lập là “cờ của bọn ngụy” hay khi Tổng thống Dương Văn Minh nói “chúng tôi chờ các ông đến để bàn giao” thì Bùi Tín trả lời “Không có bàn giao chính quyền, tất cả chính quyền của các ông đã sụp  đổ rồi, chỉ có đầu hàng thôi, người ta không thể đưa cho cái gì không còn trong tay”. Câu nói này là một trong những lý do để những người chống ông cho đến ngày ông chết gọi ông là kẻ giả tị nạn để phá hoại cộng đồng hay kẻ chống cộng cuội. Có người còn đòi ông phải chứng minh bằng cách công khai lên án Hồ Chí Minh hoặc cầm cờ vàng chẳng khác nào thời xưa các quan bắt người Công giáo phải đạp lên thập giá mới tha tội chém đầu!

Trong 28 năm lưu vong, qua hai cuốn sách Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật và tới cả ngàn bài viết, hàng chục các cuộc phỏng vấn, nói chuyện, ông Bùi Tín đã từ chống cấp lãnh đạo cộng sản chuyển sang chống chủ nghĩa cộng sản, đòi hỏi phải dẹp bỏ chủ nghĩa cộng sản mà ông cho đã lỗi thời. Không những phản tỉnh, ông cựu phó tổng biên tập phản biện với những bài viết có tính cách thuyết phục, được nhiều độc giả đón xem và ưa thích. Chỉ vài ngày trước khi qua đời vì bệnh hoạn, ông vẫn còn cố gắng viết bài để phê bình lãnh đạo, kêu gọi các đảng viên cộng sản hãy thay đổi tư duy để làm sao cho Việt Nam có được tự do dân chủ, sánh hàng với những nước lân bang tự do và phú cường.

Cùng ra đi với ông trong ngày ở bên này bờ đại dương có nhạc sĩ Tô Hải, một người sau năm 1975 đã vào Miền Nam sinh sống, từ bỏ mọi danh dự mà nhà nước ban cho một nhạc sĩ có công với chế độ, gọi mình là một “nhạc nô”, phát hành cuốn sách có tên “Hồi ký của một Thằng Hèn”, tự nhận mình là một kẻ hèn sống an phận. Có người nói ông là “thằng hèn” mà không hèn. Người khác gọi ông là “thằng hèn vĩ đại”. Cũng như ông Bùi Tín, ông Tô Hải nằm trên giường bệnh mà vẫn còn viết hoặc đọc cho vợ ghi chép, lên án tệ nạn xảy ra hàng ngày của xã hội dưới chế độ cộng sản. Câu nói để đời của ông Tô  Hải khi nhắc lại câu nói của nhà văn đại tá Nguyễn Khải “Miền Bắc cho tôi độc lập, Miền Nam cho tôi tự do”, ông Tô Hải nói “Miền Nam đã cho tôi độc lập, tự do và… cả hạnh phúc”!

Thế là 48 năm sống dưới Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đảng cho ông Tô Hải ăn cái bánh vẽ độc lập tự do, nên ông đã cung cúc đóng vai  “nhạc nô”. Chỉ 43 năm cuối đời khi vào Nam ông mới thấy rằng hơn nửa đời người bị lừa gạt. Mà như ông nói, hơn 90 triệu người hiện đang phải sống dưới sự lừa gạt. Tuy bị nhà nước đì, cúp tiền hưu, làm khó kể cả khi phải vào bệnh viện, vậy mà vẫn có người cho rằng ông “chống cộng cuội”.

Hai ông sống được 91 năm nhưng gần nửa đời người đi giữa hai lằn đạn dù các ông rất có lòng với đất nước. Thôi thì cũng xong một đời người. Requiescat IPacem.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1691 phát hành ngày 22.08.2018)