Trên Eo biển Bosphorus và vịnh Sừng Vàng: vai trò địa lý chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ (kỳ 8)

14 Tháng Mười Hai, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Cầu Galata (ở bìa trái, chụp từ Tháp Galata) là cửa ngõ vào Vịnh Golden Horn và ở bìa phải là cầu Halic Bridge (còn gọi là Golden Horn Bridge). Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 8

Bosphorus? Golden Horn? Đó là những cái tên nghe rất quen tai với nhiều độc giả. Vì các bạn đã theo dõi bảy bài bút ký về chuyến du lịch của tôi trong bảy tuần qua, mà đơn giản cũng chỉ vì đấy là những cái tên của cái eo và cái sừng (cộng thêm Biển Marmara) chia nước Thổ Nhĩ Kỳ làm hai, một bên thuộc Âu Châu, một phần đất lớn thuộc Á Châu.

Với diện tích khoảng 783,000 km2, chỉ có 5% thuộc về Âu Châu bao gồm vùng Thrace và Bán đảo Balkan nằm ở phía đông nam, giáp ranh với các nước Bulgaria và Hy Lạp.

95% diện tích còn lại nằm ở vùng gọi là Anatolia, hay còn gọi là Asia Minor (Tiểu Á) hay Asiatic Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ Châu Á) hay gọi là Anatolian Plateau (Cao nguyên Anatolia), một cao nguyên hùng vĩ rất rộng trải dài đến biên giới các nước Georgia, Armenia, Iran, Iraq, Syria. Thủ đô Ankara của Thổ  nằm ở khu vực này.

Nói sơ như vậy để những bạn nào chưa đi Thổ Nhĩ Kỳ hay chưa biết địa lý của nước này thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một nước có diện tích khá lớn, đứng hàng thứ 37  trên thế giới (Đế quốc Thổ Ottoman ngày xưa rất lớn, trải dài từ Châu Âu, Tiểu Á đến Phi Châu). Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế địa chính chiến lược đối với các cường quốc Âu Châu, Ả Rập, Nga và Mỹ.

Mặc dầu chưa được vào Liên Âu nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã là một thành viên của khối NATO từ lâu, nhưng liên minh này với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương coi bộ lỏng lẻo nhất là khi Tổng thống Thổ Erdogan có vẻ thân thiện với Tổng thống Nga Putin hơn Tổng thống Mỹ Trump.

Bán đảo phố cổ (có cờ đỏ) tạo thành ngã ba của Vịnh Golden Horn (hướng phải), Biển Marmara chạy ra Eo biển Dardanelles, Địa Trung Hải (hướng trước mắt bên kia mũi bán đảo) và Eo biển Bosphorus (hướng trái) chạy ra Biển Đen. Hình: TVTS

Hạm đội Biển Đen Nga đóng ở Sevastopol (Crimea, trước kia của Ukraine bị Nga chiếm năm 2014) nằm trong Biển Đen (Black Sea) muốn ra bên ngoài, phải đi nhờ qua Eo biển Bosphorus, Biển Marmara và Eo biển  Dardanelles  mới có thể tới Địa Trung Hải. Nếu Thổ không cho tàu chiến Nga đi ra bên ngoài thì hạm đội Sevastopol của Nga với  tàu ngầm và tàu chiến tối tân coi như bị giam  trong ao tù Biển Đen, chỉ có thể tấn công những nước nằm chung quanh Biển Đen.

Đi tour hay tự túc?

Đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ngôn ngữ bất đồng như Thổ (dù bạn thông thạo tiếng Anh hay Pháp) và chỉ ở lại dăm ba ngày, thì dù chỉ đi thăm thú thắng cảnh trong thành phố hay ở ngoại ô, cũng gặp khó khăn.

Trước khi đến thành phố của một nước nào, tôi thường lên google xem bản đồ, vị trí một hai con đường chính, con sông (hay eo biển) chính, trung tâm thành phố, quảng trường hay tên vài khách sạn nổi tiếng, nhưng khi đến nơi, không thấy dễ tìm như đã thấy trên bản đồ.

