Kỳ 7

24 Tháng Sáu, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Tác giả và anh Trần Văn Ninh, chủ nhân nhà hàng Thanh Hà ở quận Đào Viên

Nguyễn Hồng-Anh

***

Du lịch Đài Loan thì hầu như phải tới thăm Đài Bắc để biết thủ đô của nước Trung Hoa Dân Quốc (còn gọi đơn giản là Taiwan hay Đài Loan) nó ra sao. Để biết sau 60 năm (1949-2009) từ ngày Tưởng Thống Chế phải bỏ Hoa Lục chạy ra cố thủ ở hòn đảo này, đất nước này đã phát triển như thế nào.

Không ai thể ngờ được. Một con rồng của Á Châu và cũng là nơi thu hút lao động ở các nước nghèo kế cận như  Phi Luật Tân, Trung Cộng, Việt Nam…

Vì vậy, sau Đài Bắc chúng tôi đã đi thăm thú Đào Viên, nơi được gọi là thủ đô của người Việt ở Đài Loan với dân số nghe đâu khoảng 20,000 người.

Đào Viên viết theo dạng La Mã (pinyin) là Taoyuan và người ta bảo phát âm là thảo doãn hay thảo du-en. Đào Viên có nghĩa là vườn đào vì xưa kia đây là nơi người ta trồng nhiều đào.

Cũng như ở Đài Bắc có Thành phố Đài Bắc (Taipei City) và Quận Đài Bắc (Taipei County), ở Đào viên cũng có Thành phố Đào Viên (Taoyuan City) và Quận Đào Viên (Taoyuan County).

Về mặt hành chánh, Quận Đào Viên bao gồm cả 4 thành phố và 2 thị xã và 7 thị trấn trong đó có luôn Thành phố Đào Viên. Dân số của cả quận khoảng 2 triệu người.

Quận Đào Viên nằm ở phía tây Quận Đài Bắc (nơi có khách sạn Holiday Inn mà chúng tôi ngụ). Hai lần chúng tôi đi từ Đài Bắc đến Đào Viên đều bằng xe hơi của người anh họ, mất từ nửa tiếng đến một giờ, tùy thời điểm.

Cô dâu và lao động xuất khẩu

Sau Đài Bắc, Đào Viên nổi tiếng thế giới vì đấy là nơi có Phi trường Quốc tế Tưởng Giới Thạch, nhưng đã bị cựu Tổng thống Trần Thủy Biển đổi tên thành Phi Trường Đào Viên (Taoyuan Airport). Đây là một phi trường hiện đại của Đài Loan dù chưa thể so sánh với phi trường Incheon của Nam Hàn.

Nhưng Đào Viên nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại vì nơi đây người Việt sống tập trung và tạo thành những khu phố như những di dân Việt Nam ở Úc hay Mỹ. Tới nơi đây bạn sẽ biết chuyện cô dâu xứ Đài, lao động xuất khẩu và vô vàn chuyện của một cộng đồng Việt Nam sống hầu như bên lề của xã hội chính mạch bởi vì họ không được nhà nước Việt Nam chăm sóc, bị người bản xứ (chủ nhân và các ông chồng) lợi dụng, không được cả luật lệ địa phương bảo vệ.

Chuyện cô dâu xứ Đài và lao động xuất khẩu đã được báo chí Việt ngữ khắp thế giới, thậm chí báo chí ở Việt Nam viết rất nhiều trong những năm qua. Bạn thử tưởng tượng một cộng đồng nghe nói có khoảng 250,000 người trong đó có khoảng 100,000 người là những cô dâu.

Đã nghe bao nhiêu câu chuyện đau lòng thương tâm, nay chúng tôi muốn đến xem tận mắt nhân một chuyến du lịch. Người anh họ chúng tôi giới thiệu chúng tôi với  Linh mục Nguyễn Văn Phúc, cha sở giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Cha Nguyễn Văn Phúc tị nạn ở Mỹ và sau khi trở thành linh mục, đã qua giúp xứ ở Đài Loan, đến nay được 18 năm. Tuy là người Việt, nhưng cha Phúc làm hạt trưởng, chịu trách nhiệm đối với nhiều giáo xứ trong hạt. Địa phận Đào Viên có 12 linh mục Việt Nam phục vụ nhưng riêng trong giáo hạt của cha Phúc, có tới 10 linh mục Việt Nam.

