Hỏi và giải đáp 463: Cần kiệm hay keo kiệt?

11 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý với cháu A, một cô vợ trẻ, về đề tài “sử dụng ngân sách gia đình”. Đây là một trường hợp hết sức tế nhị, mà nếu người chồng biết được vợ mình đã viết thư “méc cô Thanh Lan”, thì hậu quả thật khó lường. Cho nên tốt hơn hết, TL sẽ chỉ đưa ra những lời khuyên chung chung, trúng ai thì người ấy ứng dụng vào hoàn cảnh riêng của mình.

* * *

Vợ chồng thời nay, cả hai đều đi làm, nên xài tiền chung hay riêng?

Câu hỏi này đã được nêu ra trên mục TTBĐ từ hàng chục năm trước, và câu trả lời duy nhất vẫn là tùy từng cặp vợ chồng. Xài chung hay xài riêng đều có cái lợi, cái hay của nó.

Thông thường, người nào có tính “thủ” thì thích xài riêng. Dĩ nhiên, theo quan niệm hôn nhân truyền thống, thì như thế là không hết lòng hết tình với nhau. Nhưng theo một số không ít vợ chồng trẻ thời nay thì đó chính là “mất  lòng trước, được lòng sau”! Bởi vì không biết bản tính của nhau ra sao (phung phí hay cần kiệm) thì xài riêng là chắc ăn nhất.

Thế nhưng nếu như hai vợ chồng đặt tình yêu lên trên hết, xài chung là lý tưởng nhất. Bởi vì chỉ khi ấy hôn nhân mới thực sự mang ý nghĩa “cả hai trở nên như một”; mà một khi cả hai đã trở nên như một thì không còn kèn cựa, so bì, bực bội, v.v…

Dĩ nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết, còn trên thực tế, dù yêu nhau tới mức nào, cũng có lúc một trong hai người, hoặc cả hai người  cảm thấy không cách chi “hai là một” được!

Trình trạng này có thể gây ra do những bất đồng về tư tưởng, cũng có thể bất đồng về cách sống, và về tiền bạc. Nếu cả hai đều là người vị tha, hoặc biết phục thiện thì không nói làm gì, nhưng nếu một trong hai, hoặc cả hai người đều khăng khăng cho mình là đúng, thì sẽ có “vấn đề”.

Ở đây, TL chỉ nói về trường hợp đã quyết định xài chung ngay từ lúc đầu, nay người chồng mới nhận ra rằng vợ xài tiền nhiều hơn mình, và lên tiếng than phiền. Cứ tạm thời cho rằng người chồng than phiền chỉ vì nghĩ tới tương lai của gia đình, của con cái sau này, thì cũng phải than phiền một cách hợp lý và chừng mực. Đàn bà ai cũng muốn đẹp, nói thẳng ra là thích ăn diện, mua sắm. Nếu người chồng cho rằng cô vợ của mình xài tiền quá mức, thì cách giải quyết tốt nhất không phải là càm càm, chê trách, mà là làm ra vẻ đồng tình hưởng ứng, từ đó mới có thể đóng góp ý kiến một cách vô tư (nhưng thực ra là có chủ tâm) về mức độ tiêu xài, cái gì nên mua cái gì không nên.

Nói cách khác, khi đóng vai một người “bạn” thì việc góp ý kiến chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn là đóng vai “gia trưởng”. Cùng với mục đích giảm bớt chi tiêu trong gia đình, nhưng nếu người chồng biết khôn khéo, vợ sẽ cho rằng chồng mình là một người cần kiệm, ngược lại cô ấy sẽ cho rằng chồng mình có tính keo kiệt!

Nhưng viết như thế không có nghĩa là người vợ cứ nhắm mắt xài tiền, cho đó là cái quyền làm đẹp, trưng diện của đàn bà con gái. Viết ra có thể một số bà cô sẽ “có tật giật mình”, nhưng trên thực tế, có nhiều bà cô chẳng những xài tiền một cách phí phạm cho mục trưng diện, mà diện vào còn không giống con giáp nào cả; cho nên TL mới viết là “nhắm mắt xài tiền”!

Nhiều người sẽ không chịu nhìn nhận khuyết điểm này, mà tự bào chữa đại khái: mua về để ngắm cho sướng! Đây chỉ là một hình thức ngụy biện, “chạy tội” cho bản thân để khỏi bị áy náy, mặc cảm.

Cho nên, TL kết luận:

Trời sinh đàn bà con gái không chỉ để hầu hạ chồng con mà còn để làm đẹp cho đời, vì thế đàn bà con gái nào cũng quyền điểm tô, trưng diện, miễn là làm sao điểm tô, trưng diện cho thêm đẹp, chứ đừng xấu đi. Và bổn phận của người chồng không phải là ngăn cấm, chỉ trích, mà là hợp tác, đóng góp ý kiến với người bạn đời của mình.

Thanh Lan