Trung Quốc chế Mặt Trời nhân tạo, nhiệt độ cao gấp 6 lần Mặt trời thật

16 Tháng Mười Một, 2018 | Y học - Khoa học
Hình minh họa. Photo Courtesey: REUTERS/NASA/GSFC/SDO

Sau tuyên bố xây dựng Mặt Trăng nhân tạo để chiếu sáng đường phố, các nhà khoa học Trung Quốc lại nâng tầm phát minh của họ lên một đỉnh cao mới khi thiết kế ra một Mặt Trời nhân tạo với sức nóng hơn Mặt trời thật.

Nhóm nhà khoa học tại Viện Vật lý Plasma Trung Quốc cho biết dự án “Phản ứng siêu dẫn thử nghiệm tiên tiến Tokamak” (EAST) hay còn gọi là “Mặt Trời nhân tạo” của họ nhằm phát triển một nguồn năng lượng sạch giá rẻ trên Trái Đất sử dụng phản ứng nhiệt hạch.

Họ thông báo nhiệt độ plasma trong Mặt Trời nhân tạo này đạt tới ngưỡng kinh ngạc 100  triệu độ C – nhiệt độ tối thiểu cần thiết để duy trì phản ứng nhiệt hạch mạnh mẽ. Trong khi đó, lõi của Mặt Trời thật ở khoảng 15 triệu độ C, nhỏ hơn 6 lần so với “hàng nhái”.

Tại ngưỡng 100 triệu độ C, các hạt phân tử deuterium và tritium bị gắn kết lại với nhau để trở nên nóng chảy. Thông thường các hạt này đẩy nhau và chúng không thể hợp nhất nếu như không có nhiệt độ cực lớn.

Deuterium và tritium là đồng vị của hydro và hiện có một nguồn trữ lượng dồi dào. Nhiệt hạch hạt nhân có thể giải phóng ra một lượng điện năng khổng lồ mà không chứa nguy cơ tan chảy hay thải ra rất ít chất thải nguy hiểm.

Công ty Tokamak Energy tuyên bố có khả năng tạo ra các lò phản ứng nhiệt hạch để phát điện vào năm 2030. Mục tiêu của EAST nhằm đánh giá phản ứng nhiệt hạch hạt nhân, tiến tới sử dụng nó như một nguồn năng lượng thay thế trên Trái Đất.

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc duy trì một phản ứng nhiệt hạch trên Trái Đất là không nhỏ. Dự án EAST cần đảm bảo trụ vững trong nhiệt độ cao kinh khủng cũng như hoạt động ổn định trong một thời gian dài để có thể sản xuất ra năng lượng.

EAST đang giữ kỷ lục thế giới về việc duy trì phản ứng nhiệt hạch. Các nhà khoa học đã đạt được nhiệt độ nhiệt hạch (H-mode) trong 101,2 giây vào năm 2017.

Theo Báo Tin Tức