Do đó, cách dễ nhất là đi tour trong ngày, vài tiếng, nửa ngày hay trọn ngày. Bạn có thể gọi điện thoại hỏi, ghi danh online hay dễ nhất là nhờ khách sạn đặt chỗ cho. Tôi nghĩ đặt trực tiếp hay qua khách sạn giá cả cũng giống nhau mặc dầu khách sạn được hưởng huê hồng trung gian.Có khách sạn thu tiền đầy đủ, có nơi họ chỉ thu phần trăm của họ, phần còn lại trả cho công ty khi xe bus đến chở khách.

Đền thờ Hồi giáo Ortakoy Mecidiye Mosque dưới chân Cầu Bosphorus (còn có tên không chính thức Cầu Thứ Nhất) nơi xảy ra cuộc kháng cự giữa người dân ủng hộ Tổng thống Erdogan và binh sĩ đảo chánh năm 2016, bây giờ được đặt tên 15 July Martyrs Bridge. Hình: TVTS

Trong bài viết này, tôi chỉ nói về những chuyến đi tour ở Istanbul mà thôi. Xin ghi ra vài tour tiêu biểu của công ty She Tours (www.shetours.com) khách sạn giới thiệu cho tôi với tập booklet mà tôi đã dùng đi thăm Gallipoli, để bạn đọc có thể nghiên cứu trước hay làm tài liệu sau này (tôi không ghi chi tiết như trong quảng cáo, và giá cả có thể thay đổi theo mùa hay thời gian).

1- Byzantine Relics: 35 Euro (khoảng 57 Úc kim/người). Đi bộ nửa ngày buổi sáng, xem Hippodrome, Blue Mosque, Hagia Sophia, Grand Bazaar (thuộc khu vực phố cổ). Các đi tích cách nhau vài trăm mét.  Chấm dứt tại chợ rất lớn, rất cổ và nổi tiếng Grand Bazaar và không đưa du khách về khách sạn. Đi du lịch tour trong thành phố thường trở về tự túc.

2- Ottoman Relics: 35 Euro. Đi bộ nửa ngày buổi chiều thăm Sultan Tombs, Topkapi Palace là cung điện Ottoman lớn nhất, cũng ở bên khu phố cổ và cách các di tích tour ở trên vài trăm mét.

Gặp lúc đền thờ, các ngôi mộ hay chợ đóng cửa, thì sẽ thay bằng những di tích gần đó. Đi kết hợp hai tour 1 & 2 vừa kể giá 70 Euro cho nguyên một ngày, bao ăn trưa không bao nước uống.

3- Bolphorous on Boat – bus & boat: 35 Euro. Đi xe bus và tàu nửa ngày buổi sáng, gồm thăm Old City Walls, Spice Bazaar, Boat trip on the Bosphorus, the Rumeli Fortress nhìn từ biển.

4- Cable Car & Bosphorus on Boat – bus & boat: 35 Euro.  Nửa buổi chiều đi tàu trên Eo biển Bosphorus, the Rumeli Fortress, Cable Cr & Pieere Loti Hill, vịnh Golden Horn bằng xe bus.

Các cung điện như Dolmabahce Palace, Ciragan Palace màu trắng nằm dọc eo biển chạy dài tới cầu Bosphorus Bridge. Hình: TVTS

5- Dolmabahce Palace & Bezm-I Alem Valide Sultan Mosque: 40 Euro. Đi xe bus nửa buổi sáng.

6- Beylerbeyi Palace & Two Continents (Á Châu & Âu Châu): 35 Euro. Đi nửa buổi chiều,  thăm cung điện mùa hè của các sultans, đồi Camlica cao  nhất Istanbul và Bosphorus Bridge cây cầu đầu tiên nối hai lục địa Á Châu và Âu Châu.

