Hỏi và giải đáp 459: Ba bước đường tình!

01 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em X, một phụ nữ đã hai lần đổ vỡ, hiện đang đứng trước “cơ hội thứ ba”. Xin sơ lược đường đời của X như sau:

Người chồng thứ nhất của X là A, một người đàn ông lý tưởng về mọi mặt nhưng thiếu chung thủy, sau hơn 10 năm chung sống, đã bỏ đi chung sống với một người đàn bà (đã ly dị chồng); dù X chấp nhận cho A duy trì quan hệ với cô ta miễn đừng bỏ vợ con, nhưng A vẫn dứt khoát ra đi.

Sau đó, X chung sống de facto với B, một người trẻ hơn X, chưa từng lập gia đình. Ngày ấy, họ hàng và bạn bè đã cảnh giác X về khả năng B đào mỏ (vì X có cơ sở làm ăn), nhưng thực tế đã không xảy ra như thế, trái lại B còn hết lòng phụ giúp X trong việc trông coi và phát triển business. Năm năm sau, B ra đi với “hai bàn tay trắng” và vẫn tiếp tục kiếp sống độc thân, khiến X không thể hiểu con người B.

Sau hai lần đổ vỡ, X thực sự không còn thiết tha tới chuyện tình cảm, còn về nhu cầu tình dục, sau một thời gian “đè nén”, nay X đã có thể khắc phục. Nhưng khi đã bước sang tuổi 50, X lại được theo đuổi thêm một lần nữa: và “chàng C” không ai khác hơn là một trong những người trước kia đã từng yêu X trước khi X lấy A. C đã chia tay với vợ, hiện vợ con C sống ở tiểu bang khác.

“Trước kia em chỉ được biết C âm thầm yêu em qua nghe bạn bè kể, chứ C chưa từng ngỏ ý với em bao giờ, mà có ngỏ thì chắc chắn em cũng từ chối, bởi C không có gì đặc biệt hơn người khác. 30 năm sau gặp lại, tình cảm của em đối với C cũng như thế thôi, trong khi C thì tuy không trực tiếp ngỏ lời nhưng em biết chắc C muốn nói gì… Riết rồi em cũng cảm thấy ấm lòng mỗi khi gặp lại nhau…

Có điều là gia đình và bạn bè của em đều khuyên nên ở vậy, bước thêm bước nữa chi cho nhức đầu mệt xác!

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

Những gì em viết ra và những gì TL sẽ góp ý mang tính cách hết sức tế nhị, bởi vì mỗi cá nhân độc giả có thể quan niệm, suy nghĩ và có khuynh hướng giải quyết hoàn toàn trái ngược nhau.

Ở đây, vì em cho biết nhu cầu tình dục không còn là “vấn đề”, TL chỉ viết về chuyện tình cảm.

Mỗi gian đoạn của đời người có những nhu cầu tình cảm khác nhau, và nhu cầu ấy có mang tính cách sinh tử hay không là tùy người. Thí dụ, khi còn trẻ, có người vừa học hành  vừa yêu đương, có người đợi học cho thành tài đã; rồi sau khi thành tài, có người lại muốn đợi có sự nghiệp xong xuôi…

Nhưng có một điều mà ai cũng phải nhìn nhận: càng về già, người ta càng sống nhiều về nội tâm thì tình cảm càng trở nên quan trọng. Tình cảm ấy bao gồm tình vợ chồng, tình yêu thương của con cái, cháu chắt, và cả tình bạn tri kỷ.

Có đầy đủ bằng đó thứ thì thật tuyệt vời, nhưng nếu không đủ thì ít nhất cũng phải có tình vợ chồng, hiểu rộng ra là bạn chung sống, hoặc bạn tâm tình. Bởi vì, như một người nào đó đã viết (mà TL cóp-bi lại): trong những nỗi cô đơn của đời người, không có nỗi cô đơn nào ghê gớm cho bằng nỗi cô đơn trong tuổi già.

Bởi vì về mặt tình cảm, càng già, thay vì càng cảm thấy đầy đủ, thỏa mãn, người ta càng cảm thấy thiếu thốn, mất mát. Đó là  tâm lý chung chứ không phải chỉ có nơi những người bi quan.

Trên thực tế, con cháu có đầy đàn thì con cũng có cuộc sống của con, cháu cũng có cuộc sống của cháu, chỉ có “hai mái đầu bạc” là sống cho nhau.

Tại sao cùng cảnh góa, trong khi các phụ nữ góa chồng vào tuổi nửa chừng xuân, có khuynh hướng thờ chồng nuôi con, thì đa số các ông chỉ mong cho mãn tang để đi lấy vợ khác?

Câu trả lời không phải là đàn bà cao quý hơn đàn ông, mà chỉ là đàn bà sống về nội tâm nhiều hơn, cho nên có khả năng sống bằng nỗi nhớ thương, sống với hình bóng của người bạn đời đã khuất, trong khi các ông vốn thực tế, chẳng mấy người chấp nhận sống cảnh gà trống nuôi con!

Đi vào chuyện tình cảm hiện nay của với C, TL cho rằng việc em “cảm thấy ấm lòng mỗi khi gặp lại nhau” là đã đủ. Em là người bị chồng bỏ chứ không phải góa phụ, và phần C thì đã chia tay vợ từ trước khi gặp lại em ở Úc, thì cả em lẫn C đều không có gì trắc trở, hoặc phải áy náy. TL không thể hiểu tại sao gia đình và bạn bè của em, nếu thực sự yêu mến em, lại “bàn lùi” như thế?!

Thanh Lan