Đi bộ và đi xe tram: Từ tháp Galata đến quảng trường Sultan Ahmet, Thổ Nhĩ Kỳ (4)

17 Tháng Mười Một, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Vợ chồng tác giả bút ký du lịch trước Galata Tower đêm đầu tiên khi đặt chân tới Istanbul. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 4

Khi quyết định du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, tôi chỉ nghĩ đến hai nơi: Istanbul, Gallipoli và có thể là Troy (nơi có huyền thoại Trojan Horse), vì không thể đi các nơi khác bởi chương trình của chúng tôi đặt ra chỉ có 5 ngày ở nước này.

Cappadocia và Ephesus: nghe nhưng khó có dịp

Nghe con tôi hỏi tôi có nghĩ đến chuyện đi xem một nơi có khinh khí cầu nổi tiếng ở Thổ không, tôi lên mạng và biết đến địa danh Cappadocia nổi tiếng với thắng cảnh núi đá, một số nhà cửa và nhà thờ ngày xưa được làm sâu trong núi đá hang động và trò chơi hot-air ballooning. Tôi cũng muốn đi cho biết với người ta, nhưng từ Istanbul đến Cappadocia xa hơn 700 cây số. Muốn đi khinh khí cầu phải ở lại đó vài đêm để chờ ngày trời tốt. Tôi sợ cao và ngại đi quá xa nên loại bỏ địa điểm này.

Tôi cũng được nghe Ephesus là địa danh khảo cổ có nhiều di tích lịch sử như Căn nhà của Đức Mẹ (Virgin Mary House) mà theo truyền thuyết của người Ki-tô hữu tại đây, Thánh Gioan Tông đồ (Apostle John) đã đưa Đức Mẹ tới nơi đây sau khi Chúa Giê-su sống lại,  bởi theo thánh kinh khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa trối cho Gioan chăm sóc Đức Mẹ và vì vậy khi đi giảng đạo ở Tiểu Á, Gioan mang  Đức Mẹ theo và Đức Mẹ sống những ngày còn lại tại đây.

Bên trong Galata Tower xây năm 1348 chụp ở cafeteria lầu 7. Hình: TVTS

Nếu là người Công giáo, ắt hẳn bạn đọc đã nhiều lần nghe từ Êphêxô trong các bài đọc ngày Chủ Nhật. Cũng có thể nghe từ này trong bài hát của các ca đoàn. Thánh Phao-lô (Paul) từng đi giảng đạo nhiều năm cho một số cộng đoàn ở Ephesus (Êphêxô) và ngài đã viết các bức thư cho tín hữu Corintô từ  Êphêxô;  và từ khi bị giam ở Rome, ngài cũng gởi thư cho tín hữu cho Êphêxô.

Đó là chưa kể có nhiều di tích lịch sử và truyền thuyết nói về nơi chôn cất một số vị thánh tông đồ ở phần đất Á Châu của Thổ Nhĩ Kỳ mà nay được các nhà khảo cổ phát hiện. Nghe vậy, nhà tôi cũng muốn đi, nhưng đường xa trên 500 cây số.

Cả  Cappadocia và Ephesus đều có thể đi tới bằng máy bay nhưng chúng tôi chỉ có 5 ngày, sợ rằng thăm những di tích và thánh cảnh trong thành phố Istanbul thôi, cũng chưa chắc được nhiều nơi.

Lên mạng xem sơ vài nơi có thể đi bộ, phương tiện công cộng hay taxi, tôi ghi ra vài địa điểm như: Viện bảo tàng Hagia Sophia, đền thờ Sultan Ahmet (tức Blue Mosque), bể nước ngầm Basilica Cistern, tháp Galata Tower, cung điện Dolmahbace, chợ Grand Bazaar v.v… đi được nơi nào hay nơi ấy.

Người câu cá đứng kín dọc hai phía thành cầu Galata Bridge bắt qua vịnh Golden Horn. Hình: TVTS

Qua ngày thứ hai, chúng tôi lên chương trình đi xem những nơi có thể xem trong ngày, bởi ngày thứ ba sẽ dành cho việc đi thăm Gallipoli, ngày thứ tư và thứ năm đi xem thắng cảnh Istanbul và mua sắm trước khi bay qua nước Cyprus.

