Do Thái: Viếng Bethlehem năm 2010 (kỳ 4)

08 Tháng Mười Hai, 2010 | Do Thái
Ngôi sao 14 cánh, đây chính là nơi “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê-Lem…”. Hình NHA

Nguyễn Hồng-Anh

***

Bethlehem -hay gọi và viết bằng tiếng Việt Bêlem-  là địa danh quá quen thuộc với hầu hết mọi người Thiên Chúa giáo. Từ nhỏ, cứ vào dịp Giáng sinh tôi lại được nghe và được hát bài “Hang Bê-lem” với điệp khúc mở đầu:

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê-lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng
Đàn hát réo rắt tiếng hát
Xướng ca dư âm vang xa
Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta
Người hỡi hãy kíp bước tới
Đến xem nơi hang Bê-lem
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn…

Bản thánh ca do nhạc sĩ Hải Linh sáng tác vào năm 1945 đến nay vẫn còn là bài hát thịnh hành được hát trong hầu hết mọi nhà thờ vào thánh lễ vọng Giáng sinh, với phiên khúc:

Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần
Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Bê-lêm thiên thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa.

Sau này, khi đã ở Úc cứ mỗi dịp Giáng sinh tôi được chiêm ngưỡng các hình ảnh trang nghiêm và linh thiêng về lễ Giáng sinh ngay tại Nhà thờ Giáng sinh (Nativity Church) nơi Chúa đã sinh ra, nhưng đôi lúc cũng được xem những bức ảnh ghi lại các cuộc ẩu đả giữa các tu sĩ thuộc các hệ phái Thiên Chúa giáo khi họ tranh giành nhau để trang trí hay hành lễ tại nơi tôn nghiêm này.

 

Nửa ngày thăm Bethlehem

Ngày thứ nhất trên đất Do Thái, chúng tôi thăm nơi Chúa chết, tự đi một mình, trọn một ngày. Ngày thứ hai, chúng tôi chọn đi thăm nơi Chúa sinh ra. Nhưng làm sao đến đó, dù biết rằng chỉ cách Jerusalem chưa tới 10 cây số.

Tôi hỏi Nasser, nhân viên tiếp tân của khách sạn Jerusalem Golden. Anh ta bảo cần gì phải tìm kiếm đâu xa, bởi nếu muốn anh sẽ giới thiệu chúng tôi với một công ty đi tour. Hiện đã có 1 người ghi danh, có được 3 người thì sáng hôm sau sẽ lên đường:  giá $50 Mỹ kim mỗi người, đưa tới Bethlehem và sau đó xem Núi Cây Dầu (Mount Olives), chuyến đi dài khoảng 4 tiếng. Tôi nói chúng tôi đã đi bộ lên khu nghĩa trang của núi Olives ngắm thành phố, nhưng Nasser nói ở trên núi còn nhiều chỗ hay hơn và anh sẽ dẫn chúng tôi đi xem.

Tôi thấy giá $50 đô la cũng dễ chịu, đỡ mất công dò hỏi người đi đường, vả lại nghe nói Bethlehem thuộc quyền cai trị của người Palestine, sợ gặp phiền toái vì lạ nước lạ nôi.

Nasser có khuôn mặt và nước da trông giống người Ý hay nam Âu, không để râu như người Á Rập hay đội mũ gắn trên chóp đầu theo truyền thống Do Thái giáo. Anh chỉ  cho biết anh là người Thiên Chúa giáo (Christian) và tôi nghi là Công giáo. Bởi thấy anh thường gọi những người Hồi giáo là brothers, khuyên tôi không nên  qua thành phố Tel Aviv vì ở đó xô bồ, không an toàn lắm và vì ở Tel Aviv người ta giàu có nên hãy đi xem những khu như Bethlehem như là một hình thức giúp người dân xứ đó nên đã có lần tôi hỏi sinh quán, nguồn gốc của anh.

