Do Thái: Cổ thành Jerusalem, ngược dòng thời gian 2000 năm (kỳ 3)

22 Tháng Mười Hai, 2010 | Do Thái
Cổng Damas Gate vào cổ thành Jerusalem. Hình NHA

Nguyễn Hồng-Anh

***

Một năm ít lắm là hai lần, người Thiên Chúa giáo(*) mừng hai lễ lớn và quan trọng nhất: Giáng sinh và Phục sinh.   Và chỉ còn khoảng hai tuần, họ sẽ mừng lễ Giáng sinh, kỷ niệm ngày Chúa sinh ra trong hang đá Bethlehem, nay là một thành phố thuộc quyền cai trị của Thẩm quyền Palestine.

Bethlelem chỉ cách Jerusalem chừng 10 cây số  do đó, hầu như ai đã tới Jerusalem thì sẽ tới xem “Máng Cỏ” nơi Chúa Sinh ra cách đây 2010 năm.

Lễ Phục sinh diễn ra trong khoảng tháng 4 mỗi năm, đánh dấu ngày Chúa sống lại sau khi bị treo trên thập tự giá tại thành Jerusalem, chính xác theo thánh kinh, tại đồi Golgota (tức Núi Sọ) nằm trong cổ thành ngày nay.

Và cứ mỗi lần đến ngày Chủ Nhật Lễ Lá (Palm Sunday), Lễ Tiệc Ly (Last Super) và Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday), chúng tôi lại được nghe bài phúc âm nói về việc Chúa vào thành Jerusalem trên lưng con lừa được dân Do Thái đón mừng như vị cứu tinh, rồi nghi thức rửa chân trước khi bị bắt trong vườn Gethsemane (sát cổ thành) và sau đó bị vác thập tự giá đi trong (cổ) thành và bị đóng đinh tại đồi Golgotha (Núi Sọ hay Núi Hành Quyết) tức là nơi hiện có Nhà Thờ Mộ Chúa (Church of the Holy Sepulchre) ngày nay.

Khách hành hương ra vào Church of the Holy Sepulchre nơi có mộ Chúa và tảng đá xức dầu xác Chúa. Hình NHA

Một ngày đi bộ trong cổ thành

Jerusalem có hai khu vực, Old Jerusalem và New Jerusalem. Khách sạn Jerusalem Gold chúng tôi cư ngụ thuộc Jerusalem mới, đi bộ mất khoảng nửa tiếng sẽ tới Jerusalem cũ, tức cổ thành nằm trong khu đất rộng một cây số vuông được bao bọc bằng những bức tường cao tới 10 hay 12 mét, ra vào bằng 11 cổng ở tứ phía nhưng hiện chỉ có 7 cổng được mở, xây từ thời đế quốc Ottoman chiếm đóng dưới triều vua Suleiman the Magnificent (1520-1566).

Chắc bạn đọc còn nhớ trong phim Raiders of the Lost Ark, khi Indiana Jones dọa cho nổ chiếc rương thánh tích (The Ark of Convenant) thì kẻ thù của ông vỗ vào chiếc rương mà nói: “Ông và tôi đang kinh qua lịch sử. Đây là lịch sử”. Thật vậy, đây là những gì mà bạn có thể cảm nghiệm khi đặt chân vào cổ thành, đi bộ trên những con đường nhỏ, những ngõ ngách lát gạch đá, bạn không cần biết bạn có thuộc một trong ba tôn giáo không, bạn đang chìm đắm vào lịch sử.

Sau đây là nhật ký đường xa tôi đã ghi nhanh vào buổi tối sau một ngày thăm viếng cổ thành.

Thứ Bảy  24.7.2010

10.00 AM: Cầm bản đồ tổng quát của cả thành phố Jerusalem, đón taxi từ khách sạn tới Old City, mất khoảng 10 phút, giá 50 NIS (1 Úc kim bằng khoảng 3.35 NIS hay Shekel của Do Thái). Ông tài xế này chỉ nói được hai chữ tiếng Anh là five và zero về giá cả.