Vợ chồng chúng tôi đã được cha Phúc dẫn đi thăm các linh mục Việt Nam khác trong giáo hạt như  Linh mục Nguyễn Văn Hùng, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời (đồng thời là người đặc trách Văn phòng Trợ giúp Công nhân và Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan) và Linh mục phó xứ Nguyễn Hùng Cường;  Linh mục Lê Văn Quảng chánh xứ nhà thờ Thánh Phao-lô.

Đi một vòng thăm các nhà thờ do các linh mục Việt Nam làm chánh xứ, chúng tôi có cảm tưởng mình đang ở Việt Nam, chỉ khác một điều là các linh mục nói chuyện  với giáo dân, hội đồng giáo xứ mà chúng tôi chẳng hiểu gì, vì họ nói tiếng Tàu, tiếng phổ thông.

Khác với lần chúng tôi sang thăm giáo xứ của cha Nguyễn Xuân Tiến ở Fujiwasa thuộc tỉnh Kanawaga tại Nhật Bản cách đây hai năm nơi vị linh mục gốc Melbourne làm phó xứ trong một nước có văn hóa xa lạ với người Việt Nam, không khí các họ đạo ở Đài Loan không khác bao nhiêu so với các họ đạo tại Việt Nam. Tôi thấy các linh mục Việt Nam sống rất thoải mái, nếu không muốn nói thích làm mục vụ ở vùng đất này.

Nhưng những công nhân và cô dâu sang Đài Loan có những số phận khác, đa số hẩm hiu, nếu không nói là đầy bất hạnh.

Cô dâu xứ Đài.

Cô dâu xứ Đài là chuyện dài không bào giờ kể hết từ khi có những dịch vụ mai mối để cho các người đàn ông Đài Loan sang Việt Nam lấy vợ, cách đây cũng đã trên mười năm.

Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì muốn giúp gia đình và cũng vì nghe lời dụ dỗ, thấy người ta làm sao mình bắt chước làm vậy mà nhiều cô dâu xứ  Đài đã có một kết cục thê thảm nơi xứ lạ bất đồng ngôn ngữ: bị hành hạ, hiếp dâm tập thể (bởi cha, anh em chồng), bị coi như tôi tớ, nô lệ khiến xảy ra những cảnh tự tử, điên khùng, bị chồng trả về. Nạn nhân phần lớn là những cô gái ở Hậu Giang, Cần Thơ và Miền Tây

Lao động xuất khẩu.

Sau phong trào lấy chồng xứ Đài, việc được coi là tự ý hay do tư  nhân làm mai mối, xuất khẩu lao động là chính sách của nhà nước Việt Nam, có từ năm 1999.

So với các nước trong vùng, Đài Loan là nơi thu hút lực lượng lao động Việt Nam nhiều nhất. Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động Việt Nam, trong 10 tháng đầu của năm 2008, trong số 72,522 người được xuất khẩu lao động, Đài Loan chiếm 28,637 tức 39.5%. Thị trường này hấp dẫn nhân công bởi khí hậu dễ chịu, phong tục tập quán gần gũi với Việt Nam.

Phần lớn lao động Việt Nam ở Đài Loan làm nghề o-sin, tức giúp việc nhà (đi ở), chăm sóc người bệnh, một số khác làm việc trong các nhà máy và phần còn lại những việc tạp nhạp khác. Nói chung, là những công việc không cần tay nghề và cũng không cần ngôn ngữ. Dịch vụ xuất khẩu lao động trở thành một tệ nạn và trong nhiều trường họp bị coi như buôn bán lao động, do đó bị các tổ chức nhân quyền lên án.

Thực trạng lao động và cô dâu xứ Đài

Thực tế xứ Đài đã không như giấc mơ của người lao động và cô dâu. Tôi được nghe các công nhân Việt Nam ở Đài Loan nói rằng tuy số tiền trả cho môi giới để được qua lao động tại Đài Loan rẻ hơn ở Nam Hàn, số tiền $7,000 Mỹ kim (chưa kể tiền cọc chống bỏ trốn) cho mỗi đầu người quả thật là món nợ quá lớn để trả cho cái vé xuất ngoại.

