Từ Đài Loan tới Nam Hàn – Kỳ 5

10 Tháng Sáu, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Đài Tưởng Niệm Quốc Phụ (tức Tôn Dật Tiên) ở Đài Bắc

Nguyễn Hồng-Anh

***

Ở Đài Loan –nói chính xác hơn là Đài Bắc—chỉ có gần 4 ngày và 4 đêm, chúng tôi đã thăm viếng những nơi nào để giới thiệu với bạn đọc đây?

Ngoài một buổi chiều và tối ở khu vực tháp cao nhất thế giới Taipei 101, chúng tôi đã dành khoảng hai ngày để đi những nơi mà nhìn vào bản đồ, chúng tôi thấy cần đi và có thể đi.

Mời bạn cùng đi tham quan với chúng tôi, nhưng xin báo trước, hơi châm đấy vì bạn sẽ đi xe điện, rồi đi bộ, một vài nơi nhìn bản đồ thấy gần, nhưng lại hóa xa khi phải đi bộ, chưa kể định hướng sai, đi lệch đường. Nhưng bạn cứ tin chúng tôi, có đi bộ mới có thể quan sát, ngắm nghía từng đoạn đường, con phố và người qua lại.

S.Y.S. Memorial Hall

Các toán lính đổi ca gác trước tượng Tôn Dật Tiên

S.Y.S. là chữ viết tắt của  Sun Yat-sen, tức Tôn Dật Tiên, còn gọi là Tôn Trung Sơn (1866-1925). Người lãnh đạo cuộc Cách Mạng Tân Hợi và là tổng thống đầu tiên của Trung Hoa được chôn tại núi Tử Kim, Nam Kinh. Nơi này gọi là Lăng Trung Sơn, một kiến trúc cận đại độc đáo và nổi tiếng ở Trung Quốc.

Nhưng vì Tôn Dật Tiên là người thành lập  Quốc Dân Đảng, khai sinh ra nước Trung Hoa Dân Quốc, là bậc thầy của Tưởng Thống Chế, nên “Quốc Phụ” –danh xưng người Trung Hoa thường gọi ông– đã chiếm một vị trí quan trọng giữa lòng thủ đô của Đài Loan.

Đài Tưởng Niệm Tôn Dật Tiên (S.Y.S. Memorial Hall) nằm trên đường Zhongxiao E.  Rd. và tuyến xe điện đông-tây chạy từ trạm Nangang, chấm dứt ở trạm Yongning đã được nói trong bài trước.

Nếu  dùng xe điện MRT từ Nangang đi tới Đài Tưởng Niệm Tôn Dật Tiên, bạn hãy nhảy xuống ở trạm thứ 5, vì trạm xe điện này cũng có tên là trạm S.Y.S. Memorial Hall Station.

Từ tháp 101 Taipei, bạn có thể đi xe bus tới trạm xe điện Taipei City Hall, và từ đó lấy xe điện đi về hướng tây, chỉ 1 trạm là tới trạm xe S.Y.S. Memorial Hall.  Nhưng nếu trời tương đối không nóng như thời gian mùa xuân chúng tôi ở Đài Bắc vừa qua, bạn cứ đi bộ tới Taipei City Hall rồi đón xe điện tới S.Y.S Memorial Hall.

Chúng tôi đi bộ nhiều lần từ Taipei 101 đến Taipei City Hall, khoảng cách chỉ gần 1 cây số, nhưng đây là đoạn đường khá đẹp với nhiều kiến trúc đáng chiêm ngắm, kể cả được nhìn tháp Taipei 101 ở một số góc cạnh.

Và từ  Taipei 101 bạn cũng có thể đi bộ thẳng tới Đài Tưởng Niệm Tôn Dật Tiên bằng cách tới đường Ren Ai Road  (có nghĩa là Nhân Ái Lộ), còn gọi là 3rd Blvd. Con đường này song song với Zhongxiao E. Rd.  Đi bộ như vậy sẽ gần hơn, chỉ hơn một nửa cây số.

Ren Ai Road cũng là con đường dẫn tới Dinh Tổng Thống (Presidential Office Building).