Từ tháp Galata Tower thấy được những gì?

Xin khách sạn Richmond Hotel bản đồ thành phố Istanbul, một điều tôi thường làm khi đến bất cứ thành phố nào. Xin họ chỉ vị trí của khách sạn trên bản đồ, từ đó tôi lần mò xem để đi đến nơi mình muốn.

Thấy cái tháp cao  nằm cuối đường Istiklal (đúng địa chỉ là đường Bereketzade, nhưng ở đấy nhiều đường nhỏ, khó tìm đường bằng cách nhìn tên) chung quanh có dãy tiệm ăn, du khách đứng xếp hàng là nó đây rồi, khỏi cần xem tên đường tiếng Thổ khó đọc.

Do buổi sáng sớm, chỉ chừng vài chục người xếp hàng nên chúng tôi vào cửa rất nhanh. Vé 35 lira (1 Úc kim ăn từ 3.60 đến 3.8 lira tùy tiệm và tùy ngày).  Nếu bạn muốn chơi helicopter simulation để “thăm” thành phố và đặc biệt khu phố cổ có nhiều di tích thì mua cái vé 15 lira nữa. Thang máy chỉ đưa bạn lên tới lầu 4, còn từ đấy lên lầu 7 để ra ngoài ban-công xem thành phố với cái view 360 độ, bạn phải đi bộ bằng các bậc cấp vòng xoắn ốc hơi hẹp.

Họ có vẻ chuyên nghiệp, một người ít nhất hai cầu câu;  một cầm, một có khung gỗ kẹp vào thành được sản xuất hàng loạt vì giống nhau. Vũ Hà đang xem những con cá vừa câu được, có thể cung cấp cho các nhà hàng ở tầng dưới cầu. Hình: TVTS

Galata là cái tháp hình trụ bang đá cao 67 mét, xây năm 1348 ở vị trí giữa vịnh Golden Horn và eo biển Bosphorus, là nơi cao nhất của thành phố trong nhiều thế kỷ và nay vẫn còn ngự trị trên bầu trời phía của Vịnh Sừng Vàng. Từ đấy, bạn có thể thấy  bằng mắt trần những cái tháp của Hagia Sophia, Blue Mosque chĩa lên bầu trời. Và dĩ nhiên có nhiều tháp đền thờ Hồi giáo khác lấp kín chân trời mà tôi không biết tên.

Ban-công vọng cảnh ở lầu 7 hơi hẹp, hai người mang ba-lô có thể không thể đi qua mặt nhau được, mà ai cũng muốn chụp hình, nên đôi khi di chuyển rất chậm.

Cá nhân tôi ban đầu cũng hơi ớn khi đi vòng quanh cái tháp này, nhát gan hơn cả nhà tôi vì tôi không dám đứng sát thành ban-công cũ kỹ trông không an toàn như kiến trúc ở những nơi khác. Nghe nói trong năm nay đã có một người té chết từ ban-công. Nhưng du khách nào cũng háo hức xem và chụp hình, bởi cảnh quang của thành phố trông vừa cổ xưa vừa hùng vĩ.

Từ tháp Galata, bạn cũng có thể nhìn qua khỏi bán đảo Istanbul (tức phố cổ) thấy một phần nhỏ của biển Marmara Sea, mà đi dọc cuối biển này sẽ đến thành phố Gallipoli, eo biển Dardanelles,   thành phố Canakkale nơi có di tích Con ngựa Thành Troy, rồi từ Dardenelles dẫn đến biển Aegean Sea (chúng tôi đi từ Istanbul quá cảnh Athens của Hy Lạp và  đến Larnaca của Cyrpus bằng máy bay mang tên biển này– Aegean Airlines) và sau đó là biển Mediterranean.