Một trời một vực: apartment bảy tám triệu đô la ở ngoại thành Jerusalem (trái) và một apartment trông như vi-la trên một trăm ngàn ở Bethlehem

Nasser, 25 tuổi,  cho biết anh sinh đẻ tại Ý, cha mẹ là người Li Băng và Ai Cập, nói được 5 thứ tiếng (thông thạo tiếng Á Rập, Do Thái) nhưng tiếng Anh của Nasser hơi nặng, khó nghe dù anh ta nói rất trôi chảy. Để ý cách nói của anh là có thể đoán anh ta không thích Do Thái. Sự việc cũng dễ hiểu, vì nghe nói ở trong cổ thành Jerusalem có nhiều khu vực, nhưng người Do Thái ở riêng biệt trong khi người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo chung sống hòa bình với nhau, từ hàng trăm năm trước.

9.00 AM Nasser đã chờ sẵn chúng tôi bên ngoài khách sạn, không áo sơ mi cà vạt lịch sự như hôm qua mà chỉ mặc áo thun, quần jean. Anh cho biết ngoài làm cho khách sạn anh còn làm cho một công ty hướng dẫn du lịch. Anh bảo chúng tôi và một thanh niên du khách người Hồng Kông lên một chiếc xe hơi do một người khác lái, còn anh sẽ chạy xe theo sau.

Xe chạy chừng 5 phút, tôi bắt chuyện với thanh niên người Hoa và khi nghe anh ta nói rằng ở Do Thái, đi đâu cũng nên mang theo passport thì tôi mới sực nhớ là mình sắp tới một lãnh thổ khác và dĩ nhiên phải có sổ thông hành.

Trước khi yêu cầu tài xế vòng xe lại khách sạn, tôi điện thoại di động cho Nasser, xin lỗi người khách đi chung vì làm anh mất thêm thời gian. Có đủ giấy tờ cần thiết, Nasser bảo tất cả chúng tôi qua xe của anh để anh đưa đi. Xe của Nasser quá tệ, nhiều nơi bị móp méo, chẳng có máy lạnh, cửa luôn được mở để thoáng khí dưới cái nắng gay gắt của mùa hè vùng sa mạc và để Nasser gạt tàn thuốc ra bên ngoài vì anh hút thuốc liên miên.

Xe chạy ra khỏi thành phố, nhìn thấy bên tay phải có những dãy apartment mới, hỏi thăm thì được Nasser cho biết nhà ở khu này rất đắt, một căn từ 7 đến 8 triệu đô la. Bên trái là một sân vận động, đó là những gì tôi biết được trên tuyến đường xa lạ.

Mất khoảng 30 phút, chúng tôi đến Bethlehem, thắc mắc tại sao lính Palestine không hỏi giấy tờ, Nasser nói vào không hỏi, nhưng họ sẽ hỏi khi đi ra.

Ở phía ngoài, có những căn nhà mới xây xinh xắn trông như vi-la nhỏ,  hỏi giá bao nhiêu, Nasser cho biết chừng một trăm ngàn Mỹ kim mà thôi bởi vì nó thuộc khu vực của người Palestine. Một vùng đất cách nhau chừng 8 cây số nhưng là hai thế giới riêng biệt và giá địa ốc cách nhau một trời, một vực.

Xe tới khu vực Chúa sinh ra, chúng tôi thấy khung cảnh không quá xa lạ hay gây ấn tượng vì hôm qua chúng tôi đã có dịp đi suốt ngày ở cổ thành Jerusalem. Vẫn là những căn nhà hai tầng cổ xưa vách bằng đá nằm hai bên con đường nhỏ, những con hẻm lát gạch đá xe không thể vào được. Nasser dẫn chúng tôi vào sâu bên trong. Anh chào những người người đàn ông ngồi nhàn hạ trên những chiếc ghế gỗ trước cửa nhà. Có người đứng dậy ôm anh. Gặp một người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt Á Rập, Nasser  nói đây là người sẽ hướng dẫn chúng tôi đi xem Nhà thờ Giáng sinh và hang Bethlehem.