Đài Tưởng Niệm Tôn Dật Tiên được xây vào năm 1972 trên một khu đất rộng để tưởng nhớ người cha già dân tộc của Trung Quốc hiện đại.

Khi mới bước chân vào, tôi tưởng đây chỉ là một công viên. Có quán giải khát ở cổng, có hồ nước gọi là Thúy Hồ. Từ đây có thể thấy khá rõ tháp Taipei 101 nhờ không gian rộng, với vườn hoa, bãi cỏ và sân lát gạch hay tráng xi măng.

Tòa nhà được xây theo lối xưa với mái ngói cong như cung điện Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, trên mái nhà có bảng 5 chữ bằng tiếng Tàu: “Đài Tưởng Niệm Quốc Phụ”. Trong tòa nhà này có bức tượng thật lớn của ông Tôn Dật Tiên.

Chúng tôi đến tham quan gặp lúc đang có buổi biểu diễn bàn giao phiên gác trong nội thất, trước tượng Tôn Dật Tiên. Khá đẹp mắt dù chưa bằng những cuộc bàn giao phiên gác của Hoàng Gia Anh. Cũng bồng, bế, quay súng với những bước đi trông oai nghi khi toán này thay toán kia. Sau đó, những người lính trong phiên gác mới lại đứng im như pho tượng để canh gác bức tượng khổng lồ ngồi ở trên bệ cao.

Chúng tôi và nhiều du khách đã được xem một pha biểu diễn bất ngờ. Nhưng tôi ngẫm nghĩ: Thì ra quốc gia cũng như cộng sản, như vua chúa thời phong kiến: chết rồi vẫn hành hạ người dân, bắt canh gác, thờ phượng. Bác Tôn (Trung Sơn) cũng giống Bác Mao, Bác Hồ…

Trong khuôn viên đài tưởng niệm còn có phòng hòa nhạc có khả năng chứa 3,000 người, thư viện, những phòng triển lãm và một khu vực rộng lớn dành cho những sinh hoạt giải trí ngoài trời.

Đài Tưởng Niệm Tôn Dật Tiên nằm cạnh Hội Đồng Thành Phố Taipei trong khi Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch nằm ở phía tây, gần Dinh Tổng Thống. Hai đài tưởng niệm hai người lãnh đạo Quốc Dân Đảng (Kuomintang – KMT) cách nhau chừng 5 cây số.

C.K.S. Memorial Hall

Từ Đài Tưởng Niệm Tôn Dật Tiên, bạn đi thêm 5 trạm tới trạm trung ương của thành phố là Taipei Main Station rồi nhảy xuống, đổi xe điện đi hướng nam (đích là Xindian). Tới trạm thứ hai là trạm C.K.S. Memorial Hall.

Từ trên lầu vọng cảnh tháp Taipei 101, khi nhìn qua hướng tây bạn sẽ thấy khu vực Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch.  Ở hướng tây này, bạn cũng sẽ thấy một con đường dài thẳng tắp dưới chân bạn, đó là đường Xinyi  Rd (hay còn gọi là 2nd Blvd). Đây là con đường đưa bạn tới Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch. Bạn đi bộ hay đi taxi tùy ý.

Hôm đó, chúng tôi được người anh họ ở Đài Loan lái xe đưa tới đấy nên bây giờ không biết chỉ cho bạn dùng chuyến xe bus nào thì có thể đi từ Taipei 101 tới C.K.S Memorial Hall.

Sau khi Bác sĩ Tôn Dật Tiên –tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc– qua đời vào năm 1925, Thống chế Tưởng Giới Thạch kế vị lãnh đạo Quốc Dân Đảng. Nhưng do thua Mao Trạch Đông trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng, năm 1949 Tưởng Giới Thạch dời chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sang đảo Đài Loan,  chọn Đài Bắc làm thủ đô và vẫn coi chính phủ này đại diện cho toàn dân Trung Hoa (gồm cả Hoa Lục), cho đến lúc Trung Hoa Dân Quốc bị đá văng khỏi cái ghế Liên hiệp quốc vào năm 1971.

