Kỳ 15

26 Tháng Tám, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Tháp Seoul Tower trên núi Namsan. Photo courtesy: Reuters

Nguyễn Hồng-Anh

***

Chúng tôi đã hướng dẫn bạn đi xem một số danh lam thắng cảnh của thủ đô Nam Hàn và một công trình xây cất để đời của đương kim Tổng thống Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) khi ông còn làm thị trưởng Seoul mà chúng tôi tình cờ gặp: Suối Cheong Gye được tái tạo từ  con đường đổ xi-măng dài 5.8 km với kinh phí trên một tỉ Úc kim.

Nói du lịch Nam Hàn nhưng thật ra chúng tôi chỉ đi quanh quẩn thủ đô mà thôi. Nửa phần nước Đại Hàn với một lịch sử có bề dày tương đương với Việt Nam sẽ có không biết bao nhiêu di tích và thắng cảnh khác để du khách thưởng ngoạn, nhưng…

Những dự tính đã không thành

Ước thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Ngay cả những nơi đáng xem ở  Seoul và các vùng phụ cận, chúng tôi cũng đã không thực hiện được vì thời gian không cho phép: đó là đi thăm Seoul Tower ở núi Namsan và khu phi quân sự  DMZ chia đôi Đại Hàn.

Tháp Seoul thì hầu như ngày nào chúng tôi cũng thấy mỗi khi rời khách sạn The Lexington ở phía nam Sông Hán để lên trung tâm thành phố. Tháp nằm trên đỉnh núi Namsan, sát vòng đai của Downtown Seoul, giữa khu đa văn Itaewon và City Hall.

Khi đi bộ từ khu Dongdaemun (Đông Đại Môn) tới trung tâm phố là Seoul Plaza, chúng tôi có cảm giác đã đến sát chân núi Namsan, nhất là khi chúng tôi đi bộ trong khu phố Myeong-dong.

Thuở nhỏ ở Huế, tôi đã có dịp đi bộ lên núi Thiên Thai (nghe thơ mộng quá phải không bạn?)  gần Thiên An, một tu viện  cách thành phố chừng mười cây số về phía đông nam.

Nhà tôi ở  xóm An Cựu,  thuộc phía bắc sông An Cựu, gần Cung An Định nơi bà Từ Cung mẹ của cựu hoàng Bảo Đại sinh sống. Núi Ngự Bình ở phía nam thành phố, cách nhà tôi chừng hai cây số. Núi cao chừng 104 mét. Tôi còn nhớ câu nói của người dân trong vùng:

“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,

Sông An Cựu nắng đục mưa trong”.

Tắm sông An Cựu  và lên núi Ngự Bình vui chơi, mò trái sim là cái thú của bọn nhỏ trong xóm chúng tôi.

Đi trong thành phố Huế hay dọc sông An Cựu, bạn sẽ không thấy ngọn núi Thiên Thai hay núi Ngự Bình. Nhưng ở Seoul, lang thang ngắm phố xá bạn sẽ thấy núi Namsan bởi có thể nói rằng núi nằm ngay giữa phố, giữa lòng thủ đô. Có những đoạn đường khi nhìn qua một góc phố, ngoái đầu vào một con hẻm, bạn sẽ thấy màu xanh của núi đồi  trước mắt và dĩ nhiên là cái tháp cao trên núi.

Thành phố Seoul ngày nay quá hiện đại, quá lớn với khoảng 11 triệu dân, nhưng để được như ngày nay, những nhà thiết kế đô thị ngày xưa chắc phải có cái nhìn xa, như Nã Phá Luân với thành phố Paris?

Núi Namsan có chiều dài mỗi bề chừng 3 cây số.  Ở phía bắc chân núi có Hí Viện Quốc gia (The National Theatre), có Trường Kỹ thuật Giáo dục Khoa học (Seoul Institute of Science Education), vườn bách thảo Namsan Botanical Garden, thư viện Namsan Public Library.

