Hỏi và giải đáp 456: Tự ái là tự sát!

25 Tháng Mười, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến với em X một người đã ly thân, nay đang được chồng xin hàn gắn… Xin rất sơ lược hoàn cảnh của X:

X và chồng (A) chung sống được gần 20 năm, có … con, sau đó ly thân. Nguyên nhân: ngày càng có nhiều “đụng độ” giữa hai vợ chồng, không ai chịu thua ai…

Sau khi ly thân, A có nhiều cơ hội quen biết và làm lại cuộc đời (với người ở Úc chứ không phải ở VN), nhưng đã không tiến hành. Gần đây, A ngỏ ý muốn trở về tổ ấm… Nhưng X vẫn không thể quên những lời cạn tào ráo máng và thái độ của A trước khi chia tay…

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

TL sẽ không mất thì giờ phân tích nguyên nhân chia tay cũng như triển vọng tái hợp của em và A, bởi vì cả em lẫn A đều đã sống hơn nửa đời người, đủ để nhận ra mọi hệ lụy, những được và mất trong cuộc đời này, mà sẽ chỉ góp ý kiến trực tiếp về việc dẹp bỏ tự ái để tạo cơ hội cho “châu về hiệp phố, gương vỡ lại lành”.

Xưa nay, không chỉ trong lĩnh vực tình cảm, gia đình, mà bất cứ lĩnh vực giao tế nào, tự ái con người cũng thường là yếu tố gây ra những tổn hại mà về sau chính bản thân chúng phải ân hận, và ước gì  được làm lại từ đầu.

Có thể trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đã nghe không ít người vỗ ngực nói rằng cuộc đời của họ không có điều gì phải ân hận. TL không dám khẳng định không có ai đủ tư cách tuyên bố như thế, mà chỉ nhận xét: con số thực sự có lẽ không nhiều tới mức ấy!

Bởi vì nếu quả thực đa số chúng ta đều “không có điều gì phải ân hận” thì thế gian này đã phải tốt đẹp hơn nhiều lắm!

Đi vào chi tiết “những lời cạn tào ráo máng và thái độ của A trước khi chia tay”, một người vợ có tự ái cao, rất có sẽ không bao giờ quên, nhưng một người vợ hiểu biết có thể sẽ thông cảm, hoặc một người vợ độ lượng có thể sẽ tha thứ…

Không quên, hay thông cảm, tha thứ là quyền của người trong cuộc, phần TL chỉ viết như sau:

Nếu cố gắng nhớ lại những lúc xảy ra “chiến tranh giữa vợ chồng”, chúng ta sẽ thấy có lần, hay nhiều lần, mình đã đặt tự ái quá cao, khiến sự việc kết thúc một cách tệ hại, mà nếu chỉ cần dẹp bớt một chút, chắc chắn đã tránh khỏi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận: nhiều khi chỉ vì tự ái mà chúng ta đã có những phản ứng (lời nói, hành động) quá lố, quá đáng; sau này ân hận thì đã quá muộn!

Suy ra, những lời cạn tào ráo máng và thái độ của A trước khi chia tay rất thể chỉ là những cái quá lố, quá đáng không thể tự chế, mà về sau có lẽ A đã phải ân hận.

Cho nên, nếu em chấp nhận cho A trở lại, và những lời cạn tào ráo máng và thái độ của A trước kia thực ra là chỉ là những quá lố, quá đáng vô tình, thì lòng độ lượng của em đã gặp đúng đối tượng; ngược lại, nếu những lời nói ấy, thái độ ấy là cố tình, thì nay A lại càng phải ân hận, từ đó cố gắng đoái công chuộc tội!

Tóm lại, cũng những lời nói, thái độ ấy, nếu chúng ta “cởi” thì đó là “phúc”, nếu chúng ta “buộc” thì đó là “họa”.  Tùy ý em.

Thanh Lan