Kể chuyện đường xa 4: Thiên đàng hạ giới Hawaii

11 Tháng Mười, 2018 | Du lịch,Mỹ châu
Tác giả bút ký Kể Chuyện Đường Xa tại một bãi biển ở Waikiki

Nguyễn Hồng Anh

* * *

Tôi không nhớ từ lúc nào tôi đã nghe cụm từ “thiên đàng hạ giới” gắn liền với những địa danh như “Tahiti”, Hawaii. Nhưng ít nhất đã hơn một lần tôi gọi Vanuatu là thiên đàng hạ giới cách đây khoảng mười một năm khi vợ chồng chúng tôi đi du lịch ở New Caledonia (Nouvelle Caledononie –Tân đảo, Tân thế giới) và năm sau đó cả gia đình năm người đi Vanuatu và viết bút ký “7 ngày ở xứ đảo thần tiên”, kể chuyện gặp triệu phú kiêm chính trị gia gốc Việt nổi tiếng ở đảo quốc này là Đinh Văn Thân.

Trong chuyến holiday ba tuần lễ ở Bắc Mỹ lần này, vợ chồng chúng tôi đã chọn trạm dừng chân cuối là Hawaii, một địa danh nghe rất quen thuộc với mọi người để nghỉ mát, một nơi được hầu hết các  nhà quảng cáo và đại lý du lịch gọi là “thiên đàng hạ giới”. Bạn cũng cần nhớ thêm, Hawaii còn nổi danh với tiếng đàn tây ban cầm réo rắt mượt mà: guitar Hawaiian.

Tiểu bang Hawaii là một quần đảo nằm ở Thái bình dương gồm nhiều hòn đảo lớn nhỏ trong  đó có tám hòn đảo lớn là Big Island (còn gọi là Hawaii), Maui, Oahu, Kauai, Molokai, Lanai, Niihau và Kahoolawe.

Oahu, diện tích chỉ bằng một phần bảy đảo lớn Big Island,  là hòn đảo lớn thứ ba của quần đảo Hawaii nhưng là đảo đông dân nhất với thủ phủ là Honolulu. Những hòn đảo nhỏ khác ít người, dân số lưa thưa nhưng được một số du khách ưa chuộng vì cảnh vật thiên nhiên hoang sơ  không có bàn tay con người chạm tới với những bãi biển nước trong vắt, rạn san hô hay những ngọn núi lửa đang hoạt động.

Theo kiểm tra dân số năm 2018, tiểu bang Hawaii có 1.426,393  triệu người trong đó đảo Oahu chiếm 953,207; Big Island 186,738 người; Maui 144,444;  Kauai 66,921; Molokai 7,345; Niihau 170 và Kahoolawe không có người ở.

Vì là một quần đảo nằm riêng một cõi, xa các lục địa kể cả đất liền Hoa Kỳ, có hệ sinh thái đặc hữu của Thái bình dương ấm áp quanh năm  cho nên nói Hawaii là thiên đàng hạ giới cũng không phải là cường điệu.

Bãi biển Waikiki Beach cách khách sạn chúng tôi ngụ chừng 400 mét. Hình: TVTS

Tuy nhiên, hầu hết du khách khi đi nghỉ mát ở tiểu bang Hawaii sẽ đến đảo Oahu, hay nói rõ hơn đến thủ phủ Honolulu hay Waikiki Beach.

Honolulu là khu vực hành chánh và chính trị, nơi có tòa nhà quốc hội, các cơ sở hành chánh, thương mại và giáo dục cũng như các trung tâm hội nghị quốc tế trong khi Waikiki Beach là nơi du khách đến nghỉ mát, mua sắm và tắm biển cho nên chúng tôi đặt khách sạn ở nơi đây: Polynesian Residences Hotel là khách sạn  nằm trên con đường chính Kalakaua Avenue, một con đường có nhiều khách sạn, rất nhiều cửa hàng y phục cao cấp, nhà hàng đủ loại, các tiệm tạp hóa, sinh hoạt nhộn nhịp ngày đêm.  Khách sạn Polynesian Residences đáp ứng nhu cầu và sở thích của chúng tôi, nhất là chỉ cách bãi biển vài trăm mét.