Và có cả Namsan Cable Car Station để bạn có thể từ chân núi đi lên bằng xe dây cáp ngắm cảnh Namsan Park (tôi gọi là núi nhưng trong bản đồ người ta ghi công viên). Có vài đường đèo chạy lên núi và Seoul Tower, nhưng tôi nghĩ đường từ vườn bách thảo và thư viện gần nhất.

Tôi hỏi người đi đường vài cách để tới Seoul Tower. Câu trả lời đại khái như sau.

Dễ nhất là bạn thuê taxi, không tốn bao nhiêu vì  tháp chỉ cách City Hall chừng 3 cây số đường chim bay. Và nếu đang ở trong trung tâm phố, bạn có thể đón xe điện ngầm tới các trạm như  Hoehyeon, Myeong-dong hay Chungmuro. Từ các trạm Subway, bạn cũng có thể đón xe bus lên tận tháp Soeul.  Nhưng người ta nói rằng, nếu có thì giờ, bạn nên đi bộ lên núi từ  sáng sớm thì tuyệt vời.

Seoul Tower nguyên thủy là một cái tháp viễn thông được xây vào năm 1969. Nhưng từ năm 1980 được mở cho công chúng và  trở thành một địa điểm du lịch. Núi Namsan ở chỗ cao nhất là 370 mét. Seoul Tower cao 140 mét. Lầu vọng cảnh của tháp cao 480 mét so với mặt nước biển.

Từ trên tháp, bạn sẽ có cái nhìn 360 độ, thấy cả thành phố Seoul và nhất là sông Hán nằm ở phía nam. Chúng tôi tiếc là đã không có dịp lên núi Namsan ngắm cảnh thành phố Seoul như đã ngắm cảnh thành phố Đài Bắc từ Tháp Taipei 101.

Trong thời gian ở Seoul, tôi thấy quảng cáo những chuyến di tour nửa ngày hay trọn ngày tới vùng phi quân sự gọi là DMZ Tour. DMZ là chữ viết tắt của Demilitarized Zone. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn Đại Hàn là nước duy nhất bị chia cắt.

Tôi nói với nhà tôi đi xem khu phi quân sự  DMZ sẽ thú vị cho nhà tôi hơn, bởi tôi đã từng đi thăm khu phi quân sự như vậy ở Việt Nam, thuộc vĩ tuyến 17.

Vào đầu thập niên 1960, tôi đã có dịp đi thăm cầu Hiền Lương ở sông Bến Hải. Thời đó nghe đến hai tiếng cộng sản hay Việt cộng thì sợ lắm.  Thấy hình vẽ Việt cộng trên báo chí, nhất là truyền đơn với cái nón cối và hàm răng vẩu, vai kè kè khẩu súng, tôi có cảm tưởng họ không phải là con người bình thường.

Tôi còn nhớ ngày đó hình như cây cầu Hiền Lương sơn hai màu khác nhau từ giữa cầu trở đi để phân định ranh giới.  Giữa cầu có cọc và hàng rào sắt chắn ngang, bởi nghe nói trước đó đã có một vụ lái xe băng qua cầu tìm tự do của người Miền Bắc.

Các anh lính Cộng hòa gác cầu nói rằng  hễ cái gì nằm  nửa cầu của phía bên kia là thuộc Miền Bắc, và bên này nửa cầu là của Miền Nam. Một anh nói rằng nếu  tôi lên cầu, tới gần hàng rào mà bị mấy ông Việt cộng kéo qua bên kia thì họ không thể cứu tôi được. Nghe vậy đã phát sợ, lại thêm cái loa phóng thanh ở bên kia bờ sông mở hết âm lượng tuyên truyền với giọng lanh lảnh khiến tôi càng khiếp nên không dám xin lên cầu xem mà chỉ đứng dưới chân cầu nhìn.

