Đồi Acropolis: cái nôi văn minh Hy Lạp (kỳ 4)

25 Tháng Tám, 2010 | Hy Lạp
Chúng tôi vào con đường này đến trạm bán vé nằm sau bụi cây cuối đường mua vé vào cổng, xong quẹo trái và từ từ đi vòng lên ngọn đồi có tên Acropolis, có nghĩa thành phố nằm trên đồi, nơi đây lưu lại dấu vết mấy ngàn năm của nền văn minh Athens

Nguyễn Hồng-Anh

***

Mở cửa 7 ngày, từ 8am – 7.30pm, riêng Thứ Hai từ 11am – 7.30pm (mùa hè) và 8.30am đến 3pm (mùa đông). Vé vào cửa: 12 Euro.

Từ bảo tàng viện đến trạm bán vé khu Acropolis tuy chưa tới nửa cây số, nhưng dưới trời nắng chói chang của mùa hè, thật cũng đáng ngại. Đi tour hay đi tự túc, bạn cũng phải đi bộ tới trạm mua vé. Mua vé xong, lại còn phải đi bộ lên đền Parthenon nằm tuốt trên cao. Tôi chưa biết làm sao để có thể bước lên tận đó, một ngọn đồi trông cao và dốc. Nhưng tôi nghĩ, người ta đi dược thì chúng tôi cũng đi tới nơi.

Lúc này chỉ mới 5 giờ chiều, còn những hơn hai tiếng nữa người ta mới đóng cửa không tiếp người vào. Chúng tôi vội vàng bôi kem chống nắng để tiếp tục “đoạn đường chiến binh” mà chắc chắn sẽ đổ nhiều mồ hôi khi tới tận đỉnh.

Không có người hướng dẫn, với mớ kiến thức trong sách báo và chỉ vài giờ đặt chân lên vùng đất lạ, chúng tôi cứ “nhắm mắt” đi, gặp cái gì xem cái đó. Và đó là lối du lịch tham quan trong hai chục năm qua của chúng tôi.

Chúng tôi chọn hướng đi bên trái của đồi. Giữa chừng gặp một hí viện hình bán nguyệt ngoài trời. Hình như đã thấy đâu đó trong phim ảnh, tài liệu. Chu cha! vĩ đại quá chừng. Những hàng ghế bằng đá chạy nửa vòng cung hàng hàng lớp lớp xếp chồng lên cao như cánh quạt giấy. Lại thấy một sân khấu hình tròn như chiếc bánh đa nằm dưới vực sâu do chúng tôi đứng ngoài hàng rào kẽm, và hậu cảnh (màn sân khấu) là bức tường đá với những cửa sổ hình vòm không còn nguyên vẹn rất là Hy-Lạp-tính  (sau này tôi mới biết di tích này có tên Odeum of Herodes và khách sạn chúng tôi ở gần đó nên người chủ đặt tên là Herodion Hotel).

Hàng hàng lớp lớp những tảng đá chồng lên nhau trên trái đồi này

Được tiếp cận một di tích lịch sử của Hy Lạp và được tự do chụp hình, tôi cầm máy bấm bấm, ghi vội vài hình ảnh đầu tiên của khu Acropolis, tự hẹn sẽ trở lại bởi còn phải đi lên trên đỉnh đồi xem kỳ quan cổ đại của thế giới: đền Parthenon.

Sự háo hức của chúng tôi đã được đền bù sau khi bước tới cổng (thật ra là tòa nhà có tên Propylaea  đã bị sập chỉ còn cột và tường) dẫn vào đỉnh đồi– một mặt phẳng rộng mà những cột trụ hình khối tròn trông quen thuộc đã xuất hiện từ xa, dưới bầu trời của nắng chiều gay gắt không thể chịu nổi nếu không mang kiếng mát. Người lên, kẻ xuống các bậc đá trông tấp nập. Hình ảnh này tôi đã thấy trên màn ảnh hay trong sách báo, nay hiện ra trước mặt tôi khiến tôi cảm thấy thích thú, thỏa mãn, mệt mỏi giảm bớt.

Propylaea theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là cổng, xây năm 437 trước Công Nguyên. Hai bên Propylea là những tường đá dày của những ngôi nhà không còn mái, những khối đá cẩm thạch tròn cỡ hai người ôm cao chừng một mét được chồng lên nhau, nhưng nằm lệch lòi ra bên ngoài chừng 5 cm, không tráng hồ, thế mà vẫn tồn tại hàng ngàn năm.

