Từ Đài Loan tới Nam Hàn – Kỳ 3

27 Tháng Năm, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Tác giả trước Dinh Tổng Thống Đài Loan

Nguyễn Hồng-Anh

***

Cách đây không lâu, nhân đọc bài “Đài Loan và cội nguồn Bách Việt” của tác giả Nguyễn Đức Hiệp và những chuyện cô dâu xứ Đài trên báo chí, tôi bỗng thấy muốn đi du lịch Đài Loan để xem có sự liên hệ gì giữa người dân đảo quốc này và Việt Nam không.

Có người đã nêu lên giả thuyết sở dĩ người Đài Loan thích lấy vợ Việt Nam bởi có một sợi dây liên hệ lâu đời từ ngàn xưa.

Chưa hết, lại có giả thuyết động trời ông Hồ Chí Minh không phải là người Việt Nam mà là người Đài Loan bởi sự ra đời mới đây của cuốn sách “Hồ Chí Minh bình sanh khảo” của tác giả người Đài Loan  Hồ Tuấn Hùng.

Theo tác giả  Hồ Tuấn Hùng, người nằm ở lăng Ba Đình hiện nay không phải Hồ Chí Minh mà là Hồ Tập Chương, một người gốc Hẹ còn gọi là Khách gia (Hakka) sinh đẻ tại huyện Miên Lật thuộc Đồng La, Đài Loan.

Khi ở Đài Bắc, Linh mục Nguyễn Văn Hùng có đưa cuốn sách “Hồ Chí Minh bình sanh khảo” cho người viết xem, nhưng tiếc rằng người viết không đọc được một chữ Hoa nào nên đã không biết trong đó viết gì, chỉ nghe Linh mục Hùng nói “đây là chuyện có thể tin”.

Đài Loan có “liên hệ” với chuyến du lịch của người viết là như thế.

Một chút lịch sử, văn hóa và chính trị xứ Đài

Đi du lịch ở đâu, bạn cần biết về đất nước và con người xứ đó.

Các khảo cứu cho biết con người đã xuất hiện trên hòn đảo Đài Loan từ cả 50 chục ngàn năm, và người ở đây tỏa lan ra các hải đảo và các quần đảo chung quanh, đến Phi Luật Tân và tận Tân Tây Lan.

Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp, người Đài Loan chính hiệu không phải là người Hán đến từ lục địa từ nhiều thế kỷ trước hay sau khi Tổng thống Tưởng Giới Thạch thua trận chạy sang hòn đảo này duy trì chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại đây từ năm 1949.

Cư dân đầu tiên trên đảo này thuộc giống dân Austronesian và những thổ dân khác như, Hoklo (Mân Việt), Minnan (Mân Nam) và Hakka (Khách trú, Khách gia), những giống dân rất gần gũi với người Việt. Nói cách khác, người Đài Loan có gốc gác từ nhóm Bách Việt.

Lịch sử Trung Hoa đã nói đến đảo Đài Loan từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên khi có một số người từ Phúc Kiến và Quảng Đông chạy loạn sang trú ngụ ở đấy. Đến thế kỷ 16 có một số người Hán từ lục địa sang sinh sống ở phía bắc hòn đảo.

Đầu thế kỷ 17, người Hòa Lan chiếm hòn đảo này và đặt tên là Formosa (có nghĩa hòn đảo đẹp).  Sau đó là những xự xung đột giữa người Hòa Lan và Tây Ban Nha để làm chủ hòn đảo này.

Đến cuối thế kỷ 19, khi nhà Thanh thua trận và phải ký Hiệp Ước Mã Quan với Nhật,  hòn đảo này chính thức nằm dưới sự cai trị của Nhật cho đến năm 1945.

Giành lại hòn đảo này từ quân phiệt Nhật, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã cai trị một cách độc đoán khiến người địa phương nổi dậy qua cuộc bạo động ngày 28.2.1947. Chính quyền Quốc Dân Đảng đã thẳng tay đàn áp làm hàng chục ngàn người thiệt mạng và sự kiện này được coi là một bản lề trong lịch sử của Đài Loan hiện đại, làm người địa phương luôn nghi ngờ người Hán đến từ lục địa.