7- Princes Islands: 65 Euro. Trọn ngày có bao ăn trưa. Đi ra đảo Heybeliada và dùng ngựa đi thăm hòn đảo này sau đó đi tàu tới đảo Buyukada là hòn đảo lớn nhất trong 4 hòn đảo có tên Nhóm đảo Hoàng tử nằm cách bờ thành phố Istanbul chừng hai ba cây số.

8- Dinner Cruise trên Eo biển Bosphorus: 50 Euro bao ăn tối (hay 70 Euro bao bia uống bia địa phương thả dàn), có biểu diễn vũ truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ và múa bụng.

Tôi chỉ kể cho bạn đọc 8 cái tour trong rất nhiều tour đi dưới 70 Euro (khoảng 114 Úc kim) cho một người trong ngày.

Tôi cũng thấy quảng cáo trên mạng những tour đi tàu trên Eo biển Bosphorus (eo biển  này dài khoảng 32 cây số) chạy ra ngoài Biển Đen (giá từ khoảng 70 đến 130 Úc kim)  và tắm đâu đó gần bờ của Thổ, chứ không đi xa hơn (từ Istanbul tới Crimea khoảng  600 cây số đường chim bay, bề dài nhất của Biển Đen từ Bulgaria đến Georgia tính theo đường chim bay trên biển khoảng 700 cây số. Như vậy bạn có ý niệm Black Sea lớn như thế nào).

Một ngày ở Bosphorus và Golden Horn

Sau vài ngày ở Istanbul, tôi bắt đầu thấy quen đôi chút về đường sá. Đoạn từ khách sạn đi xuống đồi để đến Cầu Galata đã trở nên khá quen thuộc. Bi bộ chừng nửa tiếng để ngắm cảnh vật hai bên những con đường dốc cao và hẹp  hay có nhiều bậc cấp, đã cho tôi biết thêm về văn hóa, con người và đời sống ở đây.

Cầu thứ hai trên eo biển Bosphorus là Fatih Sultan Mehmet Bridge với những chiếc tàu chạy ra hướng Biển Đen, bên trái là Rumeli Fortress, xây vào thể kỷ 15. Có những tour đi tàu nhìn pháo đài này tư dưới biển hay đi xe bus dừng lại ở bờ để xem.Hình: TVTS

Người ta nói thuê khách sạn ở dọc Eo biển Bosphorus hay Vịnh Golden Horn sẽ có cảnh đẹp hơn, vớinhững hộp đêm vui nhộn hơn. Nhưng tôi nhớ vụ một tay súng giết chết 39 người ở Reina nightclub nằm dọc Bosphorus đêm giao thừa 2017 trong đó có ít nhất 25 người ngoại quốc nên tôi cũng hơi ớn. Do đó sẽ dành nguyên một ngày để đi dọc eo biển và cái vịnh trông giống như cái sừng (Golden Horn). Tôi không cần phải mất trên 50 Úc kim để ngắm cảnh Eo biển Bosphorus mà chỉ cần tốn gần 5 Úc kim (20 lira) để ngắm và muốn đi lúc nào tùy ý.

Ở khu Karakoy cũng có bến tàu khách (tàu đò/ ferry) đi các nơi. Nhưng nếu bạn muốn đi du ngoạn trên eo biển, phải đi bộ qua khỏi cây cầu Galata, tới chân cầu phía bên kia khu phố cổ (khu Eminonu) sẽ gặp các bến tàu nằm hai bên chân cầu. Khu bến tàu này rất tấp nap, vì không những chở người địa phương đi lại như một phương tiện công cộng mà còn có những chuyến tàu dành cho du khách ngắm cảnh.

Tới cầu tàu, không cần phải đọc các bảng hướng dẫn, thấy ngay một nhân viên đứng trước mũi tàu một tầng hô hoán tàu sắp chạy, lên nhanh. Tôi hỏi bao nhiên tiền một người, ông ta đáp: 20 lira. Hỏi đi bao lâu, trả lời: 90 phút. Thế là chúng tôi nhảy lên để khỏi tốn thì giờ đợi chuyến khác.