Người Á Rập giới thiệu tên, nói ông ta đạo Hồi nhưng với người Thiên Chúa giáo là anh em. Chạm với thực tế của Bethlehem, tôi cảm nhận ngay lối sống của một cộng đồng đa văn, đa chủng và đa tín ngưỡng, một cộng đồng mà vì sự trớ trêu của lịch sử nên cả ba tôn giáo lớn và độc thần lại chung sống hay phải chung sống với nhau dù trong suốt hai ngàn năm qua đã từng có những cuộc xung đột đẫm máu giữa những người địa phương, giữa các tôn giáo hay những cuộc xâm lăng bởi những thế lực bên ngoài, những đế quốc thuộc Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo.

Cách nhau một bãi đậu xe và hàng rào di động: Đền thờ Hồi giáo Umar (trên) đối diện với Quảng trường Máng cỏ của Thánh đường Giáng sinh. Hình NHA

Sự đa dạng về tôn giáo hiển hiện ngay trước mắt bởi trước khi thấy nhà thờ Chúa sinh ra thì du khách đã thấy ngay tháp nguyện đường của Hồi giáo (minaret) đối diện với Quảng trường Máng cỏ (Manger Square). Đây là đền thờ Hồi giáo duy nhất ở Bethlehem được xây vào năm 1860  để tưởng nhớ chuyến viếng thăm Bethlehem vào năm 637 của Umar ibn al-Khattab, vị caliph thứ hai của Hồi giáo sau khi Tiên tri Muhammad qua đời.

Đền thờ Umar hầu như muốn “che khuất”  ngôi Thánh đường Giáng sinh dù cách nhau một quảng trường mà nếu không có lễ lạc, dùng làm bãi đậu xe, như khi chúng tôi đến thăm viếng. Không ai có thể tưởng tượng một bề ngoài quá tầm thường, thiếu tôn nghiêm (trông như pháo đài hay nhà tù) lại là nơi tôn thờ Chúa đã sinh ra.

Thật vậy, đứng trước “cửa” vào nhà thờ mà người vào bên trong phải lom khom, cúi đầu mới vào được, người hướng dẫn cho chúng tôi biết ngôi thánh đường hiện nay đã được xây lại nhiều lần sau những cuộc tàn phá, chiến tranh. Ông chỉ cho chúng tôi những dấu vết còn lại chứng tỏ cánh cửa vào nhà thờ Giáng sinh ít ra đã được làm lại hai lần. Nhà thờ này được nữ hoàng Helena mẹ của vua Constantine I cho xây vào thế kỷ thứ 4 sau  Công Nguyên. Helena được các giáo hội Thiên Chúa giáo tôn thờ như một vị thánh.

Cách mặt đất chừng 4 mét là đường gờ nhô ra của một khung cửa kiểu Byzantine. Cửa này bị lấp để xây khung cửa mái vòm kiểu Phục hưng  thấp hơn, cao chừng 2 mét.  Và cuối cùng là khung cửa hiện nay hình chữ nhật cao hơn 1 mét. Ông này cho biết có một thời nhà thờ trở thành một thứ chuồng ngựa, lạc đà vào trú nên người ta đã xây khung cửa thật thấp để cho ngựa và lạc đà không thể vào được! Muốn thăm viếng, dự lễ trong đền thờ cổ kính này, một em bé chừng mười tuổi cũng đã phải cúi đầu mới vào bên trong được.

Khách hành hương khom lưng và “cửa chính” của thánh đường nơi Chúa giáng sinh. Hình NHA

Vào giữa nhà thờ chúng tôi thấy có một cái hầm  rộng và sâu có thể để lọt ba cái quan tài. Nhìn qua tưởng là một công trình xây cất dở dang nhưng người hướng dẫn cho biết đấy là những hoa văn tìm thấy khi đào nền nhà thờ, chứng tỏ Thánh đường Giáng sinh hiện nay được đã được xây lên trên một thánh đường cũ. Hoa văn của nền nhà bằng gạch bông trông vẫn như mới, được cho biết có từ thời nữ hoàng Helena.

Cuối nhà thờ là cung thánh nơi đang diễn ra thánh lễ của tín đồ Chính thống giáo  Hy Lạp. Hôm nay là ngày Chủ Nhật nên sẽ có nhiều lễ của nhiều tôn giáo khác nhau, và giữa mỗi thánh lễ có 5 phút “bàn giao” mà du khách bất ngờ như chúng tôi có thể vào xem Máng Cỏ được nên người hướng dẫn hối thúc chúng tôi phải đi nhanh kẻo hụt là hết được chiêm ngưỡng Máng Cỏ nơi Chúa sinh ra (Grotto of Nativity).

