Kể chuyện đường xa: Kuala Lumpur có gì lạ?

11 Tháng Bảy, 2019 | Mã Lai
Tác giả và hậu cảnh là Tháp Taipei’s 101 ở Ðài Bắc trong một chuyến du lịch Ðài Loan năm 2011. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Kuala Lumpur là thủ đô của Mã Lai, còn gọi là Mã Lai Á (Malaysia). Ðây là thành phố đông dân nhất với khoảng 1,8 triệu dân.

Tôi không biết gì nhiều về Kuala Lumpur ngoại trừ tháp đôi Petronas Twin Towers được khởi sự xây năm 1993 (cao 452m) và trở thành tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1998, qua mặt tòa nhà Willis Tower in Chicago, Mỹ cao 442m.

Hơn nhau chỉ 10 mét thôi nhưng Petronas Twin Towers giữ ngôi vị tháp cao nhất thế giới trong 6 năm đến năm 2004 bị tháp Tapei’s 101 (cao 508m) qua mặt. Lần này tháp 101 ở Ðài Bắc phá kỷ lục với 56m cao hơn đối thủ Petronas Twin Towers.

Sở dĩ tôi biết và nhớ về tháp  Petronas Twin Towers là do thời đó tôi viết nhiều bài về địa ốc để phục vụ độc giả TiVi Tuần-san đọc cho vui hay có thêm sự hiểu biết trong việc đầu tư vào địa ốc.

Người viết  không những tìm hiểu về mặt lý thuyết trên báo chí mà còn tới tận nơi xem một số địa ốc rao bán hay đang xây cất để viết, và hơn thế nữa còn đầu tư vào địa ốc vào thời đó, có thể gọi là vừa làm vừa học vừa thực hành.

Ðường vào trung tâm thành phố: xa xa ở giữa là Petronas Twin Towers màu bạc bị Khách sạn Four Seasons màu xanh sậm che mất một tháp. Hình: TVTS

Còn nhớ khoảng năm 1998, nhật báo The Age đang bàn luận về việc đại triệu phú xây cất Bruno Grollo  chuẩn bị xây tòa nhà chọc trời ở Melbourne có tên Grollo Tower nhưng bị chống đối và phê bình. Vì thế, một ký giả của  báo này đã viết một bài có tựa “The Jury is Out” để lấy ý kiến của 12 người trong cộng đồng từ các nghệ sĩ, nhà báo đến kiến trúc sư, xem có bao nhiêu người ủng hộ hay chê bai.

Người viết được báo này đăng hình trong “bồi thẩm đoàn” đó với ý kiến ủng hộ Melbourne có một tòa nhà chọc trời để thu hút du khách. Tờ The Age muốn Melbourne có những cơ sở nghệ thuật hơn là một cao ốc chướng mắt chỉ giữ danh hiệu cao nhất thế giới một thời gian ngắn.

Hơn một nửa “bồi thẩm đoàn” không ủng hộ, nhưng Grollo Tower vẫn được chính phủ Tự do Jeff Kennett cho giấy phép xây. Tuy nhiên, đại triệu phú Bruno Grollo đã xù kế hoạch này vì chính phủ Kennett từ chối bỏ công quỹ trả chi phí kéo dài con đường Collins Street chạy dài ra cao ốc Grollo Tower.

Nếu thời đó dự án Grollo Tower được tiến hành với 500m thì đến năm 2004 đã bị tháp Taipei 101 qua mặt với 8m.

Năm 2009, tháp Burj Khalifa ở thành phố Dubai của Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất xây cao 828m với chi phí $1.5 tỉ đô la, sẽ không thể nào có tháp khác qua mặt trong một hai thập niên tới. Có thể thế giới bây giờ không còn tranh nhau để giữ danh hiệu có tòa nhà cao nhất thế giới nữa.

Khách sạn Shangri-La (giữa đáy hình với hồ bơi màu xanh và ở góc trái phía trên là Tháp đôi Petronas. Hình: TVTS

Khách sạn tuyệt vời, giá cả phải chăng

Tôi lên mạng xem và được biết từ phi trường quốc tế Kuala Lumpur (viết tắt KUL) về trung tâm thành phố khá xa, khoảng 45 cây số, và mất từ 45 phút lái xe, đi taxi tốn khoảng $30-$40 Úc kim.

Ở phi trường KUL bạn có thể mua vé taxi ngay cửa ra vào và trả tiền tại chỗ. Khách sạn Shangri-La của chúng tôi ở số 11 Jalan Sultan Ismail tại trung tâm thành phố, tốn 114 đồng Mã (MYR) khoảng $40 Úc kim. Nhưng có receipt, bạn vẫn phải ra dãy taxi đậu, bấm nút lấy ticket và đến đợi taxi ở bãi đậu có ghi trong ticket, đưa receipt cho tài xế và địa chỉ khách sạn, rồi cứ thế ngồi để họ chở đi, không cần nói gì cả.

