Hỏi và giải đáp 468: Tình đầu?

25 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em A, một nam độc giả trẻ đang hoang mang lưỡng lự trước việc hôn nhân. Vì câu chuyện khá “độc đáo”, TL chỉ sơ lươc, và thay đổi một số chi tiết để người ngoại cuộc không thể nhận ra.

A, ở tuổi “thirty something”, và X đang tính tiến tới hôn nhân. X là một gái rất đẹp, có sức thu hút, và giỏi mọi việc, có thể nói là công dung ngôn hạnh đủ cả. Chỉ có một điều là X đã một lần đổ vỡ. Trong thư, A viết rằng A không quan tâm tới việc mình là kẻ tới sau, nhưng chỉ lo ngại X sẽ khó lòng quên được cuộc hôn nhân thứ nhất, vì đó là mối tình đầu sôi nổi của X…

Trả lời của Thanh Lan:

Em A thân mến,

Từ trước tới nay, TL đã viết hơi nhiều về “tình đầu”. Một cách tổng quát, có thể nói tất cả mọi mối tình đầu đều có một mẫu số chung là “khó quên”. Tuy nhiên, “khó quên” chưa chắc đã là “đáng nhớ”. TL không có ý chơi chữ mà chỉ muốn giải thích như thế này: “khó quên” bởi đó là lần đầu tiên mình biết yêu (và có thể biết cả lạc thú), thì cũng giống như vết mực tàu (không thể phai) trên tờ giấy trắng; nhưng có đáng cho ta ghi nhớ như những kỷ niệm quý báu hay không, lại là một việc khác.

Trong văn chương, sách vở của người tây phương, thường thấy người ta sử dụng câu “forgiven not forgotten” (tha thứ nhưng không quên), đọc qua thấy rất hay ho màu mè, nhưng xét kỹ thì thấy nó vô lý. Bởi vì nếu xét theo nghĩa đen, chúng ta không được quyền làm chủ khả năng “quên” hay “nhớ” của mình, mà việc đó hoàn toàn tùy thuộc bộ óc. Thành thử, một người khi nhắc lại chuyện buồn phiền, bực bội, đau khổ trong quá khứ, mà nói rằng “tôi quên rồi” thì chỉ có nghĩa bóng là “tôi không còn buồn phiền, bực bội, đau khổ vì chuyện đó nữa”, chứ còn đầu đuôi, diễn tiến câu chuyện ấy, làm sao có thể quên được (trừ trường hợp bị bệnh mất trí nhớ!)

Cho nên khi đọc thư em viết rằng em không quan tâm về việc mình là người tới sau, mà chỉ  lo ngại X khó quên cuộc hôn nhân thứ nhất, TL đã nhủ thầm trong bụng: em mới là người khó quên chuyện của X!

Về phần X, theo định nghĩa về “nhớ” và “quên” mà TL đã viết ở trên, X không thể “quên” nhưng chắc chắn sẽ không xem đó là những kỷ niệm đáng “nhớ”, bởi vì sau khi tan vỡ, chia tay, X đã tiến tới với em, tức là X muốn “quên”. Kể cả trường hợp mối tình đầu sôi nổi và cũng là cuộc hôn nhân thứ nhất của X có những kỷ niệm khó quên, thì em sẽ là người duy nhất có khả năng giúp X quên – tức là bớt nuối tiếc.

Ý TL muốn đề cập tới tình yêu vô điều kiện và lòng cao thượng của em trong cuộc sống hôn nhân với A. Đừng bao giờ mang mặc cảm mình là “người tới sau” nên phải chịu những “thiệt thòi”.

Thực tế cho thấy có biết bao cặp suông sẻ từ đầu tới cuối mà không hạnh phúc, hoặc không hạnh phúc bằng những cặp mà một hoặc cả hai người đã một lần lỡ dở?!

Cho nên, TL khuyên em nên yên tâm tiến tới tới X, kèm theo một lời dặn quan trọng: trong cuộc sống vợ chồng sau này, những lúc vui vẻ hòa thuận thì chẳng nói làm gì, nhưng gặp những lúc cơm không lành canh không ngọt, em đừng bao giờ đem chuyện quá khứ của X ra để coi đó như một “lợi thế” của mình. Làm như thế, sẽ khiến X vừa đau khổ vừa coi thường em.

Thanh Lan