Phải mất 2 năm rưỡi mới trả xong cái nợ đó. Chỉ bắt đầu kiếm tiền vào nửa năm cuối của hợp đồng 3 năm. Đó là nói công việc suông sẻ, nhà máy hoạt động bình thường. Công nhân xuất khẩu chỉ hy vọng vào các hợp đồng 3 năm sau. Mỗi công nhân chỉ được làm việc tối đa 9 năm.

Một số công nhân bất mãn với những tay trung gian mai mối, Việt Nam cũng như Đài Loan, chủ hãng hay chủ nhà đã bỏ trốn ra ngoài sống.  Nhưng từ đây họ trở thành những di dân bất hợp pháp, có thể bị bắt giam không biết lúc nào, không thể kiếm được việc chính thức và vì vậy đã phải làm nghề bán trôn nuôi miệng, trong những ổ mại dâm trá hình hay trở thành gái gọi, ma cô, bất cứ nghề gì để kiếm tiền sống. Đó là một thực tế, nhất là đối với phái nữ.

“Đàn con” của cha Nguyễn Văn Hùng chơi bóng chuyền

Một số cô dâu bị chồng hành hạ, bị gia đình nhà chồng đối xử tệ bạc, lạm dụng cũng có thể bỏ nhà ra đi. Một số các bà vì chán ông chồng xứ Đài già và cù lần, cũng có thể cặp kè với những anh công nhân Việt Nam trẻ trung hay những anh đồng hương thất nghiệp vì phá bỏ hợp đồng, ra sống bên ngoài cho tự do. Và như vậy, có một thế giới Việt Nam riêng trong xứ Đài, đặc biệt là ở quận Đào Viên.

Người ta nói thế giới bên trong của người Việt ở Đào Viên rất là phức tạp. Coi bề ngoài vậy mà không phải vậy, nên chúng tôi đã nhờ cha Nguyễn Văn Phúc đưa đi một vòng “thăm dân cho biết sự tình” để coi Little Hà Nội có khác Little Saigon ở Quận Cam, Cabramatta ở Sydney hay Footscray ở Melbourne không.

Little Hà Nội

Tôi đề nghị cha Phúc đưa chúng tôi đi thăm một khu vực tiêu biểu của người Việt ở Đào Viên. Cha lái xe đưa chúng tôi đi vòng vòng một khu phố có vài con đường có nhiều tiệm của người Việt, nhìn các bảng hiệu tôi thấy nào là Ngọc Hà, Quán Ăn Thanh Hà, Sài Thành Quán, Hải Phòng Quán,  Thu Hằng Thái Bình Quán, Quán Ăn Ngọc Phượng, Ngọc Phận Quán, Kim Dung Cơm Việt Nam Cà Phê Nhạc, Mộng Thắm Massa (sic), Tiệm Vàng Kim Hà đến những tiệm không có tên riêng như Bánh Mì Xíu Mại Hủ Tiếu Cháo Lòng, Tập Hóa Việt Nam (sic)… Đây là khu phố cũ, xem ra thích hợp cho những công dân hạng hai.

Mặt tiền một khu phố “Litte Hanoi”

Khu vực này nằm gần khu nhà nhờ Thánh Thể của Linh mục Nguyễn Bảo Lộc. Cha Phúc gọi đây là Little Hanoi vì ở đây đa số là người Bắc. Chúng tôi tìm một quán để ăn trưa. Đi ngang quán Ngọc Hà thấy các cặp trai gái đang hát nhạc Karaoke, tôi đề nghị sang quán nào đừng quá ồn ào để có thể nói chuyện. Chúng tôi tới quán gần đó, trông rộng rãi hơn: quán Thanh Hà.

Có vài bàn ăn toàn là thanh niên, dĩ nhiên chỉ là người Việt Nam mà tôi nghĩ là các công nhân xuất khẩu. Cha Phúc nói hôm nay là ngày nghỉ  lễ Quốc Tế Lao Động nên sẽ có nhiều công nhân tới ăn trưa vì họ được nghỉ việc.

