Hy Lạp; Olympia, thánh địa của thần và thế vận hội (kỳ 6)

08 Tháng Chín, 2010 | Hy Lạp
Cách đây 2786 năm, cuộc thi Olympic lần đầu tiên được tổ chức tại sân vận động này. Ngày nay, chỉ còn là nơi để du khách đến thăm viếng và tổ chức lễ rước đuốc thiêng mỗi khi có Thế vận hội

Nguyễn Hồng-Anh

***

Hy Lạp là nơi có 2 kỳ quan thế giới cổ đại: Statue of Zeus at Olympia (Gọi là Tượng thần Zeus ở Olympia vì ở Athens cũng có Tượng thần Zeus. Tượng ở Olympia cao 12 mét, do điêu khắc gia Hy Lạp Phidias hoàn tất năm 432 trước CN đặt trong đền Temple of Zeus) và Colossus of Rhodes  (tượng thần Hy Lạp Helios khổng lồ ở đảo Rhodes của điêu khắc gia Chares of Lindos được dựng trước cửa biển đảo Rhodes khoảng năm 280 trước CN, cao trên 30 mét nên thuyền bè có thể qua lại dưới hai chân tượng), nhưng cả hai chẳng còn lại vết tích gì.

Đảo Rhodes gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ hơn đất liền Hy Lạp, đi tàu đò thường phải mất 16 tiếng đồng hồ trong khi đó, đi Olympia nằm ở phía tây Athens bằng xe hơi chỉ mất khoảng 4 tiếng.

Rhodes là một trong những hòn đảo lớn nhất của Hy Lạp, đẹp, có một lịch sử dài và phong phú, nhưng quá xa. Chúng tôi chọn Olympia, thánh địa của thể thao, nơi phát sinh ra Thế vận hội ngày nay- Olympic. Biết rằng nhà cửa, đền đài không còn nhưng những tảng đá, cột trụ còn nằm trong quần thể của khu di tích khảo cổ Olympia rất đáng để chúng tôi tới xem.

Chúng tôi còn kết hợp chuyến đi Olympia với địa danh Sparta ở phía nam, nghe nói đi mất thêm 4 tiếng nữa. Trở về khoảng 4 tiếng, tổng cộng sẽ ngồi trên xe chừng 12 tiếng đồng hồ, đó là nói di chuyển bằng xe hơi hay xe taxi.

Sử dụng phương tiện công cộng thường ít tốn kém, nhưng tốn thời giờ. Bạn phải đi từ khách sạn ra bến xe trung ương, mua vé tới Olympia và còn tùy thuộc giờ giấc của chuyến xe—xe lửa cũng như xe đò. Một ngày mà muốn đi hai nơi, không còn cách nào khác ngoài thuê xe riêng.

Chúng tôi được nghe rằng, đoạn đường từ Athens tới Olympia dài khoảng 300 cây số. Có những dịch vụ tư nhân chở du khách bằng xe du lịch bao đi và về trong ngày, giá 300 Euro cho 2 người. Nếu gọi taxi, một chuyến đi tốn khoảng 230 Euro.

Chúng tôi nhờ khách sạn gọi bất cứ một taxi nào đó để trả giá đi và về nhưng họ nói có thể giúp bằng cách mướn một xe tư nhân để chuyên chở. Tài xế là một thanh niên, là người quen của nhân viên khách sạn, rành tiếng Anh nhưng không phải là hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Giá cả: 350 Euro (khoảng 540 Úc kim) chở tới Olympia, sau đó tới Sparta và trở về Athens, dự trù khởi hành 6 giờ 30 sáng và về khách sạn 12 giờ khuya. Chúng tôi có thể yêu cầu tài xế ngừng bất cứ chỗ nào trên đường đi, ở lại địa điểm nào lâu bao nhiêu, ngay cả đổi địa điểm tham qua, miễn là tài xế phải trở về Athens trước 12 giờ khuya.

Nghe qua thấy đắt, nhưng suy đi tính lại, thấy 350 Euro cho một ngày chạy khoảng 1,000 cây số là cũng đáng đồng tiền.

 

Từ Athens đi Olympia

6 giờ 30 sáng, người tài xế khoảng 25 tuổi đã đợi sẵn chúng tôi ở lobby của khách sạn. Anh giới tên George.

Vì hai thành phố Olympia và Sparta so với Athens nằm ở vị trí như hai chóp của một hình tam giác, hôm qua nhân viên khách sạn đề nghị chúng tôi đi Sparta trước, sau đó mới đi  Olympia, vì như vậy trở về ngắn đường hơn.

