Hỏi và giải đáp 467: Con nhà tông… (2)

22 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Sau khi TL trả lời lá thư “tế nhị” của nữ độc giả A trên ‘Hỏi và giải đáp số 466’, nữ độc giả NB ở NSW, một “công tác viên thiện nguyện” của mục này từ nhiều năm qua, đã có bài góp ý. Xin chân thành cám ơn bà NB và trân trọng giới thiệu bài viết tới quý độc giả.

* * *

Cô Thanh Lan và quý độc giả TVTS,

Xin được thưa ngay; bài góp ý của tôi về đề tài “Con nhà tông…” sẽ không có gì mới lạ so với phần góp ý của cô TL, mà chỉ là một vài bổ túc cùng với nhận xét cá nhân.

Trước hết, cô TL cho rằng đây là một đề tài “tế nhị”, và lo ngại “không khỏi làm mất lòng một số người không có cùng quan niệm”. Theo tôi cô TL không nên rào đón như thế, bởi vì trong cương vị một người làm công việc giải đáp, góp ý phục vụ tập thể, cô có QUYỀN và BỔN PHẬN viết ra những gì mà mình cho là đúng đắn, để mọi người cố gắng làm theo.

Tôi xin giải thích thêm: mọi người có thể có cách xử thế khác nhau, nhưng riêng trong lĩnh vực hôn nhân, dựng vợ gả chồng cho con cái, việc “xem tông xem giống” và đánh giá mức độ “đạo đức” của đối tượng là chuyện ai cũng phải đồng ý, dù sống ở xã hội cũ như ông bà mình hay đang sống trong xã hội mới như chúng ta.

Vẫn biết mong muốn là một việc, có đạt được mong muốn ấy hay không, lại là một việc khác, nhưng căn bản là chúng ta phải mong muốn trước đã. Trong hoàn cảnh tỵ nạn tha hương, rất nhiều khi cha mẹ đã phải ép bụng chấp nhận làm sui với những người mà mình không mong muốn được ngồi chung bàn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chấp nhận “xóa bàn làm lại”.

Đọc những bộ truyện nổi tiếng như Les Misérables (Những kẻ khốn cùng) của Victor Hugo, hay Les Grand Coeurs (Những tâm hồn cao thượng) của Edmond de Amicis (nếu tôi nhớ không lầm), chúng ta thấy các tác giả trong khi luôn luôn cho rằng giai cấp nào trong xã hội cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng bên cạnh đó, các vị ấy cũng phải nhìn nhận một thực tế: muốn làm những việc đúng đắn thì trước đó phải nhận thức được đúng sai, muốn sống đạo đức thì trước tiên phải hiểu thế nào là đạo đức!

Vậy nếu không có sự giáo dục của gia đình, của nhà trường thì làm sao nhận thức được đúng sai, làm sao hiểu được thế nào là đạo đức?!

Xin lấy thí dụ gần gũi nhất là cô Y trong lá thư của bà mẹ cậu X: con nhà giàu, thuộc giai cấp trưởng giả, học dốt. Xét cho kỹ thì “trưởng giả” không phải là một cái “xấu”, và “học dốt” cũng không phải là một cái “tội”, nhưng dù cô TL không đăng nguyên văn thư hỏi, tôi cũng đoán được rằng gia đình cô Y không chỉ trưởng giả mà còn rất “khó ưa”, và bản thân cô không chỉ học dốt mà còn “đáng ghét”.

Tôi không muốn mổ xẻ sự phân cách giữa giàu nghèo, trí thức và thất học, mà chỉ muốn nêu ra một thực tế rất “tiêu cực”: thay vì xích lại gần nhau, người ta lại tìm cách xa lánh.

Lấy thí dụ giai cấp giàu sang: giàu là một ưu đãi của trời, và một lợi thế với đời, vậy tại sao không “nhìn xuống” để lấy thêm “phúc” của trời, và thu phục sự cảm mến của đời, mà lại để bị gọi là “trưởng giả”, là “trọc phú”?!

Trong khi những người nghèo khổ nhưng chưa chắc đã hèn kém. Vậy nếu người giàu cứ đồng hóa “nghèo khổ” với “hèn kém” thì càng ngày hố phân cách càng sâu.

Bởi vì, giống như trong trường họp gia đình cô TL, người nghèo sẽ đồng hóa “trưởng giả” với “trọc phú”!

NB