Kể chuyện đường xa 5: Du lịch tự túc hay đi tour theo đoàn?

17 Tháng Mười, 2018 | Du lịch,Mỹ châu
Tác giả bút ký Kể Chuyện Đường Xa trước San Francisco City Hall, tháng 9 năm 2018

Nguyễn Hồng Anh

* * *

Tôi đi du lịch ngoại quốc lần đầu tiên vào năm 1990 sau khi định cư ở Melbourne. Đó là chuyến đi gần, chỉ mất khoảng tám tiếng bay nhưng cũng là khởi đầu cho bút ký “kể chuyện đường xa”… xa tới các châu lục và châu đại dương mà một chuyến đi có thể phải mất hơn một ngày bay.

Trong chuyến du lịch đầu tiên đó tại Bangkok, tôi đã nhờ đại lý mua vé máy bay và đặt khách sạn. Máy bay thì có thể biết hãng, giá cả bao nhiêu chứ khách sạn thì mù tịt, chỉ muốn chỗ ở giá rẻ. Vì vậy, trong lần  du lịch đầu tiên đó cũng là dịp kỷ niệm 7 năm  cưới, vợ chồng chúng tôi đã ở trong một khách sạn giống như một ký túc xá, một nhà trọ bình dân để hành khách Việt Nam dừng chân trong chuyến “bay cong” ở thời buổi chưa có “bay thẳng”.

Ở một xứ nóng và ẩm như Thái Lan, khách sạn không có máy lạnh hay quạt điện vì “tiền nào của đó” nhưng với những người đến Úc không xu dính túi, một chuyến du lịch như vậy là quá đẹp, là ước mơ của nhiều người tị nạn mới đến miền đất hứa. Tôi nghĩ khách sạn ở Bangkok đó là một sao. 

Nghĩ lại hơn chục năm trước đó, trong những chuyến đi vượt biên từ Nha Trang, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Sóc Trăng đến Cà Mâu, tôi đã từng ngủ ở “khách sạn ngàn sao”  ở các bến xe thì sao?

Airbus 380 hai tầng có sức chở tới 500 hành khách đậu ở phi trường Tullamarine: đi máy bay Qantas là yên tâm nhất. Hình: TVTS

Khách sạn Best Western Lanai Garden Inn & Suites ở khu người Việt (Lions Plaza, khu cũ) có hồ bơi nhưng xa khu Vietnam Town (khu mới) và San Jose downtown

* * *

Gần 30 năm trôi qua, cùng với tiến bộ của tin học và mạng lưới điện tử, chúng tôi đã có thể tự mua vé máy bay, đặt khách sạn, chọn lựa những nơi mình thích du lịch với giá cả phải chăng, hợp túi tiền, khả năng và sở thích. Chúng tôi có thể đặt mua máy bay nào rẻ, được tiếng an toàn, tử tế với hành khách và đi lúc nào mình muốn. Chỉ cần chuẩn bị một hai tuần là đã có thể bay xa hơn nửa trái đất, đến một miền nào đó. Và chọn cư ngụ ở đâu để mình có thể bước ra khỏi khách sạn là đi bát phố, mua sắm, ăn uống, ngắm cảnh hòa đồng với người bản xứ để xem họ sinh sống như thế nào.

Với lối đi du lịch như thế, chúng tôi thích đi đâu tùy thích, ngủ trễ thức dậy trễ tùy tiện và thay đổi ý tùy hứng. 

Thay vì nằm dài trong khách sạn, tắm hồ bơi hay ra bãi biển (du lịch nghỉ mát mà), nay muốn đi tour một ngày ở một nơi nào đó, một thắng cảnh đẹp hay một di tích lịch sử, chỉ việc book trước 8 giờ tối là hôm sau sẽ theo đoàn đi tour, khỏi phải tìm đường hay hỏi han bất cứ ai.

Không biết bạn đọc có đi du lịch như kiểu chúng tôi không (vì mất công, nhức đầu, tốn thì giờ tìm hiểu và đôi khi cũng chẳng hiểu gì ráo vì khác biệt ngôn ngữ) nhưng cách đây vài tháng, trong một bữa tiệc của Hội Chăm Sóc Sức Khỏe Người Việt Brimbank, một người nói với tôi rằng anh rất thích đọc bút ký của tôi vì nó hữu ích, nhờ kể chi tiết giá cả khách sạn, thức ăn nhờ vậy để liệu đường mà tiêu xài.