Quảng trường Sultan Ahmet với hai cột tháp nằm giữa Đại học Marmara (cuối hình) và Bảo tàng viện Hagia Sophia,   ở phía trái gần Hagia Sophia là là Blue Mosque. Hình: TVTS

Ở lầu 4 của tháp có nhà hàng. Trên lầu 7 có quan cafeteria xinh đẹp lịch sự. Ăn bánh kem và uống cà phê đặc quánh  trong chiếc tách nhỏ của Thổ và ngắm cảnh cũng là cái thú du lịch và nghỉ ngơi, nhưng tiếc là hầu như du khách luôn đứng ngoài ban-công che cửa kính của tiệm cafeteria nên chỉ thấy lưng và mông của người ta thay vì cảnh thiên nhiên tuyệt vời của một thành phố độc đáo nằm trên hai đại lục giáp với nhiều mặt biển.

Nơi hội tụ các nền văn nền văn hóa

Khi khi rời khách sạn, nhân viên bảo tôi không cần phải đi taxi mà nên đi bộ xuống chân cầu Galata Bridge, mua vé xe tram đi qua đền thờ Sultan Ahmet (Blue Mosque) và Hagia Sophia vì cả hai gần nhau.

Đứng trên tháp tôi thấy được hai cây cầu gần nhất bắt qua bán đảo Istanbul (mà tôi thường gọi là phố cổ) là Galata Bridge và Atakurk Bridge (tên của tổng thống Thổ đầu tiên).

Nhìn Galata Bridge, tôi thấy không xa. Tôi đã đi lên xuống từ tháp đến cầu này đông người đi bộ, câu cá, ăn uống trong 3 ngày và tôi nhớ mất chừng 15 phút đi bộ ở các đường dốc và bậc cấp để đế chiếc cầu này. Galata Bridge dẫn bạn đến Blue Mosque, Hagia Sophia. Ataturk Bridge sẽ dẫn bạn đến Nhà thờ Chính tòa Chính Thống giáo Hy Lạp.

Serpents’ Column mang từ Delphi (Hy Lạp) về dựng tại đây. Hình: TVTS

Đến đây, với kiến thức thu nhận tại chỗ qua kinh nghiệm cá nhân, tôi cũng xin trình bày địa thế của Istanbul thuộc phần đất của Âu Châu.

Istanbul thuộc tỉnh Marmara (có tên này do nằm cạnh biển Marmara). Khách sạn Richmond tôi ngụ thuộc phía bắc Istanbul bên kia “ngã ba đường” của vịnh Golden Horn và eo biển Bosphorus. Trên bản đồ, khách sạn này thuộc quận (district) Beyoglu của Istanbul. Khách sạn gần Taksim Square là quảng trường trung tâm thành phố, ngay đầu đường Istaklal là nơi thiên hạ hay tụ họp như quảng trường Federation Square ở Melbourne và cũng là nơi người dân Thổ tổ chức hội hè và biểu tình. Giữa quảng trường hình tròn có Tượng đài Cộng hòa (Republic Monument) để đánh dấu Đế quốc Thổ nay trở thành một nước cộng hòa từ năm 1923 với tượng của những người sáng lập và dĩ nhiên bức tượng nổi bậc là “cha già dân tộc” Kemal Ataturk.

Đi xuống cuối mỏm quận Beyoglu  gần cầu Galata là khu thương mại Karakoy  thuộc quận Beyoglu (bạn đọc nên nhớ vài địa danh để dễ đi lại nếu du lịch tự túc).

Bên kia vịnh Golden Horn là Istanbul như người ta ghi trên bản đồ, vì khu bán đảo này trước kia là Constantinople kinh đô của Đế Quốc Đông La Mã (Byzantine).  Hầu như thất cả đi tích lịch sử của Byzantine đều tập trung ở đây. Du khách muốn thăm viếng hết cung điện, di tích lịch sử và kiến trúc cũ và mới của Istanbul phải mất chừng hai đến ba ngày thì mới có thể xem hết (Tôi thấy trên bản đồ có trên chục di tích kiên trúc, chưa kể vài chục đền Hồi giáo và nhà thờ nhỏ nhưng cuối cùng tôi nghĩ chúng tôi chỉ có thể xem được 3 địa điểm trong ngày: Bảo tàng viện Hagia Sophia, đền Hồi giáo Blue Mosque và bể nước ngầm Basilica Cistern nằm trong khu Eminonu. Thế là tôi dùng một buổi chiều để đến thăm ba địa điểm gần nhau này.