Mời bạn đi tiếp và sẽ cùng chúng tôi thấy một kỳ quan cổ đại (*) của thế giới còn tồn tại, dù chỉ là những cột trụ, đà ngang và diềm khung tòa nhà.

Đền Parthenon được xây vào năm 447 trước công nguyên trên một mặt phẳng dài 70m rộng 31m với 48 cột trụ kiểu doric, mỗi cột cao 10m với đường kính 2m do điêu khắc gia Phidis thực hiện.

Một trong những nét đập vào mắt bạn là những tảng đá lớn hình chữ nhật trông hùng vĩ nằm chung quanh sân đồi acropolis cạnh đền Parthenon. Tôi không biết đó là di tích ngày xưa hay là những vật liệu người ta dự trù dùng để tái tạo và phục hồi vì thấy có cắm bảng chương trình restoration thực hiện từ năm 2004 và những dàn giáo ở các đền (cổng) Propylaea và Parthenon.

Phải còn đổ nhiều mồ hôi nữa mới lên tới đỉnh Acropolis

Người ta nói đền Partheon được xây bằng 22,000 tấn đá cẩm thạch trắng. Bạn sẽ thấy những bệ đá, dù nhỏ hay to, được cắt khá bằng phẳng, chồng lên nhau, chẳng có trét xi măng mà có thể đỡ những bức tường, cột trụ và tòa lâu đài. Một số đền tuy chỉ còn cột hay những mảnh tường, nhưng nhờ kỹ thuật vi tính mà người ta vẽ lại mô hình cũ, làm bạn ngạc nhiên và khâm phục kỹ thuật khéo léo và tinh xảo của người xưa.

Đền Parthenon dùng để thờ thần Athena, đó là thời Hy lạp xa xưa.

Khi Thiên Chúa giáo du nhập vào Hy Lạp, đền có lúc là Thánh đường Đức Mẹ của Công giáo,  và với sự phát triển của đế quốc Byzantine sau đó, đền là nơi thờ phượng của Chính thống giáo. Khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng Hy Lạp và lập nên đế quốc Ottoman, đền trở thành nguyện đường Hồi giáo. Đầu thế kỷ thứ 19, đại sứ Anh ở Constantinople là Lord Elgin với sự chấp thuận của người Thổ Nhĩ Kỳ đã bợ không biết bao nhiêu bức tượng, những phù điêu từ đền Parthenon bán cho bảo tàng viện Anh.

Đền Parthenon đã trải qua những trận hỏa hoạn, lụt lội, động đất, chiến tranh và phá hoại đã được trùng tu nhiều lần trong khoảng 2,500 năm qua, nhưng ngày nay vẫn chỉ còn những cột trụ.  Chính phủ Hy Lạp đang cố gắng để phục hồi nhưng ra vẻ chậm chạp vì nhiều lý do trong đó thiếu tiền dù có hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm.

Bên trái đền Parthenon, có đền Erechtheion xây vào năm 424 trước CN. Đền không to lớn nhưng xinh xắn với những hàng cột kiểu cariatic chạm hình những cô gái nô lệ xứ Caria. Đền này thờ hai thần Athena và Poseidon.

Đã tới Đền Parthenon được xây năm 447 trước Công Nguyên vào lúc Đế quốc Athena cực thịnh, bị tàn phá phần nào vào ngày 26.9.1687

Một đền khác nữa trong quần thể đồi Acropolis là đền  nữ thần Nike (có nghĩa chiến thắng). Nike là người tùy tùng của nữ thần Athena. Đền này nằm bên phải cổng vào (tức đền Propylaea) xây theo kiểu kiến trúc Ionic, là một trong những kiến trúc xưa nhất trên đồi Acropolis.

Nhưng xem một lúc, giữa trời nắng kinh hoàng của mùa hè, chúng tôi cảm thấy mệt, kiếm một chỗ ngồi dưỡng sức và ngắm cảnh. Mời bạn tới cái lô-cốt có cột cờ Hy Lạp, nơi cao nhất trên đồi để ngắm cảnh thành phố Athens ở bên dưới.

Sáng nay, khi từ phi trường vào thành phố, thấy hai bên đường có nhiều núi trọc và nhà nằm trên lưng đồi, tôi nói với nhà tôi có cảm tưởng đấy là những nghĩa trang. Đứng trên đồi Acropolis, tôi vẫn còn giữ cảm tưởng đó (nghĩa trang) khi thấy nhà cửa màu trắng cao bằng nhau san sát nhau dưới chân, điều mà tôi không thấy khi từ trên cao nhìn tại các thành phố như Paris, Washington hay Melbourne. Đáng chú ý, Athens không có (nhiều) cao ốc như các thành phố khác, có lẽ do dân số ít (cả nước có khoảng 11 triệu người) và họ muốn duy trì khung cảnh của hàng ngàn năm trước?

