Kể chuyện đường xa: Từ Đài Loan tới Nam Hàn – Kỳ 1

13 Tháng Năm, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Từ trái: Nguyễn Hồng Anh, Thông dịch viên Hàn ngữ Khánh Đoan, Vũ Thị Hà và Lý Hi Uyên hội trưởng Dòng Họ Lý Hoa Sơn tại khách sạn Lexington ở Hán Thành

Nguyễn Hồng-Anh

***

Như đã thưa với quý độc giả trong loạt bài vừa qua cách đây khoảng 8 tháng, người viết có dự tính du lịch thủ đô Hán Thành của Nam Hàn trong chuyến đi Mỹ, nhưng cuối cùng đã chọn đi Montreal để sau đó đã hầu chuyện với bạn đọc với đề tài “21 ngày ở Bắc Mỹ”.

Cuối tháng 4 vừa rồi, người viết bàn với vợ là nên có một chuyến đi tìm hiểu lịch sử và người Việt Nam trên đất Hàn vào dịp kỷ niệm 34 năm người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do đã tạo nên một làn sóng  tị nạn gây xúc động lương tâm nhân loại, được thế giới biết qua tên gọi thuyền nhân hay boat people.

Người ta thật sự không thể biết chính xác có bao nhiêu người đã liều mình coi thường cái chết, đi trên những chiếc thuyền mong manh, vượt hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí cả vạn cây số để tránh nạn cộng sản; có bao nhiêu người đã bỏ mình lưới lòng biển, trong rừng sâu hay dưới bàn tay của bọn cướp.

Tại sao họ làm vậy? Một câu nói thời danh ngày đó đã nói lên tất cả: nếu cột đèn biết đi thì nó cũng đi!

Người người ra đi, nhà nhà bỏ đi. Và đó là chuyện của lịch sử.

Nhưng sau đó, trong một bài viết trên số báo xuân vào đầu thập niên 1990, một ký giả của TiVi Tuần-san đã cho rằng chúng ta –những người vượt biên sau năm 1975—chưa phải là những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, bởi trước đó vào khoảng thế kỷ 13, đã có một người Việt vượt biên bằng thuyền đến nước Cao Ly (tức Triều Tiên hay Đại Hàn ngày nay) xin tị nạn,  đó là hoàng tử Lý Long Tường.

Hoàng tử Lý Long Tường đã đem gia quyến và đoàn tùy tùng chạy trốn sự bách hại của Trần Thủ Độ đang muốn tiêu diệt hết dòng họ nhà Lý để củng cố nhà Trần mới được thành lập khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông, vua đầu tiên của nhà Trần.

Khoảng năm 2000, chuyện hoàng tử Lý Long Tường tị nạn ở Cao Ly mà TVTS có đề cập không còn là nghi vấn mà đã là sự thật. Con cháu của giòng họ Lý Hoa Sơn ở Nam Hàn đã lần lượt về Việt Nam nhìn nhận quê hương và thăm viếng đền thờ tổ tiên ở tỉnh Bắc Ninh.

Nhưng gần đây, người ta còn được biết thêm hoàng tử  Lý Long Tường chưa hẳn là người đầu tiên đến nước Cao Ly. Hơn 70 năm trước đó, hoàng tử Lý Dương Côn (con nuôi của Lý Nhân Tông) cũng vì sự tranh chấp quyền hành trong giòng họ nhà Lý mà đã đem gia đình sang Cao Ly xin tá túc và lập ra một giòng họ khác gọi là Lý Tinh Thiện.

Cũng có tin là vào năm 1958 khi vị tổng thống đầu tiên của Đại Hàn là Lý Thừa Vãn sang Việt Nam thăm Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông có nói với báo chí Sài Gòn rằng tổ tiên ông là người Việt Nam nhưng có lẽ do chiến tranh nên chẳng ai để ý chuyện này.

Người viết gọi đây là chuyến du lịch tìm hiểu lịch sử và người Việt là do ba mục đích:

– Tìm kiếm và gặp hậu duệ của hoàng tử  Lý Long Tường.

– Tìm hiểu cuộc sống của các cô dâu và các lao động xuất khẩu.

– Tham quan đất nước khác với tư cách là một du khách và một nhà báo để viết bài cho TVTS như bấy lâu nay.