Bạn cũng nên biết Eo biển Bosphorus dài khoảng 32 cây số, bề ngang ở đoạn hẹp nhất là 330 mét, rộng nhất 3,300 mét. Độ sâu từ 30 đến 120 mét. Ở Istanbul, lái xe trên đường thì tay phải, nhưng dưới sông biển có vẻ như  tàu chạy phía trái. Từ bến tàu ra hướng Biển Đen, nhìn trên bờ thấy rất nhiều di tích lịch sử mà tôi không thể kể ra trong đó có một tòa nhà hay pháo đài nhưng chẳng biết tên.

Tàu chạy chừng 3000 mét sẽ qua tòa nhà màu trắng dài nằm sat bờ biển, đó là Dolmabahce Palace, dinh của vua Ottoman nay là một bảo tàng viện.

Tòa nhà này nằm bên phía Á Châu của Istanbul, một thành phố giữa biển và đồi núi nên thắng cảnh rất đẹp. Hình: TVTS chụp khi tàu quay trở về

Đi thêm khoảng 1,300 mét là dinh màu trắng Ciragan Palace. Vài trăm mét nữa là các tòa nhà hai tầng màu vàng ngói đỏ, đó là Đại học Galatasaray, trường Trung học Kabatas Boys’. Và  nằm gan chân cầu Bosphorus Bridge là Ortakoy Mecidiye Mosque, một đền thờ Hồi giáo nổi tiếng, không phải vì nó to lớn vĩ đại, mà vì vị trí đắc địa, xây khoảng năm 1854 kiến trúc theo kieu Tân-Baroque.

Cầu Bosphorus Bridge này có  tên chính thức 15 July Martyrs Bridge,  nối Ortakoy của Âu Châu với Beylerbeyi ở phía Á Châu. Cầu cũng có tên không chính thức là Cầu Thứ Nhất, vì đó là cây cầu đầu tiên nối liền hai phần đất Âu-Á trên Eo  biển Bosphorus.

Cầu treo Bosphorus này dài 1,510 mét, nhịp chính ở giữa dài 1,074 mét, được xây từ năm 1970 đến 1973 và sau đó đổi thành tên Cầu Các Tử Đạo Ngày 15 Tháng 7 để  vinh danh những thường dân và cảnh sát đã chết khi  chống lại cuộc đảo chánh hụt của quân nhân nhằm lật đổ Tổng thống dân cử Recep Erdogan vào năm 2016. Tôi không biết có phải vì Tổng thống Erdogan muốn duy trì lòng ái quốc của dân Thổ ơ một mức cao hơn bình thường mà đi khắp thành phố, ở đâu cũng thấy quốc kỳ Thổ bay rợp trời, như  thời Việt Cộng mới chiếm thành phố Sài Gòn (bởi vì nền cờ của hai nước này đều màu đỏ).

Tàu tiếp tục chạy tới cây cầu thứ hai trên eo biển. Trước khi đến nơi, dưới chân cầu từ bờ chạy lên vách đá của đồi, bạn sẽ thấy một pháo đài cổ, đó là Rumeli Fortress, được xây vào giữa thế kỷ 15 thời vua Mehmet II, một năm  trước khi  vua Mehmet II của Đế quốc Ottoman chiếm được thành Constantinople. Bạn cùng tôi nhìn pháo đài từ biển thì cũng giống một tour đi nửa ngày nói ở trên.

Cầu thứ hai trên eo biển là  Fatih Sultan Mehmet Bridge xây năm 1988. Cầu treo này dài 1510 mét,  nhịp dài nhất 1090 mét, dài thứ 5 trên thế giới lúc đó, nhưng bây giờ chỉ xếp hạng 24 (còn cây cầu thứ ba nữa, gần Black Sea). Đến đây, tàu quay mũi trở lại, chạy dọc bờ eo biển phần đất thuộc Á Châu.