Đế một cột tháp ở Quảng trường Sultan Ahmet. Hình: TVTS

Chúng tôi tới đầu cầu Galata, hỏi một nhân viên kiểm soát cổng vào bến đợi xe tram cách thức mua vé đi Blue Mosque. Nhân viên này biết tiếng Anh chút đỉnh để chỉ đường, nhưng tôi nói tôi đi đền Sultan Ahmet (tên gọi bằng tiếng Thổ) để ông và những người khác có thể giúp tôi mua vé. Ông bảo tôi đến đó vé 5 lira một người cho một chuyến. Sở dĩ tôi không mua vé khứ hồi vì nghĩ có thể tiếp tục mua vé đi chỗ khác trong buổi chiều, như tới chợ Grand Bazaar.

Ông bảo tôi đi ba trạm và đến trạm Sirkeci nhảy xuống vì đền Hồi giáo nằm đối diện. Và đúng như vậy.

Nhưng bạn hãy tưởng tượng một du khách chỉ liếc sơ bản đồ nhưng trên thực địa không giống như bản đồ; những con đường chi chít, chữ đọc còn không thấy, làm sao biết đường?

Thế là chúng tôi cứ đi mò, thấy nơi nào có những tháp cao vút, mái vòm thì không là Blue Mosque cũng sẽ là Hagia Sophia.

Nhảy xuống xe tram, băng qua đường chúng tôi đã thấy một ngôi đền với cột tháp cao và đám đàn ông ngồi cầu nguyện bên ngoài cùng tiếng kinh phát ra trên ngọn tháp. Chúng tôi đi xa hơn nữa vì nghĩ Blue Mosque phải to, vĩ đại hơn. Chúng tôi thấy một đại lộ lớn, có ít xe qua lại, đối diện với một tòa nhà to có nhiều vòm và nhiều tháp nhưng tôi không biết đó là Blue Mosque hay Hagia Sophia.

Quảng trường Taksim Square nơi có Republic Monument đánh dấu sự ra đời của Cộng hòa Tho Nhĩ Kỳ. Hình: TVTS

Thấy con đường lớn, có nhiều tháp cao như tháp độc thạch (monolith) ở quảng trường Thánh Phê-rô ở Rome, chúng tôi lần theo con đường để xem những tháp hình trụ đó là gì. Sau này tôi mới biết chúng tôi đang đứng trong quảng trường Sultanahmet Square cạnh đền Hồi giáo Blue Mosque, cuối đường là Đại học Marmara, nơi mà xưa kia từng là hí trường Hippodrome of Constantinople thời Byzantine.

Hai cột hình tháp có tên The Obelisk of Theodosius (tôi thấy ghi ở đế tháp dựng năm 390 sau Công Nguyên)  và The Walled Column (làm bằng đá cắt kích cỡ khác nhau chồng lên nhau) được xây khoảng thế kỷ thứ 3, bị hư hại nhưng sau này được Constantine VII (913-959) tu bổ và đặt tên cho tháp bốn góc này là Constantine Obelisk. Tháp này nằm sát Marmara Univserity.

Cũng cạnh hai cột hình tháp có cột những con rắn Serpents’  Column nguyên ở Delphi (Hy Lạp) được mang về dựng ở đây

Chỉ trên một con đường lớn được gọi là quảng trường mà có đến mấy di tích lịch sử trải dài gần hai ngàn năm thì Thổ Nhĩ Kỳ (xưa là Constantinople, Byzantine) có thua gì nền văn minh Hy Lạp và La Mã?

Tuần tới: mời bạn đọc cùng tác giả xem ba di tích Hagia Sophia, Blue Mosque, Basilica Cistern và kinh nghiệm của tôi khi tiep xúc với người địa phương gặp trên đường đi.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 11.11.2019

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1755 phát hành ngày 13.11.2019)