Có những phương tiện chuyên chở công cộng rẻ tiền hơn như xe lửa hay xe bus, nhưng có lúc cũng mất thì giờ và khó khăn đối với một người vừa mới bước chân đến xứ lạ.

Tôi đã đi thử xe lửa vài lần khi vừa đặt chân đến các phi trường của những nước như Nhật Bản (người dân tử tế ưa giúp đỡ nhưng đa số không nói được tiếng Anh), Phần Lan (phần lớn nói tiếng Anh và cũng hiếu khách) để rút kinh nghiệm nhưng nghĩ rằng sự tiết kiệm đó đôi khi không đáng, vì dù khách sạn có gần kề ga xe lửa trung ương, cũng phải mất công tìm và mệt mỏi với hành lý  mang theo.

Mặc dù nghe nói chỉ mất khoảng 45 phút, nhưng xe taxi  phải mất 75 phút mới đến khách sạn vì kẹt xe. Ngày tôi trở về Úc, nhờ khách sạn gọi xe, phải trả 150 đồng Mã (khoảng $53 Úc kim) vì đi vào lúc sáng sớm, phải trả thêm tiền nhưng do ít xe cộ nên từ phố ra phi trường chỉ mất khoảng 50 phút.

* * *

Tôi chỉ biết Kuala Lumpur  có tháp đôi, mặt dù nay đã bị vài tháp qua mặt, nhưng vẫn là tháp đôi cao nhất thế giới. Tuy nhiên trên đường xe chạy, phải đến gần thành phố mới thấy, và thấy không rõ lắm bởi bị những cao ốc khác che chắn.

Phòng đợi của Shangri-La Hotel: khách thưởng thức và chụp hình một chiếc bánh làm bằng hoa thật nhân một ngày lễ (hình như tết) của người Mã Lai. Hình: TVTS

Nhưng trước tháp đôi, tôi đã thấy khá lâu trên chân trời thành phố một tháp đơn rất cao và không biết tên. Sau này mối biết đó là tháp The Exchange 106 (trước đây có các tên Menara Platinum, Signature Tower), có 106 tầng dự trù sẽ hoàn tất xong trong năm với chiều cao 452 mét, tức cao bằng tháp đôi Petronas Twin Towers.

Xe taxi vào sân khách sạn Shangri-La, bị chặn. Tài xế phải mở cốp sau để nhân viên an ninh kiểm soát và rà vũ khí. Vào cửa khách sạn, xách tay và người đi riêng để rà soát như vào cổng an ninh phi trường. Khách vào khách sạn bất cứ lúc nào cũng phải để túi xách lên khay và đi qua khung soi rọi.

Hình ảnh này làm cho tôi hơi lo vì có cảm tưởng khách sạn này có thể từng bị đe dọa mới có sự kiểm soát kỹ càng như vậy.  Nhưng rồi tôi nhớ lại cũng đã từng ở khách sạn 5 sao tại New Delhi (Ấn Ðộ) và Cairo (Ai Cập) và cũng phải qua lớp kiểm soát an ninh như vậy. Tôi nói với nhà tôi phòng ngừa cũng tốt hơn là không, vì khách sạn ở Tích Lan vừa bị khủng bố trong dịp lễ Phục sinh mới đây.

Nhưng qua khâu an ninh, vào bên trong, khách được tiếp đón rất tận tình, nhân viên gác cửa mang vali, các cô tiếp viên dẫn khách tận cầu thang, rồi có nhân viên khác mang vali đưa khách tận phòng, xếp hành lý lên kệ, hỏi han thân thiện. Khách sạn lớn, sang trọng, người ra vào tấp nập, luôn có ít nhất một nữ tiếp viên đón khách hay đứng giữa lobby  để trả lời khách.

Tôi cũng từng ở khách sạn 5 sao tại Sydney và nhiều nơi khác ở Á Châu, nhưng chưa thấy khách sạn nào tiếp đãi khách ân cần, lịch sự và chu đáo như vậy. 462 đồng Mã (khoảng $165 Úc kim) gồm cả 10 đồng thuế du lịch một đêm quả là đáng đồng tiền. Thỉnh thoảng họ mang trái cây hay hộp sô-cô-la mang nhãn của khách sạn tặng khách.

Tắm ở hồ bơi Shangri-La Hotel có thể thấy tháp Kuala Lumpur Tower nơi có nhà hàng xoay tròn. Hình: TVTS

Có lần tôi xuống quầy tiếp tân, chụp hình báo cho họ biết có vết bẩn trên thảm không phải do tôi làm (đề phòng họ trừ tiền) nhưng họ xin lỗi và khi chúng tôi đi chơi trở về, đã được làm sạch ngay dù tôi nói rằng không cần giặt thảm.

Khách sạn Shangri-La 28 tầng, 662 phòng (561 rooms & 101 suites) có 8 phòng ăn và bars và một hồ bơi khá lớn ngoài trời, tắm ở đây có thể nhìn thấy tháp Kuala Lumpur Tower (KL Tower). Chúng tôi cũng đã tự thưởng cho mình một buổi massage, nhưng ra vẻ ở đây đắt hơn ở Thái Lan, xứ sở nổi tiếng “xuất cảng” Thai massage trên thế giới.