Ngày Thứ Bảy là ngày Sabbath (hay sabah), xe chạy qua đường phố giờ này như thành phố hoang. Tất cả phố xá đóng cửa, đường vắng tanh, thỉnh thoảng thấy vài chiếc taxi.

Nhưng tới cổng Damas Gate – Roman Plaza, thì không khí khác hẳn. Một thế giới lạ, xô bồ. Xe cộ đậu đầy đường. Nào là xe bus, xe chở du khách, taxi, xe tư nhân.  Các tiệm buôn trước cổng tấp nập du khách qua lại hay vào mua sắm.

Chúng tôi chọn cổng này chỉ là một sự tình cờ trong số 7 cổng của cổng thành đang được mở. Cổng này nằm ở phía nam Cổ Thành.

Vào cổng, cảnh tượng đầu tiên là đủ hạng người và những tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau ra vào cổng. Người Hồi giáo, Do Thái có diện mạo và hình dáng bên ngoài khác hẳn mọi người. Thiên Chúa Giáo khó nhận diện ngoại trừ các tu sĩ  Chính thống giáo thuộc các hệ phái và một số linh mục hay thầy tu Công giáo mặc áo dòng.

Cửa tiệm bít kín hai bên đường những con đường lát đá rộng khoảng từ 3 đến 4 mét, có nghĩa là rất nhỏ, mặt hàng bày tràn ra lối đi. Náo nhiệt không thể tưởng tượng. Nhà tôi thích thú xem một số mặt hàng, thấy rẻ so với Melbourne, như một cái xách thay giá chỉ 25 NIS, tức khoảng 8 Úc kim. Cái giống đi du lịch là như thế, thấy thứ gì ở xứ lạ cũng hấp dẫn hơn ở quê nhà nhưng chúng tôi hẹn sẽ mua sau vì không thể mang nặng, dành thì giờ thăm viếng các di tích trước đã.

Đầu tiên, chúng tôi vào Nhà Thờ Mộ Chúa (The Church of Sepulcre) nơi Chúa được chôn. Đông khách hành hương từ mọi miền trên trái đất. Cảnh tượng xúc động, nhất là trước tảng đá nơi được cho rằng ngày xưa xác Chúa được rửa và xức dầu trước khi liệm. Tảng đá nhẵn thín, có lẽ do người ta hôn và sờ quá nhiều.

Khách hành hương đặt nến hay đồ dùng cá nhân lên tảng đá được cho đã đặt xác Chúa để xức dầu trước khi liệm. Hình NHA

Người viết cũng đã bị cuốn hút vào khung cảnh tôn giáo như một khách hành hương nên cũng đã đặt cái mũ, cái ba-lô cũ kỹ đã từng theo tôi lê gót nhiều nơi với lời thầm xin cho được may mắn, bình yên trong những chuyến du lịch sắp tới. Trong khi đó, nhà tôi cũng bắt chước các khách hành hương ra bên ngoài mua nến, tràng chuỗi đặt lên tảng đá như là dấu kỷ niệm của một chuyến tới đất thánh.

11.15 AM: Xếp hàng lâu đến 1 tiếng 10 phút để vào thăm mộ của Chúa, được xem là nơi xác Chúa đã nằm ở trong đó 3 ngày cho đến khi các phụ nữ tới thăm và thấy xác không còn nữa.

Đứng xếp hàng lâu thì phải tìm cách trò chuyện cho đỡ buồn. Gặp mẹ con cô gái Do Thái gốc Nga đi viếng Mộ Chúa để mang ít đồ linh thiêng từ đất thánh về quê cũ tặng bà con. Từ  Jerusalem bay về Nga chỉ mất vài tiếng đồng hồ nên họ không thể tưởng tượng chúng tôi đã bay cả hai chục tiếng từ Úc sang. Vào trong chỉ được phép đứng xem chừng một hai giây, đủ thời gian để sờ lên ngôi mộ nhỏ trông như bàn thờ và phải ra ngay để người khác vào, chậm thì sẽ bị an ninh kéo ra ngay. Dĩ nhiên là không được phép chụp hình ở bên trong, có lẽ tránh sự bớt tôn nghiêm nếu du khách đứng chụp hình.

