Hỏi và giải đáp 561: Chăn gối vợ chồng

02 Tháng Bảy, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Từ trước tới nay, TL đã phải đắn đo mỗi lần nhận được thư của độc giả liên quan tới đề tài “chăn gối vợ chồng”. Đắn đo không chỉ vì tính cách tế nhị của đề tài mà còn vì những bất đồng ý kiến, nhiều khi khá gay gắt của độc giả. Lần này, trước lá thư của em Y, TL cũng không muốn gây thêm tranh luận, cho nên chỉ “xào nấu” lại những gì đã được viết ra trên trang báo này và được đa số chấp nhận.

Nội dung lá thư của em Y cũng tương tự như lá thư của nữ độc giả A và của em X trước đây,

A là một single mum đã một lần đổ vỡ. Nguyên nhân: B, chồng A, thích chạy theo các cô gái trẻ chịu chơi. A thắc mắc: ngày còn chung sống với nhau, B hay đòi hỏi những “kiểu cách làm tình” (fantasies) thường chỉ thấy trong các phim sex. Khi B tìm vui nơi các cô gái trẻ, có phải vì các cô ấy đều “rành sáu câu” khiến đàn ông chết mê chết mệt?…

Còn thư của em X, một người vợ trẻ yêu chồng và muốn đem lại hạnh phúc chăn gối cho chồng, thì nêu ra thắc mắc “đâu là giới hạn trong việc thỏa mãn những đòi hỏi (fantasies) của chồng.

Tóm tắt ý kiến của TL:

Theo quan niệm thời nay, sự hòa hợp trong hôn nhân gồm cả yếu tố tinh thần lẫn thể xác. Trong đó, tinh thần mang tính cách bắt buộc. Bởi vì có tâm đầu ý hợp, thì người ta mới thoái mái, tự nhiên trong chuyện chăn gối, để nếu cần, sẽ “giúp đỡ, chỉ bảo” nhau, để cùng đạt tới mục đích.

Nhưng dù tinh thần là yếu tốt bắt buộc, không vì thế mà các bà vợ

coi nhẹ chuyện phòng the, hoặc “nhắm mắt trả nợ” ông chồng cho xong, mà trên thực tế người đàn bà phải biết dung hòa giữa việc giữ gìn nhân phẩm và việc đem lại lạc thú cho chồng.

Tóm tắt ý kiến của bà NB:

Sinh hoạt tình dục là nhu cầu của mọi loài sinh vật trên trái đất chứ không chỉ riêng con người. Tuy nhiên, vì con người có khối óc, cho nên trải qua ngàn vạn năm, người ta ngày càng tìm cách thỏa mãn nhu cầu ấy một cách hoàn hảo hơn.

Tạm gạt bỏ yếu tố tình yêu (trái tim) sang một bên, người ta không nên chỉ biết lên án các cuốn cẩm nang tình dục nổi tiếng kim cổ như Kama Sutra, Tố Nữ Kinh, hoặc “vành trong 8 nghề” mà cụ Nguyễn Du đã nhắc tới trong truyện Kiều.

Bởi vì đáng lên án hay không đáng lên án là do yếu tố “bản chất” (nature) của sinh hoạt tình dục ấy – tức là diễn ra giữa hai đối tượng nào, chứ không phải vì cung cách (manner) của hai người trong sinh hoạt ấy.

Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du khi nhắc tới “vành trong tám nghề” thì chỉ có ý nói các nàng Kiều phải học để thỏa mãn khách mua hoa, chứ cụ không nói đó là những kỹ năng, xảo thuật độc quyền của giới buôn hương bán phấn!

Và nếu chấp nhận gọi là “tìm hiểu” thì không nhất thiết phải đợi khi lấy chồng xong xuôi, mới “vừa làm vừa học” (training on the job) như cô TL đã viết.

Dĩ nhiên, trên thực tế, có những trường hợp tốt đẹp như cô TL đã viết, nhưng cũng có nhiều trường hợp, do thiếu hiểu biết, đã không chỉ không chịu “học”, mà còn phản kháng. Tình trạng này cho tới nay vẫn tiếp tục là một vấn nạn trong nhiều gia đình Á đông.

Tóm lại, trong chuyện của em A nói riêng, đề tài “vành trong 8 nghề” nói chung, tôi hoàn toàn đồng ý với “chiều hướng” giải quyết của cô TL, chỉ muốn viết thêm: trong khi những ông chồng Á đông phải yêu quý vợ mình hơn nữa, thì các bà vợ Á đông cũng phải tỏ ra hiểu biết hơn nữa, hưởng ứng một cách sôi nổi hơn nữa trong sinh hoạt chăn gối vợ chồng.

Tóm tắt ý kiến của “nữ độc giả NSW”:

Đồng ý rằng quan hệ tình dục chân chính (giữa vợ chồng) không phải là hành động thấp hèn, tội lỗi như quan niệm bảo thủ của nhiều người xưa, nhưng dù tôi không phải là người tu hành, cũng chẳng “ăn chay” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, xin phép không đồng ý những gì bà NB viết: “…người ta không nên chỉ biết lên án các cuốn cẩm nang tình dục nổi tiếng kim cổ như Kama Sutra, Tố Nữ Kinh, hoặc “vành trong 8 nghề” mà cụ Nguyễn Du đã nhắc tới trong truyện Kiều”…

Về việc bà so sánh nhu cầu tình dục với nhu cầu ăn uống, thì nói về ăn uống, St Paul của Thiên chúa giáo đã dạy, tôi chỉ nhớ đại khái: “Người ta không sống để ăn, mà ăn để sống”.

Trong khi nhiều người cho đây là một chân lý thì cũng có không ít người tìm cách phản bác, đồng thời cũng có những người dung hòa bằng cách nói rằng dù “ăn để sống”, con người cũng có quyền ăn ngon.

Tôi thực sự cảm thấy bối rối trước cuộc tranh luận này, nhưng ít  nhất cũng xin được nhấn mạnh: khi bà viết rằng (kỹ năng “vành trong 8 nghề”) đáng hay không đáng lên án là do yếu tố “bản chất” (nature) chứ không phải vì cung cách (manner), vô hình trung bà đã cho rằng một người tình, hay người vợ lý tưởng thì phải biết cung cách của một cô gái giang hồ chuyên nghiệp!

Cuối cùng, việc bà viết rằng các cô gái muốn “tìm hiểu” (kỹ năng trong sinh hoạt tình dục) thì không nhất thiết phải đợi khi lấy chồng xong xuôi, mới “vừa làm vừa học” (training on the job) như cô TL đã viết, quả thực đã có ý khuyến khích đám con gái độc thân nên “lấy bằng” trước khi lấy chồng!

Tóm lại, cũng giống như bà, tôi hoàn toàn đồng ý với “chiều hướng” giải quyết của cô TL, chẳng những thế, tôi còn hoàn toàn đồng ý với “mức độ” cô TL đưa ra trong việc cố gắng tìm một sự hòa hợp tình dục giữa vợ chồng.

Tôi chỉ muốn nêu thêm ý kiến như sau: đã gọi là vợ, tức không phải “chị em ta”, thì các bà vợ Á đông không nhất thiết phải ép mình sôi nổi trong sinh hoạt chăn gối vợ chồng.

Nữ độc giả NSW

* * *

TL xin kết luận một cách hơi… ba phải như sau: nhất thiết hay không, là hoàn toàn tùy thuộc suy nghĩ của mỗi người và yêu cầu của người bạn đời. Điều quan trọng là hai chữ “hạnh phúc”.

Thanh Lan