Eo biển Bosphorus chấm dứt ở mô đất nhô ra bên phải (Golden Horn) và cuối đường chân trời là hướng ra Biển Marmara, tới Eo biển Dardanelles để ra Địa Trung Hải. Hạm đội Biển Đen của Nga muốn đi ra Địa Trung Hải phải đi qua con đường này nếu Thổ Nhĩ Kỳ cho phép. Hình: TVTS

Ở bên bờ này, cũng có nhiều di tích lịch sử nghi trong những tour đi nửa hay một ngày. Tôi thấy các tòa nhà và tên vài di tích trên bản đồ nhưng không nhớ chính xác các di tích đó là gì, bao gồm một dinh thự  màu trắng rất đẹp nhưng không rõ tên. Chỉ biết từ đoạn Cầu Thứ Nhất trở về bến có đi ngang qua một tòa nhà có tên Maiden’s Tower trông như ngọn hải đăng nằm chiếm hết hòn đảo nhỏ xíu ở giữa eo biển.

Đây là một nơi mà tôi dự tính sẽ viếng thăm, nhưng tôi nhìn trên hòn đảo nhỏ bé này thấy đầy  người, ở trên bờ  hàng người nối đuôi dài nên bỏ ý định đi xem. Người ta không rõ Tháp Maiden (còn có tên Tháp Leanders) này có từ bao lâu, trước Công Nguyên hay trong thời đại Byzantine. Chỉ biết rằng tháp đã có thời dùng làm nơi thu thuế hải quan, làm trạm canh, trạm kiểm dịch v.v… và ngày nay là nơi đón du khách thăm viếng.

Chúng tôi lên bờ ăn uống ở những quán ăn nằm dưới gầm cầu Galata, được trình bày rất đẹp mắt chạy dọc hai bên cầu. Bạn vừa đi vừa ngắm khách ăn uống, xem các thực đơn, nhìn đồ biển tươi trưng bày trước cửa tiệm, ngửi mùi cá nướng thơm phức thì sẽ không tránh được cám dỗ. Bạn có thể ngồi vào bàn ăn để vừa ăn vừa  ngắm biển của Bosphorus hay Golden Horn, hay mua thức ăn cầm tay. Dãy nhà hàng dưới chân cầu trông lịch sự nhưng giá bình dân.

Ăn xong bạn có thể lên trên cầu Galata xem người câu cá đứng kín dọc hai bên thành cầu. Một người vài cần câu, vừa cầm tay vừa gắn cần câu trên thành cầu trông rất chuyên nghiệp. Những con cá câu lên còn sống cất trong những bao ni-lông có nước hay trong những chiếc xô. Biết đâu sẽ được mang xuống các nhà hàng dưới gầm cầu?

Bây giờ nói về Golden Horn, là một cái vịnh có hình dáng như cái sừng màu vàng trong bóng chiều tà, một tên gọi thơ mộng của người Tây phương nhưng nay được người Thổ gọi là Halic. Đây là cái vịnh nhỏ (inlet) của Eo biển Bosphorus chạy vào  trong nội địa thành phố Istanbul. Vịnh này hàng ngàn năm trước là nơi tàu bè của người La Mã, Hy Lạp, Byzantine và Ottoman và neo đậu hay trú ẩn.

Vợ chồng tác giả bút ký du lịch Istanbul trên Cầu Galata và hậu cảnh là chiếc cầu Halic Bridge bắc qua Vịnh Golden Horn

Tôi dự tính đi một chuyến tàu ngắm cảnh trên vịnh Sừng Vàng (Golden Horn) nhưng các phòng bán vé ngưng bán. Cũng tính mua một vé đi xem các cây cầu trên Vịnh Sừng Vàng, nhưng toàn là những đoạn đường ngắn, nên thôi, chỉ đi dọc bờ vịnh này một đoạn ngắm cảnh mà thôi (ngày hôm sau tôi thăm Nhà thờ Chính tòa của Chính Thống giáo St George’s Patriarchal Cathedral of Constantinople bằng taxi, qua cầu Halic  Bridge (còn gọi Golden Horn Bridge) bắc qua vịnh Golden Horn, và đi về cũng bằng taxi chạy dọc vịnh này, chẳng khác gì đi tour), rồi đi về hướng chân cầu Galata, nhập đoàn với hàng ngàn người  ăn uống vui chơi ở chân cầu.