Tại sao chọn Đại Hàn và Đài Loan?

Bởi hai nơi này chúng tôi chưa bao giờ tới. Chọn Đại Hàn như đã nói ở trên, nhưng Đài Loan thì có hai lý do rõ rệt:  bởi chuyện cô dâu xứ Đài và vấn đề xuất khẩu công nhân lao động, sự bóc lộc và ngược đãi mà người viết từng nghe trên báo chí trong nhiều năm qua.

Namdaemun, di tích lịch sử lâu đời giữa thủ đô Nam Hàn đã bị đốt cháy toàn bộ vào năm ngoái, nay đang được xây dựng lại

Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng năm 1226 trên đường qua Cao Ly, vì gặp bão hoàng tử Lý Long Tường đã ghé Đài Loan sống tạm một thời gian. Lúc đó, hòn đảo này còn kém văn minh gồm những bộ lạc với đời sống còn rất lạc hậu. Do con trai là Lý Long Hiền bị bệnh nên hoàng tử Lý Long Tường để con và một số gia nhân ở lại đảo Đài Loan trong khi ông tiếp tục đi thuyền lên bán đảo Cao Ly.

Với giả thuyết này, có người cho rằng cựu Tổng thống Lý Đăng Huy có thể là hậu duệ của hoàng tử Lý Long Hiền! Nhưng người viết nghĩ chẳng qua đấy là chuyện “thấy sang bắt quàng làm họ”. Một linh mục Việt Nam sống lâu năm ở Đài Loan và rất giỏi tiếng Tàu nói đùa có lẽ ông Lý Đăng Huy gốc Nhật thì đúng hơn, bởi ông này thường xuyên qua xứ Phù Tang.

Cũng vì vậy mà trong chuyến du lịch 10 ngày ở Bắc Á, người viết đã đến thăm Đài Loan trước khi tới Nam Hàn, nghĩ rằng như vậy sẽ có nhiều tư liệu và chuyện thú vị để hầu bạn đọc trong chuyến đi xa kể chuyện lần nầy.

* * *

Chúng tôi đến Đài Bắc, ở lại 4 đêm. Tại đây, chúng tôi đã gặp một số linh mục Việt Nam hiện làm chánh xứ trong các họ đạo thuộc giáo hạt Đào Viên, tiếp xúc với linh mục Nguyễn Văn Hùng, người đang phụ trách việc bảo vệ các công nhân lao động bị áp bức, bị tai nạn mà không được bảo vệ, giúp đỡ các cô dâu bị bạo hành.

101 Tower ở Đài Bắc, tháp cao nhất thế giới vào thời điểm đó

Chúng tôi đã có dịp ăn cơm tối với các linh mục và mấy chục anh chị em công nhân và cô dâu đang được linh mục Nguyễn Văn Hùng chăm sóc và bảo vệ.

Chúng tôi cũng đã trò chuyện với một số công nhân nam nữ  trẻ gặp tình cờ trong một bữa ăn trưa tại một nhà hàng Việt Nam ở quận Đào Viên, nơi có đông người Việt nhất ở nước Đài Loan.

Qua Đại Hàn trong 6 ngày, chúng tôi cũng đã có dịp gặp một số cô dâu khi họ được một hội phụ nữ người Đại Hàn đưa lên thủ đô Seoul (Hán Thành) để đi đạo, tham quan và giải trí.

Sau đó chúng tôi đã gặp ông Lý Hi Uyên, hội trưởng Dòng Họ Lý Hoa Sơn (tức hậu duệ của hoàng tứ Lý Long Tường), cái đích mà chúng tôi nhắm tới trong chuyến đi này.

Nhìn Đài Loan và nhất là Nam Hàn, thấy đất nước của họ văn minh, giàu mạnh, phát triển không thua gì những cường quốc Âu Mỹ, người viết cảm thấy đau xót cho Việt Nam, một đất nước cách đây 4 thập niên cũng chẳng thua kém gì hai nước này, nhưng hiện là một trong những quốc gia chậm tiến nhất trên thế giới. Đã chậm tiến mà lại còn độc tài độc đảng nữa chứ.

Người viết có rất nhiều chuyện để kể với bạn đọc. Xin đón xem trong các số báo tới.