Cho nên, ngoài tả cảnh vật, nhận xét về con người, giới thiệu các di tích tôi vẫn chi ly với chuyện tiêu pha ăn uống, vật giá của nơi chúng tôi đến dù đôi khi không nhớ hết. Có bạn đọc đã cám ơn nhờ tôi mà họ tìm được khách sạn hợp với túi tiền của họ. Vậy là quá vui đối với một người viết bút ký du lịch.

MỘT CẢNH CỦA SAN JOSE: San Jose State University. Hình: TVTS

Location! Location! Khách sạn Embassy

* * *

Tôi nói với nhà tôi rằng đã đến lúc phải hưởng thụ, đi du lịch nhiều hơn trước khi không còn hứng thú để đi xa hay chân không còn chắc để đi bộ ngắm cảnh như lúc này. Chắc nhiều bạn đọc tuổi tôi cũng đã làm như vậy. Một năm phải ra ngoại quốc ít nhất một lần, đi xa trong nước ít nhất hai lần, vì  như tôi thường nghêu ngao… “Cám ơn trời, cám ơn đời, đã cho tôi một thời để sống…” hay Xuân tàn đông cạn vô thường/ Vầng nguyệt tròn chưa đến bóng trăng khuyết chóng về” nên năm nay dự tính sẽ du lịch ở Nam Mỹ, dù đi một mình ở các xứ lạ ít an ninh hay có cướp bóc.

Nhưng rồi đổi ý bởi chúng tôi muốn lần đầu tiên họp mặt với các bạn học cũ trong dịp Đại hội Thụ nhân Thế giới 2018 tại San Jose (đúng ra là Fremont, cách San Jose chừng 20 cây số).

Chúng tôi dự trù sẽ đi ba tuần lễ, book khách sạn 21 đêm ở những thành phố chúng tôi muốn đến nằm dọc phía tây ở Thái bình dương, những nơi chúng tôi chưa đến. 

Sau khi chọn các thành phố sẽ đến như San Jose, San Farncisco, Vancouver và Honolulu, chúng tôi tìm mua vé máy bay. Lần này tôi dùng jetabroad, chọn lựa những chuyến bay hợp túi tiền (tránh đi máy bay của  hàng không Trung Cộng dù rẻ). Sau vài ngày “window shopping” trên mạng, chúng tôi chọn chuyến bay phối hợp của bốn hãng Qantas – American Airlines (bay tới LA, San Jose), West Jet (bay tới Vancouver và bay đi Honolulu) và Jetstar (bay về Melbourne).

Bay từ Melbourne đến San Jose mất 19 tiếng rưỡi (bao gồm gần 3 tiếng đổi máy bay ở Los Angeles). Chúng tôi sẽ dùng xe hơi di chuyển từ San Jose lên San Francisco nên sẽ bay từ San Francisco lên Vancouver mất 2 tiếng. Từ Vancouver bay qua Honolulu mất 6 tiếng và từ Honolulu bay về Melbourne mất 10 tiếng.

San Francisco City Hall được xem là tòa thị chính đẹp nhất ở California, cách Embassy Hotel vài trăm mét và nằm trong khu Little Saigon. Hình: TVTS

Một quán ăn Việt Nam trong khu Little Saigon ở San Francisco. Hình: TVTS

Chỉ có máy bay Qantas bao ăn, uống bia rượu và hành lý. Với các hãng khác hành khách phải trả tiền.

Tiền vé cho 2 người tổng cộng là $5,424 Úc kim. Đây là giá rẻ nhất mà chúng tôi mua khoảng 4 tháng trước ngày lên đường. Nếu chọn mua ngay tuyến đường, giờ bay của hãng hàng không vừa nói sớm một tuần trước, thì chúng tôi có thể tiết kiệm hai ba trăm Úc kim. Đôi khi vì muốn rẻ rồi phải trả đắt. Mà cũng có mạng đặt mua vé thay đổi giá vé, cho giá ngày hôm sau rẻ hơn ngày hôm trước vài trăm, chẳng biết đâu mà mò.

