Hỏi và giải đáp 547: Nàng dâu – Mẹ chồng!

31 Tháng Năm, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Quý độc giả thân mến,

Sau khi bài “Nàng dâu – Bố chồng” (Hỏi và giải đáp số 546) phát hành, mục ‘Hỏi và giải đáp’ đã nhận được thư góp ý kiến của em X, nội dung so sánh hoàn cảnh “nàng dâu – bố chồng” của em A với hoàn cảnh “nàng dâu – mẹ chồng” của bản thân em. Lá thư viết rất hay, có tình có lý mà lại không đụng chạm tới ai, cho nên TL xin đăng nguyên văn phần chính:

…Theo suy nghĩ của em, bạn A không nên nhìn lên, mà phải nhìn xuống, thì mới thấy trong số những người con gái phải sống cảnh làm dâu, bạn ấy còn may mắn hơn rất nhiều người. Trong số thiếu may mắn ấy có cả em!

Điều may mắn duy nhất của em là cũng giống bạn A, em đã mang bầu với Y trước khi được gia đình đôi bên chính thức nhìn nhận, nhưng Y không phải là kẻ sở khanh. Về sự thua thiệt, trong khi A “tứ cố vô thân, ít học” thì em có gia đình đông đủ, nhưng lại nhà nghèo, còn gia đình chồng thì quá giàu có.

Em còn nhớ ngày còn trong giai đoạn tìm hiểu Y, mẹ em đã tỏ ra lo lắng trước sự giàu có của gia đình anh ấy. Mẹ em bảo rằng người giàu thường hay khinh người, làm rể còn tạm được, vì có cái thế của người chồng, nhưng làm dâu thì từ thua tới thua. Lúc ấy em còn trẻ, còn lý tưởng, chưa ý thức được tầm quan trọng của giàu nghèo, mà chỉ nghĩ yêu nhau là đủ. Em cũng trấn an mẹ em, nói rằng ở xứ tây phương, ai cũng đi làm, đồng lương ở Úc từ đầy đủ tới dư thừa, mình không ăn bám chồng thì việc gì phải lo?!

Chỉ tới sau khi đã về làm dâu, bước vào thực tế cuộc đời, em mới cảm nhận được nỗi lo của mẹ là có cơ sở. Người ta không cần mở miệng khinh rẻ mình mà chỉ cần qua những câu nói ra vẻ vô tình, mình phải hiểu ý họ. Đúng lý ra, nếu họ chỉ chê mình nghèo, em cũng bỏ ngoài tai, bởi vì họ giàu, họ có quyền khoe, có quyền nhìn xuống, nhưng ở đây họ lại cho hai chữ “nghèo hèn” đi đôi với nhau, nên em không chịu.

Trong trường hợp của bạn A, ông bố chồng không ưa, nên vạch lá tìm sâu để bắt lỗi (qua bà vợ), thì bạn ấy có thể giải quyết bằng cách cố giữ gìn để ông bố chồng khó tìm ra sơ hở. Nhưng  trong trường hợp của em, người ta có bắt lỗi mình đâu, người ta chỉ cho rằng mình xuất thân nghèo hèn mà thôi.

Em là người thẳng tính, từ ngày có trí khôn không biết sợ ai, nhưng nay đã trưởng thành, làm vợ làm mẹ thì lại sợ, sợ mẹ em buồn, sợ chồng buồn, sợ con bị ảnh hưởng, cho nên em cố gắng nhẫn nhục.

Nay đọc thư của bạn A, thấy tình trạng cũng chẳng đến nỗi nào mà bạn ấy đã nghĩ tới việc ly thân, quả thật không đáng. Cho nên em cho rằng bạn ấy nên nghe theo 3 lời khuyên của chị TL, thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Riêng em thì chỉ làm theo hai điều thôi, là (2) giữ hòa khí, vì chồng con, và để thoải mái cho đầu óc của chính mình; (3) làm gương cho các con.

Còn (1) kính lão đắc thọ thì xin lỗi chị TL nhé, người ta đã khinh rẻ mình tại sao mình lại phải kính nể. Em không có ý nói em không kính trọng người lớn tuổi, mà em chỉ muốn cho bà mẹ chồng hiểu rằng tất cả những gì em làm cho gia đình này không phải vì em mang mặc cảm nghèo nên phải cố gắng cho xứng đáng với gia đình chồng, mà chỉ vì em thương yêu chồng con. Nghĩa là dù bà mẹ chồng có ấm ức vì biết trong lòng em không kính  nể bà, bà vẫn không có lý do gì để kiếm chuyện với em.

Nhờ đó mà em cân bằng được đầu óc của mình, không thoải mái 100% nhưng cũng không căng thẳng…

X