Ngoài việc dùng loa để tuyên truyền, tôi cũng được nghe kể hai bên thi nhau làm cột cờ,  vì vậy khi cột cờ bên này làm cao hơn, thì bên kia lại dựng cao hơn, và cứ thế cột cờ  hai bên bờ sông càng ngày càng cao, cho đến khi không thể làm cao hơn nữa.

Lúc đó trời cũng đã về chiều, thấy có chiếc đò che mui một người chèo chạy dọc bờ sông phía bắc, tôi thắc mắc thuyền của ai thì được anh lính Cộng hòa trả lời đấy là đò của công an giả dạng dân. Lại nghe tiếng chuông nhà thờ vang bên kia sông, thắc mắc cộng sản vô thần làm sao có chuông kinh lễ chiều, anh lính nói họ làm bộ để tuyên truyền ở Miền Bắc vẫn có tự do tôn giáo.

Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi đi thăm con sông chia đôi đất nước khi tôi chỉ hơn mười tuổi, dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, an ninh còn rất bảo đảm.

Khi ngoài hai mươi tuổi, tôi lại tới con sông khác “chia đôi” đất nước từ năm 1972, đó là sông Thạch Hãn. Sau trận Mùa Hè Đỏ Lửa, cộng sản Bắc Việt chiếm đất tới bờ sông Thạch Hãn ở  Quảng Trị. Thật xót thương cho những người dân Quảng Trị bỗng dưng bị chia cắt tách lìa với người thân và chế độ miền nam sau khi sông Thạch Hãn trở thành ranh giới tạm giữa hai miền.

Lần này tôi không đứng dưới chân cầu, vì cầu đã bị đánh sập, nhưng đi qua cầu phao dã chiến tới vùng đất của địch. Đó là vào khoảng cuối tháng 5  năm 1975 khi tôi làm nghề lơ xe cho một người bà con, dùng xe Ben (xe đổ đất) chở những người di tản giúp họ dọn nhà hay trở về quê quán. Tôi làm lơ xe không phải để kiếm tiền, nhưng muốn qua bên kia sông Thạch Hãn xem đời sống của những người dân đã “được giải phóng” mấy năm trước ra làm sao,  nhất là muốn được dịp đi thăm địa danh Gio Linh  “mẹ già cuốc đất trồng khoai” vì có người gốc Gio Linh muốn chúng tôi chở họ tới đó. Và tôi đã thấy người Gio Linh đào củ khoai trồng từ dưới cát.

Cái nghề nghiệp bất đắc dĩ này phát sinh từ chuyện tôi và một vài bạn đồng nghiệp được công ty phái ra Đà Nẵng để kiểm toán Chương trình Phát triển Đà Nẵng và vùng Phụ cận do Mỹ tài trợ. Do chỉ muốn cùng di tản chung với cả gia đình nên tôi đã bị kẹt khi Đà Nẵng mất vào ngày 29.3.1975.

Một lần nữa, tôi không biết Đà Nẵng có phải sẽ trở thành một Thạch Hãn thứ hai không? Nhưng mọi chuyện đã trở thành chuyện của lịch sử.

Vì không đi thăm khu phi quân sự DMZ  ở Đại Hàn nên tôi kể cho nhà tôi và bạn đọc câu chuyện vùng phi quân sự ở Việt Nam ngày trước, để biết rằng có sự giống nhau về ý nghĩa và hình thức. Nhưng nghe nói vùng phi quân sự ở Đại Hàn nay đã trở thành một dịch vụ du lịch, rất hấp dẫn du khách ngoại quốc.

Công ty McClub Travel quảng cáo vé DMZ Tour nửa ngày từ  46,000 Won (khoảng $50 Úc kim) đến 55,000 Won ($60 Úc kim) tùy có ăn uống hay không. Vé trọn ngày (full day tour) 65,000 Won.

Trong khi đó, một công ty lữ hành khác là  I Love Seoul Tour có giá nửa ngày DMZ Tour là 46,000 Won đến 105,000 Won ($114) tùy có ăn uống hay có bắn súng không (rifle shooting).