Nói tóm: mua càng sớm thì càng được rẻ.

* * *

Tôi thấy chọn mua vé máy  bay dễ hơn đặt khách sạn, nhất là đặt khách sạn ở những thành phố nổi tiếng đắt đỏ như San Jose, San Francisco, Vancouver. Đi du lịch nhiều nơi, chúng tôi thấy khách sạn ở Mỹ có lẽ đắt nhất. Khi nói đắt là phải tính vị trí (gần trung tâm phố/ downtown/ CBD), kiến trúc và nội thất của khách sạn. Trong số những nước Âu Châu và Nam Âu, tôi thấy khách sạn ở Hòa Lan đắt nhất. Ở Bắc Âu, Đan Mạch cũng được xem là đắt.

Đại hội Thụ nhân Thế giới 2018 diễn ra ở Freemont, tại khách sạn Marriott 4 sao lịch sự sang trọng, giá trung bình khoảng 200 Úc kim một đêm. Nhưng thành phố này xa những thành phố có nhiều người Việt gần đó như  Oakland ở phía bắc hay Milpitas, San Jose ở phía nam.

Vì làm báo nên tôi muốn ngụ tại thành phố San Jose được xem là thành phố có nhiều người Việt sinh sống nhất ngoài Việt Nam: khoảng 100,000 người. Thuê khách sạn ở downtown tốn nhiều tiền mà trung tâm phố San Jose chắc cũng chẳng có gì quá hấp dẫn nên tôi chọn khách sạn ở khu có nhiều người Việt là quận 7, để hy vọng gặp người quen, các nhà báo hay chính trị gia gốc Việt đã từng nghe tên. Và nhất là để quan sát sinh hoạt của cộng đồng người Việt.

MỘT CẢNH CỦA SAN FRANCISCO: Thành phố San Francisco nhìn từ Golden Gate Bridge. Xa xa là Bay Bridge nối SF với TP Oakland. Hình: TVTS

Khách sạn GEC Granville Suites Downtown nằm cuối đường Granville Street và ở đầu cầu Granville St Bridge bắc qua vũng False Creek chảy ngang qua downton và Greater Vancouver

Dòm trên bản đồ thấy tên của tờ báo nổi tiếng nhất Bắc Cali là Cali Today, tôi chọn khách sạn Best Western Lanai Gardens Inn & Suites nằm trên đường Tully Road cùng một đường với công ty truyền thông Cali Today News. 

Khách sạn Best Western này nằm cách San Jose downtown chừng 7 cây số, được xem là loại 4 sao, bao gồm ăn sáng giá $205 Mỹ kim một đêm (khoảng $299 Úc kim, nếu không tính tiền ăn sáng thì chỉ khoảng $250 Úc kim), có một nhân viên nói tiếng Việt.

Sau đó, chọn khách sạn ở San Francisco là một thành phố đẹp hàng đầu của bắc California nhưng nổi tiếng đắt mà phần lớn các khách sạn là những tòa nhà cũ. Tôi phải mất nhiều ngày để làm sao tìm được chỗ ngụ gần trung tâm phố với giá rẻ. 

Đối với một du khách từ xa, tòa thị chính có lẽ là trung tâm phố. Nếu gần khu người Tàu hay người Việt thì càng tốt. Làm sao kiếm được khách sạn 3 sao dưới $300 Úc kim? Thật là khó. Phần lớn khách sạn 3 sao tôi kiếm trên mạng giá khoảng $250-$280 Úc kim thì phải dùng phòng tắm và cầu tiêu chung. Lần đầu tiên tôi được thấy có nhiều khách sạn 3 sao mà có phòng ngủ phải dùng phòng vệ sinh và phòng tắm chung!

Phải nhiều ngày tôi mới kiếm được khách sạn Embassy Hotel 3 sao có phòng tắm và cầu tiêu riêng với giá $204 Mỹ kim (khoảng $292 Úc kim), dĩ nhiên là không có ăn sáng. Khách sạn này cũ, chỉ có một cầu thang máy nhỏ nên các đám thanh niên thường sử dụng cầu thang đi bộ,  nhưng có ưu điểm nằm giữa tòa thị chính San Francisco và khu Little Saigon.