Chúng tôi đã có 6 ngày đêm ở “thiên đàng hạ giới” Hawaii, nhưng không phải ở Hòn Đảo Lớn có tên Hawaii  mà ở thành phố Honolulu, hay chính xác hơn ở vùng biển Waikiki Beach.

* * *

Hawaii còn được gọi bằng tiếng Việt là Hạ Uy Di, nơi người thổ dân Polynesian đến định cư đầu tiên trước người Âu Châu và Á Châu. Quần đảo được thống nhất vào đầu thế kỷ 19 bởi vua Kamehameha với hỗ trợ của các nước Âu Châu.  Nhưng vương triều Hawaii chỉ kéo dài được 83 năm qua 8 đời vua và người cuối cùng là nữ hoàng Lili’uokalani.

Vương quốc Hawaii bị các cường quốc như Nga, Pháp, Anh và Hoa Kỳ can dự vào nội bộ của họ để cuối cùng vào năm 1894 trở thành một nước cộng hòa và bốn năm sau trở thành lãnh thổ của Hoa Kỳ. Năm 1959 Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và nhanh chóng phát triển thành một tiểu bang hiện đại như ngày nay.

Hawaii là tiểu bang có nhiều người Á Châu nhất trong các tiểu bang của Hoa Kỳ và mặc dù người Nhật nắm hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính trường và thương trường, người thổ dân Polynesian vẫn được dành nhiều đặc quyền và nâng đỡ như người thổ dân  Aborigine ở Úc, nhất là về mặt bảo tồn văn hóa thổ dân.

Đoàn diễu hành đi bộ qua khách sạn chúng tôi trú ngụ, theo sau là xe bus hai tầng mui trần chở ban hợp ca thiếu niên Hawaii và những ông và bà cỡi ngựa. Hình: TVTS

Phụ nữ thổ dân Hawaii trong y phục truyền thống diễu hành trên một đoạn đường của Kalakaua Avenue. Hình: TVTS

* * *

Phi trường Vancouver có tên viết tắt YVR làm tôi phải mất công nhớ mấy chữ khó nhớ đó. Sau này tôi mới biết các phi trường Gia Nã Đại đều bắt đầu với chữ Y, Không hiểu tại sao? Có người giải thích tếu YVR có nghĩa Yes Very Rainy. Nhưng năm ngày ở Vancouver tôi chỉ thấy lạnh chứ không có mưa.

Từ downtown ra phi trường đường dài khoảng 12 cây,  và mất khoảng 20 phút lái xe. Phi trường Vancouver rộng rãi, có ổ cắm điện và hành khách được xử dụng Wi-Fi  miễn phí. Sướng chưa? West Jet là hãng máy bay giá rẻ của Gia Nã Đại nhưng hành khách được đối xử cũng tử tế, lại cho uống trà cà phê và bánh miễn phí trong chuyến bay dài 6 tiếng đến phi trường Honolulu.

Từ Vancouver lạnh và mát mẻ như Melbourne, đến Honolulu dù là buổi tối, chúng tôi cũng cảm thấy không thoải mái dù nhiệt độ tối đa 30 độ C.  Lý do:  khí hậu thay đổi đột ngột và không khí ẩm ướt. Đã 10 giờ đêm, chúng tôi ra phố kiếm chút gì lót bụng. Khách sạn Polynesian Residences  Hotel cho chúng tôi danh sách gần 10 quán nằm cạnh khách sạn, được giảm giá 10% cho khách của khách sạn. Tôi chọn quán Nhật sát khách sạn vì thấy ở đây chỉ bán những món bình dân như mì ramen.

Ngồi vào bàn, hỏi bia, không có vì không có giấy phép bán bia. Buồn 5 phút!  Nhưng đã khuya, thôi thì cứ ăn. Gọi 2 tô mì và một lon coke. Bà chủ quán tự động đem 2 ly nước lạnh. Ăn xong, hỏi trả thẻ credit nhưng không được, may trong túi có mang theo tiền giấy. Lại cũng không được giảm 10% vì trên bàn có ghi phải báo trước chứ một khi đã viết bill thì dù là hội viên hay có thẻ giảm giá cũng không có giá trị. Mà vừa đưa ra 2 tô mì  là kèm ngay cái bill.