Nhìn xuống, tôi thấy gần chân đồi Acropolis một khoảng màu xanh nhỏ (có cây cối) và nhận ra đó là một hí trường khác. Sau này xem bản đồ mới biết đấy là hí trường có tên Theatre of Dionysos,  một hí trường ngoài trời ngày xưa có khả năng chứa 17,000 phục vụ giải trí cho người thời bấy giờ.

2 tiếng đồng hồ giữa trời nắng là quá đủ, bởi đến lúc này chúng tôi đã hoa mắt thấy cột trụ nào cũng giống nhau nên tìm đường trở về nhà và luôn tiện vào xem hí trường Odeum of Herodes  hồi nãy, nhưng đi lạc đường trở về ngõ khác và tới đúng lối vào hí trường.

Một góc khác của Đền Parthenon được xây để kính Nữ thần Athena mà người dân Athens coi như là thần bảo hộ của họ, từ đó thị quốc (và sau này thành phố) có tên Athens

Bây giờ chúng tôi mới thấy đây là sân vào hí trường sắp có những buổi trình diễn văn nghệ dịp mùa hè mà tôi đọc ở báo Hy Lạp  trên đường từ Bangkok tới Athens.

Tôi hỏi những người gác cổng có vào tham quan được không, họ nói không được vì đang dùng cho văn nghệ.  Thấy đám đông  đứng chụm nhau như mua vé, tôi cũng sắp hàng. Để làm gì? Sẽ tính sau vì mình đang lạc vào một xứ lạ, làm tốt hơn nói. Nhưng ra vẻ người ta không sắp hàng như bên Úc.

Cô bán vé nói ít tiếng Anh, lại ưu tiên trả lời cho đồng hương đi tắt hay hỏi ngang khiến tôi đánh liều  hỏi mua đại vé mà chẳng cần biết văn nghệ tối nay là gì.  Chỉ biết cô ta nói chỉ một phần hát, còn lại là kịch (play). Tôi nói với nhà tôi, có một nửa hát là được rồi, còn kịch mình chỉ cần xem động tác của họ, nhưng chủ yếu là được vào ngồi trong một hí viện ngoài trời để hưởng cái thú sống lại một lịch sử mà mình đang vượt cả vạn dặm để xem.

Có hai hạng vé: 15 và 30 Euro.  Chúng tôi mua vé ngồi gần sân khấu để hưởng thú xem văn nghệ sống ở xứ sở nổi tiếng về văn hóa.

Chúng tôi trở về khách sạn thay đồ, ra ngoài đường ăn vội để đến xem buổi văn nghệ bắt đầu lúc 9 giờ tối.

Lúc này vẫn còn ánh sáng nhưng màu vàng úa ở hí trường là do ánh sáng của đèn điện. Chúng tôi choáng ngợp với số người đến xem gần đầy sân, với khung cảnh văn nghệ ngoài trời như đi xem một trận đá banh ở sân vận động. Tuy là ngồi (tầng) ghế đá nhưng có nệm mút nên cũng êm. Tôi ngồi chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của  hí viện cổ  đại và hy vọng sẽ được xem một buổi văn nghệ hứng thú. Xuất hiện trong màn trình diễn đầu là một nhóm gần khoảng 100 người mang những tấm bảng có số 10 đến 99, tôi đoán đấy là những lứa tuổi bởi thấy con nít hai ba tuổi, thanh niên và những ông bà già.

Chân trời Athens là núi đồi trọc bao quanh thành phố trắng xóa dưới ánh nắng hè,
và hí viện Odeum od Herodes (sát đáy hình)

Từng người một ra cầm micro nói vài đoạn với tiếng vỗ tay và cười của khán thính giả. Rồi cứ vậy, họ thay nhau. Cả gần một trăm người lần lượt ra  nói, rồi trở lại nói tiếp. Sau hơn một tiếng đồng hồ nghe như vịt nghe sấm và chẳng có cảm giác gì, tôi thấy hết chịu đựng nổi và nói với nhà tôi cứ bước ra trước mặt mọi người mà về, bởi chắc những người chung quanh sẽ thông cảm mình là người ngoại quốc.