Vũ Hà xem hoa văn sàn nhà thờ cũ bị chôn vùi dưới đất Thánh đường Máng Cỏ trước khi vào xem hang đá và đặt tay lên ngôi sao 14 cạnh, nơi hơn 2000 năm trước Chúa giáng trần. Hình NHA

Quẹo tay trái, chúng tôi được đưa xuống các bậc cấp của một cái hầm, nghi ngút hương khói với những bình hương treo chằng chịt quanh tường, trên trần hầm. Sàn hầm được làm bằng đá cẩm thạch trắng. Trước mặt là một bàn thờ nhỏ, bên trái là ô hình chữ nhật, bằng một lò sưởi củi lớn, ở trên là máng cỏ, dưới là một mặt phẳng có ngôi sao bạc 14 cánh với giòng chữ bằng tiếng La Tinh “Hic de Virgine Maria Jesus Christus natus est” có nghĩa “tại đây, Trinh nữ Maria đã sinh Giêsu Kitô”. Giữa ngôi sao có lỗ trống hình tròn đường kính chừng 15cm. Trên ngôi sao là những lư hương bằng đồng và bạc.

Hai nhân viên an ninh mặc sắc phục đứng hai bên bàn thờ có hình ngôi sao đó để giữ trật tự và cho du khách tới quỳ lạy hay đứng chụp hình, mỗi người có thể đứng chừng nửa phút. Khu vực này hẹp, chỉ có thể cho 5, 6 người đứng cùng một lúc. Người hướng dẫn bảo chúng tôi hãy nhanh lên để ra khỏi hầm cho người khác vào.

Hang Bê-lem: hai nhân viên an ninh canh chừng máng cỏ (phần trên đã được che) và ngôi sao bạc 14 cánh (phần dưới) nơi được cho là Chúa sinh ra. Hình NHA

Nhà thờ này hiện do Giáo hội Chính thống cai quản nhưng có sự thỏa thuận cho các giáo hội khác được đến cử hành phụng vụ, và mở của cho mọi tín hữu Thiên Chúa giáo và khách du lịch đến viếng và tham quan.

Các giáo hội Thiên  Chúa giáo mừng ngày Chúa ra đời khác nhau. Người Công giáo (cũng như Tin Lành, Anh giáo) mừng Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Người Chính thống Hy Lạp mừng Giáng sinh vào ngày 6 tháng Giêng và Chính thống giáo Armenian mừng vào ngày 18 tháng Giêng. Như vậy Bethlehem nói chung và Nhà thờ Giáng sinh nói riêng có dịp mừng lễ Giáng sinh kéo dài hơn 3 tuần. Không có nơi nào trên thế giới tại một địa điểm mà có lễ Giáng sinh kéo dài như vậy.

Một thánh lễ của Chính Thống giáo đang diễn ra trong khi các du khách vào viếng máng cỏ. Bê-Lem nói chung và Nhà thờ Giáng sinh nói riêng có dịp mừng lễ Giáng sinh kéo dài hơn 3 tuần (25 tháng 12, ngày 6 tháng Giêng và 18 tháng Giêng) Không có nơi nào trên thế giới tại một địa điểm mà có lễ Giáng sinh kéo dài như vậy. Hình NHA

Ra khỏi hang Bethlehem, chúng tôi đứng quan sát và chụp thêm một số hình của Nhà thờ Giáng sinh, rồi theo Nasser đi xem những tiệm thủ công, nhìn những người thợ cắt đục và khắc những bức tượng bằng gỗ olives, và xem các cửa tiệm bán đồ kỷ niệm.

Những bức tượng mô tả về Giáng sinh giá từ vài chục đến trên một ngàn mỹ kim nếu mua trọn bộ máng cỏ lớn nhất!