Bạn có biết không, cái quán rất ư bình dân chỉ lấy tiền mặt này tính bữa ăn 2 tô mì và lon coke đến khoảng $35 Mỹ kim, tức khoảng $50 Úc kim đấy, bao gồm 2 ly nước lạnh gần 3 đô, thuế và 15% tiền típ (típ bắt buộc, có ghi tay trong bill). Cái quán ăn  Nhật Bản này làm tôi có cảm tưởng Honolulu là nơi người ta chém du khách không nương tay (nhưng về sau, chúng tôi nghĩ  bà chủ này người Tàu, buôn bán kiểu treo đầu dê bán thịt chó).

Hôm sau, chúng tôi ăn trưa ở một quán Nhật cạnh cái tiệm chém đẹp  một hai căn vì thấy cái menu quá hấp dẫn. Một đĩa beefteak hay cá hồi chỉ $14 và $15 Mỹ kim. Quán lịch sự rộng rãi với một cái bench chứa trên 10 khách ngồi như kiểu uống bia ở bar rượu và 4 cái bàn rộng (table) có lò barbebue ở giữa, mỗi bàn có thể chứa khoảng 8 người.  Cái barbecue thiết kế nằm giữa bàn, to khoảng một mét vuông phục vụ cho mọi thực khách ngồi ở ba góc của bàn.

Các thổ dân diễu hành bằng ngựa. Hình: TVTS

Hoa hậu Hawaii diễu hành trên xe mui trần. Hình: TVTS

Khách vừa nhâm nhi vừa xem đầu bếp nướng thịt, cá, rau, xà lách, cà tím v.v… cho mình và những thực khách ngồi chung quanh bàn. Nhìn đầu bếp làm và chùi sạch sẽ sau mỗi món ăn thì cũng đã thấy ngon. Tôi đi ăn nhà hàng Đại Hàn ở Richmond, trên phố Melbourne hay ở Box Hill nhiều lần nhưng chưa thấy nơi nào có lối trình bày bàn ăn và barbecue trông thú vị, đẹp mắt, thoáng và sạch sẽ như ở Waikiki.

Vừa ngồi xuống ghế, cô tiếp viên mang ra cái xô nhựa vuông để dưới chân chúng tôi. Tôi hỏi để làm gì vậy, cô nói “để ông cất cái ba-lô”. Điệu và lịch sự như… Nhật!

Ngoài thịt và cá nướng, họ dọn thêm đĩa xà lách, tô súp, tô cơm, dưa chua, nước chấm… Kêu thêm một ly bia vậy mà cái bill chỉ khoảng $35 Mỹ kim, không tính tiền 2 ly nước lạnh và không đề nghị boa (suggested tip). Tôi đưa cho cô tiếp viên $40 đô và bước ra khỏi tiệm, cô nói đợi thối lại tiền nhưng tôi nói cứ giữ.

Một bữa ăn quá ngon và không khó chịu vì cái tập quán đòi típ của  các quán ăn của Mỹ!  Cách đây 11 năm, chúng tôi từng đi Nhật trong 10 ngày và có kinh nghiệm về việc người Nhật không chấp nhận lấy tiền típ. Tôi nói với nhà tôi, đây là quán Nhật thứ thiệt. Cho nên nên ngày hôm sau, chúng tôi lại đến quán Nhật này,vì nó chỉ khách sạn chừng mười mét. Lần này, không còn thấy cái menu buổi trưa nhưng chúng tôi vẫn quyết định ăn tối ở đây bởi còn hương vị bữa ăn trưa quá rẻ và quá ngon của ngày hôm qua. Chúng  tôi không được ngồi bàn barbecue vì hết chỗ hay đã có người  book trước, đành phải ngồi ở cái bench hơi cao.

