Hỏi và giải đáp 460: Tan vỡ vì “thời cuộc”?!

04 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
(Photo: TVTS)

Cách đây khoâng lâu, TL đã dành trọn mục ‘Hỏi và giải đáp’ cho lá thư của ông L.A, một nam độc giả cho rằng nguyên nhân chính đưa tới tan vỡ trong các cuộc hôn nhân của thế hệ ông, sau khi ra hải ngoại, là do thời cuộc đổi thay, các ông chồng bị mất thế…

Hôm nay, TL lại phải dành trọn tiết mục cho lá thư “phản hồi” của bà NB, một nữ giả quen thuộc của mục TTBD.

* * *

Kính Lão Ngoan Đồng và cô Thanh Lan,

Đọc xong lá thư của ông L.A., về căn bản, tôi nhận thấy không có điều gì để phản bác, nhưng vẫn cảm thấy hơi “nhột” cho người cùng phái, vì thế tôi xin phép được phân tích thêm về đoạn kết của ông L.A.:

…Thoạt nghe bạn mình tâm sự, tôi cho rằng ông ấy có vẻ cay đắng quá, nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi phải ít nhiều đồng ý với ông bạn về “nguyên nhân thời thế”… “gặp thời thế thế thời phải thế”.

Thưa ông L.A.,

Theo tôi, và có lẽ mọi độc giả sinh ra và lớn lên tại VN, nghĩa là những người đủ khả năng hiểu tiếng Việt, cũng đồng ý với tôi rằng: những gì người bạn ông  tâm sự và được ông nhất trí, “coi dzậy mà không phải phải dzậy”.

Hay nói theo cách nói của cụ Nguyễn Du:

Rằng hay thì thật là hay Nghe qua ngậm đắng nuốt cay thể nào!

Theo suy nghĩa của tôi, mà tôi đoán cũng là của nhiều nữ độc giả khác, những trường hợp “lột xác” của bà vợ từ một tiểu thơ kín cổng cao tường thành “đào xi-nê”, như người bạn của ông nêu ra, chỉ là một thiểu số trong tổng số các vụ chia tay sau khi ra hải ngoại.

Nếu được phép đi xa hơn một chút, tôi có thể viết: lý luận như bạn ông sẽ làm mích lòng cả những tiểu thơ nhà lành lẫn con gái nhà rách.

Trên thực tế, không phải tất cả mọi thứ tốt đẹp đều là “vỏ”, và cũng không phải cứ bề ngoài rách bươm thì bên trong không cao quý!

Ông viết rằng ông kinh ngạc khi hay tin bạn ông bị vợ bỏ, hiểu rộng ra là đàn bà chúng tôi không kinh ngạc khi hay tin bạn mình bị chồng bỏ?! Có nghĩa, việc chồng bỏ vợ là chuyện thường tình, còn việc vợ bỏ chồng là chuyện bất thường?!

Tôi thực sự không muốn tranh đấu cho “nữ quyền”, mà chỉ muốn mọi người chúng ta nhận thức một cách chính xác và công bằng hơn trước thực tế ra hải ngoại, già hay trẻ cũng chia tay nhau một cách dễ dàng hơn là này còn ở trong nước.

Trong số nói trên, có những cặp chia tay trong sự “đồng thuận”, có những cặp chia tay nhau do người vợ chủ động, và có những cặp chia tay nhau do người chồng chủ động, chứ không phải “người chủ động chia tay thường là các bà vợ” như ông đã viết. Sở dĩ ông có nhận xét thiên lệch ấy là vì ngày xưa ở VN nói riêng, trong một xã hội đông phương nói chung, chẳng mấy khi người vợ dám đơn phương bỏ chồng!

Chính trong lá thư tâm tình của mình, ông đã cho rằng nguyên nhân (vợ chủ động chia tay chồng) không hẳn đã vì vật chất, cũng không phải vì thích lấy chồng Âu Mỹ, cũng không phải vì quyền cao chức trọng của người đàn ông kia, thì chúng ta lại càng phải tìm hiểu nguyên nhân một cách sâu xa hơn.

Và theo tôi, nguyên nhân ấy chính là: chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao vật chất, đề cao quyền tự do cá nhân, nói trắng ra là một xã hội ích kỷ, thì dù già hay trẻ, nhà lành hay nhà rách, trình độ cao hay trình độ thấp…, nếu không có tâm hồn cao thượng, vị tha, biết phục thiện, coi trọng đạo đức làm người, thì trong rất nhiều trường hợp, người ta sẽ cho rằng chia tay là lối thoát, giải pháp tốt đẹp nhất. Nhưng trên thực tế, đó là việc chẳng đặng đừng!

Và điều này áp dụng cho cả nam lẫn nữ.

NB