Người chủ nhà hàng này là anh Trần Văn Ninh, 46 tuổi, một người từ Miền Nam vượt biên năm 1985 cùng ghe với Linh mục Của được tàu Đài Loan vớt và định cư  luôn tại đây. Anh Ninh đã vào quốc tịch Đài Loan, có hai đứa con được gởi về Việt Nam học lớp 2 và 3  tại một trường quốc tế để giỏi tiếng Anh và tiếng Việt mặc dầu học tiểu học ở Đài Loan miễn phí.

Anh Ninh hiện làm chủ ba nhà hàng trong khu vực này gồm Thanh Hà quán ăn lớn nhất ở đây và hai quán ăn khác là Sài Thành và Ngọc Hà.

Cũng tại nơi đây, chúng tôi có nói chuyện với một nhóm thanh niên nam nữ  7 người ở lứa tuổi khoảng 20 quê ở Hà Tĩnh, mới qua được vài tháng.  Người anh họ của tôi nói rằng lúc này ở Việt Nam người Hà Tĩnh được ưu  tiên đi lao động nước ngoài vì đó là quê hương của “Bác”, nhưng tôi đã không đề cập gì đến vấn đề chính trị khi nói chuyện với các em này. Chúng tôi muốn có không khí thoải mái, không nghi kị khi hỏi thăm về sinh hoạt của các em.

Chúng tôi tự giới thiệu làm nghề báo chí ở Úc và muốn biết về việc làm, cuộc sống của các em ở đây. Các em nói mục đích đi lao động nước ngoài là để kiếm tiền giúp gia đình, vả lại ở Việt Nam không có việc làm.  Các em nữ kể rằng nghe nói khi qua lao động ở Đài Loan sẽ được xin qua làm hay định cư ở Úc. Tôi nói chuyện đó không bao giờ có, tất cả chỉ là tin đồn. Một hai em nam xin tôi giới thiệu để làm quen với các cô gái Việt bên Úc, tôi bảo tôi không thể làm được việc đó, nhưng nếu muốn tìm bạn tôi sẽ giúp đăng lên báo.

Cha Nguyễn Văn Phúc nói với chúng tôi nếu muốn gặp nhiều người Việt, hãy đợi ngày Chủ Nhật tới nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời của cha Nguyễn Văn Hùng sẽ gặp rất nhiều người Việt tới dự lễ, lên tới cả ba trăm người, mặc sức mà phỏng vấn, nhưng sáng Chủ Nhật tôi đã phải ra phi trường đi Nam Hàn.

Cha bảo tôi thử xem có thể đổi vé máy bay được không, nếu cần tới ở lại trong nhà xứ của cha vì cha có nhiều phòng dành cho khách phương xa tới trọ, tôi cám ơn sự hiếu khách của cha, vì tôi cảm thấy gặp gỡ và nói chuyện với vài người như thế cũng đã đủ rồi.

Hơn nữa, hôm trước tôi đã có dịp tới thăm cha Hùng(*) và ăn tối với “đàn con” của cha, những thanh niên nam nữ được cha chăm sóc và bảo vệ qua chương trình của Văn phòng Trợ giúp Công nhân Lao động và Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan.

Có khoảng 40 chục thanh niên nam nữ hiện được cha Hùng gởi tạm trong những chung cư kế cận văn phòng trợ giúp của cha. Họ là những người bị tai nạn lao động, bị chủ bóc lột và những cô dâu bị bạo hành.

Ban ngày họ đến văn phòng của cha để sinh hoạt hay học những nghề mà văn phòng có thể giúp tại chỗ như đánh máy, vi tính v.v… Có khoảng 10 nhân viên làm việc tại văn phòng này trong đó có bốn người được trả lương. Công việc của họ là nhận hồ sơ và làm các thủ tục giúp các cô dâu bị bạo hành và các công nhân bỏ trốn vì bị bóc lột, những người bị thương tích khi làm việc nhưng không được các chủ nhân bồi thường.

