Đại học danh tiếng Cambridge cũng ‘lao đao’ vì thâm hụt ngân sách

16 Tháng Tư, 2019 | Giáo dục - Di trú
Đại học Cambridge đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 30 triệu bảng Anh trong năm nay. Photo Courtesy: Reuters

Mặc dù là một trong những trường đại học giàu nhất nước Anh, Đại học Cambridge mới đây thông báo khoản thâm hụt ngân sách trong năm nay của nhà trường có thể lên tới 30 triệu bảng Anh.

Thông tin về khoản thâm hụt ngân sách này được thông báo trong email của Phó hiệu trưởng nhà trường Stephen Toope gửi tới 150 khoa trong trường.

Email cho biết nhà trường đang đối mặt với “tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng” do các khoản chi phí tăng cao, các khoản đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu bị cắt giảm.
Đại học Cambridge đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 30 triệu bảng Anh trong năm nay.

Theo nội dung trong email, ban tài chính Đại học Cambridge đã hoàn thành một nghiên cứu ngân sách 10 năm vào tháng 2/2019 và khẳng định nhà trường “đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách trong quá trình hoạt động hàng năm lên tới tổng cộng 30 triệu bảng Anh”.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thâm hụt ngân sách là do nhà trường nhận được ít đầu tư từ chính phủ hơn, trong khi các khoản thu từ học phí của sinh viên không đủ để bù vào khoản thiếu hụt này.

Giáo sư Toope cho biết, bất chấp những nỗ lực kiểm soát chi tiêu trong những năm gần đây, tình hình ngân sách của nhà trường vẫn trở nên xấu đi thay vì được cải thiện.

“Tình hình thâm hụt ngân sách này có thể được kiểm soát trong thời gian ngắn, nhưng rất khó để duy trì trong thời gian dài”, ông Toope cho biết.

Tuy nhiên, giáo sư Toope cũng khẳng định, đại học Cambridge có khoản dự trữ ngân sách rất lớn. Rất nhiều nguồn thu ngân sách khác của nhà trường như các khoản quyên góp, tài trợ và nguồn thu từ nhà xuất bản Cambridge University Press cũng giúp bù đắp vào khoản ngân sách thâm hụt.

Ngoài ra, 31 đại học thành viên của nhà trường cũng có những khoản ngân sách riêng để phục vụ cho quá trình vận hành của mình.

Các chuyên gia giáo dục Anh bày tỏ quan ngại trước thực tế rằng một số đại học tại nước này đang gặp khó khăn về tài chính.

Rất nhiều trường thậm chí không thể tuyển đủ sinh viên đầu vào, do đó học phí thu được không đủ để bù vào các khoản chi phí vận hành.

Nhóm nghiên cứu của chuyên gia tài chính Philip Augar dự định sẽ công bố một bản đánh giá về học phí đại học vào mùa hè năm nay.

Ông Toope cũng đưa ra những cảnh báo về những khó khăn mà các trường đại học trên toàn thế giới phải đối mặt như “bất ổn chính trị và kinh tế gia tăng, khả năng nền kinh tế thế giới suy giảm cũng như nguồn thu nhập hay các khoản đầu tư cho các trường đại học bị thu hẹp”.

Theo Dân Trí