Cô tiếp viên người Nhật nhận ra chúng tôi,  mỉm cười  nói “ông bà lại trở lại ạ”.

Nhưng cũng với món thịt bò barbecue giống trưa hôm qua, giá hôm nay là $40 Mỹ kim một đĩa thịt. Cô đề nghị nên kêu thêm xà lách $7 đô hay thêm đĩa cơm vì giá $40 chỉ là thịt!   Thấy chúng tôi ngạc nhiên với giá cả mới trên cái menu, đắt gần gấp ba trưa hôm trước, cô  tiếp viên giải thích giá hôm qua dành cho bữa ăn trưa và đó là giá đặc biệt.

Một ngày trước khi trở về Úc, chúng tôi trở lại ăn trưa ở quán Nhật này và nhận thấy giá cả không thay đổi: đĩa thịt bò barbecue vẫn $14 Mỹ kim với đầy đủ xà lách cơm, súp…

Tiệm Chibo của Nhật cạnh khách sạn chúng tôi cook ngay trên bàn ăn

Và dọn ra đĩa tại chỗ cho khách như nhiều quán Đại Hàn ở Melbourne

Đây là kinh nghiệm ăn uống ở thành phố Honolulu (đúng ra là ở vùng bãi biển Waikiki), nhất là mua thức ăn vào những giờ trưa hay chiều gọi là Happy Hour, đôi khi giá rẻ một nửa, đặc biệt là bia!

Tôi  kể ra chút kinh nghiệm ăn uống ở Waikiki và nhất là để xác định đồ ăn ở Mỹ  rất đắt, đắt đỏ hơn Úc xa.

Cô em gái tôi qua Úc nói ở Úc giá cả đời sống đắt đỏ. Tôi gặp nhiều người bạn ở Mỹ và nhất là những người từ Việt Nam qua Úc cũng nói ở Úc giá cả đắt đỏ.  Tôi luôn luôn nói với họ rằng Úc là nước nông nghiệp nên thức ăn rất rẻ. Mà hầu như thứ gì ở Úc cũng rẻ hơn Mỹ đối với du khách, nếu tính hối xuất giữa hai nước. Chỉ cần tính một tô phở hay một đĩa beefteak và chuyển sang Úc kim thì thấy liền.

Đó là chưa kể tại Úc, ăn hay mua thứ gì, thấy giá ghi thế nào thì trả đúng như vậy vì nó đã bao gồm thuế (GST) chứ không như ở Mỹ, thấy vậy mà không phải vậy. Phải trả thêm thuế có lúc đến 14% chưa kể tiền típ bắt buộc hay tiền típ đề nghị từ 15%, 20% đến 25%. Du khách ăn bữa ăn trung bình hai người 100 Mỹ kim, cộng thuế, cộng típ  có thể lên tới $190 Úc kim  thì sẽ thấy đời sống ở đâu dễ chịu ngay. Bạn đọc TVTS (báo giấy)   và tôi chắc sẽ đồng ca “chúng ta may mắn sống ở Úc- Lucky country” —“Thiên đàng hạ giới” thứ thiệt!

* * *

Ngày thứ ba ở Waikiki, chúng tôi tình cờ được dự một buổi diễu hành có tên là Floral  Parade diễn ra vào ngày Thứ Bảy 29.9.2018, kéo dài từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa trên con đường Kalakaua Avenue, con đường chính của khu phố bãi biển Waikiki chạy ngang  trước mặt khách sạn của chúng tôi.

Ở Waikiki chỉ 6 đêm, chúng tôi không biết có được dịp để thấy hay tìm hiểu về văn hóa của người bản xứ không. Tuy nhiên cuộc diễu hành bằng (xe) hoa mang tên Floral  Parade đã cho tôi chiêm ngưỡng văn hóa Polynesian nói riêng và văn hóa Hawaii nói chung.