Chúng tôi được thăm chỗ ngủ trưa của các thanh niên nam nữ này, những cái võng, sàn bằng tre do họ làm; sân chơi bóng chuyền là miếng đất bỏ hoang bên cạnh khi họ tụ tập về văn phòng của cha Hùng vào buổi chiều.

Linh mục Nguyễn Hùng Cường, một người viết ca khúc đạo và hát trong cuốn CD có tựa  “Yêu Con Suốt Đời”  là phó của cha Hùng cùng ra sân banh chơi với các thanh niên này.

Cha Nguyễn Văn Phúc đem chúng tôi giới thiệu với một thanh niên cụt chân và hai thanh niên cụt tay do tai nạn lao động và nói “ra đi lành lặn nay trở về cụt chân cụt tay như thế”.

Rồi cha giới thiệu một thiếu nữ vừa trở về văn phòng với chiếc xe đạp chất đầy các bao bố trong đó toàn rác, lon, đồ phế thải… rồi chép miệng “đi làm như thế cho đỡ buồn chứ bán được bao nhiêu!”.

Trước cổng nhà thờ của cha Hùng ở Đào Viên: từ trái, nữ công nhân xuất khẩu với chiếc xe đạp, Nguyễn Hồng Anh, cha Nguyễn Văn Phúc và Vũ Thị Hà

Buổi cơm tối do chính các thanh niên này làm, mang tới văn phòng để mọi người ăn chung. Sau đó, cha Hùng mời chúng tôi qua nhà thờ để xem buổi cầu nguyện gọi là “của gia đình” trong đó có những người không phải là công giáo.

Cha Hùng cho biết đã giúp đỡ được hàng ngàn vụ khiếu nại hay đòi bồi thường. Nhà nước Đài Loan đã bắt đầu quan tâm, nhưng nhà nước Việt Nam vẫn còn thói đem con bỏ chợ, không tích cực giúp đỡ công dân của mình, nhất là trong việc điều tra và đánh tận gốc những cơ quan môi giới tham nhũng trong nước.

Ở Đài Loan, trong những lần đi ăn, tôi có dịp gặp một chủ nhân là người Đài Loan hỏi thăm chúng tôi vì nghe chúng tôi nói tiếng Việt. Ông Đài Loan này cho biết trước đây từng qua Việt Nam mở công ty khai thác nuôi tôm nhưng thất bại. Sau bữa ăn, ông bớt chút đỉnh tiền và còn hứa lần sau tới, sẽ miễn phí bia. Ông nói được ít tiếng Việt, hơi ngọng như mọi người Hoa khác. Ông cho biết ông thích Việt Nam lắm nhưng tôi đã không hỏi thăm ông có lấy vợ Việt Nam không, bởi hỏi thêm cũng chẳng ích lợi gì. Vì đã có khoảng trăm ngàn cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan và trong đó nghe nói phần lớn không được may mắn, hạnh phúc.

Có lần đi bộ qua Little Hà-nội, cha Phúc chỉ vào một căn nhà lầu 4 tầng (trị giá vài trăm ngàn đô la) trong hẻm khu phố do một cô dâu Việt làm chủ, nhờ anh chồng siêng năng làm việc và người phụ nữ đảm đang. Bà này là giáo dân của cha Phúc. Nhưng được bao nhiêu cô dâu Việt may mắn như thế?

Tác giả và cha Hùng (phải) tại văn phòng hỗ trợ pháp lý ở Đào Viên

Cha hạt trưởng Nguyễn Văn Phúc trong bữa cơm tối tại văn phòng trợ giúp pháp lý cho công nhân và cô dâu nói với chúng tôi rằng khi viết bài, xin nêu lên câu hỏi rằng bao giờ thì nhà nước Việt Nam chấm dứt cái cảnh này?

Chắc bạn đã biết câu trả lời rồi nhỉ? (Tuần tới: du lịch xứ kim chi)

—————-

(*) Địa chỉ:
Rev. Nguyễn Văn Hùng:
Vietnamese Migrant Workers & Brides Office
116 Chung Hwa Road,
Bade City 334-64
Taoyuan County,
Taiwan
Phone: 03-217-0468