Vũ Hà đứng trên cầu Granville St Bridge, bên dưới cầu là chợ Granville Public Market nổi tiếng thuộc Granville Island và phía xa là Burrard St Bridge.

MỘT CẢNH Ở VANCOUVER: Thủy phi cơ trên Vịnh English chở du khách ngoạn cảnh. Hình: TVTS

Khách sạn Polynesian Residences ở Waikiki, Honolulu với hồ bơi bên trong

Tôi cứ book khách sạn theo thứ tự các địa điểm sẽ đến. Lý do: càng đặt sớm, giá càng rẻ và còn có phòng để chọn.

Cũng như ở San Francisco, tại thành phố Vancouver của Gia Nã Đại chúng tôi cũng dò trên mạng để kiếm một khách sạn 3 sao dưới $300 Úc kim, nằm trong khu downton và nằm càng gần khu Little Saigon càng tốt.

Nhìn bản đồ, tôi thấy nếu chọn khách sạn GEC Granville Suites Downtown thì đấy là nơi thích hợp nhất: giá $257 Gia kim một đêm (khoảng $283 Úc kim). GEC Granville nằm cuối downtown ở phía nam so với hải cảng chính của thành phố Vancouver ở phía bắc. Little Saigon nằm ở phía nam bên kia vũng False Creek cách khách sạn chừng 7 cây số là khoảng cách chúng tôi có thể thuê taxi để đi nếu không biết dùng phương tiện công cộng.

Và cuối cùng, chọn khách sạn ở Honolulu. Nói đi Honolulu nhưng chúng tôi biết mình sẽ phải chọn khách sạn ở gần bãi biển nổi tiếng Waikiki nơi du khách đến nghỉ mát dù khách sạn ở đây đắt hơn ở trung tâm thành phố (Honolulu downtown).

Khu nghỉ mát Waikiki có nhiều khách sạn sang trọng và đắt tiền, nhưng nói chung không đắt bằng ở các thành phố ở lục địa mà tôi đã đặt mua. Có nhiều khách sạn 4 sao có hồ bơi giá dưới $300 Úc kim để chọn, thật thoải mái.

MỘT CẢNH Ở HONOLULU: Tác giả bút ký KCĐX thăm tiềm thủy đỉnh USS Bowfin ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor)

Nguyễn Hồng Anh và nhà văn Giao Chỉ (trái) trước bảo tàng viện Viet Museum ở San Jose, bắc California. Đón xem bài viết về chuyến thăm Viện bảo tàng Thuyền nhân & VNCH ở San Jose trong kỳ tới.

Sau khi xem những lời bình luận của các du khách ở trên mạng, tôi chọn khách sạn Polynesian Residences Hotel loại 4 sao nằm trên một con đường chính của thành phố, xa bãi biển khoảng 400 mét và cách trung tâm phố Honolulu chừng 6 cây số. Giá $183 Mỹ kim/ đêm (tức khoảng $261 Úc kim). Đây là khách sạn rẻ nhất  trong chuyến du lịch Bắc Mỹ ngoại trừ khách sạn ở San Jose trong khu của người Việt.

Để mua được vé máy bay và nhất là khách sạn hợp túi tiền, tôi đã tốn khá nhiều thì giờ nhưng bù lại, tôi đã kiếm được nơi cư ngụ vừa ý, chỉ tốn tổng cộng $5943 Úc kim cho 21 đêm, tức mỗi đêm tốn $283 Úc kim.

Thế là tổng cộng tiền vé máy bay và khách sạn cho hai người là $11,367 Úc kim.

Nếu không mua tour đi các nơi xa nhiều khi rất tốn kém và nếu không ăn uống thả dàn, đi lại nhiều bằng taxi, một cặp vợ chồng tiêu khoảng $15,000 đến $16,000 Úc kim là thoải mái cho một chuyến du lịch ở nơi đắt đỏ như Bắc Mỹ hay thiên đường hạ giới Hawaii.

Thế là bạn đọc đã có thể sử dụng kinh nghiệm được viết một cách chi tiết của tôi để có thể sử dụng cho những chuyến du lịch tự túc, muốn đi đâu, vào lúc nào tùy ý mình. Nhưng cũng xin lưu ý, giá cả ghi trong bút ký này chỉ là sự hướng dẫn, có thể thay đổi.

Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 12.10.2018