Ra bên ngoài, gặp một thầy dòng và bạn của ông, chúng tôi hỏi thăm lối dẫn đến các chặng đường thánh giá. Bỏ ý định tới cổng Jaffa Gate nằm ngược ở phía bên kia hầu kiếm thêm thông tin, các tờ chỉ dẫn về cổ thành của Information Centre. Đành nhắm mắt đi đại, hỏi người qua đường hay dân địa phương để đỡ mất thì giờ.

Trước hết, chúng tôi gặp chặng đường thánh giá (Via Dolorosa) số 8, sau đó lần mò hỏi người qua lại các chặng đường kế tiếp, nhưng họ chỉ bậy bạ (hay mình hiểu nhầm) nên cuối cùng lọt vào chặng đường số 9, nơi đây có nhà thờ Coptic Orthodox Church do nữ hoàng Helen xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 4. Nhà thờ này bây giờ có tên St Antony Coptic Monastery của Thượng phụ Chính thống giáo Coptic tại Jerusalem.

Nghỉ ngơi cho đỡ mệt ngay chặng đường số 9 nơi Chúa ngã lần thứ ba, nơi đây có nhà thờ đạo Coptic do nữ hoàng Helen xây vào thế kỷ thứ 4. Hình NHA

2.00 PM:  Nhà tôi thấm mệt vì nắng, vì đi nhiều và đường đầy ngập người nên ngồi dựa tường bên cạnh cây thánh giá bằng gỗ thật lớn, nghỉ và chợp mắt trong chốc lát để lấy sức đi tiếp.

Tình cờ tôi nghe một ông hướng dẫn viên đứng trước mặt giải thích cho một cặp vợ chồng bằng tiếng Anh nên lắng tai “nghe chùa” và được biết rằng nơi này, ngay chỗ vợ tôi ngồi nghỉ là chặng đường số 9, nơi Chúa ngã xuống đất lần thứ ba. Và các chặng đường 10 đến 14 nằm ở bên trong nhà thờ, là nơi chúng tôi đã đi qua mà không biết đấy là chặng đường thứ mấy.

Cũng nhờ “nghe lén” ông hướng dẫn viên giải thích cho du khách mà tôi được biết thêm đồi Golgotha nơi ngày xưa Chúa bị đóng đinh được mẹ của vua Constanstine Đệ I là nữ hoàng Helen phát hiện vào năm 325. Nữ hoàng cũng cho rằng chính bà đã tìm ra Thánh giá Thật (True Cross) của Chúa. Vì vậy con của bà đã xây Nhà thờ Mộ Chúa ngay trên khu này.

Đó là những gì sách vở ghi lại và một số thông tin tôi đọc ở nhà thờ của nữ hoàng Helen.

Tôi cũng nghỉ dưỡng sức vài phút, xong tiếp tục đi xuống để xem các chặng đường khác và xem vườn Gethsemane ở gần hướng này nhìn thấy trong bản đồ.

Đây là khu vực phía đông, khu của người Hồi giáo và của các giáo phái thuộc Thiên Chúa giáo như Armenia, Coptic. Cảm thấy hơi đói nên ngồi ăn ở một tiệm nấu kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Đĩa steak (gà) 45 NIS, nước uống đồng hạng 10 NIS, không có bia rượu là chuyện đương nhiên.  Tiệm quảng cáo “nếu bạn không hài lòng, không trả tiền”. Ăn khá ngon, có lẽ phần nào do đói vì đã hơn 3 giờ chiều.

Vũ Hà ngồi ăn ở một quán một Thổ Nhĩ Kỳ và nhìn lính Do Thái tuần tra các con đường trong cổ thành. Hình NHA

Ngồi ăn xem lính Do Thái (có cả lính da đen, nữ quân nhân) canh gác mặt mày lạnh lùng, súng kè kè bên người, kiểm soát và hỏi giấy tờ những thanh niên có vẻ là Á Rập đi qua lại trên đường. Thấy thương hại và tội nghiệp cho người Palestine nhưng cũng thông cảm cho người Do Thái vì phải giữ an ninh cho họ, bảo vệ dân chúng (gồm cả người gốc Á Rập) và nhất là du khách. Nhưng khi các du khách Á Châu xin chụp hình chung thì lính Do Thái cười vui vẻ.

