Thăm Larnaca Castle và Nhà thờ mộ Thánh Lazarus ở Cyprus (kỳ 10)

28 Tháng Mười Hai, 2019 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Tác giả đứng bên ngoài lâu đài Larnaca Castle. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 10

Ngày thứ hai ở trên đảo quốc Cyprus, tôi sẽ làm gì đây? Một ngày đi chơi thăm viếng thắng cảnh di tích, một chiều đi tắm biển trước khách sạn hay hồ bơi bên trong khách sạn, và một buổi tối ăn uống nhàn hạ để tận hưởng cuộc sống.

Trước khi đến Cyprus, tôi đã lên mạng xem tài liệu và rút kinh nghiệm của những ai đã từng đi du lịch ở hai thành phố lớn đảo quốc mà chúng tôi có ý định tới xem. Dĩ nhiên sẽ dành nhiều thì giờ hơn cho thành phố nơi mình trú ngụ, và một buổi hay một ngày cho thủ đô Nicosia, nếu phương tiện di chuyển dễ dàng.

Tại Larnaca: những địa điểm được cho là nên đi xem gồm: Nhà thờ St Lazarus Church, lâu đài Larnaca Castle, đền thờ Hồi giáo Hala Sultan Tekke, cống nước Kamares Aqueduct, hồ nước muối Salt Lake là nhưng nơi gần. Xa hơn là làng tiểu công nghệ Lefkara hay các bãi biển Agia Napa, Kermia, Konnos có thể đi bằng taxi hay xe bus công cộng.

Tại thủ đô Nicosia: Phố cổ Ledra, bảo tàng viện Leventis, bảo tàng Byzantine Museum của quỹ van hóa Makarios Cultural Foundation là những nơi có thể đi xem đối với một du khách đến từ xa chưa quen thuộc thủ đô và không có nhiều thì giờ để tìm hiểu và đi lại.

Nửa ngày ở Larnaca

Sau buổi ăn sáng kiểu buffet được bao gồm trong tiền phòng khách sạn (Sun Hall Hotel 154 Euro/đêm, khoảng 251 Úc kim), chúng tôi lên đường để xem hai nơi mà chúng tôi đã dự tính trước, chỉ cách khách sạn vài trăm mét về hướng nam.

Một trong những khẩu đại bác đặt trên sân thượng Larnaca Castle. Hình: TVTS

Chúng tôi đi bộ dọc con đường Finikoudes Promenade ven bãi biển đến Larnaca Castle.  Vé vào cửa 2.50 Euro mỗi người. Có người gọi là lâu đài, người khác nói pháo đài. Có lẽ gọi cách nào cũng đúng vì nơi đây còn nhiều khẩu đại bác đặt dưới mặt bằng và trên sân thượng. Tuy là mặt bằng, nhưng lâu đài nằm trên dốc cao trông ra biển nên những khẩu súng thần công này có thể bắn vào những chiến thuyền địch chạy vào bờ hay bãi biển.

Tôi thấy bảng treo ngoài cửa đề: Larnaka Medieval Castle and Medieval Museum, có nghĩa đây là lâu đài thời trung cổ nay là viện bảo tàng thời trung cổ. Bên cạnh đó có dòng chữ giải thích: Lâu đài được xây trong thời đại Byzantine vào thế kỷ 12 và nay dùng làm một Bảo tàng viện thời Trung cổ có khu vườn rộng có thể làm sân khấu ngoài trời cho vài trăm khán giả. Vì là một hải cảng quan trọng nên nó đã được nâng lên từ một công sự (fort) thành một lâu đài, pháo đài để bảo vệ bờ biển miền nam Cyprus.

Larnaca đã bị chiếm giữ bởi các lực lượng ngoại bang như đế quốc Ottoman, Đế quốc Anh. Thời gian Anh cai trị, lâu đài là nơi gian giữ các tù nhân và họ đã làm một giá treo cổ để xử tử các tù nhân. Di tích phòng treo cổ vẫn còn. Tù nhân cuối cùng bị xử tử ở đây vào năm 1948. Trong thời gian nội chiến, người Cyprus gốc Hy Lạp dùng lâu đài này làm nhà tù.

Ngày nay, Larnaca Castle trở thành viện bảo tàng nho nhỏ. Ngoài súng đại bác đặt trên sân thượng và trên nền khuôn viên lâu đài, ở tầng hai của tòa nhà có cổng vào lâu đài là phòng trưng bày những cổ vật di tích từ thời Byzantine như đồ dùng trong bếp, đồ sứ, tranh, súng ong và gươm giáo của thời xa xưa.

Tuy viện bảo tàng chẳng có nhiều  di vật để xem nhưng lên sân thượng để nhìn cảnh thành phố và bờ biển thì quả tuyệt đẹp.