Còn đi tour gọi là DMZ & JSA (Panmunjom) Tour giá vé 130,000 Won ($140 Úc kim) một người, với Half day DMZ Tour, ăn trưa xong nhập vào nhóm đi Panmunjom tour.

Công ty du lịch cho biết có thể ăn mặc đồ thường (casual), nhưng cấm quần jean bạc màu, áo thun, quần sọt, áo tay cụt, đồ thể thao, áo nhà binh và dày sandal. Trước khi lên đường, công ty lữ hành cũng cấm không được uống ruợu bia.

Trên internet, lại có loan báo danh sách 45 quốc gia mà công dân không được tự động đi tham quan Panmunjom Tour trong đó có Việt Nam, Nam Dương, Ấn Độ, Trung Cộng, Đài Loan, Pakistan, Lybia, Iran  v.v… mà phải scan hình Passport Photo gởi cho công ty lữ hành một tuần lễ trước để xem có được chấp thuận không.

Đi tới vùng phi quân sự DMZ hay Panmunjom, du khách buộc phải mang theo passport. Người dân Nam Hàn không được phép đi tham quan khu phi quân sự.

Nhưng Panmunjom là cái chi chi?

Thưa, đó là một ngôi làng ở khu phi quân sự, dọc biên giới hai miền nam bắc. Đây là nơi diễn ra việc ký hiệp ước ngưng bắn giữa hai miền sau cuộc chiến ác liệt kéo dài trong ba năm từ 1950 đến 1953, thường được gọi là Chiến Tranh Triều Tiên.

Làng đình chiến này gọi theo từ Hán Việt là làng Bàn Môn Điếm.  Nơi đây vẫn diễn ra các hội nghị giữa hai miền từ thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, và trong những năm qua là nơi diễn ra hội nghị 6 nước Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc, Bắc Hàn và Nam Hàn về việc giải trừ vũ khí nguyên tử.

Chúng tôi đã không có thì giờ đi xem khu phi quân sự, những tường cao bằng kẽm gai  nhiều lớp phân chia hai miền, những cái đường hầm mà quân miền bắc dùng để xâm nhập miền nam, những di tích của những cuộc xung đột vũ trang lớn nhỏ dọc biên giới kể từ hiệp ước đình chiến năm 1953.   Và cũng để xem những biểu ngữ tuyên truyền đề cao lãnh tụ của Bắc Hàn ở biên giới có khác những gì ở  cầu Hiền Lương và sông Bến Hải của Việt Nam thập niên 1960 không. Nghe nói có những hàng chữ làm bằng đèn néon dựng vào hàng rào gần làng đình chiến Bàn Môn Điếm với câu: “Hoan hô lãnh tụ Kim Chung Nhất, ánh mặt trời của thế kỷ 21”. 

Biên giới giữa hai miền dài khoảng 250 cây số,  và khu trái độn gọi là phi quân sự rộng chừng 4 cây số. Làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm ở phía tây bắc và cách thủ đô Seoul 62 cây số và cách thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn 215 cây số.

Nơi  đây có văn phòng của Ủy ban Đình chiến, là nơi được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt và người ta nói rằng mỗi khi có căng thẳng chính trị thì tình hình ở biên giới cũng bị lôi cuốn theo.

Nhưng những người dân thủ đô Seoul nói họ đã làm quen với chuyện này. Chúng tôi đến Seoul vào lúc Bắc Hàn bất chấp dư luận thế giới, thử hỏa tiễn và dọa sẽ bắn máy bay nào vào không phận sắp có thử nghiệm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cảm thấy không khí bình yên và tiếp tục chuyến du lịch xứ củ sâm, xứ kim chi bằng việc mua sắm và ăn uống.

Đi du lịch mà thiếu mục mua sắm ăn uống thì mất đi một phần lý thú (còn nữa).