Tôi hỏi thành phố Sparta có di tích gì không, George nói chẳng còn gì ngoài bức tượng đồng dựng để tưởng nhớ vua Leonidas, nhưng gần đó có thành phố cổ Mystras cũng đáng xem. Tôi chưa nghe tên Mystras, nhưng nghĩ rằng Olympia là nơi đáng xem nhất do đó cần phải dành nhiều thì giờ xem lúc trời còn sáng dù nắng, còn Sparta hay Mystras hãy dành cho buổi chiều hay tối. George đồng ý.

Xe rời thành phố bằng xa lộ, hướng Paramos. Sau 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi ngừng ở một trạm giữa đường để ăn sáng. Hôm nay chúng tôi đi sớm, được hưởng một buổi sáng mát mẻ ở một nhà hàng nằm mé đường bao bọc bởi núi đồi ít cây. George cho biết những ngọn đồi quanh đây là nơi người ta đi núi tuyết vào mùa đông. Tôi cứ ngỡ rằng ở Hy Lạp chỉ có nóng quanh năm. George nói những ngọn núi này giúp Athens chống lại quân đội của những thị quốc ở phía nam, là nơi xảy ra những trận đánh ác liệt trong lịch sử Hy Lạp trước công nguyên.

Chúng tôi tiếp tục lên đường. George cho biết thay vì dùng quốc lộ sẽ nhanh hơn, anh sẽ lái đi đường đèo để chúng tôi ngắm cảnh rừng núi và thung lũng. Bây giờ chúng tôi mới biết rằng Hy Lạp có nhiều rừng chứ không phải chỉ những đồi trọc như khi ở Athens.

Xe ngừng tại một thị trấn giữa đèo có tên Lagavia thuộc ngọn núi Menalo. Phong cảnh ở đây trông giống những thị trấn ở dãy núi Pyrénée ở miền nam nước Pháp. Ở đoạn có cư dân, một bên nhà cửa trên đồi một bên quán xá mé thấp khiến đường lộ rất hẹp, hai xe lớn không thể tránh nhau được, là hình ảnh thường thấy ở phố cổ Âu Châu.

Làng Lagavia trên ngọn núi Menalo. Hình trái, một đoạn đường hẹp trong thị trấn nghỉ mát trên đường đi Olympia

Ở đây có trưng bày đồ kỷ niệm và thực phẩm. Tôi hỏi George ngoài dầu ô-liu, Hy Lạp có những thứ gì khác đáng mua đối với du khách, George nói mật ong ở ngọn núi này là đặc sản nổi tiếng bởi chỉ có nơi đây mới làm mật từ cây Christmas Tree, mở ra cất lâu không bị đóng cục thành đường như các loại mật ong khác. Chúng tôi mua một chai nhỏ chừng 350ml, nhưng sau hai tuần cất trong vali đi đó đây, nắp bị xì phải dục bỏ.

Sau đoạn đường đèo, bắt đầu thấy thị trấn Ancient Olympia. Hai bên có tiệm buôn và nhà trọ. Phố xá chỉ kéo dài chừng một cây số trên đoạn đường này. Thêm vài cây số nữa mới tới  bến xe nằm trước khu di tích gọi là Sanctuary of Olympia.

Quanh bến xe có nhà hàng và nhà trọ.

Lúc này là 11 giờ 30. Đi đường mất đúng 4 tiếng đồng hồ. George dẫn chúng tôi tới tòa nhà có tên “Museum of the History of the Olympic Games in Antiquity”, tức bảo tàng viện lịch sử thế vận hội thời cổ đại”. Du khách được phép chụp hình với điều kiện không xài đèn chớp và không được chụp các cổ vật với người đứng cạnh. Bạn sẽ được xem tượng điêu khắc các vị thần, những đồ dùng bằng đồng và sứ của thời vài trăm năm trước và sau công nguyên, tượng hay đá tạc danh sách những lực sĩ đã chiếm giải trong các kỳ Olympic cổ đại.

Sau nửa tiếng tham quan, George dẫn chúng tôi ra bên ngoài, chỉ con đường dẫn tới cây cầu trước mặt, bảo đó là đường vào khu khảo cổ và bảo tàng viện. Anh nói sẽ ngồi bên ngoài đợi đúng hai tiếng vì đường đi thành phố Sparta còn xa.

Thế là chúng tôi chỉ có 2 tiếng, mà phải đi xem hai nơi. Tôi cho rằng ưu tiên vẫn là hiện trường của di tích, tức  khu khảo cổ có tên “Archeological Site of Olympia”, một khu vực nằm giữa nhánh sông Alpheios và chân đồi Kronos.

Tới gần cầu, thấy một khu đất bằng phẳng nhiều cây cối, ngọn đồi xa xa cuối rừng cây. Đây Olympia—“làng thế vận hội” của mấy chục thế kỷ trước.

Vé vào cửa: 6 Euro cho một nơi. 9 Euro cho cả archeological museum và archeological site.  Vào khu (đất) khảo cổ này, du khách không được mang theo túi lớn (bag), phải bỏ lại ngoài cổng, cất trong hộc tủ có chìa khóa riêng.

Khu di tích lịch sử  archeological site này đã có người sinh sống từ 3000 năm trước Công Nguyên, nhưng đến khoảng thế kỷ 16 trước CN thì bắt đầu có nhiều người đến định cư. Các tòa nhà bắt đầu được xây từ thế kỷ thứ 7 và đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ thứ 4 trước CN.

Theo bảng hướng dẫn trước cổng vào, tên của vùng này ban đầu được đặt để kính thần Zeus Olympios. Zeus là vị thần của mọi thần. Olympic Games đầu tiên diễn ra vào năm 776 trước CN và sau đó được tổ chức mỗi 4 năm một lần. Nhưng sau này có người diễn giải olympia hay olympiad, theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là 4 cho nên từ Olympic phát xuất từ đấy. Tiếng Việt dịch là Thế vận hội, không dính dáng gì với nguyên ngữ Olympic.

Người ta nói rằng trận đấu Olympic đầu tiên là một hiệp ước hòa bình giữa Elis (khu đất Olympia nằm trong quận/thị quốc Elis) và Sparta nhưng sau đó các thị quốc (hay bang quốc, state city) khác đều được mời như là một dịp để hưu chiến, tạm chung sống hòa bình.

Ban đầu, các trận Olympic kéo dài 3 tháng mùa hè, về sau chỉ còn 5 ngày. Mọi người đều được tham dự ngoại trừ nô lệ và đàn bà. Phụ nữ đi xem đấu bị phát hiện, sẽ bị quẳng xuống khỏi dốc đá.  Đặc điểm của Olympic cổ đại là các lực sĩ trần truồng khi thi đấu.

Năm 394 sau CN, Hoàng đế La Mã Theodosius I, một người theo đạo Thiên Chúa đã cấm vì ông cho rằng Olympic Games bị ảnh hưởng của dị giáo. Sau 1500 năm gián đoạn, đến năm 1896, bá tước người Pháp Pierre de Coubertin cho tổ chức lại Olympic đầu tiên tại thành phố Athens và từ đây đại hội thể thao này mang tính cách toàn cầu, được gọi bằng tiếng Việt là Thế vận hội, diễn ra 4 năm một lần tại những thành phố do Ủy ban Thế vận hội chọn, ý nghĩa và lý tưởng vẫn giữ nguyên, nhưng không còn cảnh thi đấu trần truồng như xưa.

 

Giấc ngủ ngàn năm

Bẵng một thời gian dài, nơi từng là kinh đô thể thao của Địa Trung Hải không còn ai nhớ tới. Hết người La Mã, người Hy Lạp tới người Thổ, họ thay nhau cai trị lãnh thổ Hy Lạp, nhưng chẳng còn ai nhớ tới Olympia.

Cả khu vực Olympia nằm yên dưới lòng đất một thời gian dài cho đến khi các nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1829. Nhưng nhiều cổ vật đã bị lấy đi, tản mác khắp nơi. Rồi một cuộc khai quật quy mô được thực hiện từ năm 1875 do chính phủ Đức tài trợ và từ đó đến nay đã tìm được trên 14,000 di vật hiện đang được trưng bày tại bảo tàng viện kế cận.

Trong khu đất gọi là sanctuary này chỉ còn lại đất và đá, mời bạn cùng chúng tôi bước vào xem, moi lại ký ức qua những hình ảnh đã thấy trên sách báo và so sánh với những gì thấy trước mặt, gồm những họa đồ và hình ảnh các tòa nhà thời xa xưa được dựng lại bằng kỹ thuật điện toán digital.

Trời nắng chói chang, hoa cả mắt nhưng bạn hãy cùng đi với chúng tôi, xem được chừng nào tốt chừng đó.

Khu đất này tựa hình chữ nhật. Mới vào, bạn sẽ gặp ngay khu có tên Gymnasium là tòa nhà để các lực sĩ tập luyện, nay chỉ còn những cột trụ đứng tương đối thẳng hàng.

Đi thêm một đoạn, sẽ thấy 3 cột trụ cẩm thạch màu ngà với đà ngang gác trên chóp các cột trụ trông khá đẹp mắt dưới trời nắng hanh: đây là Philippeion với những gì còn lại của tòa nhà hình tròn mà vua Phillip II of Macedon đặt làm vào năm 338 trước CN để tưởng nhớ ông, nhưng chỉ được hoàn tất bởi người con là Alexander Đại Đế.

Philippeion, tòa nhà để tưởng nhớ cha của Alexander Đại Đế

Sau đó, bạn sẽ gặp Temple of Hera, là đền lâu đời nhất trong khu đất linh thiêng này. Hera là vợ của thần Zeus. Đền rộng 50m x 18.75m, cao 7.80m, nhưng nay chỉ còn các dãy cột đá.

Theo truyền thuyết, đây là nơi cất giữ đĩa Hưu chiến Linh thiêng.  Bởi vậy, nếu bạn xem truyền hình các cuộc lễ rước lửa thiêng Olympic, sẽ thấy diễn tại Temple of Hera cảnh các nữ tư tế lấy ngọn lửa từ cái đĩa tạo ra ánh mặt trời, sau đó châm vào cái bình (vase) nhỏ rước tới sân vận động để cử hành lễ.

Đi qua khỏi mô đất lót đá hai bên và có cái vòm, bạn sẽ thấy một khoảng đất rộng lớn hình chữ nhật, ba bề là rừng cây và đồi núi. Đó chính là Stadium  được hình thành vào giữa thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, nơi diễn ra các trận thi đấu thời cổ đại.

Sân này dài 192.27m rộng 28.50m. Hai bên bờ là đất đắp cao chứ không có dãy ghế ngồi, ngoài một nền đá dành cho các giám khảo. Sân vận động này có khả năng chứa 45,000 người.

Mỗi lần tổ chức thế vận hội, nghi lễ chào cờ sẽ diễn ra tại sân này. Sau đó nữ tư tế sẽ đưa bình lửa thiêng để một vận động viên châm đuốc thế vận hội. Rồi vị nữ tư tế đưa cho vận động viên một cành ô-liu. Sau khi cúi chào, vận động viên cầm đuốc và cành ô-liu chạy một vòng trong sân, xong rước đuốc về thành phố Athens, chạy quanh nước Hy Lạp  và ở một số quốc gia trước khi mang ngọn đuốc thiêng này tới thành phố của quốc gia đăng cai.

Bạn hãy cùng chúng tôi trở lại trước cổng Stadium, quẹo trái để tiếp tục đi nốt con đường mòn bên mép trái của khu đất hình chữ nhật này. Nhưng trời nóng quá, hãy cùng chúng tôi ngồi nghỉ trên những phiến đá dưới bóng cây đang là “ghế đá công viên” cho các du khách, xem những giòng chữ Hy Lạp cổ, không cần hiểu người xưa viết gì mà chỉ để tưởng tượng mình đang sống lại, ngồi trên những di tích lịch sử của một nền văn minh có ảnh hưởng rộng lớn đối với nhân loại.

Tiếp tục đi, sẽ gặp di tích có tên Echo Portico, một tòa nhà nổi tiếng về độ vang âm bởi một khi hát hay nói, âm thanh vang dội đến 7 lần. Lại cũng chỉ còn cột và đá tảng, bởi nhà cửa đền đài thời đó tường là những tảng đá chồng lên nhau và mặt tiền là một dãy những cột trụ hình khối tròn.

Bây giờ hãy quẹo trái trở ngược ra hướng cổng. Bên tay phải bạn là Temple of Zeus.

Tòa nhà này là nơi chứa một trong 7 kỳ quan cổ đại của thế giới: The Statue of Zeus, nhưng tượng đã biến đâu mất, không còn lưu một dấu vết gì. Tòa nhà gọi là Đền Thần Zeus  nay chỉ còn là những tảng đá nằm ngổn ngang ngay chính giữa  khu di tích lịch sử này. Theo hình vẽ được lưu trữ ở Bảo tàng viện Anh, Đền Thần Zeus dài 64 mét rộng 27 mét, mất 10 năm để làm và xong năm 456 trước CN. Mái đền làm bằng đá cẩm thạch, phần còn lại bằng đá khối địa phương tô vữa stucco. Các cột trụ có đường kính 2 mét và cao đến 10 mét.

Tượng Thần Zeus nếu bạn thấy đâu đó trên sách báo, chỉ là hình vẽ do sự tưởng tượng của họa sĩ.  Truyền thuyết nói rằng Tượng Thần Zeus làm bằng vàng và ngà, cao 12 mét do điêu khác gia Pheidias thực hiện, đặt bên trong đền.

Đền Thần Zeus bị sập do động đất hồi thế kỷ thứ 6 sau CN. Đá còn đây, đền và tượng đâu rồi? Nhưng dẫu sao chúng ta cũng đã được thấy chút ít vết tích còn lại của một kỳ quan của thế giới cổ đại.

Mời bạn đi tiếp, bên trái là Leonidaion, một tòa nhà hình vuông 75m x 81m  xây vào năm 330 trước CN dành cho các viên chức cư ngụ.

Quẹo góc phải, bạn sẽ gặp bức tường dài và cao màu gạch đỏ, là một di tích còn giữ được một phần khá lớn của tòa nhà xưa. Đây là xưởng có tên Workshop of Pheidias. Tượng Thần Zeus được làm tại đây vào khoảng năm 430 trước CN. Những cuộc khai quật nơi đây cho  thấy có đồ gốm, khuôn đúc tượng và ly tách khắc tên ông Pheidias.

Chúng ta đã tới gần hướng cổng ra vào. Bảng vẽ trước cổng ghi khu này có trên 20 di tích nhưng chúng tôi chỉ ghi ra vài di tích tiêu biểu vì không thể xem hết. Người tài xế hẹn chúng tôi 2 giờ chiều ngoài bãi đậu xe. Chúng tôi đã đi đúng một tiếng vòng quanh khu khảo cổ này. Tạm hài lòng vì trời nóng và thời gian giới hạn.

Mời bạn đi qua khu bảo tàng có tên Archeological Meseum, nằm trên cùng một con đường, mất chừng 10 phút đi bộ.

Bạn được chụp ảnh không bỏ flash nhưng không được chụp hình của mình đứng cạnh các cổ vật.  Bảo tàng viện có máy lạnh sẽ làm bạn dịu người lại sau một giờ ngoài trời nóng. Mời bạn đi một vòng xem những cổ vật bằng đá cẩm thạch, đá vôi, đồng, tượng của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, những hoàng đế La Mã, những nhân sĩ nổi tiếng của Hy Lạp, những dụng cụ chiến tranh, các chai lọ, đồ gồm trang trí v.v… nói chung những thứ mà bạn không thể bắt gặp ở khu khảo cổ ngoài trời.

Chúng tôi vào quán ăn trong bảo tàng viện mua thức ăn và nước uống dùng cho bữa trưa, hơi đắt so với giá cả ở thành phố Athens.

Ra bến xe gặp George, lúc này đã 2 giờ rưỡi. Anh vội vàng đưa chúng tôi lên đường đi Mystras kẻo sợ trễ, nhưng xui là anh đi lộn đường (xe không có GPS), nên chạy lui tới mất cả 15 phút. Hỏi đồng hương trên đường vài lần, cuối cùng anh cũng tìm ra lối đi, giải thích rằng vì anh muốn đi tắt nên lộn đường. (còn tiếp)

* * *

OLYMPIA: Hình ảnh Hy Lạp qua một chuyến du lịch của tác giả N.H.A.

Đường vào thánh địa Olympia: Qua khỏi cây cầu này là khu khảo cổ
và bảo tàng viện, được ngăn cách bởi con sông và ngọn núi thấp.

Tham quan: Một đoàn du khách người Tây Ban Nha được hướng dẫn viên đưa vào khu khảo cổ Archeological Site of Olympia

Workshop of Pheidias: các di tích khai quật cho biết đây là xưởng đúc
Tượng thần Zeus bằng vàng và ngà cao 12 thước.

Temple of Zeus & Statue of Zeus: Tượng Thần Zeus ở Olympia là một kỳ
quan thế giới cổ đại, nhưng nay chỉ còn là những tảng đá ngổn ngang.

Temple of Hera: nơi giữ cái đĩa linh thiêng (Sacred Disk) thời cổ đại và
nay là nơi đốt lửa bằng ánh mặt trời để mồi cho ngọn đuốc Olympic.

Stadium: các nữ tư tế sẽ theo con đường này vào sân vận động ở phía
sau cổng mái vòm để chính thức cử hành nghi thức khai mạc trao đuốc
thiêng. Olympic đầu tiên diễn ra tại sân này vào năm 776 trước CN.

Archeological Museum of Olympia: Các du khách xem họa đồ khu khảo
cổ triển lãm trước cửa vào bảo tàng viện. Hình vẽ chữ nhật màu đỏ góc
phải là sân vận động. Hình đen trắng trên tường: không ảnh khu khảo cổ.