Trước tiệm ăn có dấu hiệu chặng đường thứ 4. Chúng tôi nhìn từng đoàn khách hành hương lần lượt vác thánh giá đọc kinh một cách sốt sắng bên cạnh những chiếc xe chở hàng, tiếng búa gỏ  in ỏi của thợ thầy sửa sang tiệm buôn. Cảnh linh thiêng tôn nghiêm và trần tục bát nháo lẫn lộn này có lẽ chỉ xảy ra ở đất thánh Jerusalem.

Người Palestine (đạo Hồi) chung sống với những người theo đạo Thiên Chúa ở cổ thành là chuyện đã có từ xưa, hàng trăm năm hay hơn cả ngàn năm. Nhưng bây giờ cũng trong cổ thành này họ lại (phải) sống chung với người Do Thái. Đa văn, đa sắc tộc, đa tôn giáo: chỉ có ở Jerusalem!

4PM: vào xem Austrian Hospice of The Holy Family đối diện với tiệm ăn cạnh chặng đường thứ 4. Tòa nhà với hai cột cờ treo quốc kỳ Áo và Vatican dùng làm dưỡng đường của Giáo hội Áo, khai trương vào năm 1863 tại Palsetine là dấu hiệu sự cạnh tranh của Áo với Pháp để tạo ảnh hưởng của đạo Công giáo tại đất thánh song song với các giáo hội Thiên chúa giáo khác như Chính Thống Nga, Chính Thống Hy Lạp, Anh giáo.

Từ sân thượng  của Austrian Hospice chụp được hình của cổ thành phía đông và đồi Cây Dầu, thung lũng Josafat Valley nơi Giáo hoàng Benedict 16 làm lễ khi thăm Jerusalem.

Cũng trên sân thượng này, chúng tôi chụp nhiều hình khu lân cận trong đó rõ nhất là Dome on The Rock của đạo Hồi. Nghỉ ngơi chừng nửa tiếng, đến gần 4 giờ rưỡi bắt đầu nghe loa ở các tháp đua nhau tụng kinh, những âm thanh nghe kỳ lạ, là lần đầu tiên chúng tôi được nghe trực tiếp. Hết loa ở tháp này đến loa tháp khác, có lẽ phần lớn là của Hồi giáo. Không biết có loa phóng thanh của Do Thái giáo hay không bởi chúng tôi không hiểu cả hai ngôn ngữ Arab và Hebrew?

Đi bộ lần xuống dốc hướng đông, bắt đầu gặp các chặng đường thứ 6, 5, 2 và 1. Thế là chúng tôi đã hành hương ngược đường, bắt đầu bằng chặng đường thứ 14 (trong Nhà thờ Mộ Chúa) vì cái tội không có bản đồ. Đến chặng thứ 2, có một ông chỉ vào hai ngôi đền thờ bên trong, gạ bán tập hướng dẫn các chặng đường với giá 4 NIS. Đã trễ, nhưng mua để làm kỷ niệm.

Đi xuống dốc để ra bên ngoài, gặp một thanh niên người Ấn vừa đi ra cổng một nhà thờ, giới thiệu nên vào xem cái giếng Bethesda, nơi ngày xưa Chúa lấy nước chữa bệnh cho một người trong ngày Sabah.

Vào thăm nhà thờ có cái giếng Bethesda, nơi ngày xưa Chúa lấy nước chữa bệnh cho một người trong ngày Sabah, gặp cha George người Pháp đang nghỉ hè ở đây. Hình NHA

Vé vào cổng 7 NIS một người (gọi là dâng cúng để bảo trì). Gặp Cha George người Pháp. Cha nói đang nghỉ hè 2 tháng và sẽ trở về Pháp trong tháng 8. Cha nói ở bên trong đang có thánh lễ của người Tàu, có thể tham dự. Hôm nay là ngày Thứ Bảy, chúng tôi xem lễ bù cho Chủ Nhật.