Từ khi Trung Hoa Dân Quốc (Republic Of China) bị loại ra khỏi Liên Hiệp Quốc vào năm 1971, đảo quốc từng là một trong 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An  chỉ còn được gọi là Đài Loan (Taiwan) và chỉ còn chừng hai chục quốc gia nhỏ công nhận nước Trung Hoa Dân Quốc trong đó có Vatican,  Solomon Islands, Haiti…

Trung Cộng với cái thế mạnh đã tuyên bố sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào công nhận Đài Loan là một quốc gia, coi đây là một tỉnh của họ và tìm mọi cách để đưa “trở về đất mẹ”.

Từ khi bỏ chạy khỏi Hoa Lục, Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã áp dụng thiết quân luật để cai trị.  Sau khi Tưởng Thống Chế qua đời năm 1975, con trai Tưởng Kinh Quốc lên thay thế, đã bắt đầu cởi trói cho dân bằng các cải tổ về chính trị. Năm 1986, đảng đối lập đầu tiên là Dân Chủ Tiến Bộ được thành lập và hoạt động. Năm sau, Tưởng Kinh Quốc bãi bỏ thiết quân luật và chọn một người sinh đẻ tại Đài Loan làm phó tổng thống. Lý Đăng Huy là đảng viên Quốc Dân Đảng nhưng sinh đẻ tại Đài Loan, người mà có giả thuyết cho rằng là hậu duệ của Lý Long Hiền, con của hoàng tử Lý Long Tường.

Tưởng Kinh Quốc qua đời năm 1988, Lý Đăng Huy lên thay, mở rộng đường cho người Đài Loan tham gia vào các cơ cấu chính trị và tạo cơ hội cho người địa phương phát huy bản sắc văn hóa của họ. Ngoài ngôn ngữ chính thức là tiếng Phổ Thông do người Hán từ lục địa đem ra và áp đặt lên hòn đảo này, tiếng địa phương như  Phúc Kiến hay Hakka (còn gọi là tiếng Đài Loan) cũng được công nhận, sử dụng trên các phương tiện truyền thông và ở học đường.

Năm 2000 khi Đảng Dân Chủ Tiến Bộ thắng cử và ông Trần Thủy Biển lên làm tổng thống, Đài Loan hầu như muốn lột xác. Trần Thủy Biển chủ trương độc lập vì thế Trung Cộng đã đưa ra đạo luật chống ly khai cho phép sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

Vì là người bản xứ, chính phủ Trần Thủy Biển tìm cách xóa bỏ những gì mang tính cách Hán tộc, biểu tượng của sự áp đặt từ Hoa Lục, dù đó là của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Thậm chí Đài kỷ niệm của Tưởng Giới Thạch, một di tích đẹp và nổi tiếng ở thủ đô đã bị đổi tên, thành Quảng Trường Tự Do. Chính phủ Quốc Dân Đảng của Tổng Thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) dự tính sẽ đổi tên hoặc lấy lại tên cũ.

Đảng Dân Chủ Tiến Bộ chủ trương Đài Loan là của người Đài Loan trong khi Quốc Dân Đảng lại muốn bắt tay với kẻ cựu thù, quan niệm rằng không nên tuyên bố độc lập và giữ nguyên trạng (tức không độc lập mà cũng chẳng là một tỉnh của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa).

Lên cầm quyền năm 2008, Mã Anh Cửu đã có những cải thiện với Trung Cộng, xích lại với Bắc Kinh sau 8 năm căng thẳng giữa eo biển Đài Loan bởi chính phủ Trần Thủy Biển.

Khi người viết đang du lịch ở Đài Loan trong thời gian từ ngày 29.4 đến 3.5.09, có tin chính phủ sẽ cho phép các định chế của Hoa Lục được đầu tư vào các công ty Đài Loan kể từ khi có sự chia cắt trong 60 năm qua.

