Nghĩ gì sau việc Giáo sư Chu Hảo bỏ đảng?

21 Tháng Mười Một, 2018 | Bình Luận
GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN. Nguồn: Dân trí

Việc ông Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam là một tin gây sự chú ý trong cộng đồng trí thức Việt Nam và những người yêu chuộng tự do và dân chủ khắp nơi muốn thấy xã hội Việt Nam được thay đổi sau một thời gian quá dài bị cai trị bởi một đảng mà những người sáng lập hầu như đã cùng Hồ Chí Minh theo nhau về chầu tổ Các Mác và Lê Nin.

Gây sự chú ý bởi ông Chu Hảo là một nhà văn hóa tên tuổi, có học hàm học vị cao, từng giữ chứ Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ trong một thập niên cho đến khi xin nghỉ hưu năm 2005 và từ đó làm giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và Phó hiệu trưởng Đại học Phan Chu Trinh.

Ngoài việc cho xuất bản những cuốn sách có chủ đề sai đường lối của đảng hoặc có tính cách cổ võ trào lưu tự do tư duy hay chống lại chủ nghĩa độc tài, ông Chu Hảo còn tham gia vào những nhóm kiến nghị đổi tên đảng, tên nước, phản đối dự luật an ninh mạng, kêu gọi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến, tham dự những cuộc nói chuyện và thảo luận trên các “đài địch” như RFA, RFI, BBC hay VOA.

Những việc làm có tính cách “ồn ào” của một nhà trí thức có người cha Chu Đình Xương từng làm giám đốc công an đặc trách bảo vệ Hồ Chí Minh trong thời gian cướp chính quyền năm 1945 như là giọt nước tràn ly khiến Tổng bí thư  kiêm  Chủ tịch Nước vừa nhậm chức ra lệnh kỷ luật ông.

Ngày 26.10.2018 cùng với việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật, báo Quân đội Nhân dân đã có một bài kết tội ông Chu Hảo: “Là một đảng viên, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”. Không chỉ vậy, ông Chu Hảo đã “Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.”

Bài báo kết luận rằng kỷ luật một nhà trí thức là điều không ai muốn nhưng Tổng bí thư và Chủ tịch Nước khẳng định “thà kỷ luật một người để cứu muôn người”. Câu nói của Nguyễn Phú Trọng thật ra dùng để răn đe hơn 4 triệu đảng viên cộng sản đang bị tha hóa và không còn tin tưởng vào đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng hay Đảng Lao động của Hồ Chí Minh ngày trước, một đảng mà ông Chu Hảo đã gia nhập cách đây 45 năm và bây giờ “không còn tính chính danh” như ông viết trong thư từ bỏ đảng.

Trong khoảng chục năm gần đây có rất nhiều nhà trí thức đã từ bỏ đảng cộng sản nhưng phần lớn họ bỏ đảng khi đã lớn tuổi với tuổi đảng   từ 30 đến trên 60 năm. Nửa thế kỷ làm đảng viên của một đảng độc tài hại dân hại nước mà họ không có một hành động gì cụ thể thì quả đáng trách. Điều này cho thấy chế độ với những ưu đãi dành cho đảng viên đã trói buộc họ với đảng. Người ta nói rằng cộng sản cai trị dân bằng  kiểm soát cái bao tử thì cũng đúng thôi.

Ngày mới chiếm Miền Nam, họ cấm chợ ngăn sông, kiểm soát mọi nguồn cung cấp thực phẩm, đến độ  người dân phải sắp hàng để mua thực phẩm ở các cửa hàng của tổ dân phố khóm phường. Công nhân viên chức được ưu tiên hơn khi mua thực phẩm và các bộ đảng viên cao cấp được vô số ưu đãi mà người dân thường chỉ ước mơ.

Cho đến nay, chính sách ưu đãi vẫn còn được duy trì nên các đảng viên càng thâm niên càng cố gắng phấn đấu để giữ cái thẻ đảng dự phòng cho tuổi về hưu. Vì vậy số đảng viên có tên tuổi bỏ đảng vẫn còn ít nên đảng cứ tồn tại. Những vị như Giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc bỏ đảng hơi chậm, nhưng chậm vẫn còn hơn không, để chứng minh rằng chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời, người Nga đã vất vào sọt rác mà tại sao người Việt cứ bám chặt?

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1702 phát hành ngày 7.11.2018)