Những cái nhất của KL du khách có thể không ngờ

Kuala Lumpur là gì? Tôi thắc mắc và tìm hiểu trên mạng thì được giải thích theo từ nguyên học như thế này: Kuala Lumpur trong tiếng Mã Lai có nghĩa là ngã ba sông lấm bùn (muddy confluence, giữa hai con sông Klang River và Gombak River gặp nhau) và cũng từ tiếng Phúc Kiến, Lampang có nghĩa rừng có bùn mờ đục.

Ngày xưa khi người ta mới định cư là đầm bùn lầy, nhưng nay là thành phố tân tiến, sạch sẽ, tươm tất với nhiều nhà chọc trời, nhất là cái tháp đôi màu bạc sáng rực rỡ nổi lên bầu trời nếu bạn có dịp nhìn từ xa, ở những cao ốc hay tháp KL Tower mà chúng tôi có dịp ngồi ăn trưa trong nhà hàng quay vòng tròn (revolving restaurant).

Bạn có biết rằng Kuala Lumpur đã từng được bình bầu là một trong 7 Thành phố Kỳ quan của Thế giới Mới (New7Wonders Cities) vào năm 2014 trong đó có các thành phố Beirut, Doha, Durban, Havana, La Paz và Vigan?

Bukit Pintang, trung tâm mua sắm lớn và nổi tiếng ở Kuala Lumpur. Hình: TVTS

Bạn còn nhớ khoảng   từ năm 2001 khi nhà làm phim Canada gốc Thụy Sĩ Bernard Weber lập ra tổ chức  New7Wonders Foundation và kêu gọi mọi người trên thế giới tham gia bình bầu qua điện thoại và internet những kỳ quan của thế giới hiện đại trong đó có New7Wonders of the World (được 100 triệu người bầu vào năm 2007 gồm Vạn Lý Trường Thành, Christ the Redeemer, Chichen Iza, Machu Picchu, Petra, Taj Mahal và Colosseum) và New7Wonders of Nature (7 Kỳ quan Thiên nhiên) được bầu năm 2011 trong đó 7 kỳ quan thiên nhiên được chọn là Vịnh Hạ Long, Amazon Rainforest and River, Jeju Island, Iguacu Falls, Puerto Princesa Subterranean Iver National Park, Komodo Island, Komodo Island.

Cũng biết rằng bình chọn kiểu này không trung thực, không chính xác và khách quan nhưng năm đó, khi nghe ngôi chùa nổi tiếng của Nhật Kiyomizu-dera ở cố đô Kyoto được nằm trong danh sách chung kết (finalists, gồm nhà hát Con Sò Sydney, tượng Nữ thần Tự do New York v.v…) tôi và vợ đã từ thành phố Tokyo đi xe lửa lên Kyoto và đi bộ tìm đường lên ngôi chùa này để xem nó đẹp như thế nào mà người ta đưa vào danh sách 7 Kỳ quan Thế giới Hiện đại. Mà quả thật rất đẹp, dù lúc đó mùa hè, đi bộ dưới cái nóng 42 độ từ ga xe lửa lên chùa thì bở hơi tai.

Ngoài nằm trong danh sách 7 Thành phố Kỳ quan Hiện đại (hay Mới) của nhà làm phim Weber, Kuala Lumpur vào năm 2017 đã được cơ quan EIU’s bình bầu là thành phố đứng thứ 70 trong số những thành phố dễ sống nhất thế giới và đứng hàng thứ 2 ở Ðông Nam Á sau Singapore; và cũng được liệt vào hạng thứ 30 trong số 60 thành phố an toàn nhất thế giới hơn cả Bắc Kinh và Thượng Hải.

Ngoại trừ taxi, tôi chưa đi phương tiện giao thông công cộng ở Kuala Lumpur nhưng được biết wikipedia nói rằng với các xa lộ lớn và hiện đại, thành phố này có một hệ thống giao thông công cộng rất tốt với MRT (Mass Rapid Transit), LRT (Light Metro), (BRT (Bus Rapid Transit), Monorail (xe lửa đường rầy trên không). Do đó không lạ gì Kuala Lumpur vào năm 2017 được liệt vào một trong những nơi thu hút du khách và khách mua sắm trên thế giới, là thành phố đứng hàng thứ 10 có nhiều người đến du lịch trên thế giới.

Những bạn đọc thích mua sắm cũng nên biết thêm Kuala Lumpur có 3 tòa nhà trong số 10 tòa nhà mua sắm (shopping malls) lớn nhất thế giới. Chúng tôi không nghiên cứu trước lãnh vực này, nhưng khi đến Kuala Lumpur mới thấy chọn Kuala Lumpur để mua sắm là  đúng với ý định của mình. (Còn một kỳ)

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 22.6.2019

 

(Trích từ báo in TVTS số 1735 phát hành ngày 26.6.2019)