Kể từ khi Bắc Kinh mở cửa, sự đầu tư vào Hoa Lục của Đài Loan gia tăng đáng kể nhưng Đài Loan lại không cho các công ty Hoa Lục mua cổ phiếu của họ. Nay chính phủ Mã Anh Cửu sẽ cho phép bao lâu sự đầu tư không quá 10% cổ phiếu của một công ty Đài Loan. Tin này đã làm cổ phiếu thị trường chứng khoán Đài Loan tăng 6.7% trong ngày 30.4.2009, một tỉ lệ cao nhất trong 18 năm qua.

Trước đó một ngày Tổng thống Mã Anh Cửu cho biết Đài Loan đã nhận được thư mời của tổ chức y tế thế giới là WHA (World Health Assembly) chấp nhận cho tham dự với tư cách là một quan sát viên nhờ thiện chí của Trung Cộng và các quốc gia khác. Trong 13 năm qua, Đài Loan vận động để vào WHA nhưng bị Trung Cộng chống. Ông Mã Anh Cửu sau một năm lên cầm quyền, đã có thái độ mềm dẻo, hòa hoãn tránh đối đầu với Bắc Kinh và chấp nhận tham gia vào tổ chức y tế thế giới với tên là Chinese Taipei (Đài Bắc Trung Hoa) chứ không phải là Republic of China (Trung Hoa Dân Quốc), tên chính thức của nước Đài Loan.

Cổng vào một ngôi đền ở Đài Bắc

Khi người viết ở thủ đô Đài Bắc, gặp rất nhiều toán du khách Hoa Lục trong khách sạn, ở những danh lam thắng cảnh. Cho đến nay, người Hoa Lục chỉ được phép sang Đài Loan du lịch từng đoàn có người cầm cờ hướng dẫn. Nhưng Đài Loan đang khuyến khích họ du lịch với tính cách cá nhân để hy vọng tăng thu nhờ số tiền tiêu trung bình khoảng $700 Mỹ kim một tuần của du khách. Vấn đề khó khăn hiện nay là đảo quốc này đang thiếu phòng ốc khách sạn để đón làn sóng du lịch từ đại lục.

Từ khi có những chuyến bay trực tiếp hồi tháng 7 năm ngoái, Đài Loan đón 100,000 du khách từ đại lục. Trong những năm tới con số này sẽ tăng lên một triệu hay nhiều hơn nữa.

Như những người quen biết ở Đài Loan kể cho người viết thì những du kháchTrung Hoa từ  Đại Lục sang Đài Loan không tới phi trường quốc tế  Đào Viên mà đáp phi cơ tại một phi trường khác.

Lý do: nếu họ tới phi trường Đào Viên thì phải sắp hàng trình passport và qua thủ tục di trú như mọi người khác. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh nên muốn người từ Hoa Lục tới Đài Loan thì cũng giống như đi lại trong nước như tới Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Hải Nam v.v…

Người bản xứ Đài Loan nghi ngờ chính phủ Quốc Dân Đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu dù ông này nói ông vẫn chủ trương giữ nguyên hiện trạng các thể chế chính trị (cộng sản và quốc gia) giữa eo biển Đài Loan.

Việc chính phủ Quốc Dân Đảng đang tu chính luật để hạn chế những sự tụ họp và biểu tình là giọt nước tràn ly đã khiến hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Đài Bắc, trước Dinh Tổng thống hôm Chủ Nhật vừa qua. Phần lớn người biểu tình thuộc các đảng đối lập, những người gốc Đài Loan và những người lớn tuổi đã có kinh nghiệm về cuộc bỏ chạy ra đảo Đài Loan năm 1949.

Người ta nói rằng sau khi Mỹ đồng ý để cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức Trung Cộng) thay cái ghế của Đài Loan ở Liên Hiệp Quốc, Mỹ đề nghị Đài Loan nhân đang còn thương lượng với Bắc Kinh, nên nộp đơn xin vào Liên Hiệp Quốc với tư cách là một nước độc lập nhưng Tưởng Giới Thạch không chịu, vẫn cho rằng chính phủ ông là đại diện cho cả Hoa Lục, cho tất cả nhân dân Trung Hoa.