Chụp nhiều hình  về các di tích trong khu này. Nhưng tuyệt vời nhất là ở đây có nhiều cầu tiêu và rất sạch sẽ. Thật may mắn vì bụng cứ đau từ ngày ăn đồ ăn ở Ai Cập, dù bạn bè đã cảnh cáo giống Việt Nam.

6.45 PM: ra khỏi cổng Lions Gate để tới nhà thờ Gethsemane Basilica với ý định viếng vườn cây dầu nơi Chúa cầu nguyện trước khi bị nộp. Một người Palestine chỉ đường, nói nơi đó có những cây dầu sống tới 3000 năm tuổi. Ông ta hỏi chúng tôi từ đâu đến và nói “Welcome to Jerusalem”. Nhưng cửa nhà thờ đã đóng. Mùa hè mở cửa 8-12AM, và từ 2.30-6PM.

Tiếp tục đi lên ngọn đồi có tên Olives Cetemery nằm trong Núi Cây Dầu (Olives Mount). Ngọn đồi hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ trắng mà từ bên Austrian Hospice nhìn qua tưởng là núi đá có những tầng lớp chồng lên nhau.

7 PM: Lên đỉnh núi, ngắm được toàn cảnh thành phố Jerusalem mà ông người Palestine hồi nãy nói đứng nhìn giống như xem lòng bàn tay. Tiếc một điều mặt trời chiếu ngược nên không chụp hình được. Kinh nghiệm cho du khách là nên lên đồi cây dầu vào buổi sáng để chụp hình. Tuy nhiên đợi mặt trời lặn, chụp hình cũng có cái hay của nó.

7.30 PM: đi bộ trở về, vào cổ thành bằng cổng Lions Gate, lúc  này đã 7.50PM. có nghĩa đoạn này đi mất 20 phút.

Sau đó tìm đường ra khỏi cổ thành nhưng cứ bị mấy cậu bé Palestine lẽo đẽo đòi chỉ đường, nhưng thấy bộ điệu các cậu bé đáng nghi, vì buổi sáng chúng tôi đã bị một hai cậu chỉ bậy rồi cười.

Đi một đoạn nữa thì tình cờ lọt vào khu Bức Tường Than Khóc còn gọi là Bức Tường Phía Tây của người Do Thái, nơi tôi dự tính sẽ xem trước tiên trong ngày. Cảnh sát Do Thái scan túi ba lô khá kỹ.

Thấy bức tường sáng rực với hàng trăm hay cả ngàn người đứng cầu nguyện, chúng tôi cứ đi một mạch tới xem để tiết kiệm thời gian bỗng có một người đi theo vỗ vào túi xách của tôi.  Tưởng bị an ninh hỏi, không ngờ là một người bình thường trong lễ phục Do Thái bảo vợ tôi phải qua khu đàn bà vì nơi đây chỉ dành cho đàn ông.

Ngắm mặt trời lặng trên cổ thành Jerusalem từ đỉnh đồi Rechavam Observation Point. Hình trên, vòm màu vàng cuối chân trời là đền thờ Hồi giáo nổi tiếng Dome on the Rock. Hình NHA

Tôi vào đến tận tường và thấy những mảnh giấy người ta nhét vào khe tường  như Giáo hoàng Benedict 16 cũng đã làm trong chuyến thăm công du chính thức lần đầu tiên của một vị giáo hoàng La Mã. Tôi sờ bức tường còn lại của ngôi thánh đường đã bị tàn phá gần hai ngàn năm nhưng không dám chụp hình vì không biết có được phép không.

Một du khách có vẻ là người Pháp trước đó bảo tôi hãy hẹn vợ ở một chỗ nào đó kẻo trời tối dễ bị lạc đường. Lúc này tôi lại gặp ta ông ở bên trong gần bức tường. Thấy tôi đi ra, ông nói một khi bước qua khỏi vị trí có cái khung chặn là phải đội nón, đội nón gì cũng được, nếu không có thì lấy  cái nón Do Thái người ta để sẵn trong thùng trước lối vào.