Khi Tưởng Giới Thạch dời sang Đài Loan, dân số ở đây chỉ có khoảng 6 triệu người. Số quân cán chính và người tị nạn từ Hoa Lục chạy ra đảo khoảng 2 triệu người. Trong hai thập niên 1960 vào 1970, dưới sự cai trị bằng bàn tay sắt của Tưởng Thống chế, Đài Loan đã từ một hòn đảo thuộc địa của Hòa Lan và Nhật Bản, đã trở thành con rồng Á Châu vào thập niên 1980. Dân số cả nước Đài Loan hiện nay khoảng 23 triệu người.

Trên văn thư, chính phủ Đài Loan gọi họ là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China – ROC) nhưng người ta chỉ gọi nước này một cách đơn giản là Đài Loan (Taiwan) vì để tránh nhầm lẫn với nước Trung Hoa (Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa – People Republic of China) và cũng vì vấn đề ngoại giao nữa.

Khi từ quận Đào Viên (Taoyuan) lên Đài Bắc, chúng tôi thường được người anh họ lái xe đi trên Freeway No. 1 tức Xa Lộ Trung Sơn (tên hiệu của Tôn Dật Tiên), một xa lộ rất rộng được xây bằng bê tông cốt sắt dự trù khi hữu sự (có chiến tranh) thì sẽ trở thành phi đạo của một phi trường quân sự. Tưởng Giới Thạch đưa ra ý tưởng xây Xa Lộ Trung Sơn nhưng chỉ được hoàn thành bởi người con là Tưởng Kinh Quốc.

Khi lên cầm quyền từ năm 2000, Tổng Thống Trần Thủy Biển của Đảng Dân Chủ Tiến Bộ muốn xóa bỏ tất cả những gì thuộc về Tưởng Giới Thạch (và của Hán tộc), từ tượng đài đến công sở. Phi trường Quốc tế Tưởng Giới Thạch được đổi tên thành Phi trường Đào Viên (Taoyuan Airport).

Năm 2007, Trần Thủy Biển cho đổi tên Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch thành Đài Tưởng Niệm Dân Chủ Đài Loan Quốc Gia (National Taiwan Democracy Memorial Hall). Cả Quảng Trường bao quanh khu vực này thường được gọi là Quảng Trường Tưởng Giới Thạch cũng bị đổi thành Quảng Trường Tự Do (Liberty Square).

Trong khi tranh cử, ông Mã Anh Cửu nói khi lên cầm quyền ông sẽ lấy lại những tên cũ của đài và quảng trường sau khi tham khảo sâu rộng với dân chúng.

Đầu năm nay, chính phủ Quốc Dân Đảng cho biết vào mùa hè (ở bắc bán cầu) sẽ thay đổi lại tên chính thức của đài là Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch trong khi vẫn sẽ giữ nguyên tên mới Quảng Trường Tự Do (Liberty Square). Chúng tôi tham quan khu này vào mùa xuân vừa qua và thấy ở cổng vào 4 chữ Tàu: “Quảng Trường Tự Do”.

Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch nằm trong một khu đất rộng, là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch ở cuối quảng trường và Hí viện Quốc gia (phải) với sinh hoạt giữa sân trong Ngày Quốc Tế Lao Động 1.5.2009

Trong thời gian ở Đài Bắc, tôi thấy du khách tới khu tưởng niệm Tưởng Giới Thạch đông hơn Tôn Dật Tiên. Tuy Tôn Dật Tiên được gọi là Quốc Phụ, nhưng có lẽ vì Tưởng Giới Thạch là cha đẻ của nước Đài Loan hiện đại, nên đài tưởng niệm của ông lớn hơn?

Lớn từ cổng vào (cổng ngũ quan) với 5 vòm, hai bên là hai hí viện xây theo kiểu xưa, giữa là một quảng trường rộng mênh mông lát gạch và cuối quảng trường là đài tưởng niệm bốn tầng cao 70 mét, xây hình khối bát giác (người Hoa thích số 8). Cả tòa nhà sơn màu trắng với mái ngói xanh là những màu biểu tượng trong lá cờ của Trung Hoa Dân Quốc.