Sự giận hờn này của Đài Loan với đồng minh Mỹ và sự thiếu viễn kiến về chính trị và quan hệ quốc tế của Tưởng Giới Thạch là một sai lầm lớn mà Đài Loan phải trả giá sau này.  Nên bây giờ muốn xin vào một cái ghế nhỏ như của tổ chức y tế thế giới Đài Loan cũng phải chịu lấy cái tên ra vẻ là một tỉnh của Trung Cộng như  Chinese Taipei.

Ở Đài Loan, người viết vẫn thấy những dấu hiệu, huy hiệu hay bảng hiệu đề những chữ bằng Anh ngữ Republic of China, tức Trung Hoa Dân Quốc.

Địa lý

Theo Atlas, Đài Loan (Taiwan) là hòn đảo lớn nhất của Trung Hoa, cách thành phố Melbourne 7,277 km đường chim bay, xa hơn Sài Gòn khoảng 700 km. Hình như không có các chuyến bay thẳng từ Melbourne đi thủ đô Đài Bắc (Taipei). Phải bay lên Sydney hay Brisbane hay bay ngược lại, rồi mới bay đi Đài Bắc, vì vậy có thể có những chuyến bay kéo dài tới 20 tiếng đồng hồ do phải chuyển máy bay nhiều lần.

Nhưng nếu bạn ở Brisbane và mua được chuyến bay thẳng tới Đài Bắc, thì trung bình thời gian bay từ 8 tiếng rưỡi đến 9 tiếng đồng hồ.

Nằm ở vĩ tuyến 25, Đài Loan thuộc khí hậu gần nhiệt đới, bị ảnh hưởng nặng nề của gió mùa trong mùa hè nhưng mùa đông có tuyết trên núi.

Diện tích 32,260 cây số vuông, hòn đảo có chiều dài 394 km và bề ngang từ đông sang tây rộng từ 20 đến 150 km.

Dân số cả nước gần 23 triệu người. Thủ đô Đài Bắc nằm ở cực bắc hòn đảo có 2.8 triệu dân, là thành phố có diện tích lớn nhất nước.

Thành phố lớn thứ hai là Cao Hùng (Kaohsiung), một thành phố công nghiệp nằm ở phía tây nam, gần đáy của đảo, cách Đài Bắc 345 km tính theo đường xe lửa cao tốc. Khai trương vào ngày 5.2.2007,  đường xe lửa cao tốc này giúp  sự đi lại giữa hai thành phố lớn nhất của đảo quốc giảm từ 4 tiếng còn một tiếng rưỡi. Thành phố này có 1.4 triệu dân.

Thành phố lớn thứ ba là Đài Trung (Taichung) nằm ở phía nam cách Đài Bắc 131 km. Người viết dự tính sẽ đi Đài Trung thăm một người anh họ đang phục vụ cho dòng tu Thánh Gioan Tẩy Giả của của người Trung Hoa nhưng ông anh họ đã được chuyển lên Đào Viên nên đã không có dịp tới đây như dự tính.

Thành phố lớn thứ tư là Đài Nam (Tainan), cũng ở bờ biển phía tây như các thành phố vừa nói và gần Cao Hùng.

Các thành phố lớn khác gồm Cơ Long, Tân TrúcGia Nghĩa. Ngoài 8 thành phố,  Đài Loan có 18 quận (counties) trong đó quận Đào Viên (Taoyuan) là một quận nổi tiếng với phi trường quốc tế hiện đại mang tên Tưởng Giới Thạch (C.K.S. international airport), cách thành phố Đài Bắc 1 giờ lái xe.

