Hỏi và giải đáp 471: Còn hơn tiểu thuyết Quỳnh Dao!

02 Tháng Mười Hai, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý trong việc giải quyết một chuyện tình tay ba “lâm ly bi đát” còn hơn cả tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Mong muốn của người viết thư là “để cả ba cùng đọc”, tuy nhiên TL sẽ cố gắng thay đổi các chi tiết để chỉ có ba người trong cuộc biết với nhau mà thôi!

X là vợ của A, hai người là bạn học, sống hạnh phúc với… mặt con. B là bạn học cũ của X, làm cùng sở với A. B đã lập gia đình với C, nhưng chia tay sau khi có… con với nhau. Hiện nay X biết chắc chắn A và B đang có quan hệ thân mật với nhau.

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

Quả thật chuyện tình tay ba giữa em, A và B giống như  tiểu thuyết của Quỳnh Dao, nhưng bởi vì em, A và B là những nhân vật có thật ngoài đời, còn cả nửa đời người để sống, thì không thể mơ ước tìm một cách giải quyết lý tưởng, cao thượng chỉ có trong tiểu thuyết.

Vì thế, trước khi tìm phương cách giải quyết, em phải thẳng thắn đối diện với những thực tế sau đây: A đã ngoại tình, B đã gian díu với chồng của bạn. Sự tức giận của em khi khám phá ra sự việc là điều rất dễ hiểu, nhưng không nên để “giận mất khôn”. Phương cách thứ nhất em đưa ra: cho hai người một trận (các người sẽ phải trả một giá rất đắt!) không có lợi cho bất cứ ai trong 3 người nào, mà hậu quả còn liên lụy tới con cái.

Như vậy chỉ còn 2 phương cách giải quyết: một là “chiêu hồi” A, hai là nhường A cho B. Dĩ nhiên, em sẽ dãy nảy lên trước cả hai! Bởi vì một khi viết “ly nước đã đổ” là em không chấp nhận “tha tội” cho A, và “không ăn được thì đạp đổ”  là em không chấp nhận nhường A cho B.

Nhưng, xin thử em ngoài hai phương cách giải quyết ấy có còn cách nào khác nữa đâu?! Chính vì không còn phương cách giải quyết nào khác, mà cũng không chấp nhận “tha tội”, cũng không chấp nhận nhường, nên một số người đã đi tới tình trạng quẩn trí và có những hành động vô cùng tai hại! Chúng ta cũng không nên oán trách hay khẩn cầu trời đất bởi vì chỉ làm nổi bật thêm phần số kém may mắn của mình…

Vì thế, trước hết và trên hết phải là thái độ chấp nhận, nếu cần phải nhìn xuống chứ đừng nhìn lên. Khi đã chấp nhận rồi mới xét tới 2 phương cách giải quyết: “chiêu hồi” A hay nhường A cho B?

Dĩ nhiên, khỏi cần phân tích dài dòng, mọi người cũng thấy phương cách giải quyết thứ nhất (chiêu hồi A) mang tích cách tích cực (positive) hơn. Điều kiện ắt có để có thể chọn phương  cách này là sự tha thứ.

Sau khi đã chấp nhận tha thứ, sẽ nói chuyện thẳng với chồng – một cách chân thành, không úp mở xa xôi bóng gió, không mỉa mai, hờn dỗi… “Em biết anh đã lầm lỡ, nhưng em bỏ qua hết để anh trở về với vợ con!”

Nếu sau này thực tế phũ phàng cho thấy A vẫn lén lút tìm cách đi lại với B, thì lúc ấy mình “rút ván chặt cầu” vẫn chưa muộn! Mặc dù không có một cuộc nghiên cứu thống kê nào, nhưng có lẽ chúng ta cũng thấy được “tha thứ và chiêu hồi” là phương cách được nhiều bà vợ áp dụng nhất, và trong đa số trường hợp đã thành công tốt tốt đẹp.

Chỉ khi nào em tự xét lòng mình và biết chắc chắn mình không còn rung động bên chồng, thậm chí chán ghét, kinh tởm, thì mới tính tới phương cách thứ hai là nhường chồng cho B.

Nhường vô điều kiện, chứ không cần phải “có đôi lời phải trái” với B. Không chỉ vì B là bạn cũ của em, mà còn vì khi mình thốt ra những lời cay đắng, giận dữ chửi bới, chính mình cũng trở nên “không giống ai”, mà sau này mỗi khi nhớ lại, càng cảm thấy vết thương lòng thêm đau nhói!

Nhưng dù thế nào đi nữa, TL vẫn hết lời khuyên, và cầu mong em giải quyết theo phương cách thứ nhất. Bởi nó phát xuất từ nguyên tắc đạo đức cũng như thể hiện những gì cao quý nhất trong  cuộc sống lứa đôi: sự thông cảm, tha thứ.

Thanh Lan