Tượng đồng thật lớn của Tưởng Giới Thạch được đặt trên tầng lầu cao nhất, mặc áo thụng truyền thống của người Hán, ngồi bệ vệ trên ghế và mỉm cười.

Đường lên đài là 2 bậc cấp có 89 bậc tượng trưng cho tuổi thọ của Tưởng Giới Thạch khi chết. Giữa hai bậc cấp là những hoa văn khắc trên đá (xi-măng?) như ở Tử Cấm Thành bên Bắc Kinh. Bạn cũng có thể dùng thang máy bên trong để lên lầu 4 nơi có tượng của Tưởng Giới Thạch.

Ở đài này, có nhiều phòng triển lãm về cuộc đời của Tưởng Giới Thạch, từ hình ảnh, kỷ vật, huy chương ông nhận được từ các quốc gia trên thế giới, quần áo thống chế mặc, sách vở ông đọc đến những chiếc xe hơi ông dùng.

Mất 4 năm để hoàn thành, đài được khởi công xây ngày 31.10.1976 kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Tưởng Giới Thạch và khánh thành vào ngày 5.4.1980 nhằm ngày giỗ thứ năm của ông.

Đài quay mặt về hướng tây, có nghĩa Tưởng Giới Thạch luôn vọng cố hương. Đứng bên ngoài nhìn, thấy hình dáng của đài tưởng niệm trông có vẻ như  là nơi chôn xác ông nhưng mộ của ông ở nơi khác, ở tận quận Đào Viên.

Tôi được nghe rằng  giòng họ Tưởng đến đời thứ ba thì coi như gần mạt vận. Tưởng Kinh Quốc có 5 người con nhưng 4 người đã chết vì bệnh tật, chỉ còn một người con trai duy nhất là mang họ mẹ là Chương Hiếu Nghiêm. Nghe nói lý do con cháu không phất lên là vì vấn đề chưa nhập thổ của hai ông Tưởng: Tưởng Giới Thạch  và Tưởng Kinh Quốc (chết năm 1988).

Tác giả trong phòng triển lãm với hình vẽ Tưởng Giới Thạch và Tôn Dật Tiên đi trên một chuyến xe lửa

Ước nguyện của cha con họ Tưởng là được đưa xác về chôn ở Trung Quốc quê hương của họ nên thi hài họ vẫn còn được tạm cất giữ trong lăng, được cất trong quan tài và có lính canh gác.

Chết mà không chôn xác xuống lòng đất là điều đại tối kỵ đối với người Trung Hoa. Đã có lần khi còn sống bà Tống Mỹ Linh đã đồng ý  cho làm lễ chôn xác chồng vì nghĩ ngày (thống nhất hai nước) để đưa về chôn ở quê nhà còn quá xa. Nhưng chuyện chôn tại Đài Loan hay Trung Quốc vẫn thường xuyên gặp trở ngại không những bởi Bắc Kinh mà còn bởi các đảng phái ở Đài Loan, vì họ không muốn đưa hai biểu tượng này về Trung Quốc.

Nhưng việc bảo quản di hài gây tốn kém cũng từng bị chính phủ của Tổng thống Trần Thủy Biển và các đảng phái khác chống đối, như đòi giải tán lực lượng bảo vệ lăng dưới thời Đảng Dân Chủ Tiến Bộ cầm quyền.

Hôm nay là ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5 nên có lẽ vì vậy trong quảng trường có sinh hoạt văn nghệ ngoài trời, có những dãy quán mua bán thức ăn nước uống, bán đồ kỷ niệm trông vui nhộn.

Dinh Tổng Thống Đài Loan

Sau khi tham quan Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch, vợ chồng chúng tôi đi bộ tới Dinh Tổng Thống vì thấy trên bản đồ khá gần, chưa tới một cây số. Tuy thấy dễ tìm, nhưng trên đường đi chúng tôi vẫn cứ hỏi người qua lại,  nên tới nơi rất nhanh.

Đã gần 6 giờ chiều. Khi chúng tôi vừa tới gần dinh là đúng lúc có những màn trình diễn của các đoàn quân nhạc, những toán lính làm những động tác thao diễn cơ bản. Và sau đó họ rút lui, có lẽ báo hiệu chấm dứt một ngày hội.