Chúng tôi hỏi giá một bộ máng cỏ trung bình, nhưng nghe cũng giật mình vì nghĩ rằng quá đắt. Ông chủ nói với một bộ máng cỏ như vậy thợ làm mất cả 6 tháng. Bà chủ chấp nhận hạ giá chút đỉnh, nài nỉ chúng tôi mua, nói hôm nay là ngày Chủ Nhật, chúng tôi và họ đều là một gia đình Thiên Chúa giáo với nhau nên bà không nói thách. Trả giá, hạ được chút đỉnh, chúng tôi mua một bộ máng cỏ làm bằng gỗ cây olives, gồm 13 bức tượng đẽo gọt khá tinh vi, có đóng dấu chữ Bethlehem.

Thợ tiểu công nghệ (trái) và các sản phẩm đã được làm xong trong đó có một máng cỏ chúng tôi mua để làm kỷ niệm, có lẽ là chuyến đi thăm viếng Bê-Lêm duy nhất trong đời. Hình NHA

Nasser lại dẫn chúng tôi đi bộ tới một ngôi thánh đường gần đó, có tên là “The Church of the Mother of God” trong đó có Milk Grotto (Hang Sữa).

Nội thất ngôi thánh đường được kiến thiết như trong một cái hang.  Nếu không thấy mái nhà thờ và cổng vào, người ta sẽ có cảm tưởng đây là động nằm sâu trong núi. Trong nhà thờ hang động này có nhiều khu vực, bàn thờ để làm lễ và cầu nguyện. Những cột trụ bằng đá cẩm thạch xen kẽ với những bức tượng khác nhau đặt sâu ở trong hóc đá tạo cảm giác linh thiêng, gần gũi với thiên nhiên và dĩ nhiên đẹp hơn hang đá nơi Chúa sinh ra.

Nhà thờ hang động này sở dĩ gọi là hang sữa vì các lớp đá của tường và trần có màu trắng như sữa, nơi tương truyền thánh Giuse và Đức Mẹ đã sống trước khi trốn sang Ai Cập để tránh bị vua Herod bắt.

Ở một góc sâu trong động có dựng bức tranh vẽ cao chừng một mét hình Đức Mẹ đang để lộ vú căng đầy sữa cho hài nhi bú. Nhà thờ hang sữa này cũng là nơi mà người hiếm muộn đến xin cho được có con.

Bên trong Hang động Sữa của Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa với tranh Đức Mẹ cho Chúa Hài Đồng bú. Hình NHA

Trên đường trở về, chúng tôi phải đợi khoảng nửa tiếng ở check point của người Palestine để qua thủ tục kiểm soát. Tài xế Nasser lái xe đi ra bên ngoài trong khi chúng tôi phải đi bộ, xếp hàng qua dãy hành lang để scan túi xách.  Nhưng khi đi qua phòng gác, chúng tôi đưa passport trình cho nữ binh sĩ trẻ người Palestine thì cô ta cười, vẫy tay bảo đi, không nhìn vào sổ thông hành. Có lẽ vì cả 3 du khách có khuôn mặt Á Châu?

Hôm nay là ngày 25.7.2010. Còn đúng 5 tháng nữa mới đến ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh. Chúng tôi đến thăm viếng hang đá giữa mùa nóng trên 40 độ C nên đã không cảm nhận được cái giá rét của ngày Chúa sinh ra. Và dĩ nhiên không thấy được cảnh tuyết rơi trên những cây thông, trên Công trường Máng cỏ mà chỉ thấy mồ hôi trên khuôn mặt của những người chung quanh…

Làm tôi nhớ lại đêm Giáng sinh đầu tiên tại Úc khi dự lễ trong nhà thờ Thánh Giuse ở vùng Collingwood, sau khi Cha Huỳnh San làm lễ xong, ca đoàn Cung Chiều bắt bài hát “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” trong khi các bà cầm quạt phe phẩy để đẩy đi cái nóng của mùa hè nam cực. Đó là đêm 24.12.1981.

* * *

Nhân dịp mùa Giáng sinh, để bạn đọc biết thêm về nơi Chúa sinh ra. Chúc bạn đọc một Giáng sinh vui tươi, hạnh phúc.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 20.12.2010