Dời người nhập cư mới ra khỏi các thành phố lớn liệu có khả thi?

03 Tháng Mười, 2018 | Bình Luận
Tân Thủ tướng Scott Morrison. Photo Courtesy: Reuters

Thủ tướng Scott Morrison đang chuẩn bị cho tiến trình cải tổ chính sách dân số và nhập cư, và theo các báo cáo truyền thông, ông đang xem xét một chương trình mà theo đó người nhập cư mới phải sống và làm việc ở các vùng ngoại thành trong một thời gian bắt buộc tối thiểu có thể là 5 năm.

Kế hoạch này được cho là nhằm giúp giảm tải áp lực dân số chóng mặt tại hai thành phố lớn nhất của Úc là Sydney và Melbourne, nơi được chọn là bến đỗ của 87 phần trăm tổng số người nhập cư vào Úc trong năm 2017. Ông Morrison cũng đưa ra gợi ý rằng chính sách dân số mới có thể không loại trừ việc cắt giảm lượng sinh viên quốc tế tới một số trường đại học nhất định. Tuy nhiên, phân tích từ nhiều khía cạnh có thể thấy những kế hoạch này sẽ nhiều phần thất bại nếu được đưa vào thực hiện.

Hiện tại Úc đã có tương đối nhiều các chương trình cấp thị thực (visa) nhằm thu hút nguồn nhân lực có tay nghề tới các khu vực vùng thưa dân cư (regional areas) như Skilled Regional (Subclass 489) và Regional Sponsored Migration Scheme (visa 187). Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những chương trình thị thực này có giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế của khu vực trong ngắn hạn, nhưng cũng đồng thời kéo mức lương đi xuống. Lợi ích về kinh tế của các địa phương này cũng trở về gần như là số 0 trong dài hạn, bởi sau thời hạn lưu trú bắt buộc những người nhập cư chuyển đến các khu vực khác chủ yếu là các thành phố lớn.

Việc người nhập cư lựa chọn định cư tại các thành phố lớn cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi tốc độ tăng trưởng việc làm ở đây cao gấp nhiều lần hầu hết các khu vực thưa dân. Con số thống kê cho thấy một tỷ lệ rất thấp người nhập cư chọn con đường lưu trú tại các khu vực vùng xa để được định cư tại Úc. Chỉ 12,000 người, chiếm 5 phần trăm trong tổng số 184,000 người nhập cư, đã ở lại Úc theo diện này.

Như vậy việc sử dụng một số chính sách thị thực mới nhằm giãn áp lực dân số cho các thành phố lớn có thể nói là hão huyền. Một mặt nó chỉ giúp mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn cho các vùng thưa dân, mặt khác có thể cản trở người nhập cư có tay nghề đến Úc.

Về gợi ý cắt giảm số lượng sinh viên quốc tế đến học tại Sydney và Melbourne, đây hẳn là một ý tưởng tệ hại hơn nữa có thể dẫn đến tổn hại lớn về kinh tế cho nước Úc. Ngành xuất khẩu giáo dục đóng góp 28 tỷ Úc kim mỗi năm là ngành xuất khẩu dịch vụ sinh lợi nhuận cao nhất tại Úc và đứng thứ ba trong toàn bộ các ngành công nghiệp xuất khẩu, chỉ sau quặng thép và than đá. Tuy nhiên, chỉ 10 phần trăm lượng du học sinh tới Úc đến học tại các khu vực thưa dân cư, trong khi đó Melbourne và Sydney đón 65 phần trăm tổng số học sinh và sinh viên quốc tế.

Chính phủ Morrison, thay vì đưa ra các đề xuất chẳng mấy khả quan, nên chăng tập trung vào việc tìm ra giải pháp giúp các thành phố lớn vận hành một cách hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu dân số hiện đã cao và sẽ còn tăng cao nữa. Bước đầu tiên mà chính phủ có thể thực hiện đó là dịch chuyển quỹ ngân sách đầu tư cho các cơ sở hạ tầng tại nơi mà việc tăng dân số và các hệ quả được nhìn thấy một cách rõ rệt nhất, chính là Melbourne – dự kiến sẽ trở thành thành phố lớn nhất nước Úc trong vòng 8 năm tới.

Cơ sở hạ tầng tại Melbourne đã được thiết kế và xây dựng cho một thành phố 3 triệu dân, giờ đã đạt 5 triệu dân và được ước lượng sẽ lên đến hơn 8 triệu trước năm 2050. Melbourne cần một khoản đầu tư lớn để cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng trong thành phố và các khu vực ngoại ô, giúp đáp ứng nhu cầu đi lại của một lượng lớn dân cư. Đồng thời, tại mức tăng trưởng dân số này, các thành phố vệ tinh như Geelong, Torquay, Ballarat và Bendigo cũng sẽ có cơ hội phát triển thành những trung tâm kinh tế văn hóa mới.

Tuy nhiên điều này chỉ có thể đạt được nếu như chính phủ áp dụng một kế hoạch toàn diện về giao thông, nhà đất và việc làm nhằm đảm bảo một mức phân bổ đồng đều trong khu vực. Mấu chốt nằm ở việc Thủ tướng Morrison và chính phủ sẽ hành động như thế nào?

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1695 phát hành ngày 19.09.2018)