Nhà tôi đi bộ trên đường từ Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch tới Dinh Tổng Thống Đài Loan

Dinh Tổng Thống Đài Loan nằm trên đường Chongqing South Road (hay 4th Avenue), chiếm một lô đất lớn.  Tòa nhà gạch đỏ 6 tầng với cái tháp nằm giữa cao 60 mét, có mặt tiền dài 130 mét trông ra Đại lộ Ketagalan Boulevard.

Trước đây đại lộ này có tên Chieh-shou Road (Chieh-shou có nghĩa Tưởng Giới Thạch Muôn Năm). Nhưng năm 1996 khi Trần Thủy Biển làm thị trưởng Đài Bắc, ông ta đổi tên đường thành Ketagalan, tên một sắc tộc bản xứ Đài Loan từng sống ở Đài Bắc xưa kia.

Thời trước, xe đạp và xe gắn máy bị cấm chạy trên đường Ketagalan Road và một đoạn đường Chongqing South Road ở trước mặt dinh, nhưng khi đổi tên đường ông Thị trưởng Trần Thủy Biển cho phép xe hai bánh chạy trên các đoạn đường này và nói rằng quyết định của ông không có nghĩa là tỏ sự bất kính với cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch.

Đường Ketagalan  là một đường lớn có đến 10 lanes, dài 400 mét, chạy đâm thẳng vào mặt tiền của Dinh Tổng Thống,  là con đường sau này trở thành địa điểm của những cuộc biểu tình  của các phe phái đối lập. Khi chúng tôi đi bộ tới đoạn đường này thấy vắng nhưng đã không hiểu lý do, sau này mới biết là có những cuộc hội họp trước đó, không biết để mừng Lễ Lao Động hay biểu tình?

Dinh Tổng Thống được xây dưới thời Nhật thuộc bởi kiến trúc sư Uheiji Nagano và là nơi đặt văn phòng của Toàn Quyền Nhật. Thời Đệ II Thế Chiến, tòa nhà bị dội bom hư hại, đã được trùng tu lại và được đổi tên  thành Chieh Shou Hall (có nghĩa Đại Sảnh Tưởng Giới Thạch Muôn Năm) vào năm 1947 nhằm dịp sinh nhật 60 tuổi của Tưởng Giới Thạch. Sau khi Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan,  Chiek Shou Hall trở thành Dinh Tổng Thống.

Năm 2006 Tổng Thống Trần Thủy Biển cho dẹp cái tên Chiek Shou Hall và chỉ gọi tòa nhà này đơn giản bằng tiếng Anh là Presidential Office Building.

Dinh Tổng Thống nằm gần các cơ sở quan trọng như  228 Memorial Park, National Taiwan Museum, National Theater and Concert Hall, trung tâm mua sắm nổi tiếng Ximending, Taipei Main Station và Shin Kong Life Tower– cái tháp cao nhất Đài Bắc trước khi có tháp Teipei 101.

Với chủ trương đi bộ cho biết thành phố về đêm, chúng tôi rời Dinh Tổng Thống và  lần mò tới khu Ximending (có trạm xe điện Ximen) ngắm các tiệm bán áo quần, rồi đi bộ tới trạm trung ương Taipei Main Station, ăn cơm tối trong tháp Shin Kong Life Tower, rồi mới đón xe điện về trạm Taipei Ciy Hall.

Đường Ketagalan Boulevard trước mặt Dinh Tổng Thống nay xe đạp và gắn máy được phép lưu thông. Xa xa (giữa hình) là tháp Taipei 101

Lại đi bộ (thay vì đi xe bus) để tới khu vực vui chơi về đêm của tháp Taipei 101.

Chắc bạn đã mỏi chân lắm rồi vì đi bộ gần cả ngày? Thôi, hãy ngồi nghỉ ở các ghế đá, uống cà phê, nhìn người qua lại một hồi, rồi chúng ta sẽ ra trạm xe bus cạnh đó đón xe bus 912 về khách sạn…  để ngày mai còn đi tiếp. (còn tiếp)