Chúng tôi mua bắp nướng, bánh mì khoanh tròn của Thổ  vừa đi vừa ăn, lên trên thành cầu ngắm đường chân trời của thành phố có nền văn hóa kỳ lạ này. Một nền văn hóa pha trộn Hy Lạp cổ, Đông La mã (Byzantine) và của Đế quốc Hồi giáo Ottoman, nhưng là một nền văn hoa phóng khoáng và khoan dung nhất so với Hồi giáo  của bán đảo Á Rập và Bắc Phi.

Nếu bạn thích tìm hiểu văn hóa của những nước Hồi giáo cởi mở, Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và thành phố Istanbul nói riêng, là nơi bạn nên đến nghỉ ngơi hoặc thăm thú. Nhiệt độ ở Istanbul vào tháng 10 rất lý tưởng, không quá lạnh hay quá nóng và cũng không có mưa trong những ngày chúng tôi ở nơi đây.

Trở về khách sạn, anh nhân viên tên Mert hỏi tôi cả ngày nay đi đâu, tôi nói đi ngắm cảnh trên biển. Anh tỏ ra phục tôi vì chỉ trong vài ngày mà có thể đi thăm thắng cảnh trong thành phố không cần  mua vé đi tour. Tôi nói với anh, không phải chúng tôi sợ tốn tiền nhưng đi tour bị gò bó, bị đem đi xem những nơi có thể mình không thích hay không cho là cần thiết, bị đem đi giới thiệu mua sắm đồ đặc sản rất là mất thì giờ. Chỉ có điều đi tự túc thì tìm đường và kiếm nơi đến hơi vất vả nhưng bù lại được tự do làm theo ý mình.

Có một nơi tôi dự tính sẽ đi xem trước khi qua Istanbul là Grand Bazaar (Grand Covered Bazaar). Tôi đã lên mạng tìm hiểu. Bazaar tiếng Thổ nghĩa là market, chợ. Đây là một trong những cái chợ lớn và xưa nhất trên thế giới có mái che với 61 con đường diện tích 30,000 mét vuông, với khoảng trên 3,000 cửa tiệm,  hàng ngày có từ 250,000 đến 400,000 khách đến thăm viếng, mở cửa 6 ngày từ 9 giờ  sáng đến 7 giờ chiều, trừ ngày Chủ Nhật.

Ăn bap nướng ở khu chợ bến tàu gần Galata Bridge. Hình: TVTS

Grand Bazaar được xây năm 1456 sau khi Ottoman chiếm Constantinople. Chợ này đã trải qua những trận động đất, cháy và được phục hồi lần cuối toàn bộ vào năm 1980.

Nhưng Grand Bazaar có lẽ nổi tiếng nhất nhờ cho đóng phim James Bond SKYFALL với cảnh tài tử Daniel Craig chạy xe mô-tô trên mái nhà của cái chợ lớn này.

Grand Bazaar chỉ cách Blue Mosque,  Hagia Sphiavà Basilica Cistern vài trăm mét, nhưng tôi đã không có thì giờ đi thăm trong ngày Thứ Sáu trước đó. Qua ngày Thứ Hai, sắp rời Istanbul, tôi hỏi nhân viên khách sạn Grand Bazaar có gì hay không, chẳng hạn bán y phục tây phương, anh cho biết ở đó bán đồ dùng hàng ngày, đồ gốm, vàng, nữ trang v.v… Toi hỏi có nhiều hơn trên đoạn đường từ Istiklal Street xuống Cầu Galata không, thì anh nói nó chỉ nổi tiếng là chợ quá lớn và có mái che. Nghe vậy, tôi dành ngày chót để đi lang thang trong khu phố gần khách sạn, quảng trường Taksim Square, cầu Galata, khu Fener của người Chính Thống giáo…

Sau ăn uống đến massage

Và cuối cùng, một trong những mục chúng tôi thích trong khi du lịch là massage,  nhất là sau một ngày đi bộ khá lâu.