Tôi nói phải tìm vợ đưa cho cái mũ vì tôi đang giữ mũ của vợ tôi nhưng ông ta bảo đàn bà không cần. Ông giải thích cho tôi rằng bình thường người ta được phép chụp hình Bức Tường Than Khóc nhưng hôm nay là ngày Sabah, là ngày nghỉ lễ, không được làm việc, do đó không được chụp hình. Ông ta nói đôi khi du khách cũng có thể gặp lôi thôi vì không hiểu phong tục luật lệ.

Hơn 8.30PM:  đón taxi tại đây về chỗ trọ, lần này ông taxi đội mũ Do Thái nói ít tiếng Anh mở máy tính tiền và hỏi muốn tính theo đồng hồ hay tính giá bao, một chuyến 50 NIS.

9.00PM: về đến khách sạn. Chuyến đi thăm cổ thành kéo dài 11 tiếng đồng hồ, chúng tôi xem và thấy được nhiều thứ, hai thánh tích quan trọng của Công giáo và Do Thái giáo nhưng không có đủ thì giờ để xem thánh tích của Hồi giáo (ngôi đền nóc màu vàng). Bạn đọc khi đi du lịch tự túc, nên xem giờ mở cửa của các ngôi đền để tránh tới nơi mà cửa đã đóng.

Chúng tôi tạm hài lòng, nhưng vẫn nói với nhau sẽ dành thêm nửa ngày nữa trở lại cổ thành Jerusalem để xem cho đã.

Thăm bức tường than khóc của người Do Thái giáo. Đàn ông và phụ nữ đứng riêng. Hình NHA

—————————————

(*) Nhân tiện, người viết cũng xin giải thích để một số người không nắm vững đạo Thiên Chúa tránh lầm lẫn khi gọi các tôn giáo thuộc Thiên Chúa giáo.

Thiên Chúa giáo (Christian/ Christianity) bao gồm những người thờ Jesus Christ (Giê-su Ki-tô) trong đó có các tôn giáo như Công giáo (Catholic); Chính Thống giáo (Orthodox) như Chính Thống giáo Nga, Chính Thống giáo Hy Lạp; Anh giáo (Anglican); Tin lành (Protestant) với nhiều hệ phái như Baptist, Methodist, Presbyterian, Seventh-day Adventist v.v… Chỉ có Tin lành khác với các tôn giáo nói ở trước vì họ không tin (protest) một số tín lý như  Đức Mẹ Đồng Trinh, không cử hành những mục vụ như lễ Misa với làm phép Thánh Thể (rước lễ), cũng không có hệ thống tăng lữ như linh mục, giám mục, thượng phụ, hay hồng, giáo hoàng, thượng phụ v.v… Và ngay trong Công giáo cũng có Công giáo La Mã (Roman Catholic có giáo chủ là giáo hoàng ở La Mã với số tín đồ trên 1 tỉ người) hay Công  giáo Đông phương như  Coptic Catholic (ở Alexandria, Ai Cập) và Maronite Catholic (ở Li-Băng) là những hệ phái Công giáo có hiệp thông (communion) với Giáo hoàng ở La Mã.

Nhiều nhà khoa bảng, nhà báo Việt Nam lẫn lộn các tôn giáo trong hệ thống Thiên Chúa giáo nên chẳng hạn, đôi khi muốn phân biệt người Công giáo (La Mã) với Anh giáo thì gọi là người theo đạo Thiên Chúa và người theo đạo Anh giáo. Gọi như thế không những không chính xác mà còn sai, vì Công giáo và Anh giáo hay Tin lành đều là người Thiên Chúa giáo cả (Christians).

Và danh từ Công giáo (Catholic) xuất xứ từ tiếng La Tinh Catholicus hay tiếng Hy Lạp Katholikos, có nghĩa là phổ quát (universal) chứ không phải là công cộng (public) như một số người lầm tưởng.

TVTS số 1289, Wednesday 8.12.2010