Hỏi và giải đáp 458: Tan vỡ vì “thời cuộc”?!

30 Tháng Mười, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Tiết mục ‘Hỏi và giải đáp’ xin được dành trọn cho lá thư của ông L.A, một nam độc giả đang phải buồn lây trước đổ vỡ hôn nhân của bạn bè và người quen.

* * *

Kính Lão Ngoan Đồng và cô Thanh Lan,

Cuối tuần qua, trò chuyện điện thoại lần đầu tiên với một người bạn cũ ở bên Mỹ, tôi buồn quá. Không chỉ buồn mà còn sững sờ, kinh ngạc: bạn tôi bị vợ bỏ cách đây mười mấy năm, tức là vào khoảng tuổi gần 50.

Vẫn biết ở xứ tây phương, vợ chồng chia tay nhau là chuyện thường, và người Việt sống ở xứ người cũng không nằm ngoại lệ, tuy nhiên theo suy nghĩ của tôi, “người Việt” nói tới ở đây đa phần thuộc thế hệ trẻ, chứ già cả như chúng tôi, những quân nhân công chức của miền Nam trước năm 1975, thì còn cầu vọng khát khao gì nữa mà đòi làm lại cuộc đời?!

Thực vậy, qua hoàn cảnh của bạn tôi và những gì đã xảy ra cho  nhiều người khác, ở  Âu Mỹ cũng có, ở Úc cũng có, nhưng phần lớn là ở Mỹ, người chủ động chia tay thường là các bà vợ.

Nguyên nhân, theo tôi tìm hiểu thì không hẳn đã vì vật chất, bởi nếu đơn thuần chỉ vì vật chất thì không có gì phải bàn cãi, mà cứ quy trách cho bản tính “ham thích vật chất” của phụ nữ.

Cũng không phải vì thích lấy chồng Âu Mỹ để được chiều chuộng, bởi vì sau đó nhiều bà đã làm lại cuộc đời, hoặc quan hệ tình cảm với “người mình”. Và càng đáng nói hơn nữa, là trong nhiều trường hợp, những người đàn ông này xét chung mọi mặt, không bằng người chồng cũ của các bà!

Trường hợp của ông bạn tôi càng đáng chú ý hơn nữa vì trước năm 1975, bà vợ của ông xuất thân là một tiểu thơ khuê các, có trình độ cao, nay lại bỏ chồng để cặp kè như “đào xi-nê”. Khi tôi ướm hỏi về nguyên nhân đổ vỡ thì ông bạn của tôi không trách vợ, mà đỗ lỗi cho… thời cuộc.

Ông bạn nói rằng trước năm 1975, thời cuộc đã đưa thế hệ chúng tôi thành những người hùng bất đắc dĩ (nếu là quân đội), thành những quan quyền đầy bổng lộc (công chức), thì sau năm 1975, ra hải ngoại, cũng chính thời cuộc đã hạ bệ những người hùng, những ông quan ngày nào.

Trong khi đa số đàn bà đều tìm một điểm nào đó nơi người đàn ông của mình để ngưỡng phục, nể nang.

Ông bạn tâm sự đại khái: ông cũng có thể “noi gương” ông X, ông Y trong việc cung phụng, chiều chuộng, lấy điểm các bà vợ của họ để giữ vợ, nhưng ông bạn cho rằng làm như thế thì “hèn” quá, rồi vì ông không chịu hèn, vợ ông đã bỏ đi.

Về việc “lột xác” của bà vợ từ một tiểu thơ kín cổng cao tường thành “đào xi-nê”, ông bạn tôi giải thích: tất cả những thứ tốt đẹp trước nơi vợ ông, và những tiểu thơ nhà lành khác, chỉ là lớp vỏ, khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, cơ hội tốt đẹp, sẽ vỡ để phô bày con người thật, một con người không phân biệt trình độ, giai cấp, nhà lành hay nhà rách…

Thoạt nghe bạn mình tâm sự, tôi cho rằng ông ấy có vẻ cay đắng quá, nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi phải ít nhiều đồng ý với ông bạn về “nguyên nhân thời cuộc” của những vụ tan vỡ hôn nhân nơi thế hệ 4, 5 bó (tính vào lúc tan vỡ). Mà một khi đã “nhất trí” đổ tội cho thời cuộc, thì đám cựu “người hùng”, cựu “quan quyền” chúng tôi không thể oán trách những bà đã bỏ ông chồng không chịu “giác ngộ”, không biết “gặp thời thế thế thời phải thế”.

Viết tới viết lui, tôi mới xin bày tỏ tâm cảm của mình: đó là lòng ngưỡng phục, và tri ân những bà vợ vẫn còn giữ được trọn tình nghĩa vợ chồng thủy chung. Càng đáng kính phục hơn nữa là những bà vợ mà trước năm 1975, đã từng nếm mùi đau khổ vì những chứng tật của chồng mình.

L.A.