Hỏi và giải đáp 470: Vợ ngoại tình

29 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý với em H, một nam độc giả trẻ (gần 40) vừa khám phá ra quan hệ tình cảm của vợ (Y) với một người đàn ông khác. Xin tóm lược (có thay đổi một số chi tiết) như sau:

H và Y lấy nhau đã hơn 10 năm, được… con. Mối tình của hai người ngày ấy rất đẹp, nhưng bị gia đình H kịch liệt phản đối vì “tướng mặt” của Y. Nhưng cuối cùng, H đã thắng, và gia dình phải đứng ra làm đám cưới. Từ đó, H và Y chung sống hạnh phúc, và gia đình H cũng không có bất điều gì để phàn nàn về Y…

Cho tới cách đây mấy tháng, qua những phương tiện của IT (mobile phone, computer, v.v…), H vô tình khám phá ra quan hệ tình cảm giữa Y và X, một người làm cùng nghề nhưng khác sở,  đã có vợ con, mà H cũng đã đôi lần gặp gỡ trong các buổi tiệc tùng đông người. Mặc dù nội dung trao đổi giữa Y và X rất “lành mạnh”, H cũng hiểu là hai người có cảm tình sâu đậm với nhau, nhưng đã tiến tới “thân mật” hay chưa thì H không thể biết, và đó chính là nỗi đau khổ của H hiện nay.

H hỏi: (1) có nên nhờ “người trung gian” nói chuyện với X không (vì nói chyện với vợ thì H không dám); và (2) làm thế nào để biết “sự thật”, chẳng hạn quan hệ giữa Y và X đã tới mức độ nào?

Ý kiến của Thanh Lan:

Em H thân mến,

Những gì TL viết ra sau đây có thể sẽ bị em và nhiều độc giả khác bác bỏ, thậm chí sẽ cho là chỉ có thể có trong phim ảnh, tiểu thuyết, nhưng nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ và xét đoán một cách thật công bằng, thì câu chuyện của em cũng không có gì là ghê gớm lắm.

Vậy trước hết, TL khuyên em phải quên những gì được gọi là “tướng mặt” của Y. TL không dám bác bỏ “quyền” tin tưởng của mọi người về tử vi, tướng số, mà chỉ quan niệm một khi không chứng minh được 100% thì tốt hơn hết không nên tin! Bởi vì thực tế đã cho thấy không tin một chút nào vẫn đỡ tai hại hơn là tin tưởng mù quáng!

Thứ đến, xét về quan hệ hiện nay giữa Y và X, TL đặt ra hai khả năng: chỉ có tình cảm với nhau, hay đã tiến tới thân mật. Em là  người có trình độ, chắc chắn phải hiểu chữ “khả năng” (possibility): có thể đã xảy ra, có thể sẽ xảy ra, nhưng cũng không bắt buộc phải xảy ra!

Nói về khả năng thứ nhất: chỉ có tình cảm, thì đây là quyền tự do tuyệt đối của “con tim”. Cho dù em biết chắc chắn Y có tình cảm với X, thì tất cả những gì em có thể, và có quyền làm, chỉ là dùng tình yêu và thiện chí của mình để thức tỉnh, lôi kéo Y về với gia đình. Có nhiều nguyên nhân, chủ quan cũng như khách quan, khiến một người đàn bà đã có chồng con lại có cảm tình với một người đàn ông khác, mà một trong những nguyên nhân chính là thiếu thốn một cái gì đó mà không tìm thấy nơi chồng mình. Vì thế, em phải tự kiểm điểm, và đừng bao giờ quan niệm rằng một khi yêu nhau, lấy nhau là phải chấp nhận những khiếm khuyết của nhau!

Về khả năng thứ hai: Y và X đã tiến tới “thân mật”. Qua sự trình bày của em về “đường đi nước bước” của Y và phản ứng của Y trong sinh hoạt chăn gối giữa vợ chồng, TL tin gần như chắc chắn rằng Y và X chưa tiến tới “thân mật”. “Chưa” không hẳn là chắc chắn “sẽ”, mà cũng không hẳn là “không bao giờ”. Vì thế, em càng để mình bị ám ảnh thì càng đau khổ một cách vô ích, và ngày càng tự quả quyết vợ mình đã ngoại tình cả hồn lẫn xác!

Biết rằng tranh luận thì sẽ bất phân thắng bại, cho nên TL chỉ khuyên em nhìn thẳng vào thực tế gia đình mình, rồi đặt ra giả thuyết tệ hại nhất: Y và X tiến tới “thân mật”, tới một ngày nào đó Y hối hận, chấm dứt, thú thật với chồng xin tha thứ, em có tha thứ cho Y hay không? Nếu em khẳng định mình thà chia tay chứ không tha thứ, đó là quyền của em, nhưng thật tình mà nói, TL sẽ coi thường em!

Nhưng không phải người vợ ngoại tình nào sau khi hối hận, chấm dứt, cũng đủ can đảm thú thật với chồng để xin tha thứ. Trong trường hợp này, chúng ta cũng đừng vội lên án người ấy là gian dối, bởi vì nhiều khi chỉ vì sợ hạnh phúc tan vỡ, mất chồng mất con!

Cho nên TL quan niệm trong cuộc sống vợ chồng, một khi đàn ông cũng như đàn bà, đều có thể đứng trước những khả năng “ngoại tình” như nhau, thì cũng phải được xét đoán như nhau. Một sự bình đẳng có ý nghĩa nhất giữa hai phái nam nữ không phải là bình đẳng trên chính trường, thương trường, chức vụ, tiền lương, hoặc công việc trong gia đình, như em A đã viết trong số báo tuần trước, mà chính là chấm dứt được quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”.

Viết như thế, TL không có ý khuyến khích đàn bà “cạnh tranh” với đàn ông, mà chỉ có ý nói trước khi lên án đàn bà, các ông phải xét mình.

Hơn nữa, mục đích chính của hôn nhân đâu phải cố tìm ra lầm lỗi của người kia để ly dị, để vợ mình, chồng mình, con mình  phải đau khổ, mà là sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho nhau để mà sống. Cuộc đời con người nói chung đã có quá nhiều đau khổ, thì hãy cố giữ lấy cái hạnh phúc gần gũi nhất: gia đình!

Thanh Lan