Quận Đào Viên với khoảng 20,000 người Việt là nơi có đông người Việt sinh sống nhất ở  Đài Loan. Tại quận này, có 12 linh mục Việt Nam làm chánh xứ hoặc phó xứ của các giáo xứ người Đài Loan và linh mục hạt trưởng cũng là một người Việt, cha Nguyễn Văn Phúc chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Tôn giáo chính của người Đài Loan là Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Có nhiều tôn giáo nhỏ thờ đủ thần thánh lạ kỳ. Đạo Công Giáo đang trên đà phát triển với số tín đồ chiếm khoảng 1% dân số.  Nghe nói hiện có khoảng 60 linh mục Việt Nam từ trong nước và ở các nước tây phương đang phục vụ công việc truyền giáo tại xứ này. Số nữ tu từ Việt Nam đến xứ Đài phục vụ cũng đang gia tăng. Phải chăng đây lại cũng là một sơi giây liên hệ hàng ngàn năm của “cội nguồn Bách Việt”?

Đài Bắc rộng 272 cây số vuông. Thành phố nằm trong lòng chảo được bao bọc bởi núi đồi có con sông Danshui River (Sông Đạm Thủy) chảy ngang, chia đôi thành phố. Cũng vì vậy mà Đài Bắc hay gặp nạn lũ lụt. Phần lớn phố xá và các cơ sở quan trọng đều tập trung ở hữu ngạn.

Khách sạn Holiday Inn chúng tôi trú ngụ nằm ở hữu ngạn Sông Đạm Thủy, phía đông nam của thành phố Đài Bắc (Taipei City). Địa chỉ:

No. 265, Sec. 3, Beishen Rd, Shensheng Shiang, Taipei County, 222, Taiwan, R.O.C. Phone: (886) 2 2662 8000. website: www.holidayinn.com

Sở dĩ người viết ghi ra là để bạn đọc có thể sử dụng khi cần. Đây là một khách sạn loại ba sao rất đáng đồng tiền, tuy nằm “hơi xa” trung tâm phố (10 phút lái xe) nhưng khung cảnh đẹp, không khí trong lành, là nơi trú ngụ lý tưởng khi đi nghỉ mát hay hưởng tuần trăng mật. Giá phòng mỗi đêm trong thời gian chúng tôi ngụ là $2,400 Đài kim (1 Úc kim ăn khoảng 21 Đài kim) tức khoảng $115 Úc kim, chưa kể thuế chính phủ 10%.

Sau này khi đã tới Đài Loan, người viết mới biết rằng khách sạn này nằm ở Quận Đài Bắc (Taipei County). Nhưng không sao, bạn có thể dùng các phương tiện di chuyển công cộng như xe bus ngay trước mặt khách sạn, xe shuthle bus đưa đón hàng giờ của khách sạn hay đón xe điện ngầm ở Sở Thú Taipei gần đó.

Như ngày hội: mua bán trong ngày Thứ Bảy tại một con hẻm ở Làng Sankeng (có nghĩa là Thâm Sơn), thuộc Taipei County

Vì Sankeng Shiang (Shiang = làng; Sankeng = Thâm Sơn) là một làng cách Thành phố Đài Bắc bởi một rặng núi nên có một không khí sinh hoạt của một thị xã, rất hấp dẫn với du khách và người bản xứ. Chính trong Làng Sankeng (đọc là Sân Khân Xeng) là nơi mà vợ chồng chúng tôi sau khi đi bộ cả tiếng đồng hồ để tham quan, đã có một bữa ăn trưa ngoài trời để nhớ hoài: rẻ và ngon không thể tưởng tượng được.

Trong bài, người viết sử dụng một số địa danh bằng tiếng Việt như  Quận Đào Viên, Sông Đạm Thủy nhưng khi qua bên đó, nếu bạn không biết tiếng Quan Thoại hay Phúc Kiến, bạn hãy sử dụng địa danh bằng tiếng Anh như  Taoyuan hay Danshui. Nhưng vẫn không bảo đảm người địa phương sẽ hiểu bạn muốn nói gì bởi phi trường Taoyuan (tức Đào Viên) được phát âm bằng tiếng địa phương là Thảo Duẩn chứ không phải… Tao-du-oan.

Thật là rắc rối!  Nhưng bạn đừng lo, khi dùng “ngôn ngữ quốc tế” bằng tay, mọi chuyện sẽ ổn thỏa. (còn tiếp)