Thấy không co những tiệm massage ở đường phố hay ở trong khách sạn, tôi hỏi nhân viên có phải ở đây người ta cấm massage không, thì anh cười và cho biết nếu muốn anh sẽ giới thiệu massage ở một nơi khác. Tôi hỏi có phải massage lậu không, anh bảo hợp pháp, nhưng trong một khách sạn khác, giá 60 Úc kim/ người kéo dài trong 90 phút. Anh ta nói sẽ bảo họ  massage đặc biệt cho chúng tôi. Tôi không hiểu đặc biệt là thế nào.

Thế là sau  bữa ăn tối, trở ve khách sạn, chúng tôi được một anh và một cô đến khách sạn, dẫn chúng tôi xuống một khách sạn cách chừng 200 mét, gần eo biển.

Con đường nổi tiếng Istiklal ngày cuối cùng ở Istanbul. Hình: TVTS

Chúng tôi đã được tận hưởng một buổi massage thư giản bởi các cô xoa bóp. Sau đó được đưa vào phòng sauna. Tôi vốn không thích sauna nhưng cứ thử và chưa bao giờ thấy nóng như vậy. Đợi không thấy nữ nhân viên nào đến đưa ra, gọi chẳng thấy ai trả lời, chịu nóng không nổi, thế là tôi đẩy cửa bước vội ra, gặp cô massage. Cô liền đưa vào phòng tắm, bảo tôi nằm trên ghế băng, xát xà phòng, kỳ lưng. Xong đứng dậy,  cô gội đầu, tắm cho tôi như người mẹ tắm cho đứa con nhỏ.  Cô này có dáng cao, khuôn mặt giống người Nga, nói tiếng Anh đủ để hiểu nhau và luôn có nụ cười rất tươi. Có phải phụ nữ Nga đẹp và lãng mạn như “Bác Hồ” nhận xét chăng, như trong các video của GS Hoàng Chí Bảo nói về cuộc đời Hồ Chí  Minh? Đây là lần đầu tiên trong đời toi khi lớn lên được một người đàn bà tắm cho mình. Tôi nói cô đang đóng vai mẹ tắm cho con, không biết cô có hiểu không, chỉ thấy cười rất dễ thương.

Nhà tôi cho biết, chính cô này cũng tắm cho nhà tôi như vậy và thấy massage ở Thổ Nhĩ Kỳ rất  khác những  xứ mà chúng tôi đã từng đi qua. Cả  hai chúng tôi đều nói biết tiệm massage này quá trễ!

Trở về khách sạn, Mert hỏi tôi về massage và tôi trả lời rất hài lòng, đáng đồng tiền. Đây là đêm cuối cùng ơ khách sạn Richmond Istanbul.  Chúng tôi có dịp trò chuyện với các nhân viên khách sạn trước khi chia tay, chụp hình kỷ niệm với Mert, nhân viên trẻ tuổi, nói tiếng Anh thông thạo nhất trong nhóm.

Anh hỏi tôi có trở lại Istanbul không, tôi trả lời hầu như sẽ không trở lại vì còn nhiều thành phố khác chưa đi, nhưng nếu trở lại Istanbul, tôi sẽ trọ ở khach sạn Richmond Istanbul này, và sẽ không quên cho điểm tốt trong review của khách sạn.

Kỳ sau: Thăm đảo quốc Cyprus

Melbourne 9.12.2019

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1759 phát hành ngày 11.12.2019)