Phòng trưng bày của bảo tàng viện Larnaca Castle với vũ khí và đồ gốm. Hình: TVTS

Di tích thứ hai mà chúng tôi đi bộ tới xem là St Lazarus Church, nhà thờ thánh Lazarus là một nơi linh thiêng của đạo Chính Thống giáo Hy Lạp.

Đối với chúng tôi, Lazarus làng Bethany (hay Lazaro) là tên một nhân vật rất quen thuộc trong kinh thánh. Người Công giáo mỗi năm ít ra cũng nghe một đoạn Tin Mừng sau đây của Thánh Gioan:

Khi ấy, nhiều người Do Thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà.

Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết.Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”.

Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”.

Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?”

Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Giá treo cổ dùng xử tù nhân cho đến năm 1948. Hình: TVTS

Chúng tôi biết ba chị em Martha, Maria và Lazaro trong phúc âm nhưng không biết Lazaro là một vị giám mục, một vị thánh và xác được chôn tại nhà thờ này, ở một hòn đảo  xa xôi cách Do Thái khoảng 380 cây số đường chim bay.Vì vậy, chúng tôi phải đến xem cho biết.

Lazarus được xem là người bạn của Chúa Giêsu, được Chúa yêu đến độ làm cho sống lại sau khi đã chết bốn ngày.

Theo người Chính Thống giáo, tương truyền rằng sau khi Chúa sống lại, Lazarus và hai chị em Martha và Mary bị buộc phải chạy khỏi Judea và đến đảo Cyprus vì có tin người ta tìm giết ông. Tại đây Lazarus được Thánh Phao-lô Tông đồ và Thánh Barnabas phong làm giám mục tiên khởi của Kition (tức Larnaca ngày nay).

Lazarus được cho là đã sống thêm 31 năm (chết lúc 61 tuổi) và được chôn lần thứ hai và cuối cùng tại Larnaca. Nhà thờ Agios Lazarus được cho là đã xây trên ngôi mộ thứ hai của Lazarus.

Tương truyền mộ của Lazarus bị mất khi người Á Rập cai trị từ năm 649. Năm 890, một ngôi mộ được tìm thấy có mang bảng ghi “Lazarus, chết 4 ngày, bạn của Giêsu”. Hoàng đế Leo VI của Byzantium đã cho đưa hài cốt của Lazarus về Constantinople (Istanbul ngày nay) năm 898. Hài cốt này đã bị cướp lục lọi trong trận Thập tự Chiến vào thế kỷ 13, đưa về Marseille (Pháp) nhưng sau đó bị mất.

Nữ du khách hành hương áp đầu vào “ngôi mộ thứ hai” của Thánh Lazarus từng được Chúa cho sống lại. Hình: TVTS

Để bù đắp sự mất mát này, Hoàng đế Leo cho xây Nhà thờ Thánh Lazarus trên ngôi mộ Lazarus vào cuối thế kỷ thứ 9 và đầu thế kỷ thứ 10.

Nhà thờ này từng trải qua những thời kỳ là nhà thờ của Công giáo, đền thờ Hồi giáo trước khi trở lại là của Chính Thống giáo. Những tháp chuông ngày nay mà nhà thờ có được là do đế chế Ottoman cho phép xây thêm.

Nhà thờ bị cháy và hư hại nặng năm 1970. Trong thời gian trùng tu, vào ngày 2.11.1972, người ta khám phá di hài của con người ở trong mộ đá cẩm thạch dưới bàn thờ, và được xác nhận đó là một phần của di hài Thánh Lazarus bởi vì ra vẻ không phải toàn bộ hài cốt đã được mang qua Constantinople.

Khác với truyền thuyết đông phương, có một truyền thuyết khác của tây phương cho rằng người Do Thái đã đuổi mấy chị em Lazarus bằng cách để họ trong chiếc thuyền không chèo không buồm đẩy ra biển. Ba chị em cuối cung đến vùng Provence của Pháp. Họ giảng đạo và đưa người địa phương trở thành người Ki-tô hữu. Lazarus trở thành giám mục đầu tiên của thành phố Marseille, tử đạo dưới thời Claudius hay Domitian và xác được chôn tại Nhà thờ St Lazarus ở Avallon.

Một con người nhưng có hai truyền thuyết khác nhau. Chỉ biết rằng kinh thánh nói các thầy tư tế có ý định giết Lazarus mà thôi, không nghe ông tha phương đến Cyprus hay trôi dạt qua Pháp. Nhưng câu chuyện này đã đưa chúng tôi đến tận nơi, vào nơi được xem là mộ của Thánh Lazarus với những lời giải thích bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Anh ở trên các bảng chỉ dẫn bên ngoài nhà thời.