Sau này, mở internet mới biết thêm về hí viện ngoài trời này.

Odeum (hay Odeon) of Herodes được xây vào năm 161 sau CN bởi một nhà quý tộc và hùng biện người Hy Lạp kiêm thượng nghị sĩ La Mã có tên Herodes Atticus  để tưởng nhớ người vợ là Aspasia Annia Regilla. Hí viện được trùng tu lại vào thập niên 1951, dùng đá cẩm thạch trắng và ngày nay là nơi để trình diễn những buổi văn nghệ ngoài trời với sức chứa 5,000 chỗ trong đó có những chương trình mang tính cách quốc tế.

Trong số những nghệ sĩ tên tuổi trình diễn nơi đây có nữ danh ca gốc Hy Lạp Nana Mouskouri trở về trình diễn năm 1984 sau 20 xa quê nhà, và 2 buổi trình diễn của ca sĩ Elton John vào năm 2000. Odeum of Herodes còn là nơi tổ chức của thi Miss Universe năm 1973.

Với lịch sử như vậy, hơn một tiếng đồng hồ ngồi nghe các diễn viên nam phụ lão ấu Hy Lạp nói cũng không đến đỗi là một phí công và phí tiền.

Bạn có thấy chúng tôi “tham lam” không? Nửa ngày đầu ở Hy Lạp mà đã đi tham quan ba nơi cho đáng đồng tiền bát gạo của một chuyến bay gần trọn một ngày! Tôi đã quá mệt và bạn cũng đã đọc quá tải.

Tác giả Nguyễn Hồng Anh trong buổi văn nghệ ngoài trời chiều tối tại hí viện Odeum of Herodes

Làm thế nào để lập chương trình thăm thú và vui chơi cho 6 ngày còn lại ở thành phố Athens này? Mời bạn đọc nghỉ ngơi và hẹn kỳ tới. (Xem thêm một số hình ảnh của kỳ quan cổ đại này ở cuối bài)

—————-

(*) Về cụm từ kỳ quan:

Parthenon không được nằm trong danh sách 7 kỳ quan cổ đại của thế giới (7 ancient wonders of the world) do các sử gia và học giả người Hy Lạp sống trong những thế kỷ trước Công Nguyên đặt ra như là một danh sách dành cho người Hy Lạp đi du lịch. Trong 7 kỳ quan cổ đại nằm trong vùng Địa Trung Hải, chỉ còn Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập là còn tồn tại nguyên vẹn. 6 kỳ quan khác không còn để lại dấu vết gì gồm: Vườn treo Babylon ở Iraq; Tượng thần Zeus ở Olympia, Hy Lạp; Đền Artemis at Ephesus ở Thổ Nhĩ Kỳ; Lăng Halicarnassus ở Thổ Nhĩ Kỳ; Tượng khổng lồ Rhodes ở Hy Lạp và Hải đăng Alexandria ở Ai Cập.

Parthenon được liệt trong danh sách 7 kỳ quan trung cổ bị bỏ quên (7 forgotten medieval wonders) do người đời sau đặt ra trong đó có đền Angkor Wat ở Cam Bốt và đền Taj Mahal ở Ấn Độ.

Một danh sách khác mang tên 7 kỳ quan trung cổ (7 medieval wonders) gồm Stonehenge, Colosseum, Catacombs of Kom el Shoqafa, Great Wall of China, Porcelain Tower of Nanjing, Hagia Sophia, Leaning Tower of Pisa. Nói rằng danh sách này được lập ra thời trung cổ (Middle Ages) nhưng không có bút tích nào lưu lại để chứng minh vì khái niệm trung cổ chỉ mới xuất hiện và phổ biến từ thời phục hưng (Enlightment) mà thôi.

Năm 2007, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ đã tổ chức một cuộc bình bầu  để chọn ra danh sách 21 kỳ quan vào chung kết 7 kỳ quan hiện đại  của thế giới (7 new wonders), với kết quả: Great Wall of China, Petra, Christ the Redeemer, Machu Picchu, Chichen Itza, Colosseum, Taj Mahal. Bởi Ai Cập phản đối vụ bình bầu này nên tổ chức New7Wonders Foundation của ông Bernard Weber đã cho Kim tự tháp Giza nằm trong danh sách danh dự (Honorary Candidate).

Nhưng nói cho cùng, nếu bạn tham quan một di tích nào mà cảm thấy nó là kỳ quan, thì nó là kỳ quan của bạn.

 

Vài hình ảnh khác tác giả chụp ở đồi Acropolis: