Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới Ai Cập (kỳ 1)

03 Tháng Chín, 2010 | Ai Cập
Hồ bơi có hòn đảo nhỏ ở giữa dùng làm quán ăn uống cho khách. Từ đây có thể thấy kim tự tháp Kephren (phải) và Mycerinus. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Ngồi trên máy bay Olympic từ Athens qua Cairo, chúng tôi là người Á Châu duy nhất. Quan sát làn da và nét mặt của các hành khách, chúng tôi nghĩ họ là người Ai Cập, Hy Lạp và có thể từ những nước khác ở Trung Đông. Không thấy người mặc y phục cổ truyền Á Rập.

 

Ai Cập huyền bí?

Dù chuyến bay chỉ mất 2 tiếng đồng hồ nhưng do bay buổi chiều, hành khách được phục vụ ăn tối. Thấy xe thức ăn đã đi tới nửa khoang máy bay nhưng trên xe đẩy không có bia rượu như các chuyến bay khác, tôi cảm thấy mình đang đến một xứ khác lạ so với những chuyến đi trước. Nhưng ăn tối mà không có bia rượu, tôi cảm thấy thiếu thốn nên đánh bạo hỏi, vì đây là hãng máy bay của Hy Lạp. Tiếp viên thò tay bên trong thùng xe đẩy rút cho tôi một lon bia. Sau đó thấy có vài người gọi rượu. Chỉ vài người thôi.

Máy bay vừa chạm đường băng, có tới một nửa hành khách vỗ tay. Tôi thắc mắc vì thấy máy bay chẳng gặp trục trặc gì, không hiểu đây là tập tục của người Hy Lạp hay Ai Cập. Đang ngồi trên máy bay mà đã thấy có những chuyện khác thường, tôi tưởng tượng sẽ có những chuyện lạ lùng chờ đón chúng tôi từ xứ được mang danh là Ai Cập huyền bí.

Cũng xin lưu ý bạn đọc: công dân mang thẻ thông hành Úc vào Ai Cập phải có visa, có thể xin thị thực visa tại phi trường, nhưng chúng tôi đã ra Tòa Lãnh sự Ai Cập ở đường Lonsdale trên phố nộp khoảng 40 đô để xin visa 3 tháng. Cũng nên biết du lịch Ai Cập (xứ thuộc Phi Châu) và những nước Trung Đông đóng bảo hiểm cao khoảng gấp rưỡi  so với các nước khác vì vấn đề an ninh, khủng bố.

Nhưng thủ tục di trú và quan thuế đơn giản. Mẫu đơn chỉ hỏi tên, ngày sinh, số thẻ thông hành và địa chỉ sẽ ở lại. Không hỏi mang theo bao nhiêu tiền và không xét vali.

Hồ bơi có hòn đảo nhỏ ở giữa dùng làm quán ăn uống cho khách. Từ đây có thể thấy kim tự tháp Kephren (phải) và Mycerinus. Hình: TVTS

Qua khỏi quày di trú, tôi ghé vào toilet thấy có người gác cửa không mang đồng phục, mặt mày không sáng sủa cho lắm. Anh ta đưa tay mời vào. Bước ra, thấy anh  ta đưa cho miếng giấy chùi tay là biết “có chuyện” bởi tay kia anh ta chìa ra xin tiền. Ấn tượng ban đầu về Ai Cập là thế, xảy ra ngay tại phi trường quốc tế Cairo chứ không phải ở những làng thôn xa xôi hay khu di tích lịch sử. Và vì thế những nhận xét không tốt của những người từng du lịch ở đây hiện về với tôi.

Thật vậy, không hẳn lúc nào trong túi du khách cũng có sẵn tiền lẻ để cho mỗi khi đi toilet. Có những toilet đầy phân bẩn thỉu cũng có người gác và đưa tay xin tiền. 4 ngày ở xứ huyền bí này làm trục giao thông trong cơ thể tôi bị bí đường với cái trò bất cứ cầu tiêu công cộng nào cũng có người đứng gác, thậm chí ở Bảo tàng viện Cairo có bảng yêu cầu đừng cho người đòi tiền khi đi cầu nhưng người Ai Cập ở Cairo và Alexandria cứ tỉnh bơ như người Hà Nội.

Vì thế tôi đã phải làm một “nàng (dân biểu) Kiều Mộng Thu” bất  đắc dĩ,  nín tè đến độ bị… đái rắt. Chưa hết, cả hai vợ chồng chúng tôi còn bị thêm bệnh tiêu chảy mà hầu hết những người du lịch Ai Cập tôi quen biết đều đã kinh qua như  một số người đã gặp phải khi du lịch Việt Nam. Một người bạn học cùng trường cũ của tôi nói trong phái đoàn đi tour của anh sau khi rời Ai Cập có một người phải nhập viện vì bị Tào Tháo rượt. Bạn hãy tưởng tượng bệnh tiêu chảy hành hạ cả tuần lễ làm chuyến du lịch mất hứng thú. Cho đến khi ra khỏi Ai Cập chúng tôi vẫn còn ám ảnh với chuyện tiểu tiện và đại tiện.

 

Nhân viên nhà nước?

Sau khi đổi tiền, bước ra khu cách ly là đã 10 giờ đêm. Định tìm một nhân viên trong phi trường hỏi giá taxi bao nhiêu để khỏi bị hớ thì một bà ăn mặc lịch sự có bảng hiệu trên áo đến hỏi thăm chúng tôi cần gì, rồi cho biết bà ở đây để giúp du khách và giới thiệu chúng tôi với một nhân viên của bà.

Ông này mặc vét, mang kiếng cận mời chúng tôi lên lầu. Chúng tôi thấy đã khuya nhưng cứ thử để xem họ sẽ giúp mình như thế nào. Ông mời chúng tôi ngồi xuống, thuyết trình làm chúng tôi có cảm tưởng đang gặp một mại viên giới thiệu các chương trình cho vay tiền mua nhà hay bán bảo hiểm.

Nhìn trang trí của căn phòng, tôi nghĩ đây là một công ty tour guide có giấy phép nên mới có văn phòng mở ngay trong phi trường, bèn hỏi có phải ông vừa nói ông là người của chính phủ không, ông ta xác nhận đúng vậy. Tôi  nghĩ đấy chỉ là lối sử dụng ngôn ngữ không chính xác nhưng cũng kiên nhẫn ngồi nghe.

Nhưng ông ta hỏi như thẩm vấn làm tôi chột dạ. Qua đây ở lại bao nhiêu ngày? sau đó đi đâu? Tôi trả lời sẽ đi thăm Do Thái (Israel)  nhưng ông ta sửa lại “visit Jerusalem” làm tôi đờ người nhưng cũng ráng đỡ lời “Yes, Jerusalem” mặc dù sau đất thánh Jerusalem, chúng tôi còn định đi những thăm nơi khác ở nước Do Thái. Qua sự việc này, tôi nghĩ phải cẩn thận khi nhắc tới Do Thái ở vùng này.

Chó nghiệp vụ đang ngửi quanh xe trước khi các cột sắt được hạ để khách vào cổng khách sạn. Hình: TVTS

Ông “nhân viên nhà nước” mở cuốn album thao thao bất tuyệt, giới thiệu những chuyến đi tour, nói rằng chính phủ Ai Cập cử ông giúp các du khách tránh bị những người khác lợi dụng, lừa gạt, đặt giá cao, xin tiền típ v.v… Ông nói tràng giang đại hải về các tour, tôi chận lại, nói rằng chúng tôi chỉ ở Cairo có 4 ngày nên không thể đi nhiều, dự trù sẽ đi hai nơi là kim tự tháp và thành phố Alexandria, nhưng trước hết là muốn về khách sạn sớm để nghỉ ngơi bởi đã trễ lắm rồi.

Ông cho biết bao một chuyến xe đón chúng tôi từ khách sạn tới kim tự tháp và trở về giá 50 Úc kim;  xe van có máy lạnh, ghế ngả lưng, có tài xế và hướng dẫn viên du lịch riêng, nhưng vé vào cửa và xem những thứ khác chúng tôi phải chịu. Nghe giá cũng tạm được. Ông đề nghị ngày hôm sau đưa đi Alexandria bằng xe van có máy lạnh giá 270 Úc kim.

Chúng tôi chỉ chấp nhận đề nghị đầu, những chuyến thăm thú khác sẽ suy nghĩ lại và liên lạc sau. Chúng tôi ký giấy, đóng tiền cho chuyến đầu tiên thử xem sao. Bây giờ thì đã rõ văn phòng này có tên Captain Tours. Chúng tôi tạm yên tâm vì trong biên lai có ghi chú nếu không thỏa mãn hay có vấn đề gì với người hướng dẫn, hãy gọi cho số điện thoại…

Ở đây họ nhận cả tiền Úc, tính theo hối xuất trong ngày. Ông cho biết, giờ này đã khuya, đón xe taxi khó, nên ông giới thiệu một người lái xe đưa chúng tôi về khách sạn giá 35 Úc kim, bởi vì đường dài đến 38 km, và nói cho tài xế tiền típ hay không là tùy ý.

Rồi “ông nhân viên nhà nước” nhờ một nhân viên dẫn chúng tôi ra xe. Ông này nói “Welcome to Cairo” và giành cái va li từ tay tôi, kéo ra đường, bỏ lên xe và nói ngay “Would you please give me any tip?”. Có sẵn tiền lẻ vừa mới đổi, tôi đưa cho ông 4 pounds Ai Cập, gần 1 đô Úc.

Nhà tôi bảo “ông nhân viên nhà nước” vừa nói giúp du khách tránh bị xin tiền típ, nhưng đã bị xin ngay tại chỗ. Cái màn giành vali từ tay du khách, kéo chỉ vài mét để xin tiền típ xảy ra hàng ngày và mọi nơi ở trong thời gian chúng tôi ở Ai Cập.

 

Ở 5 sao trả tiền 3 sao

Chúng tôi đã không chọn khách sạn ở trung tâm thành phố Cairo bởi nghe nói thành phố này chật chội và bụi bặm. Tôi book khách sạn Le MERIDIEN Pyramids nằm ở vùng Giza, nghe nói sát kim tự tháp bởi thấy trong quảng cáo trên internet, hình chụp từ hồ tắm khách sạn thấy được tháp. Chúng tôi đến Ai Cập với mục đích thăm viếng kỳ quan cổ đại duy nhất còn tồn tại nên thấy không cần ở gần phố, vả lại chúng tôi còn dự tính đi thăm thành phố Alexandria cách cả 200 km nên trọ ở đâu cũng được. Thấy khách sạn Le MERIDIEN quảng cáo 5 sao mà tiền phòng  $127 Mỹ kim/đêm thì quá được.

Từ phi trường về khách sạn mất khoảng 50 phút. Ông tài xế này hầu như không nói được một chữ tiếng Anh nào ngoài tiếng cám ơn nên ngồi trên xe chẳng hỏi gì được. Tới cổng khách sạn, tài xế xuống xe, một nhân viên an ninh mở cốp xe khám trong khi một người khác dẫn chó đi quanh xe ngửi, xong mới bấm cho 4 cọc sắt chận thụt xuống sát đường cho xe chạy qua, làm tôi thấy chẳng khác nào cảnh vào cổng Điện Buckingham ở Anh hay trụ sở Quốc hội Nhật.

Chưa hết, đến cửa khách sạn, phải giao vali cho an ninh, túi xách tay phải thả vào máy scan, còn khách thì đi qua khung dò an ninh y hệt như ở các phi trường. Tôi thấy mà phát ớn, nhớ lại hình như chính phủ Úc có khuyến cáo công dân Úc nên cẩn thận khi sang Ai Cập vì nguy hiểm khủng bố.

Thông thường, phải hạ một sao đối với quảng cáo trên internet. Nhưng nhìn từ bên ngoài đến bến trong, khách sạn này đúng là 5 sao, chỉ ngặt một nỗi xa trung tâm thành phố. Những người khuân xách mặc đồng phục tươm tất đem vali lên tận phòng cho bạn. Qua các hành lang, thấy nhiều công nhân đang từng cặp ngồi chùi những bình hoa lớn, những bức tượng, trông quá nhàn rỗi. Có đến hai ba thang máy rộng thênh thang ở mỗi tầng, và có người mặc đồng phục rườm rà đứng bên cửa thang máy mời khách vào.  Nhân viên nào cũng nói “Welcome to Le MERIDEN”. Phòng rộng gần gấp đôi phòng ở Athens, nhưng lại cũng là 2 cái gường đơn. Đã gần 12 giờ khuya, chúng tôi xuống xem hồ bơi quảng cáo trên internet. Lớn và đẹp, ban ngày chắc còn đẹp hơn, nhưng tôi hơi ngạc nhiên với bảng lưu ý không được tắm sau khi mặt trời lặn (after sunset). Tôi lại thắc mắc không biết đây có phải là lý do phong tục hay tôn giáo, nhưng sau này được một nhân viên an ninh hồ bơi giải thích vì trời tối mà hồ rộng, khó kiểm soát do đó nguy hiểm cho khách tắm về đêm.

Chúng tôi ghé qua quầy tiếp tân để hỏi vài chuyện.  Trước hết tôi nói khi book khách sạn chúng tôi yêu cầu phòng double bed vì chúng tôi là vợ chồng mà tại sao lại cho chúng tôi giường đơn kiểu twin share như những người đi tour. Anh nhân viên trẻ xin lỗi, nói khách sạn không còn phòng loại đó, khi nào có sẽ đổi cho chúng tôi ngay.

Tiền phòng bao luôn ăn sáng kiểu buffet. Tôi hỏi giờ, họ nói từ 3am đến 11am. Tưởng nghe lộn, tôi hỏi có phải 3 giờ vào buổi sáng sớm không? Anh nói yes. Một nhân viên khác cười khi thấy tôi trố mắt và phát biểu “quá ngạc nhiên!”. Rồi tôi nói với anh ta khách sạn này có nhiều thứ gây ngạc nhiên, như vào cửa khách sạn phải qua khâu an ninh xét xách tay và scan người như ở phi trường, anh ta chỉ biết cười với khách.

Toàn là những ấn tượng mạnh trong ngày đầu tại đất nước huyền bí này. Một ấn tượng ra vẻ không tốt đẹp như  bài mở đầu chuyến du lịch Ai Cập này. Phải đợi thêm vài ngày nữa xem sao?

 

Bất ngờ

Hôm nay, khi viết bài này, tôi mở lại tài liệu đồng thời rà lại những email cũ, tình cờ gặp cái email của một người mà  tôi không biết nên đã delete nhưng chưa xóa hẳn. Té ra đây là cái email của người hướng dẫn viên du lịch của công ty Captain Tours mà tôi vừa nói ở trên. Tôi không nhận ra vì địa chỉ email khác với tên tôi vẫn gọi anh trong những ngày anh đưa chúng tôi đi đó đây. Email này gởi cho tôi vài ngày sau khi tôi rời Ai Cập.

Anh xin địa chỉ của tôi và xin tôi gởi bức hình anh chụp với vợ tôi tại đền thờ Hồi giáo xưa nhất ở Ai Cập và Phi Châu, khi vợ tôi và anh ta cùng đứng ở khu vực… dành cho đàn ông!  Tôi cũng có xin địa chỉ của anh nhưng bận rộn, hẹn rày mai nên vẫn chưa gởi hình cho anh ta.

Điện thư viết như sau:

This is Ekramy, your Egyptian tour guide in Egypt, remember me? First of all I want thank you for visiting my lovely country Egypt. I really enjoyed my time with you. I did not feel it as a job, but as we are really.

And I want to ask you about your visit to Egypt? Do you like it? Did you enjoy your time here in Egypt? And what about your flight back to your country? was it comfortable?

I just wanted to say hiiii to you.  And in your next visit to Egypt, in that time, please be my guest  and visit my house.

If you receive my massage, please let me know.

alos send me my photo.

Waiting to hear from you.

* * *

Tuy là thư riêng, nhưng thật ra chẳng có riêng tư gì giữa một du khách và một hướng dẫn viên du lịch nên xin đăng để bạn đọc hiểu rằng ở đâu cũng có người này người nọ, không thể đồng hóa mọi người với một vài người hay vài sự kiện. Anh tour guide mời tôi đến thăm nhà anh ta nếu lần sau tôi trở lại Ai Cập. Lại bị ngạc nhiên nữa.

Tôi không hiểu trọn mọi chữ anh ta viết trong email nhưng hiểu được lòng của anh. Và đó cũng là một trong những kinh nghiệm thú vị của sự đi du lịch.

Hẹn bạn đọc kỳ sau.