Vũ Hà đặt hộp đựng dây chuyền và thánh giá lên biểu tượng giám mục trên hòm của Thánh Lazarus. Hình: TVTS

Chúng tôi xuống dưới hầm của thánh đường xem mộ Thánh Lazarus theo mũi tên chỉ dẫn (hoàn toàn không hỏi người địa phương hay những du khách thăm viếng bởi thấy ai cũng nghiêm nghị, kính cẩn). Người cao phải khom lưng để đi vào. Trong hầm có vài ngôi mộ bằng đá, có cái còn nguyên vẹn, có cái chỉ còn hai phần ba hay một nửa nắp hòm bằng đá, bên trong trống rỗng. Không gian đủ chỉ để khoảng sáu bảy người thăm viếng. Tôi nghĩ hài cốt được xem là phần còn lại của Thánh Lazarus đặt ở trong hòm đậy kín mạ vàng với phù điêu bằng bạc quanh hòm, trên hòm có tranh Lazarus nằm trong phẩm phục giám mục.

Tôi thấy ai ai cũng tỏ vẻ cung kính. Đi qua mỗi bức tượng, tranh họ đều hôn và làm dấu.

Rất dễ nhận diện khách hành hương đạo nào. Ra vẻ hầu hết mọi người đến đây thuộc Giáo hội Chính thống ngoại trừ vợ chồng chúng tôi, vì họ  làm dấu thánh giá ngược chiều với người Công giáo.

Chúng tôi trở lại giữa thánh đường để quan sát một tôn giáo anh em có những nghi thức phụng vụ giống nhau, như tin vào Chúa Giêsu, Đức Mẹ Đồng Trinh, các thánh nhưng không thống thuộc Giáo hội Công giáo La Mã.

Nhà thờ của Chính Thống giáo trang trí cầu kỳ hơn Công giáo, gam màu chỉ là vàng, tượng và tranh khảm, tranh tường của Chúa, Đức Mẹ và các thánh hầu như đầy kính tường và ở bàn thánh.

Nếu nhìn bên ngoài, người ta khó phân biệt nhà thờ Chính thống và Công giáo, nhưng vào bên trong, thấy các dãy ghế là nhận ra ngay, vì nhà thờ Chính Thống giáo không có chỗ để quỳ. Chỉ có ghế ngồi cao và sát nhau, nhưng mỗi người ngồi một chỗ riêng cách nhau bởi tay dựa.

Khách hành hương chiêm ngắm hòm của Thánh Lazarus (góc phải) và hôn tranh khảm khắc đồng hình Mẹ bồng Chúa. Hình: TVTS

Sau khi thăm viếng nhà thờ, chúng tôi qua bên phòng bán đồ lưu niệm, tượng ảnh. Nhà tôi mua một dây chuyền và thánh giá bằng vàng 18 khá đẹp để làm kỷ niệm cho một chuyến hành hương không dự tính trước. Ở Cyprus người dân nói tiếng Anh khá thông thạo, nhất là những người bán hàng hay có sự tiếp xúc với du khách.

Bà bán đồ lưu niệm rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi từ Úc sang đây du lịch. Bà hỏi nhà tôi có cần vị linh mục làm phép không nhưng phải lúc khác vì hôm nay ong không có mặt. Tôi cám ơn, nói khỏi cần. Bà bảo vậy thì đem bộ dây chuyền và thánh giá đặt lên hòm của Thánh Lazarus.

Nhà tôi trở lại nhà thờ, làm như bà đó nói. Tôi nghĩ “có kiêng có cữ có giữ có lành”,  không thừa, Lazarus là người được kinh thánh nói đến, là một con người tốt, đã được Chúa thương yêu đến độ đã chết mà được sống lại, đã sống ở cõi đời này cách đây hai ngàn năm, dù hài cốt nằm ở Larnaca xứ Cyprus hay Avallon ở miền trung nước Pháp.

Sau khi thăm hai di tích Larnaca Castle và St Lazarus Church, chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi chút đỉnh. Trên đường về băng qua những đường phố nhỏ và một chiều, chúng tôi ngắm các cửa hàng và mua đôi xăng-đan để đi bộ và dạo biển.

Tôi thấy còn một vài di tích thắng cảnh ở thành phố Larnaca phải đi xem, nhưng cũng muốn làm  một chuyến lên thủ đô Nicosia. Nếu để ngày mai mới đi thì ngày cuối ở Cyprus lại là một nơi xa khách sạn của mình. Lúc này mới giữa trưa, tôi đề nghị nhà tôi đi tiếp lên Nicosia, nếu trở về còn giờ thì sẽ tắm biển. Riêng ngày cuối, sẽ thăm những nơi còn lại ở Larnaca và tắm biển.

Mời bạn đọc đón xem chuyến đi thăm thủ đô Nicosia trong số báo tới.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 22.12.2019

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1761 phát hành ngày 25.12.2019)