Vai trò của Úc trước sự bành trướng của Tàu

05 Tháng Mười Hai, 2018 | Bình Luận
Thủ tướng Scott Morrison tại Hội nghị APEC 2018 tại Papua New Guinea hôm 17.11.2018. Photo Courtesy: Reuters

Tuần qua đã có hai hội nghị quan trọng diễn ra trong khu vực cạnh nước Úc: ASEAN ở Singapore và APEC tại Port Moresby. Tại hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Đông Nam Á và Á Châu Thái Bình  Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đến dự và người thay mặt ông là Phó Tổng thống Mike Pence, một nhà chính trị điềm đạm nhưng cương quyết, được sự nể trọng của hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới.

Tại Singapore, ông Pence đã đưa ra những lời phát biểu mạnh mẽ, đầy thách thức nhắm vào các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng: “Biển Đông không thuộc về một nước nào cả và các bạn có thể chắc chắn rằng, Mỹ tiếp tục đi lại trên biển, trên không, ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép cũng như lợi ích quốc gia của chúng tôi yêu cầu”. Phó Tổng thống Pence nói với 10 nhà lãnh đạo ASEAN rằng tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương “không có chỗ cho sự chuyên quyền và gây hấn”.

Trong một phát biểu khác tại hội nghị này được Bộ Ngoại giao Mỹ ghi chép và công bố, phó tổng thống Mỹ nói: “Để tôi nói cho rõ, hoạt động quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp và nguy hiểm. Điều này đe dọa chủ quyền của nhiều nước và đặt sự thịnh vượng của thế giới vào tình trạng nguy hiểm”. Hội nghị ASEAN lần thứ 33  gồm ASEAN-Hoa Kỳ, ASEAN+3 và Thượng đỉnh Đông Á trước khi Singapore trao quyền chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 cho Thái Lan.

Ngay sau Thượng đỉnh ASEAN là  Thượng đỉnh APEC tại thủ đô Papua New Guinea (PNG) gồm 21 quốc gia của  Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương.  Hội nghị này rất quan trọng, được Úc chuẩn bị cách đây vài tháng nhằm củng cố mối quan hệ truyền thống bấy lâu với thuộc địa cũ trước sự bành trướng của Trung Cộng ở Thái Bình Dương.

Vào đầu tháng này, Thủ tướng Scott Morrison và Thủ tướng Peter O’Neill của PNG đã ký thỏa thuận quy hoạch lại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus, theo đó PNG sở hữu căn cứ nhưng quân đội Úc được phép đồn trú trên hòn đảo này để mở rộng hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương. Ngoài giúp PNG xây cầu tàu mới tại hải cảng nước sâu, Úc còn viện trợ một số tàu tuần tra.

Lombrum nằm ở phía bắc Úc có tính cách chiến lược. Chính nơi đây  trong thế chiến thứ hai, Mỹ đặt căn cứ hải quân, dùng làm bàn đạp yểm trợ chiến dịch giải phóng Phi Luật Tân. Cũng chính vì vị trí chiến lược và chỉ cách đảo Guam khoảng 900 cây số, Trung Cộng đã tìm cách ve vãn PNG, mời tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, tặng cho nước rất nghèo này $30 triệu đô la để xây trung tâm hội nghị đón các nhà lãnh đạo APEC.

Hôm Thứ Bảy cuối tuần, trước khi Tập Cận Bình tuyên bố sẽ viện trợ, cho vay và đầu tư số tiền $1.5 tỉ đô la cho các đảo quốc nghèo Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Pence tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Úc và PNG trong sáng kiến chung của hai nước này để phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus nhằm “bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải tại các đảo Thái Bình Dương”.

Thế là PNG nói riêng và các đảo quốc nhỏ khác ở Thái Bình Dương nói chung, sẽ được dịp hưởng lợi nhờ vị trí chiến lược của họ vì Mỹ-Úc và Trung Cộng đều muốn có sự hiện diện để bảo vệ an ninh lãnh thổ hay để bành trướng. Thủ tướng PNG nói nước ông sẽ giao hảo với mọi nước.

Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nhật đã bay sang Darwin trong hai ngày để bàn thảo hợp tác quân sự và chiến lược với Úc. Đây là lần đầu tiên trong vòng 76 năm một thủ tướng Nhật đến thăm thành phố Úc duy nhất bị không quân Thiên hoàng dội bom trong đệ nhị thế chiến. Hai nước sẽ chính thức ký một hiệp ước liên minh quân sự dự trù vào năm tới.

Thế là lịch sử đã bước sang một trang mới. Darwin sẽ là nơi có sự hiện diện và quyền lợi của đồng minh chiến lược và bạn hàng quan trọng nhất: Mỹ-Nhật và Trung Cộng. Liệu Úc sẽ trở thành be bờ ngăn chặn bá quyền Trung Cộng?  Hỏi là trả lời. Hội nghị APEC đã căng thẳng đến độ không có một thông cáo chung! Và đấy là dấu hiệu Mỹ quan tâm khu vực sau một thời gian bỏ bê.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1703 phát hành ngày 21.11.2018)