Hỏi và giải đáp 559: Hôn nhân “đôi bên đều có lợi”

27 Tháng Sáu, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL lại phải góp ý kiến về một trường hợp hôn nhân với người nước ngoài (tức là không phải công dân Úc). Xin rất sơ lược câu chuyện như sau:

X, đã thành tài, yêu Y, một nam nghiên cứu sinh từ một quốc gia Á châu. X yêu quý Y vì trình độ và say mê vì sức thu hút; hai người thường xuyên thân mật. X không dấu gia đình về quan hệ với Y, mà còn cho biết mình và Y muốn tiến tới hôn nhân. Cả gia đình X đều không chấp nhận nhưng không tỏ thái độ chống đối trực tiếp, chỉ nói cứ tìm hiểu nhau thêm, mà sau này X hiểu cốt chỉ để “câu giờ”. X cũng hiểu rằng gia đình mình không chấp nhận vì lo sợ sau khi lấy X và được ở lại Úc, Y sẽ truất ngựa truy phong; nhưng X quả quyết Y không phải là hạng người tệ hại như thế…

Hiện nay, X đã hết kiên nhẫn, nên dự tính sẽ ra thời hạn cho gia đình, nếu gia đình không chịu đứng ra lo liệu, X và Y sẽ tự lo…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu X thân mến,

Trước khi vào đề, cô xin được thanh minh như sau: từ trước tới nay, gặp những trường hợp tương tự của cháu, cô rất dè dặt trong việc cho ý kiến. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy nếu cô đem lý ra để cân nhắc lợi hại, sẽ bị các bạn trẻ cho là người “không có trái tim”; ngược lại, nếu cô khuyên người trong cuộc ngả theo tình yêu  (listen to your heart) thì sẽ bị các bậc cha mẹ trách là vẽ đường cho hươu chạy!

Nhưng cho dù dè dặt, cô vẫn phải đưa ra một nhận định, một lời khuyên chung chung cho người trong cuộc, đó là: không ai trong chúng ta có thể xét đoán lòng dạ con người; khi có ai đó đem thực tế đã xảy ra và vỗ ngực nói rằng trước kia mình đã xét đoán không sai chút nào, cô cho rằng chẳng qua chỉ là sự trùng hợp.

Thành thử có lần cô đã viết đại khái: nếu cả đến quan hệ tình cảm giữa hai công dân Úc đã khó xét đoán, thì quan hệ tình cảm giữa một công dân Úc và một người ngoại quốc muốn được ở lại Úc khó xét đoán tới mức nào!

Nhiều cô gái, hoặc chàng trai, cho rằng người đang quan hệ tình cảm với mình có những cái tốt hơn, đáng quý hơn người khác, mà không chịu hiểu rằng chính vì muốn chinh phục đối tượng để được ở lại Úc, mà những chàng trai, hay cô gái, ngoại quốc đó đã tỏ ra tốt lành, cao thượng hết mức.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không thể nói rằng tất cả mọi người ngoại quốc tìm cách chinh phục công dân Úc để được ở lại Úc, chắc chắn sau này sẽ trở mặt. Bởi vì trong nhiều trường hợp, tuy không có “tình” cũng có cái “nghĩa”, và vì cái nghĩa đó, nhiều khi hai người lại ăn đời ở kiếp với nhau.

Thí dụ điển hình nhất là các cuộc hôn nhân giữa đàn ông tây phương với phụ nữ Á châu, phụ nữ Đông Âu. Rõ ràng đây là những trường hợp của “hôn nhân đôi bên đều có lợi” (marriage of convenience): một phía thì kiếm được một cô vợ trẻ đẹp, một bên thì tới được miền đất hứa. Nhưng sau khi tới được miền đất hứa, đủ lông đủ cánh, phần lớn những phụ nữ Á châu, Đông Âu ấy vẫn tiếp tục sống với người chồng già, là vì cái “nghĩa” nói tới ở trên.

Trở lại với chuyện tình cảm của cháu hiện nay với Y, nếu cháu đã tin tưởng và say mê Y tới mức đó, cô có khuyên điều gì cháu cũng chẳng nghe, cho nên cô chỉ đưa ra một vài lời cố vấn để nếu rồi đây mọi việc trở nên xấu, thì cũng bớt xấu hơn, và giảm thiểu được những hậu quả tai hại.

(1) Cháu không nên tỏ thái độ chống đối, bất mãn gia đình, mà trái lại phải kiên trì, mềm mỏng, thì mới hy vọng gia đình đổi ý.

(2) Phân trần, giải thích với gia đình rằng cháu chỉ cần một đám cưới đơn giản, với mục đích hợp thức hóa hơn là ra mắt họ hàng, bạn bè (của gia đình).

Cô tin rằng nếu cháu khôn khéo, gia đình cháu sẽ nhượng bộ, và rồi đây nếu quả thật Y là người tốt lành như cháu đã nhận xét, gia đình cháu thay đổi thái độ cũng không muộn.

Ngược lại, nếu Y quất ngựa truy phong, cháu và gia đình cũng không đến nỗi phải cắn lưỡi, như trong những trường hợp tổ chức đám cưới thật linh đình.

Cô,
Thanh Lan