Tại quán Quê Hương, TP Honolulu trên đảo Oahu, từ trái: Nguyễn Hồng Anh, LM Nguyễn Hoan Lương, Nguyễn Ngọc Hiệp (phía sau) và Paul Hanh Nguyễn

Vũ Hà trò chuyện với hai người mới quen ở Honolulu, Nguyễn Ngọc Hiệp CTKD-6 (giữa) và ông Paul Hanh Nguyễn, chủ tịch Cộng đồng Người Việt TB Hawaii

Một cuộc diễu hành kéo dài 3 tiếng là cả một công trình, quy tụ không biết bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức đoàn thể và nhất là vô  số người đẹp, các hoa hậu  đủ màu da, thuộc nhiều sắc tộc. Floral Parade dĩ nhiên là phải có hoa: hoa trên đầu, trên cổ, trên cả người, trên xe, trên ngựa. Hoa, vòng hoa, y  phục màu mè là đặc trưng của các sắc dân hải đảo Thái bình dương.

Chúng tôi có thói quen ngủ dậy trễ khi đi du lịch cho nên dù đã biết trước cuộc diễu hành bắt đầu lúc 9 giờ sáng, chúng tôi cũng chỉ xem được một tiếng rưỡi. Nhưng  thế cũng quá đủ. Được ngắm các ban nhạc, các đội kèn đồng, các học sinh, các người tuổi xồn xồn, các cụ già, các người đẹp, các hoa hậu của Hawaii và của các tiểu bang khác ngồi trên xe mô-tô,  xe hơi mui trần, trên xe hoa, trên ngựa; những phụ nữ da ngăm cỡi ngựa đóng vai công chúa hay nữ vương, miệng người nào cũng nói “aloha” để chào công chúng đứng hai bên đường.

Có thể nói đây là một ngày hội rất vui và đáng nhớ mà ban tổ chức cống hiến cho du khách đến thăm thành phố Honolulu nói chung và khu phố Waikiki nói riêng.

Phải thấy những người cầm chai nước đi theo các em để đổ nước vào miệng các em đi diễu hành cầm cờ, biểu ngữ giữa nắng trưa mới thấy sự công phu và sự tận tâm của ban tổ chức để mang lại niềm vui cho cư dân và du khách.

Vợ chồng chúng tôi nói với nhau rằng trong chuyến du lịch 21 ngày đêm kỳ này ở Hoa Kỳ và Canada, chúng tôi sẽ chỉ đi chơi ngắm cảnh và nhất là tắm biển, không chụp hình hay quay phim như những lần trước –vì đây là đi nghỉ mát chứ không phải làm việc—nhưng rồi cái tay cũng táy máy, chụp hình quay phim và viết bài. Đúng là cái nghề làm báo thì nó phải như vậy… Con tằm nhả tơ… và cảm thấy vui  với việc làm của mình. Còn gì hạnh phúc hơn?

Và vì vậy ngoài tắm biển, chúng tôi dùng một ngày đi thăm Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) nơi xảy ra trận dội bom của Nhật vào năm 1941 khiến Hoa Kỳ phải nhảy vào vòng chiến trong Đệ nhị Thế chiến (sẽ viết sau).

International Market Place trên đường Kalakaua Ave nơi có dựng tượng ca sĩ Don Ho của Hawaii, cảnh đẹp để nghỉ ngơi với khu mua sắm đồ cao cấp. Hình: TVTS

* * *

Chúng tôi chuẩn bị đi dạo phố Waikiki và mua sắm lần cuối để sáng sớm mai khoảng 4 giờ ra phi trường trở về Melbourne thì nhận cú điện thoại của Nguyễn Ngọc Hiệp, người bạn học cùng khóa 6 Chính trị Kinh doanh Đà Lạt.

Trước đó, tại Đại hội Thụ Nhân Thế giới ở San Jose, Hiệp cho biết khoảng ngày 1 tháng 10 sẽ trở về  Hawaii, đưa vợ chồng chúng tôi đi một vòng cho biết Honolulu và sẽ rủ  người bạn cùng lớp khác là Vương Ngọc San nhậu một bữa sau 45 năm xa cách. Hiệp và San là hai người bạn cùng lớp định cư ở Hawaii.

Tôi có thói quen ít dùng điện thoại cầm tay, chỉ dùng khi gọi người khác, do đó không giữ điện thoại trong người và nếu có thì cũng tắt hay để câm. Tôi nhận điện thoại của Hiệp khi đang message cho tòa soạn ở Melbourne. Hiệp nói hôm qua gọi tôi nhưng không thấy trả lời và hỏi tôi có phải ngày 4/10  về Melbourne như tôi nói khi gặp nhau ở San Jose không. Tôi nói sáng sớm mai 3/10 sẽ lên đường và về Melbourne ngày 4/10.  Hiệp mời tôi đi ăn tối ngay lúc này và hẹn nửa sau tiếng sẽ tới khách sạn. Hiệp nói vì tôi là nhà báo nên Hiệp  sẽ mời ông chủ tịch Cộng đồng Người Việt  Tiểu bang Hawaii cùng ăn tối để chúng tôi có dịp làm quen.

Thế là chúng tôi may mắn được gặp lại bạn học  cũ và đồng hương Hawaii trước khi lên đường.

Hiệp và anh  Paul Hanh Nguyễn đưa chúng tôi tới nhà hàng Quê Hương ở Honolulu downtown, cách  Waikiki chừng 6 cây số. Nhà hàng này do ông chủ tịch cộng đoàn Công giáo làm chủ. Tại  đây, chúng tôi gặp Linh mục Nguyễn Hoan Lương Dòng Đồng Công làm chánh xứ họ đạo ở Honolulu, một người đi tị nạn lúc 7 tuổi.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết anh Hanh Nguyễn nguyên là nhân viên làm việc cho Hoa Kỳ và được Mỹ bốc đi khi Sài Gòn sắp thất thủ. Qua Honolulu khi mới 25 tuổi, anh Hanh lập gia đình với một phụ nữ Nhật và nay con cái đã thành đạt, tuy nhiên anh vẫn còn làm việc cho chính phủ và làm việc cộng đồng. Hiệp đến nhà anh Hanh gặp lúc anh đang giúp một người nộp đơn xin nhà ở của chính phủ nên nhớ đến chúng tôi và điện thoại một lần nữa. Nhờ vậy mới có cuộc hội ngộ này ở Honolulu.

Bìa báo giấy TVTS phát hành ngày 10.10.2018 tại Úc Châu

Cũng như bạn Tâm ở Vancouver, chúng tôi gặp lại nhau lần đầu tiên từ năm 1973 sau  khi tốt nghiệp đại học. Nhưng hôm nay không có bạn San vì anh ấy bận đi công tác xa.

Qua trò chuyện, chúng tôi được anh Hanh cho biết cộng đồng người Việt ở Tiểu bang Hawaii có khoảng 10,000 người và ở thành phố Honolulu có khoảng 7,000 người. Ngay cả con cái người tị nạn sau khi tốt nghiệp cũng vào đất liền kiếm việc làm vì cơ hội ở Hawaii ít. Cũng vì thế mà dân số người Việt ở Hawaii càng ngày càng giảm.

Hiệp nói rất tiếc là sáng mai chúng tôi lên đường, chứ còn ở lại một hai ngày thì anh sẽ đưa đi ăn cá biển, trái cây,  những đặc sản như đu đủ, không nơi nào ngon bằng: Hawaii mà!!!

Nhưng bạn học cũ gặp lại nhau như thế cũng quý hóa lắm. Nhà tôi rất thích thú khi thấy chúng tôi trò chuyện thân mật, gọi nhau mầy tao như  những đứa học sinh ngày còn đi học dù đứa nào cũng gần 7 bó.

Qua 21 ngày du lịch Bắc Mỹ, từ San Jose, San Francisco, Oakland, Vancouver đến Honolulu, nhà tôi đã có dịp gặp bạn bè của tôi 45 năm về trước và nhận xét tình bạn có vẻ còn thân thiết đậm đà hơn ngày còn đi học.  Nhất là giữa các ông và các bà cùng lớp, chuyện trò nổ như bắp rang, không e lệ rụt rè như thuở học trò!

Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 7.10.2018